Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2 MÙA PHỤC SINH, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 2 MÙA PHỤC SINH, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 2A PS

Đức Tin của Tôma

ga201931b(Ga 20, 19-31)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Tôma chỉ thấy thập giá

Khi Chúa đề nghị đi Bêtania thăm Ladarô, sau khi được tin Ladarô ngã bệnh, Tôma nói ‘Ta hãy đi để cùng chết…’ (Ga 11,16). Ông không thiếu can đảm nhưng ông là người bi quan. Không hồ nghi Tôma không yêu mến Chúa Giêsu. Ông yêu mến Người đến nỗi sẵn sàng đi Giêrusalem để chết với Chúa trong khi các ông khác do dự sợ sệt. Sự việc xẩy ra làm ông tan nát cõi lòng đến nỗi không muốn ở với ai mà chỉ muốn một mình. King George đệ ngũ thường nói một trong những luật sống của ông là ‘nếu phải đau khổ, hãy để tôi, như con vật thuần thục, chịu khổ một mình’. Tôma giống thế, muốn trực diện với sự đau khổ và sầu muộn một mình. Vì vậy khi Chúa Giêsu hiện ra, không có ông, và khi các tông đồ khác cho ông biết, ông cho rằng đó là điều quá tốt không thể tin, và ông không tin. Giằng co trong sự bi quan, ông nói không tin cho đến khi xem thấy và xỏ tay vào cạnh sườn Chúa. (không thấy nói đến vết đóng đinh chân Chúa vì khi đóng đinh thường không đóng đinh chân mà để lỏng). Một tuần trôi qua, Chúa Giêsu lại hiện ra; lần này Tôma có mặt. Chúa Giêsu biết lòng Tôma. Chúa nhắc lại đúng lời Tôma và bảo ông hãy làm như ông muốn. Lòng Tôma dấy lên lòng yêu mến sốt sắng; và tất cả ông có thể nói là ‘lạy Chúa là Thiên Chúa tôi’. Chúa nói với ông ‘Tôma, con cần xem thấy để tin; nhưng sẽ đến một ngày người ta sẽ thấy bằng đức tin và tin’.[1]

2.Đức tính của Tôma

2.1.Ông phạm một sai lầm: ông một mình, không ở với các ông khác

Ông tìm sự cô đơn không muốn sống với những người khác. Và vì không ở với người khác, nên không được thấy Chúa sống lại. Sống cô đơn một mình, tách lìa khỏi tình liên đới với đồng đạo, ta sẽ mất dịp may. Có những điều có thể xảy ra khi ở với đồng đạo mà không thể xảy ra khi ở một mình. Khi gặp sầu muộn, ta thường khép mình vào thế giới cô đơn, không muốn gặp người khác. Chính lúc đó, bất kể những sầu muộn, ta phải tìm tình thân với dân Thiên Chúa, vì ở đó coi như tốt nhất để trực diện với Người…

2.2.Tôma có hai nhân đức lớn:

2.2.1.Ngay thật

Hiểu, ông nói hiểu; không hiểu, ông nói không hiểu. Đó là tính chân thật không thỏa hiệp của Tôma. Tôma không bao giờ nói hiểu điều ông không hiểu hay tin điều ông không tin. Ông không phải là cây sậy phật phờ trong đức tin. Tôma phải được chắc chắn, và ông có lý. Tennyson viết: “tin tôi đi, nghi ngờ chính đáng mà tin, còn tốt hơn sống nửa lòng tin” (There lives more faith in honest doubt, Believe me, than in half the creed).

2.2.2.Khi đã chắc, ông đi tới cùng

“Lạy Chúa là Thiên Chúa tôi”. Tôma không đi nửa đường. Ông không rêu rao sự hồ nghi để làm trò; ông hồ nghi để được chắc chắn. Và khi chắc chắn, ông đi tới cùng. Ta không biết chắc những gì xẩy ra cho Tôma và những ngày sau đó. Nhưng trong sách ngụy thư gọi là Công Vụ của thánh Tôma ủng hộ về câu truyện của ông. Tất nhiên đó chỉ là hoang đường, nhưng trong đó chắc chắn có đức tính của Tôma.[2]

2.2.3.Câu truyện cuộc đời của Tôma

Sau đây là một phần trong truyện. Sau khi Chúa chết, các tông đồ bắt thăm để chia nhau đi rao giảng Tin Mừng. Đi Ấn Độ trúng vào Tôma. Đầu tiên ông từ chối không đi vì ông yếu lại đường xa, nói “tôi là người Do Thái, sao tôi có thể đến giữa người Ấn và giảng sự thật cho họ?” Ban đêm Chúa hiện ra nói “hãy đi,Tôma, đừng sợ, ơn Ta vẫn ở với con”. Ông vẫn cứng rắn từ chối “Chúa muốn sai con đi đâu cũng được, trừ Ấn Độ”. Xảy ra có Abbanes, người lái buôn đến từ Ấn Độ. Abbanes được vua Gundaphorus sai đi tìm một thợ mộc giỏi đem về Ấn và Tôma lại là một thợ mộc. Chúa Giêsu hiện ra gặp Abbanes tại chợ và nói với ông “ông muốn thuê một thợ mộc phải không?” Abbanes đáp, phải. Chúa Giêsu nói “tôi có một nô lệ làm thợ mộc và tôi muốn bán”, vừa nói, Chúa Giêsu vừa chỉ Tôma. Hai bên đồng ý về giá cả và làm giao kèo. Giao kèo viết “tôi, Giêsu, con ông Giuse thợ mộc, chứng nhận rằng tôi bán người nô lệ của tôi, tên là Tôma cho Abbanes, lái buôn của Gundaphorus, vua Ấn Độ”. Sau đó Chúa Giêsu tìm Tôma, đem đến cho Abbanes. Abbanes nói với Tôma “có phải đây là chủ mày?”; Tôma đáp ‘phải’. Abbanes nói “tao đã mua mày rồi đó”. Tôma không nói gì. Sáng sau, Tôma dậy sớm cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, ông thưa với Chúa Giêsu “con sẽ đi bất cứ đâu Thầy sai, xin theo ý Thầy”. Đó cũng là Tôma già, chậm chắc chắn, chậm đầu hàng, nhưng khi đã đầu hàng, ông đi đến cùng. Về đến Ấn, Tôma được vua Gundaphorus truyền xây một lâu đài. Thay vì xây lâu đài, Tôma lấy tiền ban phát cho kẻ khó hết. Sau thời gian dài, vua đến hỏi Tôma ‘xong chưa’; Tôma đáp ‘đã xong’. Vua truyền cho xem. Tôma nói “bây giờ, vua không thể xem; khi nào vua chết, vua mới thấy”. Đầu tiên, vua hết sức nổi giận, nhưng rồi vua hiểu và bị chinh phục. Vì thế Kitô giáo được truyền sang Ấn Độ. Cũng do đó, giáo hội Tôma được sinh ra tại miền Nam Ấn. (Tác giả vào năm 1977, bị trôi dạt trên biển Đông, được tầu Ấn Độ cứu đưa về Maddras, nay là Chennai. Tại đây có nơi thánh Tôma đã ở xưa, có nơi thánh nhân bị lưỡi đòng của quân thù đâm chết, có nguyện đường trưng bầy những bức ảnh Đức Mẹ thánh Luca vẽ và được thánh Tôma đem sang). Thánh Tôma có gì rất đáng yêu và ngưỡng mộ. Đức tin không hề dễ dàng đối với ông; vâng lời cũng không bao giờ sẵn sàng cho ông. Tôma là người phải được sự chắc chắn, nhưng sẵn sàng trả giá, là người đi tới cùng đức tin và sự vâng lời. Đức tin và vâng lời của Tôma quí hơn bất cứ sự phất phơ và lưỡng lự nào trong đức tin và vâng lời của nhiều người. 30-31: rõ ràng như dự định từ nguyên thủy, Tin Mừng đã chấm dứt sau hai câu này. Chương 21 coi như phần phụ thêm viết sau.[3]

3.Không đoạn nào trong các Tin Mừng tóm tắt mục đích của các thánh ký hơn đoạn này.

3.1.Tin Mừng không chủ ý ghi lại hết những gì trong cuộc đời Chúa Giêsu

Các ngài không theo Chúa từng ngày. Các ngài không cho chúng ta rốt ráo mọi sự Chúa Giêsu đã nói hay đã làm, mà chỉ chọn những gì tỏ ra Chúa giống thế nào và những gì Chúa luôn luôn phải làm.

3.2.Các Tin Mừng không phải là những tiểu sử của Chúa mà chỉ giới thiệu Chúa là Đấng Cứu Thế, là Thầy và là Chúa (Saviour, Master, Lord), là Con Thiên Chúa

Mục đích của các thánh sử không phải là kể tin tức, mà là trao ban sự sống. Đó là bức vẽ về Chúa Giêsu, làm người đọc buộc phải nhận Chúa là người có thể ăn nói, dạy dỗ, hành động, thuyên chữa như thế, không thể là ai khác ngoài Con Thiên Chúa; và trong niềm tin đó, người xem tìm thấy bí mật của sự sống thật. Đọc Tin mừng như đọc một tiểu sử là sai mà phải đọc với tinh thần đi tìm Thiên Chúa.[4]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Từ lâu, gương mặt của Tôma đã cuốn hút nhiều người. Người ta thường nhìn thấy nơi ông, một con người hoài nghi. Chúng ta có thể nhận ra chính mình nơi ông, khi đức tin chúng ta bị lung lay bởi hoài nghi. Ông là anh em sinh đôi của chúng ta và tỏ ra rất đáng yêu. Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ hơn, Gioan giải thích thái độ và cử chỉ của Tôma làm sao. Ông đã không có mặt khi Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ, chiều ngày Phục Sinh và khi Ngài đã thổi hơi trên họ. Mặc dù các môn đệ kể lại cho ông điều họ đã nhìn thấy, ông vẫn không tin. Ông đáp: “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Trong thực tế, Tôma không phải là người hoài nghi, mà là người muốn tự mình cảm nhận tất cả. Ông không bằng lòng với những gì người khác kể lại. Ông còn phải thấy và tự mình sờ chạm và chỉ tin với điều kiện ấy mà thôi.

Gioan mời gọi chúng ta theo gót Tôma để tin vào sự Phục Sinh. Điều kiện mà Tôma đưa ra để tin, chất vấn mỗi người chúng ta. Tại sao ông lại đặt nặng vấn đề các thương tích của Đức Giêsu, những dấu đinh trên bàn tay và vết đâm nơi cạnh sườn Ngài?

Có lẽ ông cần đến bằng chứng rằng Đấng bị đóng đinh và Đấng Phục Sinh là một, vì thật lòng mà nói quả là rất khó tin rằng người chết trong những đớn đau khủng khiếp như thế, lại có thể sống lại một hai ngày sau đó. Ông khó lòng chấp nhận rằng Đấng Messia đã chết trên Thập Giá, một cách bất ngờ, khủng khiếp như vậy. Cho nên ông cần một bằng chứng rõ ràng để tin vào một Đấng Phục Sinh.

Tám ngày sau, các môn đệ lại tề tựu, các cửa đều đóng kín vì sợ người Do Thái. Bấy giờ Chúa Giêsu hiện đến và nói với Tôma: “hãy đặt ngón tay vào đây, hãy đưa bàn tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”[5] 

Tóm lại, chúng ta thấy nơi Tôma: ông nhất định không chịu nói là tin khi ông không tin, không bao giờ nói mình hiểu trong khi không hiểu. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ. Tôma không thuộc loại người chịu thông qua điều chưa hiểu. Ông muốn biết chắc mọi sự. Một người đòi hỏi chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp đi lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến. Chính hoài nghi như thế cuối cùng sẽ đạt đến một đức tin chắc chắn. Và khi biết chắc, ông sẽ đi đến cùng. Ông nói: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Với Tôma không có chuyện nửa vời. Ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã biết chắc rồi, ông hoàn toàn vâng phục. Khi một con người chiến đấu với nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin Đức Giêsu là Chúa, người ấy đạt được sự chắc chắn mà những người dễ dàng chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt tới được.

Hôm nay cũng là ngày kính Lòng Chúa Thương Xót

Khi xin Chị Thánh Faustina người Balan vận động để xin Tòa Thánh thiết lập Lễ Kính Chúa Tình Thương vào Ngày Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, Chúa Giêsu không nói lý do tại sao Người chọn ngày này. Tuy nhiên, căn cứ vào những gì Chúa hướng dẫn chị liên quan đến bức ảnh Chúa Giêsu có hai luồng sáng phát ra từ trái tim Chúa, và hàng chữ “con tín thác nơi Chúa” ở phía chân bức ảnh, chúng ta thấy rất thích hợp với bài Phúc Âm của Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh hôm nay. Bởi vì, trong bài Phúc Âm hôm nay, phần đầu liên quan đến lòng thương xót Chúa (Divine Mercy), khi nói với Tôma: hãy đặt tay vào cạnh sườn Thầy. Cạnh sườn nhắc chúng ta đến hình ảnh quân lính cầm đòng đâm vào cạnh sườn Chúa thì máu cùng nước chảy ra. Những giọt máu cuối cùng Chúa Giêsu cũng hiến dâng hết không còn giữ lại một chút nào.

Điều này nói lên lòng thương xót vô biên của Chúa. Khi cảm nghiệm về nỗi đau của Chúa Giêsu,

Tôma đã được biến đổi. Ông quỳ xuống tôn thờ Chúa. Ông mong muốn dành cuộc đời để loan truyền tình thương Chúa cho nhân loại. Ông hiểu hơn về lòng thương xót của Chúa dành cho nhân loại. Chính vì yêu. Chính vì muốn biểu lộ lòng thương xót cho nhân loại mà Chúa đã can tâm tình nguyện chịu chết trên thập giá. Chính Chúa đã bày tỏ lòng thương xót của mình khi tự nguyện gánh lấy những cực hình, những đau đớn để cứu độ chúng sinh. Chính Chúa không chỉ nhìn thấy những khổ đau của con người để xót xa, chạnh lòng thương mà ngài còn dấn thân phục vụ để xoa dịu nỗi đau của chúng ta.

Chúa xót thương khi sống nghèo khó để đồng cảm với những người nghèo.

Chúa xót thương khi sống phục vụ để xoa dịu nỗi đau cho những kẻ bất hạnh.

Chúa xót thương nhân loại đang chết trong tội lỗi nên đã gánh lấy cực hình để đền thay tội lỗi nhân gian.

Lòng thương xót của Chúa mãi mãi chịu hiến tế để cứu nhân loại. Lạy Chúa con tín thác nơi Chúa.

Lạy Chúa xin thương xót chúng con. Amen

LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

 

 

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.494

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.495

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.495-496

[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.497

[5] Anselm Grun, Phục Sinh, thần dược chữa lành nội tâm 93

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …