Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 30 Thường niên, của Tu sỹ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 30 Thường niên, của Tu sỹ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

 

THỨ HAI

ĐỪNG VÌ LUẬT MÀ BẤT NHÂN VỚI ANH EM!

(Lc 13, 10-17)

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: vào một buổi chiều nọ tại một làng quê, người ta đem một người chết đi chôn. Trong khi chuẩn bị hạ huyệt, người nhà nghe thấy có tiếng động trong quan tài? Ngay lập tức, họ báo cho mọi người biết! Vì thế, người chủ sự lễ nghi truyền cho những người khiêng quan tài dừng lại và mở nắp quan tài ra. Mọi người ngỡ ngàng, xôn xao và sợ hãi vì thấy người chết ngồi dạy! Tuy nhiên, vị chủ sự nói với người trong quan tài rằng: “Thưa ông, theo nguyên tắc, việc ông chết đã được thông báo và chúng tôi đã có giấy báo tử của ông trong tay. Vì thế, cứ chiếu theo nguyên tắc, ông phải được chôn xuống. Vì thế, ông vui lòng để chúng tôi thi hành bổn phận”. Dứt lời, vị trưởng nghi truyền cho mọi người đóng nắp quan tài lại và tiếp tục lễ nghi, mặc cho lời van xin của người trong quan tài!

Trên đây chỉ là câu chuyện giả tưởng nhằm phê phán những người sống hình thức, vụ luật, bất nhân.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Đức Giêsu lên tiếng chỉ trích rất nặng lời với những người sống vụ luật và bất nhân đối với người khác.

Câu chuyện được khởi đi từ việc Đức Giêsu chữa người đàn bà bị quỷ ám làm cho khòm lưng đã 18 năm vào đúng ngày Sabát. Thấy vậy, ông trưởng hội đường xem ra có vẻ khó chịu vì Đức Giêsu đã vi phạm luật ngày Sabát. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lên tiếng nói: “Hỡi những kẻ giả hình, chớ thì trong ngày Sabát, mỗi người trong các ông không thả bò hay lừa của mình ra khỏi chuồng mà dẫn nó đi uống nước sao? Phương chi người con gái của Abraham này, Satan cột trói nó đã 18 năm nay, chớ thì không nên tháo xiềng xích buộc nó trong ngày Sabát sao?”. Qua câu hỏi đó, Đức Giêsu mặc cho luật một tinh thần mới, đó là: yêu thương, liên đới và tha thứ. Đây chính là cốt lõi của luật. Luật mà không có tình yêu lồng vào thì đó là luật chết, vì nó giết chết con người cách khủng khiếp nhất.

Ngày nay, vẫn có nhiều người xem ra rất đạo đức như: đọc kinh, xem lễ hằng ngày; lần hạt thì hết chuỗi này đến chuỗi khác. Điều này rất tốt và ích lợi cho đời sống thiêng liêng nếu người đó biết thực hành những điều Chúa và Giáo Hội dạy ngang qua những việc đạo đức đó, tức là “Lời nói đi đôi với việc làm”.

Nhưng chớ trêu thay, vẫn còn đó những cái xác không hồn khi không biết sống yêu thương, không có tấm lòng bác ái, nhân từ, vẫn sống man trá, lọc lừa nhân danh thứ đạo đức dởm bề ngoài. Lại có nhiều người đi lễ đâu phải vì lòng mến Chúa, mà chủ yếu là khoe mẽ quần là áo lượt! Vì thế, khi thấy cha giảng hơi dài một chút là khó chịu, bực tức, hoặc khi cha dẫn giải Lời Chúa mà đụng chạm đến lòng tự ái của mình là đùng đùng nổi giận và chỉ trích cha thế này, cha thế kia…! Tệ hơn nữa là đi lễ chỉ vì luật, nên không thiếu gì những bạn trẻ đi lễ “ôm” hay thuộc đạo “gốc”; đạo “ngắm”; đạo “dòng”!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần thoát ra khỏi những kiểu giữ đạo vì sợ điều này điều kia. Hay đi lễ nhà thờ chỉ vì thói quen, hoặc muốn chứng tỏ rằng mình đạo đức hơn người. Lời Chúa thôi thúc chúng ta rằng: khi giữ những luật lệ của đạo là điều cần thiết. Tuy nhiên, cần mặc cho nó một tình yêu. Nếu có tình yêu, chúng ta sẽ mến Chúa, yêu anh chị em mình cách chân tình. Luôn muốn và làm điều tốt nhất cho anh chị em chúng ta. Không còn chuyện bè phái, lươn lẹo, lật lường, nhưng ngay thẳng, chân thành và thánh thiện. Chỉ khi làm được chuyện đó, chúng ta mới thấy được luật của Chúa là luật làm cho con người được hạnh phúc, bình an và hoan lạc thực sự. Nếu không thì chỉ là chiếc xiềng quá nặng mà chúng ta vẫn cố đeo trên cổ đến nỗi bò lê lết để mang nó hằng ngày.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con yêu mến Luật Chúa; đồng thời, xin cũng cho chúng con biết đem luật yêu thương của Chúa ra thực hành trong cuộc sống nơi các mối tương quan. Amen.

 

THỨ BA

NHỎ MÀ VĨ ĐẠI

(Lc 13, 18-21)

 

Xem thêm CN 11 TN B (Mc 4,26-34), thứ Sáu tuần 3 TN (Mt 13,31-32), Và thứ Hai tuần 17 TN

Ở đời, người ta thường xem nhẹ những điều nhỏ mọn và coi đó như là chuyện không cần bàn, vì thế cũng đâu cần quan tâm!

Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như bé nhỏ ấy lại là nguyên nhân cần thiết để trở thành những điều lớn lao.

Thật vậy, nhà Phật có câu:

“Hãy nhìn một em bé

Xin người chớ xem thường

Trong em có chất liệu

Của một bậc đế vương”.

 Hay;

“Hãy nhìn một đốm lửa

Xin người chớ xem thường

Dù nhỏ bằng đầu đũa

Đốt cả rừng lẫn nương”.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn nói đến sự lớn mạnh của Nước Trời qua dụ ngôn hạt cải và nắm men.

Thật vậy, hạt cải của vùng Palestine là một loại hạt nhỏ bé nhất trong những loài thảo mộc, nhưng khi nó đã lớn, thân cây của chúng cao to, có thể là nơi chim trời về làm tổ trong những tán lá xum xuê. Còn khi nói Nước Trời như một nắm men, Đức Giêsu cho thấy Nước ấy cũng sẽ lớn mạnh như men làm cho bột dạy lên thế nào thì Đạo Thánh mà Ngài thiết lập cũng sẽ lan rộng như vậy.

Thật thế, ngày nay, nhìn ra thế giới, chúng ta nhận thấy rất rõ sự lớn mạnh này. Khởi đi từ một nhóm môn đệ ít ỏi và lại gặp biết bao thử thách từ trong trứng nước như: cấm cách, bắt bớ và giết chết bằng những hình thức hết sức tàn bạo, dã man… Tuy nhiên, càng thử thách bao nhiêu, càng phát triển bấy nhiêu, đôi khi có lúc âm thầm, nhưng như than hồng rực nóng hơn nhiều lần ngọn lửa thế nào thì Đạo của Chúa cũng mạnh mẽ và mãnh liệt như vậy. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam của chúng ta cũng chứng minh rất rõ điều đó!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết cậy dựa và đặt niềm tin nơi Chúa. Tin tưởng rằng mình chẳng là gì, rất bé nhỏ, nhưng một khi đã gắn kết với Chúa trong sự khiêm tốn thì chắc chắc Chúa sẽ dùng vào những chuyện lớn lao cho chương trình của Ngài. Ví dụ như Phêrô; Phaolô; Âu tinh…

Khiêm tốn chính là vũ khí để chống lại những kẻ kiêu ngạo đang ngang ngược chống phá Giáo Hội. Chúng ta vững tin, sẽ có ngày chỉ một nắm men nhỏ, chúng ta sẽ làm cho cả khối bột dạy men nhờ ơn Chúa.

Điều quan trọng là hạt cải phải mục nát đi, men phải được hòa tan trong bột thế nào thì đời sống của người Kitô hữu cũng phải như vậy, tức là đời sống đạo của chúng ta phải chan chứa tình Chúa, tình người, sống công bằng, từ bi, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại… Có thế, chúng ta mới làm cho hạt cải của niềm tin sống động làm chỗ dựa cho người khác. Làm cho men yêu thương lan tỏa để nhiều người yêu mến Chúa hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn và trung thành gắn bó với Chúa để can đảm ra đi làm chứng cho Chúa bằng khả năng nhỏ mọn đơn sơ nhưng chân thành. Xin Chúa đón nhận và làm cho đóng góp của chúng con được hữu hiệu trong tình yêu Chúa. Amen.

 

THỨ TƯ

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

“TÔI SẼ NÊN THÁNH”

(Kh 7, 2-4. 9-14; 1Ga 3, 1-3; Mt 5, 1-12a)

Hôm nay, cùng với Giáo Hội hoàn vũ mừng kính trọng thể Lễ Các Thánh. Đây là niềm vui, vinh dự và là gia sản thiêng liêng lớn lao của Giáo Hội và của từng người chúng ta. Bởi vì, trong mỗi gia đình, dòng tộc, ít nhiều, đều có những vị thánh đang được hưởng tôn nhan Chúa.

Tuy nhiên, mỗi khi mừng lễ các thánh, có lẽ nhiều người trong chúng ta đặt ra cho mình những câu hỏi: các thánh là ai? Cuộc sống tại thế của các ngài có lẽ quá phi thường chăng? Liệu chúng ta có nên thánh được hay không?

  1. Các thánh là ai?

Các thánh là ai? Đây là câu hỏi của rất nhiều người thuộc mọi giai tầng, tôn giáo trong xã hội cũng như của mỗi chúng ta! Đặt ra cho bản thân câu hỏi như thế, để từ đó tìm ra cho mình một câu trả lời.

Có người thì nói: “Các thánh là những người để cho Ánh Sáng Mặt Trời chiếu qua”; hay: “Các thánh là những người 99 lần ngã và lần 100 thì đứng dạy”; hoặc: “Các thánh là những người bình thường, nhưng sống cách phi thường”!

Giờ đây, chúng ta sẽ cùng nhau lần lượt chia sẻ những khái niệm mà người đời đã nhận thấy nơi cuộc sống của các thánh. Từ đó, tìm ra cho mình con đường nên thánh theo cung cách cá biệt của mỗi người.

– Các thánh là những người để cho Ánh Sáng Mặt Trời chiếu soi

Mặt Trời ở đây phải hiểu là chính Đức Kitô. Bởi vì Đức Kitô là Mặt Trời soi đàng công chính. Ngài đến để chiếu rọi vào trong tâm hồn mỗi người, hầu dẫn mỗi người đi trên đường lối của Thiên Chúa để được cứu độ. Thánh sử Gioan đã nói: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9).

Chính Đức Giêsu cũng quả quyết: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12).

Như vậy, các thánh chính là những người chấp nhận để cho Ánh Sáng của Đức Kitô chiếu sáng trên cuộc đời của mình. Các ngài cũng là những người sẵn sàng đi theo Ánh Sáng một khi đã được Ánh Sáng soi dẫn. Từ đó, nhờ Ánh Sáng của Đức Kitô chiếu sáng, cuộc đời của các ngài không còn những bóng tối của tội lỗi, mà thay vào đó là sự hiền lành, hối cải, khát khao công chính, xót thương người, sống trong sạch, xây dựng hòa bình và sẵn sàng đón nhận đau khổ…

– Các thánh còn là những người 99 lần vấp ngã

Khi nói về cuộc đời các thánh, có lẽ chúng ta không khỏi ngạc nhiên với khái niệm trên! Nhưng trong thực tế, chúng ta thấy câu nói này quá đúng. Đúng là bởi vì không ai trước khi làm thánh mà không là phàm nhân. Đã là phàm nhân thì không thể tránh khỏi những thiếu xót. Đọc lại lịch sử các thánh, chúng ta nhận thấy rõ điều này. Chẳng hạn như Phêrô, vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội, ngài là một người nhát đảm, hèn nhát, nóng nảy, giận hờn, nhất là phạm vào cái tội trời không tha, đất không dung là: trối Chúa tới ba lần. Hay như Phaolô, một kẻ hung bạo, khát máu đến tàn ác trong việc bắt bớ đạo và chém giết những ai dám cả gan tin theo Đức Giêsu. Danh Giêsu đối với Phaolô quả là một tên đáng tiêu diệt!

Chúng ta cũng nhận thấy nơi Mađalêna, một vị thánh nổi tiếng về lòng yêu mến Chúa. Nhưng trước đó, sự nổi tiếng của ngài lại nằm ở chỗ đàn điếm, ăn chơi trác táng. Hay như Augustinô, vị thánh của ân sủng. Nhưng lúc sinh thời, ngài cũng làm đình đám trong những chuyện ngang tàng, kiêu ngạo, nhất là phản đạo, chống Chúa bằng những triết thuyết mà bè rối Nhị Nguyên đầu độc. Và, gần chúng ta hơn cả, đó là một số thánh tử đạo Việt Nam! Đây đó, chúng ta cũng đọc thấy những trang sử viết về một thời của các ngài rất đen tối như: trối Chúa, chống đạo, ham quyền, hám lợi, thích chơi ngông…

Tuy nhiên, cũng một mẫu số chung, đó là: sau khi đã nhận ra và cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với mình, đồng thời nhận ra những sai lỗi trong quá khứ, các ngài đã để cho lòng thương xót của Thiên Chúa rợp bóng trên cuộc đời các ngài với ý thức rằng: ở đâu tội lỗi tràn đầy, ở đó chứa chan ân sủng, bởi vì: dù tội lỗi có đỏ như son hay thẫm tựa vải điều, thì với ân sủng của Thiên Chúa, các ngài sẽ được trở nên trắng như tuyết, sạch như bông.

Các ngài đã hoàn toàn đi ngược lại với những người mất ơn cứu độ, họ là những người 99 lần tốt lành, nhưng lần cuối cùng thì ngã gục trong sự kiêu ngạo.

– Các thánh còn là những con người bình thường như bao người

Có những vị chẳng có gì gọi là chiến công hiển hách. Có những vị khi còn sinh thời đã bị coi khinh đến độ như một con lừa, đó là thánh Gioan Vianney. Có những vị trở thành trò cười cho thiên hạ như thánh Phanxicô Assisi. Hay tầm thường như Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Có những vị bị người khác coi là bất thường như Gioan Thánh Giá, Têrêxa Avila. Lại có những vị sống âm thầm với những công việc chẳng có gì đáng kể như Martino Porres và Giêrađô. Hay có những vị đơn thuần chỉ là ông bố, bà mẹ trong gia đình như song thân thánh Têrêxa. Cũng có những vị chết lúc tuổi đời còn quá trẻ, chưa có gì đáng để lưu dấu chốn trần gian như Saviô và Maria Gôretti… Cũng không thiếu những vị suốt cuộc đời ẩn dật, âm thầm đến độ người đời không hề biết đến…

Các ngài là những con người bình thường. Tuy nhiên, tất cả đã làm nên bất thường khi chính cuộc đời của các ngài là một bản tình ca: “Tình yêu đáp trả tình yêu; mạng sống đáp đền mạng sống” một cách phi thường. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi cuộc đời của các ngài mê say Đức Giêsu đến độ: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1, 21), vì: “Không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39).

Với tất cả những gì đã chia sẻ ở trên, giờ đây, mỗi người chúng ta có lẽ sẽ tiếp tục đặt ra cho mình những câu hỏi đại loại như: trong nội căn con người của tôi, tôi có mầm mống thánh không? Ông nọ bà kia nên thánh được, tôi có nên thánh được không?

  1. Chúng ta có trở thành những vị thánh được không?

Với những câu hỏi vừa đặt ra, chúng ta cần phải khẳng định ngay rằng: tự căn nguyên nơi mỗi người, chúng ta thuộc về Chúa là Đấng Thánh và luôn được mời gọi nên thánh: “Hãy Nên Hoàn Thiện Như Cha Trên Trời” (Mt 5, 48). Hơn nữa, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về Chúa. Nơi ta và Chúa cùng chung nhau một giòng máu qua Đức Giêsu Kitô. Vì thế, lời mời gọi và mầm mống thánh nơi chúng ta luôn luôn thường trực trong tâm hồn.

Điều quan trọng, đó là: chúng ta có để cho mầm thánh nơi chúng ta lớn lên và phát triển như các thánh hay không mà thôi. Nếu chúng ta ngoan ngùy để cho Mặt Trời Công Chính chiếu qua bằng việc lắng nghe Lời Chúa và sẵn sàng buông theo ân sủng cũng như sống khiêm nhường, biết sám hối ăn năn, thì: “Ông nọ bà kia nên thánh được, tôi cũng sẽ nên thánh”. Và lời quyết tâm của thánh Giêrađô, tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế khi từ giã mẹ để lên đường đi tu đáng để cho chúng ta suy gẫm trong ngày lễ kính các thánh hôm nay: “Vĩnh biệt mẹ con đi làm thánh”.

Mong sao, mỗi khi mừng lễ các thánh, chúng ta hãy cố gắng noi gương các ngài và chu toàn bổn phận hằng ngày trong lòng mến, ngõ hầu mai ngày, chúng ta cũng sẽ là những vì sao sáng chiếu rọi trên không trung quanh Mặt Trời Công Chính là Đức Giêsu Kitô, để làm cho trần gian này sáng hơn và thánh hơn. Amen.

 

THỨ NĂM

LỄ CÁC LINH HỒN

HÃY NHỚ ĐẾN CÔNG ĐỨC CỦA CÁC NGÀI

Tại đất nước của chúng ta hay trên thế giới, có lẽ không ai lại không biết đến cây chuối. Có nhiều loại chuối, nhưng các loại chuối đều giống nhau ở một điểm là: chúng chỉ sản sinh ra một buồng chuối duy nhất, không bao giờ có buồng thứ hai. Lúc mới lớn, chúng to cao, thân vạm vỡ, lá xanh tươi. Nhưng khi chúng bắt đầu có buồng, thì cũng là lúc chúng chuẩn bị héo tàn xơ xác với thời gian, và, khi buồng chuẩn bị chín, cây chuối mẹ sẽ ủ rũ, héo úa như muốn dồn hết sức lực còn sót lại để nuôi chúng. Sự sống của nó kết thúc khi buồng chuối đã chín hẳn. 

Như vậy, trong quá trình sinh trưởng của buồng, cây chuối mẹ phải hy sinh những tinh túy nhất của mình cho buồng chuối. Có thế, chúng ta mới được tận hưởng những trái chuối to, thơm ngon và bổ dưỡng… 

Cây chuối là biểu tượng cho một tình yêu cao thượng. Nhìn cây chuối đang mang buồng, chúng ta suy nghĩ đến sự quảng đại, hy sinh đến quên mình của những bậc tiền nhân chúng ta. 

Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta cử hành thánh lễ cầu hồn để cầu nguyện cho các linh hồn là những ông bà, cha mẹ, tổ tiên, những người thân yêu, ân nhân, thân nhân, bạn hữu… của chúng ta đã ra đi về với Chúa.

  1. Lý do cần cầu nguyện cho các linh hồn

Cầu nguyện cho các ngài là bổn phận, là sống tinh thần hiệp thông, là thể hiện đức ái và nhất là biểu lộ niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa. 

Như vậy, tháng 11 đối với đạo Công Giáo được gọi là tháng báo hiếu tổ tiên. Vì thế, những người con, cháu, chắt hãy nhớ công ơn trời bể, nhất là những lời dạy dỗ, bảo ban của các ngài mà khắc cốt nghi tâm: “Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ, lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai […], vì huấn lệnh là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng, và lời quở trách bảo ban là đường dẫn tới sự sống” (x. Cn 6,20.23).

Thật vậy, cả cuộc đời của các ngài đã sống hết mình vì con cái. Đôi khi vì hạnh phúc của con mà người mẹ phải chấp nhận tần tảo ngược xuôi, ăn bữa nay, lo bữa mai, nhưng nhất quyết không để con mình phải đói, phải rách, hay bị thất học… Có những người mẹ đã cống hiến luôn cả một phần cơ phận của mình để có tiền lo cho con cái ăn học hay chữa bệnh…: 

“Nuôi con buôn tảo bán tần, chỉ mong con lớn nên thân với đời. Những khi trái nắng trở trời, con đau làm mẹ đứng ngồi không yên. Trọn đời vất vả triền miên,chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con”. 

Hoặc có những người cha đã phải thức khua dạy sớm, làm lụng vất vả để nuôi sống gia đình và lo cho con cái bằng bạn bằng bè: 

“Cha tôi tuy đã già rồi, nhưng còn làm lụng để nuôi cả nhà. Sớm hôm vừa dấy tiếng gà, cha tôi đã dạy để ra đi làm”. 

Đó là về vật chất, còn về tinh thần thì sao? Chắc hẳn không có người cha, người mẹ nào lại muốn con cái mình sinh ra hư hỏng, trái lại, các ngài luôn mong muốn cho chúng càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, đạo hạnh… Tuy nhiên, vì sự lêu lổng, tính ham chơi và tuổi đời bồng bột, nên đã biết bao lần con cái làm cho cha mẹ phải tủi nhục đắng cay! Đấy là chưa kể đến những đứa con bất hiếu đến độ đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, chửi mắng các ngài chỉ vì không đáp ứng những nhu cầu bất chính của chúng! Quả đúng là: “Cha mẹ thương con như biển hồ lai láng, con thương cha mẹ tính tháng tính ngày”. 

Nhiều khi con cái đâu có hiểu được rằng: chúng được thành đạt, nên người; được cơm no áo ấm; được nở mặt nở mày với những nụ cười rạng rỡ; được nhiều người thương mến, kính trọng… Có bằng này chức kia lại là kết quả của cha mẹ một nắng hai xương, dầm mưa dãi nắng; cầy sâu cuốc bẫm; suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để dành dụm được chút ít dư dật, hầu lo cho con cái được ấm no, hạnh phúc. 

Nói chung: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. 

Đây là gia tài quý báu mà các ngài truyền lại cho con cháu. 

Thật vậy, công đức, gương sáng của các ngài đã để lại cho chúng ta là cả một gia tài vô giá, vì thế,“Uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”, vì:  “Mẹ cha vất vả nuôi mình. từ khi trứng nước công trình biết bao. Làm con phải nhớ công lao, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Nhưng có lẽ món quà quý giá nhất giờ đây mà các ngài mong muốn nơi chúng ta, đó là dâng thánh lễ và lời cầu nguyện.

  1. Cầu nguyện là món quà quý giá nhất dnahf cho các linh hồn

Vì thế, niềm tin Kitô Giáo cho chúng ta một niềm hy vọng rằng: chết không phải là hết, nhưng là một cuộc đi về Quê Thật, vì: “Sinh ký, tử quy”. Chính trong niềm tin này mà chúng ta có một sự liên hệ mật thiết giữa người sống và người chết cách nhiệm mầu, nhưng sống động. Thế nên, khi đứng trước hay nhìn thấy các nấm mồ của người thân yêu đã quá cố, chúng ta không thể quên công ơn của các ngài, vì: “Mồ thật chôn các người chết là trái tim của người sống” (Tục ngữ). Sự sống và tinh thần của các bậc tổ tiên được lưu truyền hậu thế mãi mãi nơi những khuôn mặt, trái tim của hậu sinh là chúng ta. 

Vì thế, Mẹ Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tưởng nhớ công ơn của các ngài để noi gương và nhất là dâng lời cầu nguyện, hy sinh cho các linh hồn. Đây là cách báo hiếu tốt nhất dành cho người quá cố và đây cũng là niềm tin của mỗi chúng ta. Trong Kinh Thánh, chúng ta vẫn tuyên xưng: “Tôi biết rằng Ðấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa” (G 19,25-26).  Xác tín này cũng chính là niềm tin của Mattha trước cái chết của Lazarô, vì thế, cô được Đức Giêsu mặc khải về sự sống sau cái chết nơi những người tin: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26). Lời hứa về sự sống đời đời còn được Đức Giêsu mặc khải nhiều lần khác nhau: “Ý của Ðấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 39). Lúc khác Ngài khẳng định mạnh mẽ hơn: Ai “tin vào người Con, thì được sống muôn đời” (Ga 6, 40). Hay: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).

  1. Sứ điệp ngày lễ

Mỗi khi tháng 11 đến,  ngoài việc cầu nguyện cho các linh hồn, Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức rằng: “Nay người, mai ta”. Sự ra đi của tiền nhân là dấu chỉ báo trước cho chúng ta biết, một mai chúng ta cũng sẽ lần lượt ra đi như các ngài để trở về thế giới bên kia, vì: “Mọi sự dầu hay, hay dở, đều không chắc chắn, chỉ sự chết là chắc chắn sẽ xảy đến” (thánh Augúttinô).

Tuy nhiên, thông điệp được sáng lên từ những nấm mồ tưởng chừng như bất động kia lại rất sống động khi nó chuyển tải cho chúng ta những chân lý như: cuộc đời này thật hữu hạn. Sẽ có ngày tôi cũng phải từ giã mọi người để ra đi về với Chúa và được chôn cất trong ba tấc đất nhỏ bé kia. Thân xác chúng ta sẽ trở về với cát bụi, và mọi cố gắng đến đây chấm dứt, chỉ còn biết cậy trông lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng nhân ái của mọi người bằng đời sống hy sinh và cầu nguyện mà thôi. 

Bên cạch đó, từ mơi nấm mồ toát lên lời mời gọi chúng ta: hãy sống lành để được chết thánh; hãy yêu thương để được yêu thương; hãy tha thứ để được thứ tha; hãy sống như ngày mai sẽ chết, để ngay từ giây phút này sám hối ăn năn, đây chính là tinh thần tỉnh thức trong ân sủng. 

Lạy Chúa Giêsu, chính Chúa là sự sống đời đời, xin ban cho các linh hồn được an nghỉ trong tình thương của Chúa và xin cho chúng con sống tốt trong cuộc sóng hiện tại, để mai ngày được cùng tổ tiên chúng con ca tụng Chúa trên Nước Trời. Amen.

 

THỨ SÁU

LUẬT PHẢI ĐƯỢC CHI PHỐI BỞI TÌNH YÊU

(Lc 14, 1-6)

Có một câu chuyện kể rằng: khi đang đi trên đường vào chiều tối, một cô gái bị nhóm thanh niên lạ mặt vây hãm. Đang thực hiện hành vi cướp giật và đồi bại… bất thình lình, có một chàng trai bảnh bao, võ nghệ thuộc loại giỏi, nên anh ta đã tung ra những tuyệt chiêu để đánh đuổi bọn cướp và bảo vệ cô gái. Thấy không chống trả lại được, bọn cướp đã bỏ đi cách nhanh chóng, để lại cô gái cũng như chiếc xe hàng hiệu của cô trong sự tiếc nuối! Còn cô gái thì sợ hãi tột cùng. Tuy nhiên, với nghĩa cử hào hiệp, cộng thêm bề ngoài bảnh trai… cô gái đã nhanh chóng lấy lại tinh thần và thán phục, tôn trọng với chàng trai tốt bụng đã giúp đỡ mình thoát nạn. Trong tâm hồn cô, chàng trai này đã chiếm được một vị trí đặc biệt. Thấy được cô gái đã siêu lòng, chàng trai tỏ vẻ yêu thương và hứa hẹn đủ điều. Tuy nhiên, lợi dụng lúc cô gái không để ý, hắn ta đã nhanh chóng lên xe của chính cô và tẩu thoát, để lại cô gái một mình trong sự bàng hoàng… Như vậy, thực chất chàng trai đã làm mờ mắt và siêu lòng cô gái trên đây chính là một tên lừa siêu hạng!

Hôm nay, ngang qua việc người đàn bà mắc bệnh phù thũng đến với Đức Giêsu đúng vào ngày Sabát, và các người Luật Sĩ tỏ ra khó chịu! Nhân cơ hội này, Đức Giêsu dạy cho những người Luật Sĩ bài học tình thương phải phát xuất từ tấm lòng chân thật chứ không phải vì giả bộ bề ngoài.

Khởi đi từ câu hỏi: “Trong ngày Sabát, có được phép chữa bệnh không?”, tiếp theo sau đó, Ngài lại đặt ra một tình huống và yêu cầu họ trả lời: “Trong ngày Sabát, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?”. Tuy nhiên, họ đã cứng họng và không thể trả lời được bất cứ câu hỏi nào của Đức Giêsu. Lý do những Luật Sĩ không thể trả lời được các câu hỏi của Đức Giêsu chỉ vì họ sống vụ luật, hình thức, giả tạo. Nên gặp phải Đấng là nguồn gốc của chân lý, tình thương thì đương nhiên họ phải câm miệng, bởi vì họ thuộc hạng người: luôn chất những gánh  nặng không thể vác nổi lên vai người ta, còn họ, họ không đụng một ngón ta mà lay thử.

Thật vậy, nếu luật mà không có tình thương thực sự thì hẳn sẽ chỉ là trò bịt bợm, dối lừa và lợi dụng mà thôi. Câu chuyện trên cho thấy rõ bản chất của chàng trai kia: hắn giữ luật là bảo vệ người thấp cổ bé họng, chân yếu tay mền trước sự tấn công của kẻ mạnh, nhưng những hành vi, nghĩa cử đó của hắn đâu phải vì tình thương, mà là một chiêu thức tinh vi, một trò bỉ ổi để lừa gạt mà thôi.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy tránh cho xa thói chuyên nghề bịt bợm, lưu manh nhân danh đạo đức, nhân danh công lý… như những người Luật Sĩ khi xưa. Đừng vì cái mác đạo đức bên ngoài mà bất nhân đến độ loại bỏ tiếng Lương Tâm để đi đến hành vi vu oan cho người khác, chỉ vì người ta dám nói lên sự thật, hay vì người ta dễ thương khi sống cốt lõi của Tin Mừng là tình thương…

Lạy Chúa Giêsu, Luật của Chúa là luật tình thương, Luật vì con người. Xin cho mỗi chúng con biết yêu mến Luật Chúa, và khi thi hành, xin cho chúng con biết đem tình yêu lồng vào trong Luật đó. Có thế, Luật của Chúa mới giải thoát chúng con mà thôi. Amen.

 

THỨ BẨY

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI KHIÊM NHƯỜNG?

(Lc 14, 1. 7-14)

Có một lần, trên xe buýt có hai linh mục, hai giáo dân. Vị linh mục lớn tuổi hỏi một bác đang cùng lộ hành với ngài rằng: theo ông, thế nào được gọi là người khiêm nhường?

Tưởng rằng với tuổi đời khá cao và đã từng trải, mình sẽ trả lời “ngọt như đường mía lau”. Bác ta trả lời rằng: “Thưa cha, người khiêm nhường là người không có bon chen với ai; luôn nghe lời của người khác và làm theo; và người khiêm nhường là luôn cho mình bất xứng!”. Vị linh mục kia trả lời: “Không đúng! Vì nếu người khiên nhường chỉ mong cho được bình yên thì họ thuộc về hạng người bị thụ động, mềm yếu; hay luôn làm theo ý người khác là người trốn tránh trách nhiệm, thiếu tự chủ, chứ thực chất không phải khiêm nhường; hoặc luôn coi mình là bất xứng thì không chừng, khiêm nhường kiểu này chẳng khác gì ‘một lần khiêm tốn bằng bốn lần kiêu ngạo’ vì họ có thể dùng chiêu thức này để người khác đề cao, khen ngợi và đánh giá mình đạo đức trước mặt mọi người”. Bác kia hỏi lại: “Vậy ai là người khiêm nhường thật?” Linh mục trả lời: “Người khiêm nhường là người sống đúng sự thật, biết nhận ra sự thật và tôn trọng sự thật”.

Thật vậy, theo tinh thần Tin Mừng, người khiêm nhường thật chính là người biết nhận ra sự thật hữu hạn của mình và nhận thấy Chúa quyền năng. Nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và Thiên Chúa yêu thương. Người khiêm nhường cũng là người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, sự góp ý của anh chị em.

Nói chung, người khiêm nhường là người biết ý thức rằng: mọi sự mình có là do Chúa yêu thương. Vì thế, sống khiên nhường là luôn biết hạ mình trước mặt Chúa và tha nhân. Luôn biết sám hối, canh tân để được Thiên Chúa nâng lên trong ân sủng của Ngài, bởi vì: “… hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học được bài học khiêm nhường của Chúa để chúng con được thuộc về Chúa cách trọn vẹn. Amen.

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …