Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

Người quản lý tinh khôn

(Lc 16,1-13)

quan-ly-bat-trungDụ ngôn chúng ta vừa nghe  thường gây nhiều vấp phạm vì người ta đang cố đề phòng gương mù gương xấu đang khi đó dụ ngôn lại trình bày thái độ của người quản lý tinh khôn như là một điều đáng khuyến khích. Nhưng chủ đích dụ ngôn Chúa muốn nói là “con cái sự sáng, trong vấn đề này, phải xử sự khéo léo như con cái trần gian”.  

Đây chính là sự tinh khôn của người quản lý.

Vậy người quản lý tinh khôn ở chỗ nào?

Người quản lý biết rằng mình sắp mất chức, không muốn làm việc tay chân vất vả, cũng không muốn đi hành khất, cho nên anh đành phải dùng mưu kế để gây thiện cảm với các con nợ. Những người này phải giúp lại anh, ít là tạm thời, cho đến khi anh kiếm được một địa vị tương đương. Sự tinh khôn là ở chỗ đó nên Chúa Giêsu đã nói “và ông chủ đã khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo”. Hơn nữa Chúa còn bảo chúng ta “hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu”.

Vậy chúng ta thử đặt mình vào địa vị tên quản gia bất lương kia để xem mình nên làm gì hầu “sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ”. Cũng như viên quản gia, nếu không biết tiên liệu thì coi chừng chết đói, vì ngoài chức quản gia ra, anh ta chẳng biết làm gì khác để sinh sống, “cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi”. Tốt nhất là nên lợi dụng ngay quyền hạn của chức quản gia mà mình còn giữ được trong thời gian ngắn ngủi  để đầu tư tình cảm nơi mọi người. Cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để gây tình cảm là lợi dụng chức quản gia để làm ơn cho họ. Anh ta nghĩ: ông chủ có rất nhiều con nợ, mình giảm nợ cho họ tất nhiên họ phải mang ơn mình, có tình cảm với mình, nhờ đó, khi mình thất nghiệp, họ sẽ tôn trọng và giúp đỡ mình. Như thế, anh ta đã dùng những tiền của không phải của mình để làm lợi cho mình: dùng tiền của của người khác do mình tạm thời quản lý để mua lấy tương lai cho mình về sau. Hành động khôn khéo nầy cũng đã được một người thực hiện và được ghi lại trong sách xưa như sau:

Thời Chiến Quốc, tại Nước Tề có một vị tướng quốc tài hoa lỗi lạc là Mạnh Thường Quân. Một hôm, Mạnh Thường Quân sai một người bạn tên là Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ.

Trước khi lên đường, Phùng Nguyên hỏi Mạnh Thường Quân rằng:

“Ngài có muốn tôi mua thứ gì bên đó về cho ngài không?”

Mạnh Thường Quân trả lời : “Ngươi xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.”

Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên triệu tập các con nợ của Mạnh Thường Quân lại và yêu cầu họ xuất trình giấy nợ. Sau khi nắm được số liệu giấy tờ, thay vì đòi họ thanh toán hết tiền gốc tiền lãi, Phùng Nguyên nhân danh Mạnh Thường Quân tuyên bố tha hết nợ cho dân và truyền cho các đầy tớ đem tất cả giấy nợ ra đốt sạch.

Thế là trong phút chốc, bao nhiêu nợ nần xưa nay biến tan theo làn khói; tất cả các con nợ thở phào nhẹ nhõm và ghi tâm khắc cốt ân đức của Mạnh Thường Quân.

Mấy hôm sau, thấy Phùng Nguyên trở về tay không, Mạnh Thường Quân hỏi: “Nhà ngươi đã thu được bao nhiêu tiền nợ? Đã mua được thứ gì?”

Phùng Nguyên trả lời: “Theo thiển ý của tôi thì trong nhà của ngài chẳng thiếu gì cả, có chăng là thiếu ơn nghĩa dành cho người túng cực mà thôi. Chính vì thế, tôi đã trộm phép ngài để mua ơn nghĩa cho ngài. Tôi hy vọng là ngài sẽ rất hài lòng”.

Về sau, Mạnh Thường Quân bị hàm oan và bị bãi quan, phải về nương náu tại đất Tiết. Dân chúng nơi đây nhớ ơn vị đại ân nhân đã tha nợ cho họ năm xưa, rủ nhau ra đón rước thật tưng bừng và thân mật.

Mạnh Thường Quân vui sướng quay lại nói với Phùng Nguyên: “Nhà ngươi xem, chắc hẳn đây là cái ơn nghĩa mà trước đây nhà ngươi đã mua giùm cho ta!”

Phùng Nguyên đã giúp Mạnh Thường Quân có được những tình cảm tốt đẹp khi thất thế nhờ cho xóa đi những món nợ năm xưa. Chúa cũng gợi ý cho chúng ta biết dùng những của tạm đời này để mua sắm lấy Nước Trời, tức là hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của mình cũng như  người quản lý trong dụ ngôn đã dùng tiền mà mình đang quản lý để làm ơn làm phúc cho người này người nọ, nhờ đó khi không còn quản lý nữa, ông vẫn được người khác quí trọng, tiếp đón, hậu đãi.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu khuyên chúng ta cũng nên “dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Nghĩa là hãy dùng những của cải tạm bợ – tinh thần cũng như vật chất – mà Chúa trao cho ta quản lý, để mang hạnh phúc cho tha nhân, nhờ vậy, chúng ta sẽ có một kho tàng vĩnh cửu không thể hư nát ở trên trời.

Quả thật, Chúa đã dùng sự tinh khôn của viên quản gia để nhắc nhở chúng ta biết đầu tư cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc, hạnh phúc đích thực của chúng ta.

LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

Xem thêm

19-5-2024 5-48-11 PM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần VII Mùa Thường Niên 20/05/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN