Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 23 Thường niên, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 23 Thường niên, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

THỨ HAI

SỐNG YÊU THƯƠNG THẬT LÒNG

(Lc 6, 6-11)

Xem lại CN 9 TN B

Hôm nay bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu chữa người bại tay ngày Sabát. Đây là việc làm hữu ích, vì nó thể hiện tình thương của Thiên Chúa với người đau khổ. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho các Luật Sĩ và Pharisêu tỏ ra khó chịu và bầy binh bố trận để hạ sát Đức Giêsu!!!

Tại sao vậy? Thưa! Vì xuất phát từ lối suy nghĩ khác nhau khi hiểu về việc giữ Luật. Những Luật Sĩ và Pharisêu thì chỉ tập trú vào việc hình thức bên ngoài, họ không bỏ sót một chấm một phết trong Luật. Còn Đức Giêsu thì quan tâm đến tinh thần của Luật, Ngài đi vào nội dung của Luật là tình thương.

Vì thế, việc chữa bệnh của Đức Giêsu được khởi đi từ bản chất của Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Bởi vậy, không lạ gì khi các Luật Sĩ và Pharisêu không những không ủng hộ việc tốt lành của Đức Giêsu với người bại liệt, ngược lại, họ luôn rình rập để chờ cơ hội thuận tiện rồi lên tiếng tố cáo Đức Giêsu. Một điều đơn giản là do động lực của hận thù, ghen ghét, vì sợ Đức Giêsu lật tẩy lòng gian ác của họ trước dân chúng…

Thấy được ý đồ đen tối của các Luật Sĩ và Pharisêu, nên Đức Giêsu đã hỏi họ: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabát được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?”. Khi hỏi như thế, Đức Giêsu trả lại cho ngày Sabát ý nghĩa đích thực của nó, đó là ngày giải phóng con người.

Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, đã biết bao nhiêu lần chúng ta lo sống hình thức bên ngoài, mà quên đi ý nghĩa và giá trị đích thực trong việc giữ đạo.

Những chuyện như: vì danh thơm tiếng tốt của cha mẹ, hoặc vì cha mẹ làm công to việc lớn trong Giáo xứ, ngoài xã hội, hay sợ liên lụy đến bản thân, nên đã biết bao lần ta sống đạo hình thức, giả tạo và rỗng tuếch, nhưng vẫn ra vẻ đạo đức, tốt lành!

Lại có những người được xem ra rất tốt lành, nhưng lại là những người chuyên ngồi lê mách lẻo chuyện của người khác với mục đích làm cho người khác mất danh dự, uy tín trước cộng đoàn. Hay cũng có những người luôn tìm cách công kích để hạ bệ người khác rồi mình hả hể với thành quả đạt được. Những hạng người như thế, họ chỉ lo tìm cái rác trong mắt người khác, còn cái xà trong mắt mình thì giả điếc làm ngơ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn yêu thương, cảm thông với những người ốm đau, bệnh tật, đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, thay cho thái độ khinh miệt, kỳ thị.

Mặt khác, khi thấy được người khác làm việc tốt thì phải công tâm để nâng đỡ chứ không được vì ghen ghét mà tìm cách bẻ cong sự thật và vu khống cho người ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu thương và nâng đỡ những ai đang lâm cảnh khó khăn, đồng thời biết sống thật với lòng mình và luôn làm điều tốt cho người khác. Amen.

 

THỨ BA

CẦU NGUYỆN ĐỂ TÌM THÁNH Ý THIÊN CHÚA

(Lc 6, 12-19)

Xem lại thứ Sáu tuần 2 và thứ Tư tuần 14 TN.

Cầu nguyện là bản chất của người Công Giáo. Không cầu nguyện, chúng ta khó lòng nhận ra đâu là ý Chúa và đâu là thiển ý của ta. Khi cầu nguyện, ta như được kín múc nguồn năng lượng từ Thiên Chúa, để mọi lời nói, hành động của ta được Thiên Chúa soi dẫn và chúc lành, hầu chu toàn bổn phận của mình một cách tốt đẹp.

Hôm nay, Tin Mừng nhắc lại việc Đức Giêsu thức suốt đêm cầu nguyện trước khi gọi và chọn 12  người mà Ngài gọi là Tông Đồ.

Khi Đức Giêsu cầu nguyện như vậy, Ngài muốn cho chúng ta thấy rằng: sứ vụ của Ngài luôn gắn bó với Chúa Cha, và những người được gọi, chọn cũng phải gắn bó với Ngài như vậy.

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên ngôn sứ của Chúa, có trách nhiệm loan truyền tình yêu của Ngài cho mọi người. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể thành công khi biết gắn bó với Đức Giêsu và đón nhận thánh ý của Ngài để thi hành.

Thật vậy, để lời mời gọi của Đức Giêsu thực sự trở thành hữu hiệu, và sứ vụ chúng ta đón nhận được thi hành cách tốt đẹp theo ý hướng của Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ được phép bỏ qua việc cầu nguyện.

Chính Đức Giêsu đã làm gương về chuyện này.

Ví dụ như khi sắp ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã ăn chay cầu nguyện 40 ngày trong sa mạc; khi chọn các môn đệ, Ngài thức suốt đêm; khi sắp chịu nạn chịu chết, Ngài đã lên núi Cây Dầu cầu  nguyện …

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đặt để mọi công việc của mình dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Vì nhờ cầu nguyện với Chúa, chúng ta biết được thánh ý Ngài. Cầu nguyện để biết được phương cách thi hành tốt đẹp nhất. Cầu nguyện để phó thác nơi Chúa mọi sự.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức được giá trị của lời cầu nguyện và luôn biết gắn bó với Chúa như Chúa luôn kết hợp với Thiên Chúa Cha. Amen.

 

THỨ TƯ

SỐNG TINH THẦN NGHÈO ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC

(1 Cr 7, 25-31; Lc 6, 20-26)

Xem lại CN 4 TN A, CN 6 TN C, thứ Hai tuần 10 TN và lễ Các Thánh Nam NỮ

Đức Giêsu được mọi người biết đến là một người nghèo. Nghèo từ khi sinh ra đến lúc từ giã thế gian để về với Chúa Cha.

Chính Đức Giêsu đã ví cuộc đời của mình như: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu”.

Lúc sinh thời, nhất là trong thời gian loan báo Tin Mừng, từ lối sống đến hành động, Ngài luôn quan tâm đến tận cùng kiếp sống con người, nhất là những người khốn khó, bệnh hoạn, tật nguyền. Nên Đức Giêsu không ngần ngại để sống với những người nghèo hèn, cảm thông cho những người tội lỗi và ăn uống với họ, đồng thời, luôn coi họ như những người bạn, sẵn sàng đứng về phía họ để bênh đỡ, chở che.

Tinh thần và lối sống đó hôm nay được Đức Giêsu chính thức chúc phúc, và qua đó như một lời mời gọi mọi người đi theo con đường đó để được hạnh phúc: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi”. 

Phải chăng Đức Giêsu là người cổ hủ, lỗi thời khi cổ súy cho cái nghèo? Hơn nữa, Ngài lại còn mời gọi những ai muốn đi theo và làm môn đệ cũng phải sống một cuộc sống bần cùng, cơ cực?

Thưa! Hẳn là không! Qua mối phúc này, Đức Giêsu muốn cho con người được hạnh phúc hoàn toàn, khi không bị chi phối bởi lòng ham muốn tiền bạc, vì nếu mê mẩn với chúng thì sẽ trở thành nô lệ cho tiền bạc.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Đức Giêsu và quy chiếu cuộc đời của ta với Ngài, để vui mừng khi được sống tinh thần nghèo khó như Ngài.

Một cách cụ thể, đó là sống hết mình và hiến thân trọn vẹn cho tha nhân, nhất là những người bần cùng trong xã hội.

Cần phải xác định thật rõ rằng: gia tài đích thực của chúng ta là Thiên Chúa. Giá trị lớn lao nhất là sống cho Thiên Chúa qua cung cách phục vụ tha nhân. Cùng đích của con người không phải là của cải chóng qua đời này mà là cuộc sống mai hậu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương Chúa để mặc lấy tâm tình nghèo khó như Ngài, ngõ hầu chúng con được tự do để dấn thân phục vụ người nghèo cách vô vị lợi như Chúa khi xưa. Amen.

 

THỨ NĂM    

 LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

THÁNH GIÁ LÀ NGUỒN TÌNH YÊU VÀ HY VỌNG

(Ds 21, 4-9; Pl 2, 6-11; Ga 3, 13-17)

Ngày nay, chúng ta thấy Thánh Giá được treo khắp nơi, nào là: Nhà Thờ, Nhà Nguyện, nhà tư; ở Nghĩa Trang, trên nấm mộ…; Thánh Giá còn xuất hiện trên áo, trong khăn và khắc trên gỗ, trên đá…; người ta cũng đeo Thánh Giá trên cổ, trên tay…

Tất cả những điều đó diễn tả niềm tin, sự tôn thờ của của người Công Giáo, bởi vì, Thánh Giá là niềm vinh dự, là sự toàn thắng, là ơn cứu chuộc, là sự sống, là niềm hy vọng của chúng ta.

Khi người Công Giáo tôn thờ Thánh Giá, chắc chắn không chỉ đơn thuần là tôn thờ một biểu tượng, càng không phải lưu ký một kỷ niệm buồn gợi lại sự đau khổ và chết chóc…

Nhưng Thánh Giá là tất cả, là trọn vẹn niềm tin, là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta.

Tại sao vậy? Thưa! Vì chính nhờ Cây Thánh Giá, mà chúng ta được cứu độ.

Như vậy, khi tôn thờ Thánh Giá, chúng ta suy tôn tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu cứu độ và mang lại cho chúng ta niềm hy vọng phục sinh.

  1. Tôn thờ Thánh Giá là suy tôn tình yêu của Thiên Chúa

Khởi đi từ việc: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Từ “đến nỗi” cho thấy: Thiên Chúa đã yêu quá nhiều, yêu vô bờ và bao la, nhưng chưa thỏa lòng, nên còn một món quà duy nhất, cao quý, là tất cả của Thiên Chúa, nhưng Người sẵn lòng trao tặng cho nhân loại, đó chính là Đức Giêsu.

Khi Đức Giêsu xuất hiện, Ngài đã làm toát lên sự khiêm nhường tột cùng khi vâng lời Thiên Chúa Cha và yêu nhân loại tha thiết, nên Ngài: “…vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Vì là hiện thân của Thiên Chúa, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, nên cả cuộc đời và lời rao giảng của Ngài đều nhằm diễn tả bản chất tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Đỉnh cao của mặc khải này chính là cuộc hiến tế trên Thánh Giá. Thật vậy: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13); “Họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,7-8).

Không chỉ trao ban tình yêu cách phổ quát, mà Ngài còn ban riêng cho mỗi người, khiến ai cũng cảm nghiệm được tình yêu cứu độ mà Đức Giêsu dành cho. Quả thật, Ngài là “Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Không phải yêu có thời gian và số lượng, mà là tình yêu trường cửu: Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31, 3); và: “Ta quyết chẳng đoạn tình dứt nghĩa, quyết không hề bội tín thất trung” (Tv 89, 34).

Quả thật, Thiên Chúa đã buộc Mình vào một tình yêu muôn thuở; Người tự tước đoạt tự do của Mình vì yêu thương chúng ta. Đây là ý nghĩa sâu sắc của Giao Ước mà trong Chúa Kitô, nơi Thánh Giá, đã trở nên “mới mẻ và sống động“. 

Vì thế, đây là lý do thứ nhất để chúng ta suy tôn Thánh Giá Chúa Kitô.

  1. Suy tôn Thánh Giá, đem lại cho chúng ta niềm hy vọng cứu độ

Lý do thứ hai chính là vì niềm hy vọng và ơn cứu độ của chúng ta nơi Thánh Giá.

Trong Cựu Ước, chúng ta thấy hình ảnh tiên trưng về Thánh Giá và ơn cứu độ qua cây gậy và con rắn đồng được treo lên.

Bài đọc I trình thuật việc ông Môsê dẫn dân ra khỏi Aicập và trên đường trở về Đất Hứa, dân Israel phải trải qua hành trình trong sa mạc. Trên hành trình ấy, dân đã nhiều lần bất trung, kêu trách Đức Chúa và trút tội lên đầu Môsê. Trước tình cảnh đó, Thiên Chúa đã cho rắn lửa xuất hiện và cắn chết nhiều người. Thấy được sự bất trung và cảm nghiệm sâu xa về tội của mình đã phạm, toàn dân đồng loạt kêu cầu Môsê xin Chúa tha thứ. Thiên Chúa đã nhận lời Môsê và truyền cho ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21, 8). 

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã minh nhiên xác định hình ảnh này chính là Ngài khi nói: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3, 14-15).

Thật vậy, mang trong mình niềm tin vào Thiên Chúa và ơn cứu độ ngang qua Đức Giêsu, hẳn chúng ta không bao giờ được phép chối bỏ Thánh Giá bằng bất cứ giá nào. Ngược lại, luôn luôn hướng nhìn lên Thánh Giá Chúa như bảo chứng của ơn cứu độ, bởi vì chính Đức Giêsu đã chọn Thánh Giá làm giá chuộc muôn người. Nhờ cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã giải thoát thế gian khỏi xiềng xích tội lỗi, để từ nay, tội lỗi không còn quyền chi đối với Ngài và tất cả những người tin vào Ngài cũng được hưởng nhờ ân huệ đó.

Nếu từ cái chết trên Thánh Giá, Đức Giêsu đã phục sinh, thì chúng ta cũng qua đau khổ, ắt chúng ta có niềm hy vọng được phục sinh như Ngài.

Nếu xưa kia, từ Cây Trái Cấm, mà Tổ Tiên loài người đã sa ngã, cửa Thiên Đàng đóng lại, thì nay nhờ Cây Sự Sống chính là Thánh Giá, cửa Thiên Đàng được mở ra và đón nhận tất cả những ai tin vào Cây Trường Sinh.

Như thế, Thánh Giá là biểu trưng cho sự khôn ngoan của Thiên Chúa và của những ai đón nhận như nguồn ơn cứu độ. Đây chính là nghịch lý của Thiên Chúa và của cả chúng ta, vì: “Dân Do thái thì đòi phép lạ, dân Hy lạp thì tìm lý lẽ cao siêu; còn chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô trên Thập giá […]. Thế nhưng, đối với ai được gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, thì đó là một vị cứu tinh với quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa” (x. 1Cr 1,18-25).

  1. Suy tôn Thánh Giá, chúng ta học được bài học thứ tha

Cuối cùng, khi suy tôn Thánh Giá, chúng ta được mời gọi hãy: “yêu thương như Thầy đã yêu thương” (x. Ga 13,3-35). Yêu như thầy là phục vụ vô vị lợi. Yêu như Thầy là hiến thân cho người mình yêu, không phân biệt bạn hay thù (x. Lc 6, 27-35). Yêu như Thầy cũng là tập sống bao dung, tha thứ, không xét đoán, giận hờn và luôn hướng tới sự thiện trọn hảo: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”, bởi vì: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3:12-13). 

Như vậy, yêu Chúa thì cũng phải yêu người. Lệnh truyền này không thể tách rời nhau. Nó luôn kết hợp với nhau cách chặt chẽ như thể thanh ngang và thanh dọc của Thánh Giá.

Kết hợp cả hai mới thành Thánh Giá, thì mến Chúa và yêu người phải luôn luôn sát cánh bên nhau không thể tách rời.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa. Xin Thánh Giá Chúa rợp bóng trên cuộc đời chúng con, để chúng con được ơn cứu độ. Xin cũng cho chúng con học được bài học tha thứ của Chúa ngang qua Thánh Giá. Amen.

 

THỨ SÁU

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI

ĐAU KHỔ CỦA CON LÀ SẦU BI CỦA MẸ

Trong những ngày này, cả thế giới nín lặng trong sự bàng hoàng trước những tàn ác của Phiến quân Hồi Giáo (IS). Những kẻ này đã chặt đầu và nã đạn hàng ngàn người vô tội chỉ vì họ trung thành với đức tin Công Giáo và không chịu cải đạo sang Hồi Giáo. Hàng triệu người phải bỏ quê hương, xứ sở để sơ tán, lánh nạn. Sự ngang tàng, ác độc của Phiến quân Hồi Giáo cực đoan đã làm cho cả thế giới phải ghê rợn. Vì thế, không thể ngồi yên, những nhà lãnh đạo từ mọi phía, đang tìm mọi cách để ngăn chặn sự độc ác này. Đồng thời, nhiều tổ chức, tùy hoàn cảnh, khả năng, đã ra tay giúp đỡ các nạn nhân. 

Có lẽ qua sự kiện này, đã để lại trong đầu chúng ta những câu hỏi: tại sao nhân loại lại phải quan tâm đến chuyện của một đất nước khác? Những hình khổ, chết chóc của người dân phải chịu có ảnh hưởng gì với chúng ta?

Câu trả lời hết sức đơn giản, bởi lẽ chúng ta có một mối liên hệ trong tình yêu. Vì thế, nỗi đau của người dân Iraq cũng là nỗi đau của chúng ta. Chúng ta không bị đổ máu, nhưng trong mầu nhiệm hiệp thông, chúng ta cũng có một phần trách nhiệm. Chúng ta không phải ly tán, nhưng trong sự liên đới, chúng ta phải cảm thương.

Hôm nay, phụng vụ mừng kính lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Đây là cơ hội để chúng ta có dịp cảm nghiệm được sự kết hiệp mật thiết giữa hai cuộc đời trong cùng một sứ vụ là cứu chuộc nhân loại.

Khi thiết lập lễ này, Giáo Hội muốn chúng ta cùng nhau chiêm ngắm hình ảnh Mẹ Maria trên các chặng đường thương khó của Đức Giêsu. Bởi vì cả cuộc đời của Mẹ luôn theo sát Đức Giêsu, con của Mẹ trên mọi nẻo đường.

Như vậy, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại của Con cũng là của Mẹ. Mọi đau thương của Con, Mẹ đều ôm trọn vào tim, để rồi suy đi nghĩ lại trong lòng.

Cuộc đời của Mẹ cũng có những lúc vinh quang chan hòa, nhưng cũng không thiếu cảnh đau thương, xót xa.

Vì thế, lần dở lại các chặng đường của Đức Giêsu từ thủa ấu thơ đến khi rao giảng, chịu chết, an táng và lên trời, chúng ta đều thấy dấu ấn của Mẹ Rất Thánh ẩn hiện trong đó.

Những đau khổ ấy được tô đậm qua những sự kiện quan trọng:

Khởi đi từ việc cùng thánh Giuse lên đường trở về Belem để đăng ký nhân khẩu, đêm về, không thể tìm được quán trọ chỉ vì nghèo và bụng mang dạ chửa; rồi sinh Đức Giêsu trong cảnh màn trời chiếu đất nơi máng cỏ bò lừa; chưa hết khó khăn thì lại gặp cảnh khốn đốn khi hay tin vị vua tàn ác là Hêrôđê tìm giết Hài Nhi, nên đã cùng với thánh Giuse chạy trốn sang Ai Cập; chẳng bao lâu, lại long đong đưa Hài Nhi trở về Nazareth, rồi bị lạc mất Đức Giêsu trong đền thờ lúc 12 tuổi; đỉnh cao của cảnh bi thương trần lụy khi chứng kiến người ta đả đảo con mình; thấy được kẻ ác đánh đập tàn bạo, dã man; đau điếng khi thấy con bị những lằn roi chí tử giáng xuống trên mình; chứng kiến cảnh quan tòa nhu nhược mà kết luận bản án bất công; chưa hết, buồn tê tái khi môn đệ thân tín bán đứng Con Chí Ái, Phêrô chối không nhận Thầy; xót xa khi thấy con vác thập giá và ngã gục trên đường; xé lòng khi nghe từng tiếng búa chát chúa kèm theo tiếng kêu của con khi bị quân lính đóng đinh; nín thở nhìn con thoi thóp từng hơi trên thập giá; buốt nhói khi đứng dưới chân thập giá chứng kiến con chút hơi thở cuối cùng; ngất lịm khi nhìn quân lính đâm cạnh nương long và tang thương khi ôm xác con vào lòng; tủi phận khi phải an táng con trong ngôi mồ mượn…

Như vậy, cuộc đời của Mẹ luôn gắn liền với Đức Giêsu. Sứ mạng của Đức Giêsu được Mẹ ấp ủ trong lòng. Con đường thập giá mà Đức Giêsu mang trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha, cũng được Đức Mẹ “xin vâng” và mang trong trái tim.

Điểm lại những đau thương mà Mẹ Maria phải chịu, chúng ta khám phá ra một người Mẹ can đảm, hiên ngang và thi hành trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời của mình nơi các biến cố.

Thật vậy, cả cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã sống trọn vẹn lời “xin vâng” với Thiên Chúa. Mẹ “xin vâng” cả lúc vui lẫn khi buồn. “Xin vâng” trong mọi hoàn cảnh. “Xin vâng” đến trọn cuộc đời.

Nói khác đi: cuộc đời của Đức Giêsu là một cuộc đời luôn vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, thì cuộc đời của Mẹ Maria là cuộc đời trọn tình vẹn nghĩa với lời “xin vâng”.

Bởi lẽ, nơi cuộc đời và sứ mạng của Đức Giêsu cũng chính là cuộc sống của Mẹ, nên không lạ gì nỗi đau của Con cũng là của Mẹ. Chỉ khác một điều là Đức Giêsu thì mang trên thân xác, còn Mẹ thì mang trong tâm hồn.

Thật thế, lời của tiên tri Simêon đã được ứng nghiệm cách trọn vẹn: “…chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 35).

Như vậy, cách nào đó, Mẹ đã trở nên đồng hình đồng dạng với Con Chí Ái, vì thế Mẹ xứng đáng được tặng ban tước hiệu là Đấng “Đồng Công Cứu Chuộc”.

Mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi hôm nay, chúng ta được an ủi rất nhiều, vì trong cuộc sống của chúng ta, mọi khía cạnh đều có Đức Giêsu đi qua và có Mẹ Maria cảm thông.

Mỗi khi gặp khó khăn, mây mù giăng lối, chúng ta hãy biết ngước nhìn lên Mẹ như Mẹ đã ngước nhìn lên Thánh Giá Chúa khi xưa và sẵn lòng đón nhận mọi nghịch cảnh xảy đến trong đời, ngõ hầu mọi sự đều sinh ích cho người có lòng yêu mến Chúa.

Lạy Mẹ Sầu Bi, xin Mẹ ban cho chúng con hiểu lòng Mẹ, an ủi Mẹ, và sẵn lòng chịu mọi sự khốn khó cho nên vì lòng yêu mến Chúa như Mẹ, để sau cuộc đời này, chúng con được bên Mẹ trong Nước của Con Chí Thánh là Đức Giêsu Kitô muôn đời. Amen.

 

THỨ BẨY

NGƯỜI KHÔN XÂY NHÀ TRÊN ĐÁ

 (Lc 6, 43-49)

Người xưa thường coi việc: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba việc hệ trọng trong đời người. Thật vậy, nếu không kinh nghiệm về việc xem trâu, người nông dân dễ bị mua phải con trâu lười hay không biết làm việc. Cũng vậy, nếu không tìm hiểu cho kỹ, không chừng khi lấy vợ, chúng ta lấy phải cô vợ “cảnh” thì thật là tai họa cả đời. Tương tự như hai việc trên, công việc làm nhà cũng rất quan trọng. Nếu không biết tính toán, suy xét và nhất là nơi chốn, chúng ta dễ bị hậu quả nặng nề là căn nhà siêu vẹo do sức nặng và độ lún chênh lệch nên dễ làm cho căn nhà bị đổ nát, hoặc không đón được hướng gió tốt, sẽ dễ dàng gây nên sự ngột ngạt …

Hôm nay, Đức Giêsu nói đến việc xây dựng cuộc đời của mỗi người ngang qua hình ảnh xây dựng căn nhà.

Không ai dám cả gan để xây nhà trên nền cát! Cũng vậy, không có người nào dại dột đến độ phó dâng cuộc đời của mình cho kẻ chẳng hơn mình là bao? Hay đi tin một người mà do chính mình tưởng tượng rồi bịa ra để tôn thờ!

Khi Đức Giêsu nói đến độ bền chắc của đá, hay xây nhà trên nền móng bằng đá, Ngài muốn nói đến sự bền vững nơi những ai biết đặt đời mình trong bàn tay của Chúa, biết xây dựng cuộc sống trên nền tảng Tin Mừng.

Thật vậy, những người đón nhận, lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa thì được ví như người khôn ngoan xây nhà trên nền đá vững chắc. Ngược lại, những người nghe rồi bỏ bê không thực hành thì được ví như người ngu xây nhà trên cát và hệ quả là bị nước cuốn trôi và tòa nhà sẽ sụp đổ tan tành.

Mong sao, mỗi người chúng ta luôn biết khát khao lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Sẵn sàng để Lời Chúa chi phối và là kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Được như thế, chúng ta mới thực sự trở thành người khôn ngoan vì đã xây căn nhà cuộc đời của mình trên nền tảng vững chắc là chính Lời Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên những viên đá sống động nhờ biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn ý thức mình cũng cần phải chung tay cộng góp để xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính những gương sáng của mình trong đời sống. Amen.

Xem thêm

5-5-2024 6-38-11 PM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần VI Mùa Phục Sinh 06/05/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN