THỨ HAI
HÃY COI CHỪNG KHI SỬ DỤNG TIỀN CỦA!
(Lc 12, 13-21)
Xem CN 18 TN C
Của cải là nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Không có tiền, chúng ta khó có thể đáp ứng nhu cầu căn bản như cơm ăn, áo mặc. Tuy nhiên, của cải là con dao hai lưỡi, nó có thể trở thành đầy tớ tốt cho những ai biết sử dụng và trở thành ông chủ tồi nơi những kẻ thượng tôn nó.
Trong thực tế, rất nhiều người cảm thấy an tâm vì cho rằng: “Có tiền mua Tiên cũng được”! Đây là một quan niệm sai lầm căn bản.
Chính vì thế, nên Đức Giêsu đã lên tiếng cảnh báo những kẻ bám vào của cải vật chất như là cứu cánh của mình rằng: “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.
Thật vậy, kho tàng của chúng ta có đồ sộ đến thế nào thì cũng chẳng hề đảm bảo được mạng sống. Nó cũng chẳng đem lại cho chúng ta hạnh phúc thật và không bao giờ có chuyện hứa hẹn cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.
Thấy được mối nguy hại của vật chất, và thấy được sự ràng buộc cho những ai muốn theo Chúa để làm môn đệ mà lại vướng bận vào của cải, nên Đức Giêsu nói tiếp: “Ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.
Khi dạy như thế, Đức Giêsu không muốn nói là không được chiếm hữu của cải, bởi vì bản chất của nó không phải là xấu hay tội. Vì thế, Đức Giêsu không hề có thái độ kết án người giàu, mà chỉ kết án những kẻ giàu nhưng không biết sử dụng đồng tiền cách khôn ngoan. Ngược lại, họ lại trở thành kẻ ích kỷ như nhà phú hộ giàu có đối xử với Lazarô nghèo khổ không bằng con chó trước cửa nhà ông.
Như vậy, khi nói từ bỏ của cải là Ngài muốn nói đến việc biết xử dụng của cải như thế nào cho có ích nơi mình và người khác. Sử dụng tiền theo tinh thần của Đức Giêsu chính là biết chia sẻ cho những người túng thiếu, biết giúp đỡ cho Giáo Hội để lo cho người nghèo và phát triển Giáo Hội… Nói chung là biết dùng đồng tiền hữu hạn để mua lấy sự vô hạn là Nước Trời qua công việc bác ái, từ thiện của mình.
Thật vậy, ngang qua cách sử dụng tiền của, chúng ta dễ dàng nhận ra người đó đang thuộc về ai! Người môn đệ của Chúa thì sẽ sử dụng nó như là tôi tớ và phục vụ cho lợi ích của Giáo Hội cũng như người nghèo. Còn những người làm đồ đệ cho tiền của thì sẽ lo giữ của cho riêng mình và chỉ lo phục vụ điều bất chính nơi mình mà thôi. Họ coi đồng tiền như là chúa tể của họ và ảo tưởng cho rằng nó sẽ đem lại cho mình hạnh phúc thật.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sử dụng đồng tiền cho đúng ý Chúa, hầu qua đó, chúng con sẽ được hạnh phúc mai ngày trên Thiên Quốc. Amen.
THỨ BA
TỈNH THỨC THÌ SẼ ĐƯỢC CỨU
(Lc 12, 35-38)
Xem CN 19 TN C
Những trận mưa lớn kèm gió to tại nơi này hay nơi kia đã khiến bao người nhiều phen ú tim với “những cái chết không báo trước” do những cây cổ thụ đổ xuống hay do sạt lở đất đè lên người…
Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu căn dặn các môn đệ về sự tỉnh thức để đón chờ Chúa đến.
Tinh thần đón chờ này được ví như người đầy tớ đón chờ ông chủ đi ăn cưới về. Người đầy tớ không hề biết bao giờ ông chủ về, vì đám cưới của người Do thái thường kéo dài có khi buổi sáng, có khi cả ngày hay tới đêm khua… hoặc cũng có thể kéo dài lên tới vài ngày. Tuy nhiên, sự chờ đợi của họ không phải chỉ có ngồi và chờ, nhưng phải thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Như vậy, họ phải luôn trong tư thế làm việc, sẵn sàng. Tại sao vậy? Thưa! Vì sự xuất hiện của ông bất thình lình đến độ như tên trộm.
Như vậy, tỉnh thức mà Đức Giêsu nói đến ở đây chính là mỗi người cần có thái độ sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến; chờ đợi cái chết của chính mình trong tinh thần của kẻ tỉnh thức với đầy đủ đèn, dầu trong tay là những hy sinh, những việc đạo đức…
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để sống trong ơn Chúa. Muốn được sống trong tâm tình con Chúa, phải luôn có thái độ sám hối, ăn năm, làm việc lành phúc đức. Cần thanh tẩy đời sống hằng ngày. Nêu gương sáng cho tha nhân.
Làm được điều đó, chúng ta sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng là hạnh phúc đời đời trong cuộc sống mai hậu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tinh thần tỉnh thức qua cuộc sống thường ngày bằng những công việc làm cụ thể trong sự hướng thiện, để một khi Chúa đến với mỗi người chúng con bất cứ giờ nào, chúng con đều sẵn sàng ra đi nghênh đón Chúa. Amen.
THỨ TƯ
HÃY QUẢN LÝ CÁCH TRUNG TÍN
(Lc 12, 39-48)
Xem CN 19 TN C
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối hôm qua. Tuy nhiên, cùng một đề tài về sự tỉnh thức. Nhưng nếu hôm qua, Đức Giêsu nhắm đến đối tượng chính là các môn đệ nói chung, thì hôm nay, Ngài trực tiếp để ý đến những người quản lý, hay nói đúng hơn là những người lãnh đạo.
Thật vậy, qua dụ ngôn này, Đức Giêsu nhắm đến sự trung thành, tận tụy với công việc được giao. Ngài nói: không được chè chén say sưa, ngược đãi người khác. Nếu không làm được điều này thì ắt sẽ bị đòn nhiều: “Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn”.
Mỗi người chúng ta, một cách nào đó, hẳn đều là những người lãnh đạo. Có thể là chủ công ty, xí nghiệp, trưởng hội này, nhóm kia, hoặc ít ra là cha là mẹ trong gia đình. Nhìn rộng ra thì hết thảy ai ai cũng đều được Chúa trao cho những nén bạc như: sự sống, tài năng, sức lực… Khi được trao ban như thế, ấy là lúc Chúa tin tưởng và trao phó trách nhiệm cho chúng ta, để trong mọi hoàn cảnh, môi trường, chức nghiệp, chúng ta phải làm vinh danh Chúa và lợi ích cho phần rỗi của mình cũng như anh chị em.
Làm được điều đó, chúng ta được Chúa ví như một quản gia trung thành và khôn ngoan.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng để chu toàn bổn phận được trao. Hãy luôn nghĩ đến giờ chết của mình để chuẩn bị sẵn sàng trong tư thế của người môn đệ là lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Cần nhạy bén với ơn Chúa và các dấu chỉ để ý thức chu toàn bổn phận.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng, để biết chu toàn bổn phận của mình cách trung thành. Xin cho chúng con luôn biết ý thức mình sẽ chết, để từ đó biết sám hối và canh tân đời sống ngay trong giây phút hiện tại. Amen.
THỨ NĂM
BÌNH AN ĐÍCH THẬT LÀ GÌ?
(Lc 12, 49-53)
Xem CN 20 TN C, thứ Hai tuần 15 TN
Những trang Tin Mừng trước, Đức Giêsu nhấn mạnh đến thái độ tỉnh thức và sẵn sàng để đón chờ Chúa đến. Nếu không tỉnh thức, chúng ta sẽ gặp phải sự đau khổ, bất hạnh, bởi vì chính lúc không ngờ, Con Người sẽ đến. Sang bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chuyển sang một hướng khác, một đề tài liên quan trực tiếp đến sứ mạng và chương trình cứu độ của Ngài khi loan báo về cuộc thương khó cũng như cái chết, đồng thời cũng xác định những hệ quả của những người đón nhận Tin Mừng.
Trước tiên, Đức Giêsu muốn tiên báo về chính cái chết của mình: “Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”.
Sau khi đã nói về sứ mạng của Mình, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để tiên báo về những hệ lụy sẽ xảy đến cho cuộc đời của những người tin và theo Ngài, Ngài nói: “Các con tưởng rằng Thầy đến đem hòa bình cho trần gian? Thầy bảo cho các con biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12,49.51). Mới nghe, chúng ta có cảm tưởng rất nghịch lý và mâu thuẫn nội tại. Nhưng không! Qua câu nói đó, Đức Giêsu muốn cho chúng ta hiểu một cách sâu xa hơn rằng: không phải Đức Giêsu đến để đem hòa bình theo kiểu trần gian, mà là một nền hòa bình của Thiên Chúa và chỉ dành cho những ai xây dựng đời mình từ nền tảng Tin Mừng mà thôi. Hòa bình này là một thứ mà tiền không mua được, quyền cao chức trọng cũng chẳng có. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang đến, người ta chỉ có thể nhận được sau khi đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin Mừng của Ngài. Còn những ai không yêu mến, trung thành và tuân giữ thì sẽ không bao giờ gặp được bình an thực sự. Nhưng ngược lại, họ sẽ bất hạnh và chống đối lại hòa bình của Đức Giêsu nơi anh chị em khác.
Thật vậy, trong thực tế, chúng ta thấy rất rõ sự mâu thuẫn này ngay từ trong gia đình. Cha chống lại con, con chống lại cha; nàng dâu, mẹ chồng chống đối nhau; anh chị em phản bội lẫn nhau là chuyện bình thường. Tất cả khởi đi từ những lựa chọn thuộc về giá trị sống. Những người chọn Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài làm lẽ sống, chắc hẳn sẽ bị những người trong nhà không ưa, không thích bởi vì những người đó, họ đối lập hoàn toàn với những người môn đệ của Đức Giêsu, nên họ chọn cho mình sự đảm bảo nơi tiền, quyền và những thứ vui khác…
Trong số 118 thánh tử đạo Việt Nam của chúng ta, hẳn có quá nhiều người bị chính con ruột hay người thân trong huyết tộc bán đứng bằng cách báo với vua quan để nhận tiền thưởng, hay thăng quan tiến chức, hoặc thỏa mãn cơn giận… nhiều khi chỉ vì những lời dạy dỗ của các ngài dựa trên Tin Mừng của Đức Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con bình an của Chúa. Xin cho chúng con cam đảm đón nhận và giữ gìn sự bình an đó trong cuộc sống của chúng con mãi mãi, để chúng con được hạnh phúc thật. Amen.
THỨ SÁU
NHẬN RA DẤU CHỈ… VÀ SÁM HỐI, CANH TÂN
(Lc 12, 54-59)
Khi nói về dấu chỉ của thời tiết, ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:
“Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,
Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi”.
Hay:
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã khen ngợi những người Dothái về khả năng tiên đoán điềm trời của họ. Tuy nhiên, Ngài lại khiển trách họ chỉ biết dự báo về điềm trời, còn không biết dùng khả năng vốn có của mình để sử dụng vào lãnh vực cao hơn là những dấu chỉ ơn cứu độ. Ngài trách: “Hỡi những kẻ giả hình, các người biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi lại không tìm hiểu?”.
Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn xác định rằng: sự xuất hiện của Ngài ngang qua các hành động và những lời giáo huấn cho thấy: Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, đến để cứu thoát con người khỏi tội lỗi, khỏi chết phần hồn và đem lại cho nhân loại hạnh phúc thật. Đây chính là một điềm lạ vĩ đại, cả thể, nhằm loan báo Triều Đại Thiên Chúa đã đến và đang hiện diện giữa nhân loại thì họ lại không tin, không nhận ra.
Tại sao vậy? Thưa! Họ mong đợi nơi Đấng Cứu Thế phải là một người hùng, đánh đông dẹp bắc bằng vũ lực; phải là Đấng giải phóng dân tộc Dothái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Phải là người giỏi giang về binh đao và xuất xứ của Đấng ấy phải là quyền quý, cao sang.
Tuy nhiên, điều họ mong chờ ấy đã không phù hợp với bản chất của Đấng Thiên Sai, nên họ đã bị tối mắt và lu mờ lương tâm khi Đức Giêsu xuất hiện trong một gia đình nghèo, tầm thường. Hơn nữa, Ngài đến trong thân phận là người tôi tớ của Giavê, để phục vụ và đứng về phía người nghèo, tội lỗi, người không có tiếng nói… Đường lối cứu độ của Ngài lại là con đường khổ giá, khiêm nhường và hiền hậu. Sự nghiệp giải phóng của Ngài không chỉ dành riêng cho một quốc gia, dân tộc nào, mà là cho hết mọi người. Tất cả những điều đó họ đã không nhận ra, nên họ đâu màng chi đến những dấu chỉ về sự hiện diện của Đức Giêsu! Vì thế, họ không sám hối cũng chẳng cần thay đổi đời sống…!!!
Nơi xã hội hay trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng chẳng khác gì những người Dothái khi xưa khi phỏng chiếu một vị Thiên Chúa phải đứng về phe mình, mặc cho điều mình làm có đúng hay sai? Cũng vẫn còn đó những người luôn có khái niệm: “Tự nhiên có”, mà không hề nhận ra rằng: Chúa đang yêu thương, bao bọc ta và những thứ ta có là do lòng nhân từ của Chúa ban. Đôi khi có những bất chắc trong cuộc sống như tai nạn, bệnh tật, ốm đau… chúng ta đã được Chúa thương cứu sống cách nhiệm mầu. Ấy vậy mà khi chúng ta được chữa lành, thay vì tạ ơn Chúa, cải hóa đời sống và trung thành với Chúa, thì lại vui vẻ cho rằng mình gặp may… Rồi cũng không thiếu những lúc ta ích kỷ đến độ không hài lòng với người anh chị em của mình khi họ gặp điều thuận lợi hơn ta…
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy nhạy bén với ơn Chúa để nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi chính Lời của Ngài trong Tin Mừng. Đồng thời, luôn nhận ra tình thương của Chúa qua sự quan phòng kỳ diệu trong cuộc sống nơi các biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại của chúng ta. Mặt khác, hãy lo sám hối, cải thiện đời sống và quay trở về với Thiên Chúa một khi đã nhận ra tình thương của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã yêu thương chúng con vô bờ. Xin cho chúng con nhận ra tình thương của Chúa và biết sám hối, ăn năn, cải thiện đời sống để xứng đáng trở thành con Chúa và anh chị em của nhau. Amen.
THỨ BẨY
NẾU KHÔNG SÁM HỐI, SẼ CHẾT Y NHƯ VẬY!
(Lc 13, 1-9)
Xem lại CN 3 MC
Đứng trước một hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, hẳn chúng ta thấy có rất nhiều cách nghĩ từ những cái nhìn khác nhau.
Ví dụ như căn bệnh thế kỷ Sida chẳng hạn:
Có người thì dè bửu và cho rằng đây là do ăn chơi trác táng nên mới bị. Có người thì cho rằng do tội lỗi nên bị Chúa phạt. Lại có người rất cảm thông, luôn tìm cách nâng đỡ, đồng hành, hầu giúp cho người bệnh vượt qua đau khổ về tinh thần và thể xác. Hay ngang qua căn bệnh đó, cũng có những người nhận ra dấu chỉ Thiên Chúa cảnh tỉnh nhân loại về sự kiêu ngạo…
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc những người Do thái khi chứng kiến cảnh những người Galilê bị Philatô giết, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh, hay như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết. Khi chứng kiến như thế, họ cho rằng những người này do tội lỗi ngập đầu nên bị Chúa phạt chết cách bất đắc kỳ tử như vậy.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã dạy cho họ bài học sám hối qua các sự kiện đó, vì: nếu không lo sám hối, cải tà quy chính thì họ cũng sẽ chết và bị hủy diệt y như vậy.
Trong đời sống đạo, rất nhiều lần chúng ta có thái độ khinh miệt những người tội lỗi. Có khi sẵn sàng gán cho những người ốm đau bệnh tật, hay gặp những cảnh éo le trong cuộc sống là do Chúa phạt vì những tội lỗi của họ gây nên. Điều này cũng có thể đúng, vì Chúa có thể dùng cách thức đó để lay tỉnh lương tâm của họ để họ cải tà quy chính mà được cứu độ. Tuy nhiên, phần chúng ta, chúng ta đừng dành quyền xét đoán đó của Thiên Chúa.
Tưởng cũng nên nói thêm: mỗi khi chúng ta coi thường người khác, ấy là lúc chúng ta tự coi mình tốt lành, đạo đức hơn người ta. Nhưng thực ra, có thật thế hay không, hay chỉ là thói đạo đức giả như những người Pharisêu khi xưa?
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương anh chị em mình, nhất là những người tội lỗi, như Chúa đã từng yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Đồng thời nhận ra rằng: nếu Chúa không để cho mình có thời gian sám hối, hầu quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh chị em thì mình cũng đâu khác gì người anh chị em kia…
Sự kiên trì trong yêu thương của Thiên Chúa phải làm cho chúng ta nhận ra mình bất toàn, yếu đuối. Vì thế, ngay lúc này, phải lo sám hối để trở nên con cái Chúa thực sự. Khi nhận ra điều đó, chúng ta nên có cái nhìn cứu độ của Đức Giêsu, đến để cứu những gì đã mất. Ngài luôn yêu thương những người tội lỗi cách đặc biệt. Dụ ngôn đồng bạc đánh mất; hay dụ ngôn người Cha nhân hậu; hoặc con chiên thất lạc cho thấy bản chất của Thiên Chúa là tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con nhận ra tình thương của Chúa trên chúng con. Đồng thời nhận ra sự kiên trì chờ đợi của Chúa khi mong mỏi chúng con sám hối trở về. Xin Chúa cũng cho chúng con luôn có cái nhìn cảm thông với anh chị em chúng con như Chúa đã từng cảm thông và yêu thương chúng con. Amen.