Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 13 MÙA THƯỜNG NIÊN, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 13 MÙA THƯỜNG NIÊN, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 13 A TN  

Điều Kiện Theo Chúa

Mt 10,37-42b(Mt 10,37-42)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Điều kiện theo Chúa (Mt 8:19-22;Lc 9:57-62)

Đoạn này ra như lạc chỗ, vì chương này đang nói về các phép lạ. Vậy sao lại nói về việc theo Chúa. Matthêu vừa nói đến Isaia 53:4 ‘Người gánh mọi yếu đau bệnh tật của ta’ (Mt 8:17), nên ông nhớ đến Người Đầy Tớ chịu đau khổ. Như Plummer nói ‘đời Chúa khởi sự trong một hang đá mượn, và kết thúc trong một nấm mồ mượn’. Vì thế, Matthêu cho đoạn trên vào vì những câu trước đó đang nói về đau khổ. Có thể vậy, song Matthêu cũng thấy phép lạ trong đoạn này. Đó là một Kinh Sư muốn theo Chúa. Ông hết sức kính trọng Chúa, gọi Người là Thầy (didaskalos). Đây quả thật là một phép lạ, một Kinh Sư xin theo Chúa. Chúa Giêsu chủ trương phá bỏ tôn giáo những kinh sư rao giảng, vậy mà Kinh Sư này lại đến trông mong nơi Chúa những gì tốt hơn. Đây là phép lạ từ con người Chúa Giêsu, nhân cách ảnh hưởng trên nhân cách. Rất nhiều lần, học viên chịu ảnh hưởng từ nhân cách của tôn sư. Nhiều người trở lại do ảnh hưởng của những Kitô hữu đích danh. Rao giảng được định nghĩa như là ‘sự thật nhờ vào nhân cách’. [1]

1. W.Elliott trong tự thuật ‘Không Cùng’

W.Elliott trong tự thuật ‘Không Cùng’, kể về Edith Evans, nữ diễn viên nổi tiếng: “khi chồng chết, cô đến thăm chúng tôi, đầy thương nhớ… trong phòng khách chúng tôi ở Chester Square, nàng xúc động, khóc hết nước mắt, tựa suối trào, cả đến tiếng đồng hồ… con người cô như ngập tràn căn phòng. Hằng ngày sau đó, bầu khí như vẫn chưa tan!’[2]

2. Trước khi theo Chúa, hãy cân nhắc lợi hại

Ngày nay không cần nói nhiều về Chúa Giêsu, mà chỉ cần đem người ta đến với Chúa, để con người, nhân cách Chúa cảm hóa họ. Nhưng còn gì hơn nữa, vừa hỏi xong, Chúa đáp ‘con chồn có hang, Con Người không có nơi dựa đầu’. Trước khi theo Chúa, hãy cân nhắc lợi hại, vác thập giá (Mt 10,38), bỏ cha mẹ (Lc 14,26), bán mọi sự để giúp người nghèo (Mt 19,21). Muốn khoa bảng, có sẵn sàng bỏ dễ dãi, để mài dùi kinh sử? Muốn thám hiểm, người xướng xuất sẽ làm bạn với những người sẵn sàng hy sinh phục vụ, và tránh xa những kẻ mơ mộng. Không thì những người thực tế sẽ cười nhạo: ‘anh chỉ chuẩn bị trên tuyết, trên nước đá’. Khi người trẻ muốn thành lực sĩ, huấn luyện viên sẽ nói: tốt, đã sẵn sàng hy sinh, vào kỷ luật chưa? Chẳng thiếu người muốn theo Chúa vì những lý do sai lầm. Chúa rất chân thật và không thỏa hiệp. Chúng ta là những kẻ phá hoại kinh khủng khi làm cho người khác tin rằng đời sống Kitô hữu là đời sống dễ dãi. Có người muốn theo Chúa, nhưng muốn mai táng người thân trước. Chúa bảo ‘hãy để kẻ chết chôn kẻ chết’. Mới nghe, thì thật là khó. Với người Do Thái, chôn cất người chết là bổn phận thánh, nhất là đối với cha mẹ. Giuse xin phép Pharaô về chôn cha “cha tôi đã bắt tôi thề, người nói: này cha sắp chết. Trong ngôi mộ cha đã đào cho cha ở đất Canaan, con hãy chôn cất cha ở đó.” Bây giờ tôi xin được lên đó chôn cất cha tôi, rồi tôi sẽ trở lại” (ST 50:5). [3]

3. Có sự sai lầm khi dịch tiếng Aramaic sang Hy Lạp khi nói ‘hãy để kẻ chết chôn kẻ chết’

Có sự sai lầm khi dịch tiếng Aramaic sang Hy lạp khi nói ‘hãy để kẻ chết chôn kẻ chết’. Vì Edekien lại nói khác khi những người ấy rảo khắp xứ và nếu có ai trong số họ thấy xương người, thì kẻ ấy sẽ dựng một cột mốc bên cạnh, cho tới khi những người đào huyệt chôn các xương ấy đi trong thung lũng Hamôn Gốc (Ed 39:15). Có lẽ sai là vì danh từ người chôn. Người chôn, chứ không phải người chết. Lời Chúa có ý nói ‘thế giới này đầy người sống trong tội, hãy ra mau càng sớm càng tốt, dầu chưa kịp chôn cha; càng mau càng tốt, dầu bổn phận thánh chưa chu toàn. Nhưng giải thích đúng, theo người Do Thái và người Phương Đông, là ‘tôi phải chôn cất cha tôi’.

4. Wendt trích chuyện từ vị truyền giáo người Syri, Waldmeier

Waldmeier quen thân với một thanh niên Thổ, giỏi, giầu có. Ông khuyên anh thanh niên đi một vòng thăm Âu Châu, để anh có đầu óc cởi mở. Anh thanh niên đáp ‘tôi phải chôn táng cha tôi trước’. Vị truyền giáo chia buồn thông cảm, vì cha anh đã chết. Nhưng thực sự, cha anh còn sống; anh có ý nói là anh phải đợi đến khi cha mẹ anh chết thật, anh mới nghe theo. Đây đúng là chuyện anh xin theo Chúa trong Tin Mừng. Nghĩa là anh xin hoãn nhiều năm nữa, không biết đến bao giờ. Chúa Giêsu khôn ngoan, thấu hiểu con tim con người, và biết lúc đó không theo, sẽ không bao giờ theo. [4]

5. Nhiều lần, nhiều lúc ta được thúc giục với những gì cao hơn, nhưng nhiều lần nhiều lúc, ta bỏ chúng trôi qua

Thảm kịch là không quyết định lựa chọn ngay. Như bỏ thói xấu, đi thăm người, làm việc nghĩa … Chúa Giêsu bảo ‘nếu cảm thấy phải bỏ xã hội chết, đừng nói: hãy để khi cha tôi chết đã, mà hãy: ra ngay, đi ngay, hay chẳng bao giờ sẽ ra đi’.

Trong tự thuật, H.G.Wells kể vào lúc chí tử trong đời ông. Ông đang học nghề thảm, ít lương, không tương lai. Ngày kia, ông nghe tiếng lòng ‘hãy bỏ ngay bất cứ giá nào’. Ông bỏ và vì vậy mà ông thành Wells nổi tiếng. [5]

Xin Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan và sức mạnh để quyết chọn bỏ thảm kịch hầu đạt được ơn chói sáng.

5. Lc 9,57: Ba hạng người:

5.1. ‘Trước khi theo tôi, hãy tính toán’

Không ai bị ép buộc theo Chúa vì giả bộ hay kiêu căng. Vì Chúa đưa ra những đòi hỏi không thể cao hơn. Ta có thể làm hại Giáo Hội khi bảo người khác là Giáo Hội cần làm những gì khác biệt. Mà tốt hơn phải nói với họ là không cần làm khác biệt, mà phải làm mọi sự khác biệt. Lúc đó có thể sẽ thấy ít người hưởng ứng hơn, nhưng đó mới thực là những người cam kết với Chúa Kitô.

5.2. Lời Chúa coi như chói tai, nhưng không phải

Có thể cha người đó chưa chết hay dầu như gần chết. Lời anh có thể hiểu ‘là tôi sẽ theo sau khi cha tôi chết’. Một sĩ quan Anh nói về một người trẻ Ảrập. ‘Anh được học bổng tại Oxford hay Cambridge’, nhưng anh đáp ‘tôi sẽ nhận sau khi chôn táng cha tôi’, mà lúc đó cha anh chưa 40 tuổi. Lời Chúa có nghĩa là gặp những lúc quan trọng, nếu để mất, sẽ mất. Điển hình là nhiều khi muốn làm điều nọ điều kia, như muốn viết thư chúc tuổi, phân ưu, hay đưa tin, mừng chúc… mà nếu không làm ngay, sẽ không làm.

5.3. “Ai đã tra tay cầm cày…” ý nghĩa thật rõ ràng

Thế nhưng có những người lòng trí chỉ để vào dĩ vãng. Họ chỉ nhìn, chỉ nghĩ về dĩ vãng… Watkinson, nhà giảng thuyết đại tài, kể: lần kia, bên bãi biển, ông cùng với cháu nhỏ, gặp một mục sư già. Mục sư vì gặp nhiều khó khăn, tỏ ra rất bất mãn, như người bị trúng nắng. Đứa cháu nghe nhưng không hiểu; nên khi sắp chia tay, nó quay lại nói với Watkinson “thưa ông nội, con hy vọng ông không bao giờ bị trúng nắng!” Kitô hữu luôn tiến tới, tiến tới, không phải về hướng hoàng hôn mà về hướng bình minh! Với anh xin theo Chúa, Chúa bảo ‘Ta không muốn kẻ nguội lạnh, anh hãy tự lựa chọn.[6]

 

II. CHIA SẺ TIN MỪNG

 

            Willton Rix có kể một câu chuyện đầy kịch tính như sau “vào một sáng mùa đông tuyết lạnh, Sadhu Sundar Singh và một người bạn du lịch qua miền núi Bắc Ấn Độ. Thình lình một cơn bão tuyết ào ào đổ tới, gió lạnh gào thét bên tai họ, khiến hai người phải chống trả hết sức khó khăn.

            Đang lúc “dầu sôi lửa bỏng” ấy, họ lại thấy một người đàn ông nằm vất vưởng bên đường chờ chết. Sadhu muốn dừng lại để cứu giúp người bị nạn, nhưng bạn ông cho rằng, nỗ lực ấy chỉ hoài công thôi. Vì để cứu lấy chính mình trong lúc này cũng đã vất vả lắm rồi. Và ông bạn ấy đã bỏ đi.

            Chạnh lòng xót thương, Sadhu ở lại bên kẻ bất hạnh, xoa nóng tay chân con người sống dở chết dở ấy. Với sức lực còn lại, Sadhu cố gắng cõng anh trên lưng và khó nhọc đi qua vùng bão tuyết. Hơi ấm của hai thân thể hòa quyện lấy nhau khiến người kia hồi sinh và cả hai cùng mạnh sức.

            Đi khoảng một dặm, họ kinh ngạc khi nhìn thấy một xác chết lạnh cóng bên vệ đường. Họ càng sững sờ hơn nữa khi nhận ra đó chính là anh bạn cùng đi với Sadhu sáng nay.

            Nghĩa cử yêu thương của Sadhu đã minh chứng hùng hồn cho lời nói của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. Ông bạn của Sadhu đã cố giữ lấy mạng sống mình nên đã mất mạng, còn Sadhu liều mất mạng “vì anh em” nên đã được sống.[7]

            Trường hợp của Sadhu cũng chỉ nói lên một chút thoáng qua chốc lát, nhưng còn có những trường hợp Chúa đòi ta phải hy sinh liên lỷ và kéo dài cả hàng mấy chục năm như trường hợp của thánh nữ Macđala Môranô.

            Năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho chị Mácđala Môranô, là một nữ tu thuộc dòng Đức Mẹ Phù Hộ. Ngay từ thuở niên thiếu, Mácđala đã phải nếm mùi tang tóc, chỉ trong vòng một tháng, thần chết đã hai lần đến gõ cửa nhà chị và cướp mất hai cột trụ của gia đình: người cha và người chị cả, những ngày đen tối bắt đầu đè nặng trên vai bà quả phụ Catarina với bốn đứa con thơ dại.

Hồi đó Macđala mới 8 tuổi, nhưng đã tỏ ra khôn ngoan và chín chắn, thấy mẹ đau buồn và khóc hoài, chị thường nói với mẹ: “mẹ ơi, thôi đừng khóc nữa, chẳng bao lâu con sẽ khôn lớn và con hứa sẽ giúp mẹ thật nhiều như bố và chị Phanxica đã giúp mẹ vậy”. Nhưng không phải tới lúc khôn lớn mà ngay từ bây giờ, vì nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Macđala đã ngồi xuống trước guồng tơ dệt chỉ mà chị Phanxica đã để lại.

Một hôm, tình cờ cha Bandenla, người anh họ của mẹ đến chơi và biết Macđala không được đi học, cha hứa sẵn sàng phụ giúp thêm vào nhu cầu vật chất của gia đình và trả tiền học phí cũng như tiền sách vở cho Macđala đi học. Sau hơn 10 năm chăm chỉ học tập, chị đã tốt nghiệp và trở thành một cô giáo trường làng, thế là Mácđala đã bắt đầu làm việc để phụ giúp gia đình. Suốt 16 năm trời, chị đã giữ lời hứa với mẹ, hơn nữa, chị biết mẹ luôn ấp ủ một ước muốn thầm kín là có được một căn nhà với mảnh vườn nho nhỏ, những luống rau và mấy giàn nho ngon ngọt. Vì thế, chị đã chuyên cần làm việc và âm thầm dành dụm, giảm bớt chi tiêu không cần thiết. Đến ngày sinh nhật thứ 30 của mình, Mácđala dẫn mẹ đến xem mảnh đất với căn nhà và khu vườn như mẹ mong ước, chị âu yếm nói với mẹ: “thưa mẹ, đây là món quà con xin biếu tặng mẹ, con chỉ xin mẹ một điều là cho phép con tận hiến cuộc sống còn lại của con cho Chúa để đáp lại tiếng gọi của Ngài vẫn thúc giục con từ lâu rồi”.

            Quyết định của Mácđala đã gây đau khổ nhiều cho mẹ chị, cho cha xứ, bạn bè và các phụ huynh học sinh của chị, vì họ mất đi một người con hiếu thảo, một người bạn tốt, một giáo viên gương mẫu, một người giáo dân nhiệt thành việc tông đồ. Trái lại, trong tâm hồn chị trào dâng một niềm vui mừng, vì chị có thể thực hiện được ước mơ chị đã ấp ủ từ lâu.

            Ngày chia ly không khỏi ngậm ngùi đau xót, nhưng chị đã tìm được sức mạnh nơi tình yêu và lời nói của Chúa: “ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy”. Đồng thời chị cũng được sự an ủi vì tin vào lời Chúa đã hứa: “quả thật, Thầy bảo cho anh em rõ, không ai bỏ nhà cửa, cha mẹ, vợ con, anh chị em vì nước Thiên Chúa mà lại chẳng lãnh nhận gấp trăm ở đời này và sẽ được sống đời sau”.

Thật vậy, lời hứa ấy đã thể hiện qua suốt 30 năm sống đời tận hiến, trong đó, hơn 25 năm hăng say với sứ mệnh tông đồ giữa giới trẻ nghèo khổ, bị bỏ rơi tại đảo Xixilia. Và Chúa đã thưởng công cho chị qua việc Đức Giáo Hoàng tôn phong chị lên bậc chân phước để mọi người ngưỡng mộ và tôn kính.

            Kể lại câu chuyện trên để minh họa cho bài Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng này là đoạn cuối trong bài giảng dạy về truyền giáo của Chúa Giêsu. Ngài nói với các tông đồ, và qua các ông, nói với mọi Kitô hữu về sự từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo làm môn đệ Ngài và Ngài hứa ban thưởng bội hậu cho họ.

Tại sao Chúa đòi hỏi như vậy và đòi hỏi như vậy có nghịch lý không?

Quả thực, con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý, một trong những cái nghịch lý ấy là điều kiện để theo Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho biết điều kiện đó là phải từ bỏ tất cả: gia đình, của cải, nghề nghiệp và chính bản thân mình. Cái nghịch lý là ở chỗ đó. Muốn theo Chúa, phải từ bỏ hết, phải từ bỏ tất cả, nghĩa là coi Chúa hơn hết tất cả mọi người, hơn hết tất cả mọi sự và tin vào một mình Chúa thôi.

            Có người cho rằng: những điều trên đây Chúa chỉ dạy riêng cho những người đi tu mà thôi, nói thế cũng đúng, nhưng những lời Chúa dạy đây không phải là không áp dụng được cho tất cả chúng ta, bởi vì với mỗi người, Chúa cũng đòi hỏi phải từ bỏ, không phải từ bỏ để đi tu hay để làm tông đồ cho Chúa, nhưng trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều cái, nhiều điều và nhiều lần phải từ bỏ.

            Tóm lại, trong đời sống thường ngày, người Kitô hữu bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, bên kia là đòi hỏi của Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sống buông thả, một bên là sự trung thành với lý tưởng Kitô giáo. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì? Bài Tin Mừng hôm nay soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng và thực hành đúng.Amen.[8]

LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

[1] Lm.Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai, trg.13

[2] Lm.Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai, trg.14

[3] Lm.Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai, trg.14

[4] Lm.Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai, trg.14

[5] Lm.Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai, trg.15

[6] Lm.Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai, trg.15

[7] Sưu tầm

[8] Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, CN 13 A TN

Xem thêm

18-5-2024 7-51-30 PM

Lời Chúa – Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Năm B 19/05/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN