CN 14A TN
Hiền Lành và Khiêm Nhường Trong Lòng
(Mt 11,25-30)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
Hãy đến với tôi (Mt 11,25-30; Lc 10,21-22) Miền Giêrikhô, Giuđêa, tháng 9 năm 29
25Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “ Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. 27Cha tôi đã trao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho. 28tất cả những ai vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.
1.Chúa không kết án sự tài khéo, mà kết án kiêu căng
Từ kinh nghiệm, do những Pháp Sư và kẻ khôn ngoan đã từ bỏ Người, trong khi dân chúng bình thường lại đón nhận Người, mà Chúa nói như trên. Người tri thức không đón nhận, kẻ khiêm nhu lại đón nhận. Cần lưu ý, Chúa không kết án người tri thức vì họ tri thức, mà kết án người giỏi kiêu căng. Plummer nói ‘con tim, chứ không phải đầu óc, là nhà của tin mừng’. Chúa không kết án sự tài khéo, mà kết án kiêu căng; Chúa không chấp nhận lòng tuân theo cưỡng bách, nhưng chấp nhận sự khiêm tốn. Không ai khôn ngoan như Salômôn, nhưng nếu ông không có tâm hồn đơn sơ, tin thác, trong sạch của trẻ thơ, ông sẽ tự khép kín.
Pháp Sư Berokah tại Chuza đang ở chợ Lapet thì Êlia hiện đến. Pháp Sư hỏi ‘trong chợ có ai đáng thưởng đời sau?’
Đầu tiên Êlia đáp ‘không’, nhưng rồi chỉ vào một người. Pháp Sư đến hỏi người ấy đã làm gì. Người đó đáp ‘tôi là người cai tù. Tôi giữ tù nam nữ riêng biệt; đêm đến, tôi kê giường tôi giữa hai phái để không gì sai quấy xẩy ra’. Êlia lại chỉ hai người khác. Pháp Sư đến hỏi hai người đã làm gì. Họ đáp ‘chúng tôi mua vui cho mọi người; khi thấy ai bị ngược đãi, thất vọng, chúng tôi khích lệ, thấy hai người cãi nhau, chúng tôi dàn hòa’. Ai làm những điều nhỏ mọn, như cai tù, chu toàn nhiệm vụ, người làm kẻ khác cười vui, bình an, người đó đáng được vào Nước Trời.
Một trận dịch tả xẩy ra tại Sura, nhưng tại nơi Pháp Sư Rab lại không hề hấn gì. Dân chúng tưởng đó là vì công đức của Pháp Sư. Nhưng trong giấc mộng, họ được biết đó là công lao của người cho mượn cái quốc để đào huyệt.
Lần khác, một trận hỏa hoạn xảy ra ở Drokeret, nhưng nhà Pháp Sư Huna không hề hấn, dân chúng tưởng đó là vì công lao của Pháp Sư Huna, nhưng đó là do công lao của một phụ nữ quen dùng chảo của mình nấu nướng cho hàng xóm. Người cho mượn cái quốc, dọn bữa cho hàng xóm, không phải là những người học thức, nhưng công việc của họ đều rất đẹp lòng Thiên Chúa. Học vị trước mặt Thiên Chúa không nhất thiết là cần. “Với tâm lòng trinh nguyên, một linh hồn nhỏ mọn cũng có thể dọn nơi ở và ngôi tòa của mình nơi Thiên Chúa”.
Câu 27 là lời quả quyết vĩ đại nhất Chúa nói, là trung tâm đức tin Kitô giáo. Người nói chỉ có Người mới mạc khải Thiên Chúa cho con người. Con người có thể trở nên con cái Thiên Chúa. Nhưng chỉ có mình Người là Con Thiên Chúa. Gioan nói hơi khác “…
Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha…” (Ga 14,9). Nghĩa là: muốn biết Thiên Chúa thế nào, trí khôn, trái tim, bản tính Thiên Chúa, toàn thái độ Thiên Chúa đối với loài người ra sao… hãy nhìn vào tôi.[1] 2.“Những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với tôi”
2.1.Những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với tôi
Kitô giáo thâm tín rằng chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng nào. Kitô giáo cũng thâm tín rằng Chúa Giêsu có thể ban tri thức đó cho bất cứ ai khiêm nhu và tín thác. Không phải đến bằng đầu óc mà bằng tâm lòng trong sạch, bằng chăm chú vào Chúa Giêsu. Chúa nói với những ai hết lòng tìm kiếm Thiên Chúa, hết lòng sống tốt, cố gắng thực hiện những việc lành đến mệt mỏi, hầu thất vọng. Người nói ‘những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với tôi’. Người Hy Lạp nói: “Rất khó tìm gặp được Thiên Chúa. Và khi tìm thấy, cũng rất khó nói cho người khác”. Zophar hỏi ông Gióp ‘bạn có thể thấy thẳm sâu của Thiên Chúa’ (Gp 11:7). Chúa Giêsu quả quyết ‘phải mệt nhọc trong Người mà tìm Thiên Chúa’. W.B.Yeats, thi sĩ nổi tiếng người Ái Nhĩ Lan viết ‘Có ai dùng dụng cụ mà tìm thấy Thiên Chúa? Đó là kẻ dấn mình sống trong sạch. Người ấy chẳng hỏi gì, mà chỉ xin ta chú ý’. Cách thế, đường lối tìm kiếm Thiên Chúa không phải bằng đầu óc, mà bằng chú ý vào Chúa Giêsu, vì trong Người, ta thấy Thiên Chúa thế nào. Chúa nói “hãy đến với tôi, những ai gánh nặng”.[2]
2.2.Đối với người Do Thái chính cống, thì đạo là một gánh nặng
Chúa nói về những Kinh Sư và Biệt Phái chất gánh nặng trên dân ‘họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta…’ (Mt 23,4). Với Do Thái, đạo là chuỗi luật lệ không cùng; mỗi hành động, mỗi cử chỉ đều có tiếng bảo ‘đừng, không được’…
2.2.1.Cả những Pháp Sư cũng thấy thế. Có dụ ngôn như sau: “bà góa hàng xóm nghèo có đứa con gái và một thửa ruộng. Khi bà bắt đầu cầy bừa, Mose nói ‘không được cầy bừa với con bò đực và con bò cái cùng nhau’, khi gieo, Mose nói ‘đừng gieo với những hạt lẫn lộn’; khi gặt ‘đừng quay lại thu những gì còn sót’ (Dnl 24:19); và đừng thu lượm đến tận bờ’ (Lv 19:9). Khi sàng lọc, Mose nói ‘hãy cho tôi của lễ đầu mùa, cũng như thuế thập phân’. Bà vâng và làm theo tất cả như Luật truyền. Bấy giờ bà làm gì. Bà bán thửa ruộng rồi mua hai con chiên, mong dùng lông chiên cho áo mặc và hy vọng chúng sinh sản.
2.2.2.Nhưng khi chúng sinh con, Aaron (các tư tế) đến nói ‘hãy cho ta con đầu lòng’, bà vâng theo. Khi đến thời xén lông chiên, Aaron đến nói ‘hãy cho ta những lông đầu tiên’ (Dnl 18:4). Lúc ấy, bà nghĩ không thể chống lại, nên nghĩ sẽ giết chiên để ăn. Lúc ấy, Aaron lại đến, nói ‘cho tôi đôi vai, hai má và dạ dầy’ (Dnl 18:14). Aaron lấy đem đi, để mặc mẹ con khóc lóc”.
2.3.Dụ ngôn cho thấy ‘đạo là cả một chuỗi những đòi hỏi trong mọi hoàn cảnh của con người
Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy gánh lấy ách trên vai. Người Do Thái hay dùng từ ách để chỉ sự tuân phục. Họ nói ách của Luật, ách của giới răn, ách của Vương Quốc, ách của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng ách ở đây với nghĩa gần gũi đời sống hơn.[3]
Người nói “ách của tôi thì nhẹ nhàng”
Nhẹ, Hy Ngữ là chrestos, nghĩa là vừa vặn. Ở Palestin ách trâu bò làm bằng gỗ. Người ta mang bò đến. Thợ đo kích thước vai trâu bò rồi làm ách. Sau đó, trâu bò lại được đem đến để thử; thử đi thử lại, điều chỉnh cho đến khi vừa vặn; có thế, trâu bò mới cầy bừa được lâu. Tương truyền nói lúc còn sống, Chúa thường chế tạo những ách ngựa, bò vừa vặn nhất; dân chúng thường đưa trâu bò đến xin Chúa làm ách. Các cửa tiệm cũng có bảng quảng cáo, nên trước cửa tiệm của Chúa tại Nadarét có bảng ‘ách tôi chế tạo vừa vặn nhất’. Với tình yêu thì ách nào cũng nên nhẹ. Có người gặp một em đang cõng một đứa trẻ què, nhỏ hơn; người đó hỏi ‘nặng lắm không em?’, cậu đáp ‘không, đó là em tôi’.[4]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Truyện Đức Gioan 23 và bức thư
Lúc được phong chức Tổng Giám Mục, Đức Cha Roncalli là khâm sứ toà thánh kiêm đại diện tông tòa quản trị các giáo phận ở Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ. Công việc của ngài rất khó khăn, vì phải trông coi một vùng rộng lớn đang sôi động về mặt chính trị, chia rẽ về mặt tôn giáo, Công Giáo với Tin Lành, Chính Thống, Hồi Giáo, và các linh mục triều lại chia rẽ với các tu sĩ. Trong lúc thi hành công việc mục vụ, Đức Tổng Giám Mục Roncalli nhận được một bức thư nặng lời chê bai chỉ trích ngài về mọi mặt, do một linh mục trong giáo phận. Đọc xong, Đức Cha Roncalli không nói một lời, nhưng lòng vẫn tha thiết yêu thương vị linh mục ấy.
Thời gian trôi qua, ngài được thăng chức sứ thần toà thánh tại Paris, rồi hồng y giáo chủ Vênêcia, và cuối cùng đắc cử Giáo Hoàng với danh hiệu Gioan 23 năm 1958. Linh mục bất mãn viết thư năm nào vẫn còn sống. Một ngày kia vị linh nmục này sang Rôma và xin được yết kiến Đức Giáo Hoàng. Linh mục này đã thuật lại cuộc tiếp kiến riêng với Đức Giáo Hoàng như sau:
“Trong lúc đứng ở phòng khách trên lầu cao Vatican, đầu óc tôi cứ nghĩ tới bức thư bất mãn năm xưa mà lòng tôi vô cùng hối hận. Tôi trộm nghĩ, đã mấy chục năm rồi, giờ đây chắc hẳn Đức Thánh Cha không còn nhớ nữa… nhưng ai ngờ, sau khi tiếp chuyện thân mật, Đức Thánh Cha mở cuốn Thánh Kinh và lôi ra trước mặt tôi bức thư khốn nạn ấy.
Đang khi tôi lo âu lúng túng, Đức Thánh Cha đã cầm lấy tay tôi và dịu dàng bảo ”con đừng hoảng sợ, cha không bao giờ giận con đâu. Cha cám ơn con. Cha cũng là con người, cũng còn những yếu đuối, cha ngăn bức thư con viết vào cuốn Thánh Kinh để hằng ngày cha đọc mà xét mình, hầu có thể dứt khoát với những khuyết điểm còn tồn tại, hoặc xa tránh những lầm lỡ có thể xẩy đến trong tương lai. Mỗi lần như thế cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con.”[5]
Đức Gioan 23 đã thể hiện sự hiền lành của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay
“hãy học cùng ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.” Chúa Giêsu không có thành kiến với những người tội lỗi. Ngài luôn luôn nghĩ tốt cho cho người khác. Ngài luôn luôn yêu thương chúng ta, nhất là đối với những người bé mọn.
Nhưng ai là những kẻ bé mọn?
Theo Tin Mừng Thánh Matthêu, những kẻ bé mọn là những người nghèo khổ, những người yếu thế, những kẻ đang vất vả và phải mang gánh nặng. Trong Do Thái Giáo, cái ách hay là gánh nặng thường là hình ảnh của những luật lệ. Các thầy thông luật tự cho mình là khôn ngoan thông thái, thường hay bày vẽ ra đủ thứ luật lệ mà những kẻ đơn sơ, bé mọn dù cố gắng đến đâu cũng chẳng thể nào tuân giữ trọn vẹn được.
Làm sao đầu óc đơn sơ chất phác của họ có thể phân biệt được cái gì là chính yếu, cái gì là thứ yếu trong những luật lệ chi li lắt léo mà các Luật Sĩ, Biệt Phái lập ra, khiến cho những kẻ đơn sơ chất phác không thể nào lọt vào được bên trong cái thế giới mà họ cho là cái thế giới thánh thiêng cao cả của họ.
Chúa Giêsu không thể chấp nhận một thứ vương quốc của Thiên Chúa chỉ dành riêng cho những kẻ khôn ngoan thông thái và những kẻ đạo đức giả chỉ biết cậy vào thành tích giữ luật của mình. Ngài đã đến như một người nghèo khó sống giữa những người nghèo hèn tội lỗi.
Hỡi những ai đang gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức cho, vì ách của Ta thì êm ái và gánh của ta thật nhẹ nhàng. Chúa không hứa với chúng ta là sẽ cất khỏi chúng ta những cái ách mà chúng ta phải mang. Nghĩa là khi theo Chúa, Chúa không hứa rằng, chúng ta sẽ không còn đau khổ nữa, chúng ta không còn phải vác thánh giá nữa, nhưng Chúa chỉ hứa là sẽ làm cho những cái ách của chúng ta ra nhẹ nhàng, nghĩa là Chúa mang đến một ý nghĩa cho những cái ách mà chúng ta phải mang. Những cái ách đó giúp chúng ta tham dự vào những đau khổ của Chúa để cứu chuộc chính chúng ta.
Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với Kitô hữu chúng ta. Nó mang đến cho chúng ta một ý nghĩa vô cùng lớn để chúng ta sống cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.
Huyền thoại Sisyphe kể rằng, Sisyphe bị Thượng Đế đẩy xuống trần gian và phải chịu một hình phạt là mỗi ngày phải đẩy một tảng đá lên đỉnh núi. Khi đã đẩy lên đỉnh núi rồi lại thả tảng đá đó lăn xuống chân núi. Rồi lại tiếp tục đẩy tảng đá đó lên đỉnh núi rồi lại thả xuống. Và cứ lặp đi lặp lại như thế cho đến suốt đời. Cái hình khổ nặng nề của Sisyphe không phải là việc lăn tảng đá lên đỉnh núi, nhưng là cái sự vô lý của công việc: lăn tảng đá lên đỉnh núi rồi lại thả xuống. Một công việc chẳng giúp ích gì cho ai, và cũng chẳng mang lại cho mình điều gì. Một sự vô cùng phi lý mà cứ phải lặp đi lặp lại.
Cuộc đời của Sisyphe thật vô lý, nhưng cuộc đời của Kitô hữu chúng ta không vô lý, bởi vì những vất vả, lao nhọc của chúng ta là một phương thế để cứu rỗi chúng ta. Ách của Chúa thì êm ái và gánh của Chúa thì nhẹ nhàng là như vậy. Chúng ta hãy ghi nhớ và thực hiện Lời Chúa hôm nay: hãy mang lấy ách của Ta vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thật nhẹ nhàng. Amen.
LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ
[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai, trg.24-25
[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai, trg.25
[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai, trg.25-26
[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai, trg.26
[5] Lm. Giuse Đinh lập Liễm, CN 14A TN