Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

 

CN 1A MC

Cám Dỗ Nơi Hoang Địa

(Mt 4,1-11)mt4111a

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Chúa Giêsu chịu cám dỗ Núi Cám Dỗ, tháng 1 năm 28

1.Những điểm cần lưu ý

Từng bước Matthêu thuật lại truyện Chúa. Đầu tiên kể việc Chúa sinh ra, tiếp đến ngầm ý nói về 30 năm thầm lặng chu toan bổn phận nhỏ trong gia đình trước khi thi hành sứ vụ ngoài đời. Chu toàn bổn phận nhỏ trong gia đình trước khi thực thi sứ vụ lớn nhất Thiên Chúa trao trên thế giới. Sau đó Matthêu cho biết Gioan Tiền Hô xuất hiện là dấu Chúa phải ra khơi, cho biết Chúa hòa đồng với dân đang tìm kiếm Thiên Chúa. Lúc đó Chúa biết mình thực sự được Thiên Chúa chọn để mang lại chiến thắng, nhưng chiến thắng trên Thập Giá. Bất cứ ai có thị kiến, lập tức người ấy gặp vấn đề là làm sao biến thị kiến thành hiện thực. Làm người đó phải chạy đến cầu xin Thiên Chúa. Phương pháp nào, cách thức nào, làm sao? Dùng sức mạnh súng ống, hay hy sinh, kiên nhẫn, yêu thương?… đó là những cám dỗ Chúa sẽ gặp.[1]

1.1.Từ “cám dỗ”

Đầu tiên phải cẩn thận lưu ý: cám dỗ, to tempt Anh Ngữ, có nghĩa xấu là xúi dục phạm tội, cố thuyết phục người ta làm điều sai; còn peirzein Hy Ngữ lại không có nghĩa đó, mà chỉ có nghĩa là thử (to test). Kinh Thánh dùng nhiều lần danh từ, động từ thử này. Thử ở đây không có nghĩa là xúi dục làm điều xấu, cố thuyết phục người làm điều sai, mà chỉ là để xem có lòng tin, cậy, mến, có mến Chúa, yêu người, khiêm nhu nhẫn nhục… như lửa thử vàng, gian nan thử đức… với ý nghĩa này Thiên Chúa thử ông Abraham (St 22:1). Chúa Giêsu vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4:1-11; Mc:12-13; Lc 4:1-13).[2]

1.2.Sa mạc hay hoang địa nằm giữa Giêrusalem và Biển Chết

Cựu Ước gọi đó là Jeshimmon nghĩa là Devastation, nơi hoang địa dài 35 dặm rộng 15 dặm. George Adam Smith qua nơi này ghi lại: đó là bãi cát vàng, đá đen lổm chổm, lác đác những tấm ngói; đó là bãi đất vặn vẹo với những dãy khe suối tứ phía, cao dốc chóng mặt. Vặn vẹo, cao dốc, hang suối… khiến đất như thường phát ra tiếng sôi ầm ầm… đó là nơi Gioan Tiền Hô đã sống? và đó là nơi Chúa ăn chay 40 ngày và bị cám dỗ. Chúng ta thường bị sai lầm chỉ vì không thử sống một mình bao giờ. Có những việc người ta phải làm một mình. Có những việc chúng ta cần bàn luận, cần lời khuyên; có những lúc chúng ta phải suy nghĩ một mình; có những việc, những lúc chúng ta cần một mình với Thiên Chúa.

2.Chúa Giêsu bị cám dỗ

2.1.Cả ba Tin Mừng Matthêu, Maccô và Luca đều nói: ngay sau khi chịu phép rửa, Chúa được đưa vào sa mạc để chịu thử thách (Mc 1:12)

Êlia xưa cũng một mình trên núi Cácmen chịu thử thách (1V 18:17-40). Trước kia Êlia can đảm mà sau bị đe dọa, ông lại sợ (1V 19:3). Hình như luật của đời sống là sau khi nghị lực con người lên tới chóp đỉnh thì nghị lực đó lại rớt xuống thê thảm. Ma quỉ chờ sau khi Chúa ăn chay 40 ngày, nên ta cũng phải đề phòng sức mạnh của mình.[3]

2.2.Đừng nghĩ Chúa chỉ bị thử thách bề ngoài, mà phải nghĩ Chúa đã bị thử thách tận bên trong

Đừng nghĩ Chúa chỉ bị thử thách bề ngoài, mà phải nghĩ Chúa đã bị thử thách tận bên trong, nơi  linh hồn; vì không có núi nào cao đến nỗi từ đó nhìn thấy khắp thế gian. Đó cũng là những cám dỗ chúng ta phải chịu, là những ước vọng, ham muốn, lý trí, tưởng tượng. Cám dỗ thực đến nỗi như xem thấy ma quỉ. Những vết mực trên tường phòng Luthêrô ở ngày xưa là một bằng chứng. Truyện cho rằng Luthêrô bị cám dỗ như trông thấy quỉ hiện hình trên tường, nên lấy lọ mực ném lên.[4]

2.3.Đừng nghĩ quỉ chỉ cám dỗ Chúa một lần ở sa mạc và không bao giờ cám dỗ Chúa nữa

Không. Chúa còn bị cám dỗ trông thấy, khi tại Xêdarê Philipphê, quỉ dùng Phêrô can ngăn Chúa đừng chịu khổ hình (Mt 16:23). Chúa bảo Người hằng bị thử thách, thử thách là gì nếu không phải là cám dỗ “anh em vẫn ở với Thầy trong những cuộc thử thách” (Lc 22:28). Tại vườn Cây Dầu Chúa vẫn bị thử thách (Lc 22:42-44). Chúng ta theo Chúa, cũng đừng mong không bị cám dỗ, hay chỉ bị ít lâu… không, vẫn phải bị cám dỗ cho đến hơi thở cuối cùng. “Tỉnh thức luôn là cái giá của tự do”. [5]

2.4.Cũng nên nhớ cám dỗ thường tới qua những năng khiếu riêng

Sanday diễn tả cám dỗ là ‘ta sẽ làm gì với những quyền lực siêu nhiên’. Những cám dỗ đến với Chúa Giêsu chỉ có thể đến với những ai biết có những điều lạ lùng mình có thể làm được. Phải luôn luôn nhớ rằng ta thường bị cám dỗ qua những năng khiếu của ta: người duyên dáng, khéo ăn khéo nói, tài giỏi, khôn ngoan ‘chữ tài gần với chữ tai một vần’…[6]

2.5.Không ai có thể đọc chuyện này mà không nhớ là chính Chúa đã tỏ lộ, vì trong sa mạc, lúc ấy chỉ có một mình Người

Chính Chúa kể lại, vì thế ta phải đọc và suy gẫm việc Chúa bị cám dỗ với lòng tôn kính. Đây phải là chuyện thánh nhất trong các chuyện thánh. Kinh nghiệm của Chúa là bài học hữu ích cho ta. Ma quỉ cám dỗ Chúa Giêsu trong ba lãnh vực, lãnh vực nào cũng khó đáp trả.

2.5.1.Đá thành bánh

Sa mạc là nơi đây đó đầy những viên đá giống những tấm bánh nhỏ, vì thế mà quỉ cám dỗ Chúa khiến đá thành bánh. Đây là hai cám dỗ: dùng quyền một cách ích kỷ và mưu cầu trục lợi cho mình.

– Thứ nhất dùng quyền năng một cách ích kỷ

Điều này Chúa luôn luôn từ chối. Đó là tội lạm dụng quyền thế. Con người luôn luôn bị cám dỗ về điểm này. Thiên Chúa ban cho mỗi người một quà tặng mà mỗi người đều có thể tự hỏi: dùng quà tặng thế nào, mưu ích cho mình hay cho người. Thứ cám dỗ này có thể đến từ những điều nhỏ nhất, như giọng nói tốt, không dùng nếu không được trả công, trả ơn… không ai mà không bị cám dỗ về điểm này.

– Thứ hai, Chúa Giêsu biết mình là Đấng Mêsia

Trong sa mạc Chúa trực diện với vấn đề lựa chọn phương pháp để kéo con người về với Thiên Chúa. Dùng cách nào để thực hiện viễn ảnh của mình? Một cách chắc chắn là cho dân chúng bánh ăn, cho của cải vật chất để lôi kéo con người theo mình. Thiên Chúa đã ban Manna mưa xuống trong sa mạc. Thiên Chúa đã không nói “Ta sẽ làm mưa bánh từ trời xuống cho ngươi?” Isaia đã không nói “chúng sẽ không còn đói khát nữa?” (Is 49,10). Tiệc thuộc Đấng Mêsia đã không được mơ tưởng giữa thời Cựu Ước và Tân Ước? Nếu lấy cơm bánh cho con người, Chúa cũng có đủ lý do.[7]

+ Nhưng cho bánh Chúa có thể mắc hai điều:

– 1.Hối lộ. Có nghĩa là bảo con người đi theo để trông mong được những gì họ muốn, trong khi phần thưởng Chúa đem đến là thập giá! Chúa kêu gọi con người sống cuộc đời trao ban chứ không phải thu góp. Hối lộ bằng vật chất là chối bỏ mọi lời Người đến để rao giảng và sau cùng phá bỏ chính mục đích của mình.

– 2.Hơn nữa cho bánh, của cải vật chất chỉ là chữa trị triệu chứng mà không chữa trị tận căn. Con người nghèo túng, nhưng tại sao? Có phải tự họ điên khùng, bất cẩn? Hay vì một số ít người chiếm hữu quá nhiều trong khi nhiều người lại có quá ít? Cách tốt nhất là loại bỏ những căn nguyên, những căn nguyên nằm trong tận linh hồn con người. Và trên hết không phải là cơn đói vật chất. Của cải tài nguyên trên thế giới không bao giờ thiếu hụt để nuôi hai ba tỉ con người mà còn có thể nuôi gấp mấy. Nguyên tốn phí cho súng ống, khí giới đã biết bao nhiêu. Các nhà triệu phú chỉ là số ít người, mà chiếm hữu đa phần tài nguyên trên thế giới. Bất cẩn đến nỗi làm ô nhiễm bao nhiêu môi trường. Ngày nay còn đang lo sợ nạn phá hủy toàn cầu… vì thế, để trả lời quỉ cám dỗ, Chúa Giêsu đã dùng chính lời Thiên Chúa dạy trong sa mạc xưa kia ‘người ta không sống chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra’ (Đnl 8,3). Đường lối duy nhất làm thỏa mãn lòng người là học biết lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. [8]

2.5.2.Gieo mình từ nóc Đền thờ

Nóc Đền Thờ, chỗ cổng Salômôn và cổng Vua giáp nhau, rất cao. Từ đó nhìn xuống thung lũng Kêdron, cao tới 450 feet. Gieo mình từ đó xuống mà vô sự, mọi người sẽ rùng mình, ngưỡng mộ, tán tụng và đi theo. Trên đỉnh nóc Đền Thờ cũng có chỗ, mỗi sáng, vị tư tế thổi kèn loan báo giờ phụng sự đã đến. Tại sao Chúa Giêsu không từ đó gieo mình xuống ngay tại sân Đền Thờ? Vì Malachi đã nói ‘…bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người…’(3,1). Sách Thánh Vịnh cũng bảo đảm: ‘bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá’ (91,11-12). Đây là cách chính những thiên sai giả đã dùng, như Têuđa đưa dân chúng ra sông Giôđan, hứa sẽ nói một lời khiến sông rẽ ra làm đôi, như người Ai Cập nổi danh đã xúi bốn ngàn tên khủng bố nổi loạn với lời hứa chỉ nói một lời sẽ làm tường thành Giêrusalem xập đổ (Cv 21,38), rồi Simon Magus hứa sẽ bay lên không, nhưng đã toi mạng… những người giả mạo đó hứa những điều chúng không thể làm. Chúa Giêsu làm được bất cứ điều gì Người hứa.

+ Hai lý do Chúa Giêsu không xử dụng những cách đó, vì:

– 1.Nếu lôi kéo người ta vì những cảm giác sẽ không có tương lai, vì cứ phải cung cấp những cảm giác, mà ai có thế cung cấp không cùng những cảm giác. Tin Mừng đặt trên cảm giác, thất bại là cái chắc.

– 2.Đấy không phải là cách xử dụng quyền phép của Thiên Chúa, ‘anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em’ (Đnl 6,16) có ý nói: đừng thử xem mình có nghĩa gì với Thiên Chúa, vì tự ý gieo mình vào nguy hiểm cách bất cẩn, không cần thiết là dấu kiêu căng. Thiên Chúa mong con người, khi gặp nguy cơ, biết chạy tới Người, tin tưởng, cậy trông vào Người chứ không để con người huyênh hoang… đức tin tùy thuộc vào những dấu lạ lùng không phải là đức tin. Đức tin đòi những cảm giác, quả thật không phải là đức tin mà là sự hồ nghi đi tìm bằng chứng và tìm sai chỗ. Quyền lực cứu chữa của Thiên Chúa không phải là cái gì trình bầy để cảm thấy mà là niềm tín thác âm thầm mọi lúc trong ngày. [9]

2.5.3‘Nếu sấp mình bái lạy tôi, tôi sẽ cho ông tất cả…

Chúa Giêsu xuống để cứu độ toàn thế giới, và hình ảnh thế giới đến trong trí, ma quỉ thì thầm: nếu sấp mình… chính Thiên Chúa đã chẳng phán ‘con cứ xin, rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng toàn cõi đất làm phần lãnh địa’ (Tv 2,8). Điều ma quỉ muốn nói là ‘hãy thỏa hiệp. Thỏa hiệp, đừng đòi hỏi quá cao, hãy mềm dẻo, dung hòa, thỏa hiệp, đôi bên đều có lợi…’ Đó là để thay đổi thế giới, hãy trở nên như thế giới. Chúa đã đáp trả: ‘chính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải kính sợ; chính Người là Đấng anh em phải phụng thờ…’ (Đnl 6,13). Chúa Giêsu biết chắc rằng không thể đánh bại quỉ dữ bằng cách thỏa hiệp. Người đã cự tuyệt cách hối lộ để mua chuộc, đã loại bỏ cách dùng cảm giác để lôi cuốn, nay Người quyết định không dùng thỏa hiệp. Thay vào, Người đã cương quyết dùng Thập Giá, vì Thập Giá chắc chắn đưa đến vinh quang. [10]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

 

Cám dỗ trong cuộc đời Kitô hữu

Đã là con người, ai cũng bị cám dỗ: nếu không có bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta dễ dàng cho rằng sở dĩ Đức Giêsu hoàn toàn vô tội là vì Ngài không bị hề cám dỗ. Nhưng đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy chính Đức Giêsu – dù là Con Thiên Chúa, có bản tính thần linh hoàn toàn trong sạch – cũng bị ma quỷ cám dỗ. Thật là một mạc khải bất ngờ, đáng ngạc nhiên và rất thú vị, đồng thời cũng là điều an ủi chúng ta, tạo động lực cho chúng ta thắng những cơn cám dỗ xảy đến. Đức Giêsu là Thiên Chúa mà cũng bị cám dỗ, phương chi chúng ta vốn là người phàm, nếu có bị cám dỗ, dù nặng nề đến đâu, cũng là chuyện đương nhiên. Điều đó nói lên: đã là con người thì ai cũng bị cám dỗ. Và sự kiện Đức Giêsu bị cám dỗ chứng tỏ Ngài đích thực là con người như chúng ta. Kinh Thánh cho biết Ngài cũng yếu đuối như chúng ta, nhờ vậy Ngài thông cảm với sự yếu đuối cũng như tội lỗi của chúng ta: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Qua câu Kinh Thánh trên, ta lại được biết rằng tuy bị cám dỗ như chúng ta, nhưng Người khác với chúng ta ở chỗ không hề phạm tội, nghĩa là Người đã luôn luôn thắng mọi cơn cám dỗ, không bao giờ sa ngã.

Đời Tam Quốc, Quan Văn Trường bị thất thủ thảm bại ở Hạ Bì. Đơn thân độc mã, phò hai người chị dâu (tức vợ của Lưu Bị) qua nương tựa nhà Tào Tháo. Đêm đến, Tào Tháo cho ba người ngủ chung một phòng, dụng tâm là muốn cho chị em loạn luân, chúa tôi phải thất lễ.

Quan Văn Trường một dạ thẳng ngay không để tà tâm vật dục quyến rũ, một tay cầm đuốc, một tay cầm sách Xuân Thu đọc đến sáng. Mọi người thấy vậy khen Văn Trường là người chính trực. Từ đó, danh từ “Ngọn Đuốc Văn Trường” được dùng để ám chỉ những kẻ ngay thẳng, không để vật dục quyến rũ lòng mình.

Những con người anh dũng lướt thắng cám dỗ như Quan Văn Trường quả là hiếm. Càng hiếm hơn nữa, những con người không để cho vật dục quyến rũ, vì người ta đã quen lối sống dễ dãi, thích hưởng thụ, ham khoái lạc. Cho nên, tâm trí họ lúc nào cũng là là mặt đất, không đủ sức bật để vượt qua những cám dỗ thử thách, mà vươn lên những ý tưởng cao thượng, những ý nghĩ thánh thiêng.

Dù thế nào đi nữa, cám dỗ vẫn nói lên thân phận yếu đuối của con người. Cám dỗ có thể đến từ ma quỷ, từ người khác, và nhất là từ ngay trong chính bản thân. Có bao nhiêu giác quan là có bấy nhiêu cửa ngõ cho cám dỗ đi vào. Đối với người Kitô hữu, cám dỗ càng đeo đuổi họ như hình với bóng, nó chỉ buông tha khi họ đã đi hết cuộc hành trình trần gian. Tuy nhiên, thành công hay thất bại cũng tùy thuộc họ chiến thắng hay đầu hàng các cơn cám dỗ. Số phận đời đời cũng sẽ căn cứ vào việc họ đã vượt qua cơn thử thách hay buông xuôi bỏ cuộc.

Các phương thế để thắng cơn cám dỗ: cầu nguyện, ăn chay, hãm mình và Lời Chúa. Lời Chúa chính là khiên thuẫn cho người tín hữu trong mọi cơn cám dỗ. Một khi Lời Chúa đã thấm nhiễm vào con tim, khối óc, và toát ra trong các hành vi của người tín hữu, thì không một cơn cám dỗ nào mà họ không thể vượt qua, không một thử thách nào mà họ không lướt thắng. Tuy nhiên chúng ta luôn phải có lòng khiêm nhường nhận mình yếu đuối cần nhờ ơn Chúa, và cương quyết nói “không” trước cơn thử thách. Trong các kế sách để thắng cám dỗ duy nhất chỉ có một diệu kế: đó là “đào vi thượng sách”.

Cầu nguyện: lạy Chúa những cám dỗ xảy đến với con là do thánh ý của Chúa. Chúa muốn con có dịp chứng tỏ tình yêu của con đối với Chúa. Nếu con yêu mến Chúa thật sự, con phải chứng tỏ được tình yêu ấy trong những cơn thử thách. Sự thành công hay thất bại trong những cơn cám dỗ sẽ giúp con xác định được tình yêu của con đối với Chúa, và giúp con nhìn ra chính con người của con, một con người yếu đuối và tội lỗi. Amen.

Lm Giuse Đỗ văn Thuỵ

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.119

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.120

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg. 120

[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.121

[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.121

[6] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.121

[7] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.122

[8] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.123

[9] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.123

[10] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.124

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …