Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 26 Thường niên, của Tu sĩ Jos. vinc. Ngọc Biển, SSP

Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 26 Thường niên, của Tu sĩ Jos. vinc. Ngọc Biển, SSP

THỨ HAI

MUỐN LÀM LỚN… PHẢI TRỞ NÊN BÉ NHỎ

 (Lc 9, 46-50)

Xem lại CN 25 TN B, thứ Ba tuần 7 TN và tuần 19 TN, lễ Thánh Têrêxa và lễ Các Thiên Thần Bản Mệnh

Khi Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn đầu tiên, các môn đệ can ngăn. Lần thứ hai thì không ai dám nói gì. Tuy nhiên, vì biết Thầy sắp ra đi, vị trí lãnh đạo sẽ khuyết, nên các ông bắt đầu nẩy sinh chuyện tranh dành xem ai là người lớn nhất trong anh em. Biết được tâm tưởng của các môn đệ, nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã ban nhiều huấn dụ cho các ông để các ông hiểu và đi theo đúng con đường mà Ngài mong muốn nơi môn sinh của mình.

Huấn giáo của Đức Giêsu đã gây nên một ấn tượng mạnh nơi các môn đệ khi Ngài dẫn một em nhỏ đến bên cạnh và nói: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất”. Qua đó, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ phải từ bỏ tính tham quyền cố vị. Tránh đi thái cực muốn được người khác ca tụng, hay thích ăn trên ngồi trước. Cần loại bỏ sự mong muốn được người khác phục vụ, rồi thích thống trị thiên hạ bằng quyền lực.

Ngày nay, hình ảnh và lối suy nghĩ của các môn đệ khi xưa vẫn thường diễn ra trong cuộc sống của chúng ta!

Thật vậy, vẫn còn đó những người Kitô hữu có suy nghĩ và hành xử bè phái, cục bộ, không phục vụ vì Chúa và các linh hồn, nhưng là vì mình. Không quy về Đức Giêsu mà lôi kéo để mình có ảnh hưởng. Tính háo danh và ham địa vị, cũng như tính hay ghen tỵ cũng diễn ra thường xuyên.

Tất cả những thứ đó làm nguy hại đến tinh thần hiệp nhất và sứ mạng loan báo Tin Mừng rất lớn.

Vì thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

Luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa qua việc lắng nghe Lời Ngài dạy dỗ, bảo ban. Cần trở nên như trẻ nhỏ trong thái độ đơn sơ, chân thành và phục vụ cách vô vị lợi. Khiêm tốn và từ bỏ ham quyền, cố vị. Sẵn sàng cộng tác với hết mọi người để ra đi loan báo Tin Mừng cách trung thành.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống tinh thần của Chúa là trở nên như hạt lúa, chấp nhận chôn vùi đi để sinh nhiều bông hạt khác. Xin cho chúng con có được tinh thần của trẻ thơ, để không màng chi đến danh vọng, nhưng chỉ một lòng yêu mến Chúa và yêu người tha thiết. Amen.

 

THỨ BA

HÃY KIÊN TRÌ ĐỂ THI HÀNH SỨ VỤ

 (Lc 9, 51-56)

Xem lại CN 13 TN C

Hành trình cứu độ của Đức Giêsu là một hành trình tiến về Giêrusalem để chịu chết trong chương trình cứu độ mà Thiên Chúa muốn. Trên hành trình ấy, Đức Giêsu đã tìm dịp thuận tiện để Thầy trò tâm tư về sứ mạng.

Thật vậy, một trong những điều mà Đức Giêsu quan tâm, đó là làm sao để cho các môn đệ có được tinh thần hy sinh, thái độ kiên trì trước nghịch cảnh và thử thách, cần khiêm tốn và phải có tấm lòng bao dung, vị tha.

Tại sao vậy? Thưa! Người môn đệ của Đức Giêsu phải là người phản chiếu tình thương của Thầy cho anh chị em mình một cách trung thực, mà sự thật về Đức Giêsu là gì nếu không phải là một vị Thiên Chúa, Đấng nhân từ và hiền hậu, khiêm nhường và hay thương xót, Đấng đến để phục vụ thay cho được phục vụ, hy sinh và sẵn sàng chết cho người mình yêu…!

Vì thế, Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ trả thù của hai môn đệ Gioan và Giacôbê khi các ông xin Ngài cho phép khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt dân làng Samaria vì họ không cho Thầy trò đi qua. Nhân đây Đức Giêsu đã dạy cho các ông bài học về sự bao dung, tha thứ và biết đón nhận thử thách vì lòng yêu mến Chúa. Đồng thời cũng dạy cho các ông bài học về sự kiên trì và trung thành.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ cảm thông cho những nghi kỵ, khinh khi và cự tuyệt của người đời, ngay cả những sự vu khống, bắt bớ vì Đạo. Noi gương Đức Giêsu, sẵn sàng đón nhận đau khổ vì sứ vụ: “Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12). Biết chấp nhận những sự giới hạn của con người, và ý thức rằng: chúng ta đi đến đâu cũng có một số người sống chết với ta, một số người quyết loại bỏ ta và số còn lại thì chẳng cần quan tâm đến chúng ta cũng như công việc của ta. Đây cũng chính là thân phận của Thầy Chí Thánh Giêsu đã trải qua.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tấm lòng bao dung như Chúa. Luôn hiểu và thông cảm cho những bất toàn của anh chị em mình. Đồng thời, xin cho chúng con biết đón nhận mọi thử thách, nghịch cảnh xảy đến trong đời và nơi sứ vụ vì lòng yêu mến Chúa. Amen.

 

THỨ TƯ

TỪ BỎ MỌI SỰ ĐỂ THEO CHÚA TRỌN VẸN

 (Lc 9, 57-62)

Xem thêm thứ Hai tuần 13 TN

“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58), đây chính là thân phận và tinh thần của Đức Giêsu và cũng là thái độ của người môn đệ cần có. Lần giở lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy khi Thiên Chúa muốn chọn và gọi ai để ra đi thi hành sứ vụ, hẳn Người đều muốn kẻ được chọn và gọi phải có thái độ dứt khoát và chấp nhận thiệt thòi, khổ đau.

Khởi đi từ tổ phụ Abraham: Thiên Chúa gọi ông và truyền cho ông phải rời bỏ xứ sở để lên đường đến một nơi Người sẽ chỉ cho. Rồi Người chọn dân riêng là Israel, Thiên Chúa cũng truyền cho họ ngay lập tức phải rời bỏ Aicập và lên đường tiến về Đất Hứa. Tiếp theo là các môn đệ, Đức Giêsu luôn mời gọi các ông lập tức lên đường và để lại mọi sự sau lưng.

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc hai thanh niên xin đi theo Đức Giêsu, Ngài cũng mời gọi họ phải từ bỏ tất cả, kể cả những cái gắn liền với cuộc sống của họ như công việc hay tình cảm: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần ngươi hãy theo Ta… ai tra tay cầm cày mà còn ngoảnh lại nhìn đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa” (x. Lc 9, 59-62).

Mỗi người chúng ta, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta từ bỏ những gì không phù hợp với tư cách làm con Chúa và sứ mạng được trao. Thật vậy, nếu không từ bỏ, chúng ta sẽ bị vướng víu vào những điều phụ thuộc và quên đi công việc chính yếu. Đồng thời, theo Chúa mà còn quá nhiều lỉnh kỉnh thì hẳn khó có thể chu toàn và dễ rơi vào tình trạng dở dang, chẳng khác gì kẻ “bắt cá hai tay”.

Như vậy, chúng ta chỉ có thể an vui và hạnh phúc khi “là” môn đệ của Chúa thay vì “làm” môn đệ.

“Là môn đệ”, chúng ta trở nên giống Thầy. “Là môn đệ”, chúng ta từ bỏ như Thầy. “Là môn đệ”, chúng ta sống chết như Thầy… Nhưng “làm môn đệ”, chúng ta sẽ dễ bị rơi vào tình trạng thích thì làm, không thích thì thôi. Thuận thì dấn thân, khó thì lừng khừng. “Làm môn đệ”, chúng ta dễ bị có cảm tưởng như một công việc được hợp đồng, nên có lợi thì làm mà không có lợi thì hủy…, không khác gì một nghề kinh doanh thuần túy.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: một khi đã đi theo, là môn đệ của Chúa thì phải từ bỏ mọi tham vọng, mọi ràng buộc, nhất là về của cải vật chất, danh vọng, địa vị và thỏa mãn cá nhân để tự do hiến thân mình cho Chúa, trọn vẹn thuộc về Chúa để làm công việc cho Chúa. Không có chuyện lừng khừng, do dự, tính toán. Sống phó thác và tin tưởng nơi Chúa trọn vẹn. Chấp nhận sự bấp bênh do con người gây nên cho mình. Ngay cả mối liên hệ tình cảm là gia đình, nếu vì đó mà ảnh hưởng và có nguy cơ làm cho chúng ta xa Chúa, thì buộc phải khước từ.

Có thế, chúng ta mới coi mọi người là anh chị em của mình, và mình phải có trách nhiệm lo lắng, giúp đỡ họ. Nếu không, chúng ta sẽ bị cám dỗ là: chuyện đó có người khác lo, không phải chuyện của ta; hay chỉ muốn hay đáp ứng cho một số người mà ta ưa thích, số còn lại, chúng ta vô cảm vì họ không phải thuộc phe ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sẵn sàng từ bỏ những quyến luyến của tình cảm, nếu điều này làm cho chúng con xa Chúa và phần rỗi của mình. Xin cho chúng con biết can đảm để tiếp bước theo Chúa trên con đường hoàn thiện. Amen.

THỨ NĂM

MỖI NGƯỜI ĐỀU LÀ NHÀ THỪA SAI

 (Lc 10, 1-12)

Xem lại CN 14 TN C

Loan báo Tin Mừng là sứ mạng của hết mọi người chứ không chỉ dành riêng cho các linh mục hay tu sĩ. Hình ảnh 72 môn đệ được Đức Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng cho thấy tính phổ quát của sứ vụ này.

Khi được sai đi loan báo Tin Mừng, người thừa sai cần hiểu rõ một nguyên tắc căn bản về sứ vụ tông đồ là: việc Tông đồ là của Chúa. Người tông đồ là người được sai đi để thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Mục đích là làm sao cho muôn người được ơn cứu độ.

Tuy nhiên, không phải ai được sai đi cũng đều thành công trong sứ mạng, bởi lẽ người tông đồ sẽ bị những thử thách, khó khăn do ngoại cảnh gây nên, và đôi khi do chính sự yếu đuối của bản thân, nên dẫn đến tình trạng buồn chán, thất vọng và buông xuôi…

Vì vậy, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã hướng dẫn các môn đệ về tư cách, phương pháp và tinh thần của người thừa sai, để các ông ra đi và hy vọng mang lại nhiều hoa trái.

Trước tiên: người môn đệ phải noi gương Thầy của mình, đến để cứu độ bằng con đường thập giá. Vì thế, can đảm đón nhận những khó khăn, trở ngại do hiểu lầm, kỳ thị, ghen tức và hóa giải nó trong yêu thương là tinh thần của người môn đệ. Khó khăn này được ví như: “Chiên giữa bầy sói”.

Thứ đến: người môn đệ phải sống cuộc sống thanh thoát, nhẹ nhàng trong sự thiếu thốn. Không quá lo lắng về cơm áo gạo tiền cách thái quá. Không bị của cải, sự sung sướng và an thân níu kéo bước chân người thừa sai. Bởi vì của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người. Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân cũng như trong tương quan với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Cần cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trên cuộc đời mình qua sự chăm sóc của Ngài, vì thợ thì đáng được thưởng công. Vì thế: không bị, không tiền, không mang hai áo … là tinh thần của người thừa sai.

Tiếp theo: hãy noi gương Đức Giêsu, Đấng đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, còn bản thân Ngài thì lại hóa mình ra không đến nỗi trở nên của ăn cho người khác. Vì thế, người môn đệ cần nhạy bén để khước từ cám dỗ là tìm mọi cách để thay đổi điều kiện sống cho mình, nhằm an thân và sung túc, trong khi đó sứ vụ thì bỏ bê. Như thế, không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng: “Đi hết nhà này đến nhà kia” mà sứ vụ thì không sinh hoa trái.

Mặt khác: hội nhập văn hóa là điều cần thiết để Lời Chúa thấm nhập vào truyền thống, văn hóa, được chuyển tải bằng những thứ ngôn ngữ của chính người bản địa. Những sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, nghỉ ngơi cũng cần thích nghi. Được như thế, người thừa sai sẽ không bị cuốn theo bản năng để chỉ lo cho bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu “hạ đẳng” của chính mình. Vì vậy: “Vào bất cứ thành nào mà người ta tiếp đón thì cứ ăn những gì mà người ta dọn cho anh em”.

Hơn nữa: truyền giáo phải đi đôi với bác ái. Nếu lời giảng dạy là để giới thiệu Đức Giêsu như một vị Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, đứng về phía người nghèo, áp bức, bất công để giải thoát con người cách toàn diện, thì việc bác ái chính là một chứng minh cụ thể về tình thương, sự liên đới do lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Vì thế, người môn đệ cần: an ủi kẻ âu lo, nâng đỡ kẻ yếu đuối… để làm chứng cho: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.

Cuối cùng: nhà truyền giáo phải là người thấm thía sự bình an của Chúa. Nếu không có bình an thì không thể trao ban cho người khác bình an được. Cuộc đời sứ vụ của người thừa sai mà thiếu đi yếu tố này, thì hẳn chính bản thân cũng bất hạnh, và như thế, chỉ còn gieo rắc sự thất vọng mà thôi. Tuy nhiên, bình an là một ơn ban của Thiên Chúa, kèm theo sự cộng tác của con người. Vì vậy: “Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con”.

Lạy Chúa Giêsu, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Xin Chúa sai những người thợ lành nghề để ra đi thu lúa về cho Chúa. Xin Chúa cũng ban cho chính chúng con, là những người cũng được mời gọi tham gia vào sứ mạng truyền giáo ngày lãnh Bí tích Rửa Tội, luôn biết làm gương sáng, chu toàn bổn phận và trung thành với đời sống bác ái yêu thương. Amen.

THỨ SÁU

SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

(Lc 10, 13-16)

Càng văn minh, tiến bộ, thì càng làm cho người ta được sung túc. Chuyện này là lẽ thường tình, và sống trong một xã hội thì sự phát triển của nó là điều mà ai cũng mong muốn! Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là ở chỗ: nó dễ làm cho tâm thức của con người rơi vào tình trạng bình thường hóa, tương đối hóa mọi chuyện, nhất là vấn đề giảm thiêng trong đời sống đạo đức. Vì thế, con người dễ bị sa vào những vòng vây của tội lỗi và tệ nạn… khiến nền tảng luân lý bị đe dọa và cuộc sống trác táng là điều dễ dàng xảy đến!

Hình ảnh sa đọa này thật rõ nét nơi các thành như: Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Sidon… Sang đến thời Đức Giêsu, diễn biến này cũng không thiếu, cụ thể là các thành: Bethsaida, Corozain, Caphanaum… Họ đã chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, chối bỏ những chứng từ đức tin và tôn thờ ngẫu tượng. Trai lỳ trong tội và đi tìm sự thỏa mãn xác thịt để bù lấp khoảng trống trong tâm hồn.

Nhưng tiếc thay, họ càng đi tìm thì lại càng mất. Bởi vì họ đã không gặp được Thiên Chúa ở trong chốn ăn chơi, xa đọa, mà chỉ gặp toàn những đối tượng, phương tiện làm cho mình xa Chúa và băng hoại đời sống đạo đức mà thôi.

Sự lãnh đạm, chai lỳ của dân các thành Bethsaida, Corozain, Caphanaum, cũng chính là sự chai lỳ và lãnh đạm của dân Chúa ngày nay là chúng ta! Hẳn mỗi người chúng ta đều thấy tình thương của Thiên Chúa trong thế giới và nơi cuộc sống, thế mà chúng ta đã không trở về với phẩm giá đích thực của mình là con cái Chúa, con cái Sự Sáng, nhưng vẫn sống thờ ơ, lãnh đạm và vui hưởng những thú vui tội lỗi…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy bám vào Thiên Chúa như là cứu cánh của mình. Chỉ có Thiên Chúa và trong Ngài, chúng ta mới tìm được niềm vui và hạnh phúc đích thực. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không chỉ rơi vào sa đoạ mà còn cắt đứt mối tương quan với tha nhân.

Thật vậy, chỉ có lắng nghe Lời Chúa và thực hành, thì chúng ta mới trở nên người hoàn thiện, và xã hội, gia đình mới trở nên tốt mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và hân hoan thi hành, để Lời Chúa hướng dẫn chúng con biết làm điều thiện, tránh điều dữ. Có thế, Giáo Hội, xã hội và gia đình mới trở nên lành mạnh và chúng con mới có hy vọng được cứu độ. Amen.

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

KINH MÂN CÔI, LỜI KINH KỲ DIỆU

(Cv, 1, 12-14; Gl 4, 4-7; Lc 1, 26-38)

Người Việt Nam ta từ xưa tới nay và chắc chắn về sau, lòng tôn sùng Đức Mẹ Maria luôn là một điểm sáng. Điều này hiển nhiên tại các gia đình, đền đài, nhà thờ, dòng tu và những trung tâm hành hương tôn kính Đức Mẹ đây đó.

Như vậy, tràng hạt Mân Côi chính là một vật bất ly thân của chúng ta, bởi vì qua lời kinh Mân Côi, người Kitô hữu đang cùng với Mẹ theo sát Chúa Giêsu trên các chặng đường cứu chuộc. Hơn nữa, khi đọc kinh Mân Côi với tâm tình của Đức Mẹ, ấy là lúc chúng ta cùng với Mẹ suy đi và nghĩ lại trong lòng tất cả mọi biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công hay thất bại dưới cái nhìn ân sủng và giá trị cứu chuộc.

  1. Lợi ích của việc lần Chuỗi Mân Côi

Nói đến Chuỗi Mân Côi, người ta thường hay nhớ đến những ơn lạ tình thương do lòng thương xót Thiên Chúa ban qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria.

Những ơn đó ta có thể liệt kê ra đây như một dấu tích từ ái của Mẹ dành cho con cái như: những ơn chữa lành bệnh tật, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh phúc, con cái thảo hiền. Nhưng có lẽ ơn mà nhiều người được hơn cả, đó là ơn hoán cải đời sống, trở về với Chúa.

Như vậy, cuộc đời của người Kitô hữu luôn gắn bó với Mẹ Maria cách mật thiết, khăng khít và nhiệm mầu.

Điều này đã được chứng minh cách cụ thể nơi tổ tiên chúng ta!

Nhớ lại biến cố Lavang, Trà Kiệu… Những nơi này, khi xưa, cha ông chúng ta đã phải hứng chịu biết bao gian lao khốn đốn do nạn bắt đạo gắt gao của các vua chúa quan quyền. Đời sống đạo của các ngài luôn bị đe dọa. Giữa cơn cuồng phong bão táp, các ngài đã phải trốn chạy vào những nơi rừng thiêng nước độc hay dồn nén trong nhà thờ… Lúc này, cha ông chúng ta chỉ biết cậy trông lòng thương xót của Thiên Chúa qua trung gian Mẹ Maria. Vì thế, trên tay không rời Chuỗi Mân Côi, cửa miệng không ngừng vang lên kinh Kính Mừng, tâm hồn hoàn toàn phó thác, cậy trông Mẹ thương cứu giúp… Cuối cùng, Mẹ đã hiện ra để an ủi, củng cố lòng tin, bảo vệ con cái và hứa sẽ nâng đỡ cho khỏi ngàn nỗi hiểm nguy.

Nhìn ra thế giới, chúng ta cũng thấy Đức Mẹ đã nhiều lần can thiệp để Giáo Hội được bình an, trong đó phải kể đến những sự kiện lớn như:

Vào thế kỷ 13, tại niềm Nam nước Pháp, có bè rối  Albigeois nổi lên chống đối Giáo Hội. Thấy được mối nguy cơ khó giải này, nên thánh Đaminh đã phát động chiến dịch lần Chuỗi Mân Côi, cuối cùng, Đức Mẹ đã đưa được những tâm hồn ngông cuồng này trở về với Giáo Hội.

Tiếp đến, vào năm 1571, lúc ấy, Giáo Hội đang bị quân Hồi Giáo đe dọa tiêu diệt. Họ đang sôi sục tiến về Rôma với mục đích bắt Đức Giáo Hoàng Piô V, và tham vọng san bình địa đền đài và biến thủ đô của Giáo Hội trở thành trung tâm của Hồi Giáo.

Họ sẵn sàng chém giết, bắt bớ tất cả những ai chống đối. Thời điểm này, họ rất thuận lợi khi hướng gió và mặt trời luôn ở phía sau họ, khiến cho việc tiến về thành đô Rôma rất thuận lợi.

Khi nghe tin dữ này, Đức Giáo Hoàng rất bình tĩnh, ngài đã xin ơn soi sáng và phát động chiến dịch lần Chuỗi Mân Côi để phó thác mọi sự cho Đức Mẹ. Quả thật, Mẹ đã cứu Giáo Hội một cách nhiệm mầu! Bởi vì quân Hồi Giáo là một quân hùng hậu, vũ khí tối tân, họ đứng về phía chủ động và đang gặp thuận lợi về nhiều mặt. Người Công Giáo thì ít ỏi, thô sơ… Nhưng nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ, vì thế, nếu trước đó họ rất thuận lợi bởi hướng gió, nhưng chẳng bao lâu, họ đã bị chính hướng gió xoay chiều đổi hướng liên tục, khiến các con tàu của chúng đâm vào nhau và phá vỡ chiến trận.

Chẳng mấy chốc, tin thắng trận của người Công Giáo đã đến Rôma, Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố, đây là hồng ân phép lạ do lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Hôm đó rơi vào đúng ngày 07 -10. Vì thế, ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi được thiết lập để tạ ơn Đức Mẹ.

Có thể nói rằng: trải qua dòng thời gian, đã nhiều lúc Giáo Hội đến bến bờ vực thẳm do lòng đạo đức xuống dốc, suy thoái hoặc bị kẻ thù đe dọa. Trong những thời điểm quan trọng đó, để cứu vãn tình thế, Đức Mẹ đã hiện ra nơi này nơi kia để ban cho nhân loại sứ điệp nhằm đưa lịch sử sang trang. Trong các lần đó, không nơi nào Mẹ đặt chân đến mà không mời gọi con cái siêng năng lần Chuỗi Mân Côi để đón nhận được nhiều ơn lành của Thiên Chúa. Như vậy, kinh Chuỗi Mân Côi là một kinh rất có giá trị trước tòa Chúa và Mẹ Maria.

  1. Giá trị và ý nghĩa của kinh Mân Côi

Tại sao Kinh Mân Côi lại có hiệu lực đến như vậy?

Thưa, rất đơn giản, bởi vì qua lời kinh Kính Mừng, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội lặp lại lời Sứ Thần ca tụng, tôn vinh và chân nhận uy quyền của Mẹ.

Nhưng có lẽ điều đặc biệt hơn cả khi lần Chuỗi Mân Côi, đó là: chúng ta suy đi nghĩ lại trong lòng mọi biến cố nơi cuộc đời của Chúa Giêsu như Mẹ, đồng thời dõi bước theo Mẹ và cùng Mẹ bước đi trên các chặng đường cứu chuộc của Chúa Giêsu.

Thật vậy, khởi đi từ làng quê Nazareth, chúng ta cùng với Mẹ vui mừng tạ ơn Chúa đã đoái thương đến Mẹ và nhân loại khi chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Vì thế, Mẹ sẵn sàng chia sẻ niềm vui cứu độ cho mọi người qua trung gian người chị họ. Niềm vui ấy trở nên tuyệt đỉnh khi Mẹ sinh hạ Con Thiên Chúa.

Sau thời gian Mẹ – Con cùng chung mái nhà, giờ đây, Con của Mẹ ra đi thi hành sứ vụ Chúa Cha trao phó, Mẹ đã âm thầm theo sát Con Yêu như một người môn đệ trung tín. Những lúc vui, thành công, Mẹ luôn luôn âm thầm. Nhưng những khi Con Mẹ bị chống đối, vu vạ, cáo gian, Mẹ đã tìm đến để dõi theo,  an ủi, động viên…

Có thể nói, từ làng quê Nazareth đến đỉnh đồi Canvê, Mẹ luôn luôn đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, khi thì trực tiếp, khi thì gián tiếp cách nhiệm mầu. Chính vì thế, Mẹ xứng đáng được Chúa Giêsu ban tặng niềm vui Phục Sinh cùng với các môn đệ trong nhà Tiệc Ly. Sau cuộc đời tại thế, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ hồng ân trổi vượt muôn loài, đó là cho Mẹ được diễm phúc thăng thiên cả hồn lẫn xác. Cuối cùng, Thiên Chúa đã tôn phong Mẹ làm Nữ Hoàng Thiên Quốc bên tòa Chúa uy linh.

Như vậy, có thể nói: khi chúng ta lần Chuỗi Mân Côi với trọn lòng mến, chúng ta đã cùng với Mẹ sống Tin Mừng của Con Mẹ cách sống động nhất.

3. Sống sứ điệp Ngày lễ

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính Đức Mẹ dưới tước hiệu Mân Côi, mỗi người chúng ta hãy khám phá ra: “Chuỗi Mân côi là lời kinh tuyệt diệu, tuyệt diệu trong đơn sơ và trong sâu thẳm của nó…” (thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II).

Hơn nữa, chúng ta hãy nhớ lại lời  Đức Giáo Hoàng Piô X khuyên nhủ: “Khi gia đình không được an vui hoà thuận, hãy lần Chuỗi Mân Côi để xin Mẹ ban cho sự an vui hoà thuận yêu thương. Khi gặp người chồng thiếu trách nhiệm, hãy chạy đến với Mẹ nhờ tràng Chuỗi Mân Côi, để xin Mẹ cảm hoá. Khi vợ chồng xung khắc nhau, hãy lần Chuỗi Mân Côi, xin Mẹ tạo sự cảm thông”. Ngài nói thêm: “Nếu các con muốn cho gia đình được bình an, thì hãy lần hạt mỗi buổi tối”.

Thật vậy, kinh Mân Côi là một vũ khí sắc bén để chống lại ma quỷ. Là liều thuốc hòa bình cho những ai bất an. Là nguồn nâng đỡ cho những ai yếu đuối. Là niềm hy vọng cho những người tội lỗi. Là ngọn lửa mến cho những ai nguội lạnh. Là bảng chỉ đường, ngọn hải đăng cho những ai lạc lối. 

Thấy được giá trị và ơn ích của Chuỗi Mân Côi, mỗi người chúng ta hãy siêng năng lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày. Tuy nhiên, hãy đọc trong lòng mến chứ không phải đọc cho qua hay bị ép buộc. Đọc trong tâm tình của trẻ thơ phó thác và tin tưởng nơi Mẹ. Đọc trong tâm tình hiệp thông với Giáo Hội, và nhất là đọc trong tâm tình suy đi nghĩ lại trong lòng với chính Đức Mẹ.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho Mẹ Maria những hồng ân đặc biệt, để Mẹ phân phát những ơn lành của Chúa cho nhân loại.

Xin Chúa cho chúng con biết vâng nghe lời Mẹ, để đáng được hưởng những ơn lành của Chúa ban qua Mẹ Maria. Amen.

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN