Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 12 Thường niên, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 12 Thường niên, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

THỨ HAI

KHÔN NGOAN KHI SỬA LỖI

(Mt 7, 1-5)

Ở một đền thờ Hylạp, ngay lối cổng vào, có khắc câu: “Hãy tự biết mình”. Tại sao lại có câu nói đó? Thưa, bởi vì biết mình là một điều khó, nhưng nếu khó mà không làm được thì làm sao biết được người khác? Không biết mình thì không thể tồn tại theo hướng tích cực, mà nếu có tồn tại thì cũng trở thành trò cười cho thiên hạ, bởi vì nhiều khi: “Ngôn hành bất tất”.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng lối nói ngoa ngữ để cho thấy tác hại của việc kiêu ngạo, háo danh nên không biết mình. Vì không biết, nên đâu thấy nơi mình có khuyết điểm, lỗi lầm trầm trọng, vì thế mới thích “lên mặt dạy đời”.

Trong thực tế, có rất nhiều người hăng say, vội vã sửa lỗi cho anh em, dù là lỗi nhỏ, nhưng thực tế, lỗi mình thì lớn hơn rất nhiều mà không thấy hay cố tình che lấp để như một ngụy biện nhằm khẳng định mình là người đạo đức hơn người.

Đức Giêsu không có ý cấm chúng ta sửa lỗi cho anh em, bởi vì sửa lỗi cho anh em bằng việc nêu gương sáng và chân tình thì đây là đức ái. Tuy nhiên, vì hiềm khích thì lại trở thành gương mù và phản tác dụng.

Vì thế, nguyên tắc hữu lý và đạt tình chính là bao dung với tha nhân, và nghiêm khắc với chính mình. Không thổi phồng tội người khác, không thu nhỏ lỗi của mình. Khiêm tốn sửa mình trước khi góp ý cho tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, theo Lời Chúa dạy hôm nay, chắc có lẽ chúng con sẽ bị xét đoán thật nhiều vì lối sống thiếu bác ái khi hay xét đoán anh chị em của chúng con. Xin cho chúng con luôn biết thưa với Chúa: xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con. Biết Chúa để yêu mến Chúa. Biết con để sống khiêm tốn. Chỉ khi nào chúng con biết sống như thế, chúng con mới yêu thương anh chị em cách thật lòng. Amen.

 

THỨ BA

KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC

(Mt 7, 6. 12-14)

“Tất cả những gì các con muốn người ta làm cho các con, thì hãy làm cho người ta”. Đây là khuôn vàng thước ngọc để ta thi hành đức ái theo thánh ý Chúa.

Thật vậy, chẳng ai muốn điều xấu đến với mình bao giờ. Vì thế, không có lẽ gì lại mong muốn điều xấu đến với anh chị em mình. Chỉ có ai nuôi lòng hận thù, hay vì ích kỷ thì mới làm điều bất chính cho tha nhân và muốn điều tốt cho riêng mình mà thôi.

Hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra kim chỉ nam cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng ta là: hãy muốn và làm điều tốt cho tha nhân trước khi thi hành điều tốt cho chính mình. Phải quên đi bản thân để mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân trước. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của anh chị em và hãy đối xử với họ như chính mình muốn được đối xử khi ở địa vị của họ.

Lời Chúa hôm nay không chỉ kêu mời chúng ta “hãy làm cho người khác những điều mình muốn họ làm cho mình” mà Ngài muốn chúng ta đi xa hơn nữa là hãy cư xử với tha nhân tốt hơn là họ đáng được cư xử. Không chỉ “yêu tha nhân như chính mình” mà hãy “yêu tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta”. Đó là yêu vô điều kiện, yêu đến mức hy sinh cả mạng sống. 

Khi yêu như thế, ấy là lúc chúng ta đang đi trên con đường hẹp, con đường của hy sinh, từ bỏ, của yêu thương, quảng đại và vô vị lợi. Sẵn sàng từ bỏ con đường thênh thang là con đường của kiêu ngạo, ích kỷ, nhỏ nhen, trục lợi cho cá nhân mình.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay vạch ra cho chúng con con đường về trời. Con đường đó là hy sinh, yêu thương và bác ái vô vị lợi.

Xin cho chúng con biết chọn con đường hẹp ấy để tiến bước trên hành trình sứ vụ của chúng con. Amen.

 

THỨ TƯ

HÃY TRỞ NÊN “QUẢ TỐT”

(Mt 7, 15-20)

Nhiều người tỏ ra bị sốc khi nghe câu tuyên bố của Đức Giêsu: “… cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt”. Thật ra, trong thực tế, vẫn có nhiều người “gần mực mà không đen”, hay “gần đèn mà chẳng rạng”!

Tuy nhiên, điều mà Đức Giêsu nói ở đây đó là hãy biết cách nhận định khôn ngoan chứ không phải xét đoán hời hợt hay mang sẵn lòng hận thù hoặc tính kiêu ngạo. Nhận định tức là căn cứ vào kết quả để biết con người một cách khách quan. Tiêu chuẩn là: “Xem quả biết cây”.

“Cây” ở đây chính là mình, còn “hoa, lá, cành” chính là những việc đạo đức như: dâng lễ, kinh sách, cầu nguyện, tham gia các hội đoàn và những việc lành khác…. Còn “quả” ở đây chính là gương sáng, hy sinh, yêu thương, tha thứ…, tức là từ bi – bác ái, yêu Chúa hết lòng và thương yêu anh chị em cách chân thành.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người trong chúng ta lại có quá nhiều “hoa, lá, cành”,“quả” thì không có, hay có nhưng lại bị “sâu”. Tức là hăng say làm việc chỉ vì ham danh, huênh hoang, tự phụ, ích kỷ nên không thể sinh ra “quả” tốt được. Những người đó họ làm mọi việc vì thực dụng cá nhân, không vì yêu mến Chúa và tha nhân, nên họ chẳng khác gì chiếc phèng la kêu inh ỏi, nhưng bên trong thì rỗng tuếch.

Thánh Phaolô cũng khuyên dạy tín hữu thành Corintô như sau: “Giả như tôi nói được các thứ tiếng, giả như tôi được ơn tiên tri như tôi có đem hết tài sản mà bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng có ơn ích gì cho tôi” (x. 1 Cr 13,1-3). Vì thế: “Không phải những ai nói: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời, mà chỉ những ai thực hành ý Chúa mới được vào mà thôi”.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải trở nên những tiên tri thật của lòng mến, chứ đừng trở nên tiên tri giả của tham sân si. Hãy trở nên con chiên hiền lành của Chúa chứ đừng trở nên sói dữ. Không được mang danh và hình ảnh của chiên, nhưng thực ra chỉ là mặt chiên, mà là dạ sói!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn gắn chặt cuộc đời của chúng con vào Chúa, để như một sự tác sinh, chúng con được trở nên giống Chúa, hầu trở nên những hoa trái tốt như lòng Chúa mong ước. Amen.

 

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

NỀN TẢNG VÀ CỘT TRỤ XÂY TÒA NHÀ GIÁO HỘI

(Cv 12, 1- 11; 2Tm 4, 6-8. 17-18; Mt 16, 13-19)

Ngày 29-06 hằng năm được chọn là ngày lễ kính trọng thể hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai vị Tông đồ được mừng chung một ngày. Đây là điều đặc biệt. Tuy nhiên, cuộc đời, ơn gọi và sứ vụ của hai vị hoàn toàn khác nhau. Các ngài được Giáo Hội tôn vinh như là nền tảng và cột trụ của Giáo Hội.

Bởi vì, Phêrô được đặt làm người lãnh đạo Giáo Hội. Phaolô là người bảo vệ Giáo Hội bằng khả năng nghiên cứu và lời rao giảng.

Tuy đường lối và tính tình khác nhau, nhưng các ngài đã cùng nhau vươn tới mục đích, đó là xây dựng sự hiệp nhất và loan báo ơn cứu chuộc cho mọi người.

Vì thế, mỗi khi mừng lễ hai vị thánh đặc biệt này, chúng ta lại có dịp tìm hiểu nhiều hơn về thân thế, con người và sự nghiệp của các ngài để noi gương và bắt chước.

  1. Hai con người, hai khởi điểm

Trước tiên, chúng ta cùng nhau khám phá con người và ơn gọi cũng như sứ vụ của Phêrô:

Nói đến Phêrô, chúng ta nghĩ ngay đến sự kiện Đức Giêsu đi dọc bờ Biển Galilê và gọi bốn môn đệ đầu tiên, Phêrô là một trong 4 môn đệ đó.

Chỉ một lời mời gọi: “Hãy theo Thầy”, ông đã để lại đằng sau mọi sự để đi theo Ngài. Vì làm nghề chài lưới, nên Phêrô được biết đến như là một người bình dân học vụ. Chính từ việc xuất thân rất bình thường này đã hé mở cho chúng ta biết tính cách của ông. Ông là một người bộc trực, nóng nảy và hay thay đổi. Ông cũng là một con người thiếu lập trường, và nhát đảm. Điều này dễ hiểu, vì: xuất thân từ nghề ngư phủ, nên ông phải thăm dò và nương theo mực nước biển lên xuống để hành nghề, nên nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách của ông.

Từ khi được chọn làm môn đệ, ông được Thầy Giêsu rất ưu ái. Vì thế, ông được nằm trong số 3 môn đệ thân tín với Đức Giêsu và được diễm phúc chứng kiến những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế.

Ngoài ra, Phêrô còn được biết đến qua những biến cố như: dám cả gan ngăn cản Thầy lên Giêrusalem để chịu chết. Ông cũng là người duy nhất can đảm đứng lên đại diện anh em tuyên tín Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống. Phêrô cũng rất anh hùng khi dám vung gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế đến bắt Đức Giêsu trong Vườn Cây Dầu.

Đỉnh điểm, đó là vụ “scandal” trối Thầy tới 3 lần vì sợ bị liên lụy. Cuối cùng, chính là việc Đức Giêsu đã tin tưởng Phêrô và đã trao cho ông sứ vụ lãnh đạo là đứng đầu Giáo Hội.

Kết thúc hành trình tại thế, Phêrô đã dùng chính cái chết qua việc bị đóng đinh ngược để bảo về chân lý Tin Mừng và niềm tin vào Thầy Giêsu.

Thứ đến, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về cuộc đời, ơn gọi và sứ vụ của Phaolô:

Ngược lại với Phêrô, toàn bộ Tin Mừng không nói gì về Phaolô. Nhưng sách Công Vụ Tông Đồ thì gần như nói về ngài và các cuộc hành trình truyền giáo của ngài nhiều nhất.

Cũng như Phêrô, nếu người ta biết đến vị lãnh đạo Giáo Hội với cái vụ “scandal” là trối Chúa, thì Phaolô được biết đến với sự hung ác đến tàn bạo khi sẵn sàng ra tay giết hại các Kitô hữu.

Sự kiện làm cho Phaolô biến đổi không phải là hành động nhẹ nhàng qua ánh mắt của Chúa như với Phêrô, mà là một cú ngã ngựa đau điếng dẫn đến việc bị mù.

Mặt khác, Phaolô không được diễm phúc sống cùng thời với Đức Giêsu và được ngài dạy dỗ như nhóm 12. Tuy nhiên, Phaolô lại được đặc ân là gặp gỡ trực tiếp với Đấng Phục Sinh là chính Đức Giêsu Kitô.

Trước khi được biến đổi, Phaolô được biết đến là một con người trổi trang về thế giá. Ngài xuất thân từ một gia đình thượng lưu, nên ngay từ nhỏ, đã được cho ăn học đàng hoàng, vì thế, khi lớn, Phaolô là một người học thức sâu rộng. Kiến thức Kinh Thánh của Phaolô rất uyên thâm vì được học cùng bậc thầy Kinh Thánh nổi tiếng là Gamaliel.

Trước khi được Chúa hoán cải, ông là một người đối đầu với các Tông đồ, với những người tin Chúa. Nói chung, ông ghét cay ghét đắng danh Giêsu và cả những ai tin Ngài.

Biến cố ghi dấu trong cuộc đời của Phaolô, chính là việc ngã ngựa lịch sử. Chính nhờ sự kiện này mà Phaolô được tẩy rửa thói kiêu căng để nhường chỗ cho sự khiêm nhường.

Sau này Phaolô đã trở thành nhà truyền giáo lừng danh cho dân ngoại.

Cuối cùng, để minh chứng hùng hồn về những gì đã rao giảng, ngài đã chấp nhận chết để bảo vệ chân lý và danh Đức Giêsu.

Điểm qua cuộc đời của hai vị thánh lớn trong Giáo Hội mà hôm nay chúng ta mừng kính để thấy được rằng: lòng thương xót của Thiên Chúa đã rợp bóng trên các ngài và chính bản thân các ngài đã cảm nghiệm được tình thương kỳ diệu của Thiên Chúa, nên đã ra đi loan truyền lòng thương xót ấy cho người khác.

  1. Cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa để xót thương

Nhờ tình yêu của Đức Giêsu đặc biệt trên cuộc đời của các ngài, nên cuộc đời của Phêrô và Phaolô đã được khép lại đã khép lại quá khứ với đầy điển tích tội lỗi và ngu muội để thay vào đó là Ánh Sáng Tin Mừng của Đức Giêsu. Chính từ đây, hai Tông đồ đã trở thành những người tiên phong trong việc loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại.

Thật vậy, chính do tình thương, mà Thiên Chúa đã biến đổi:

Từ một Phêrô đã từng bị gọi là Satan. Một Phêrô đã từng phản bội. Một Phêrô hèn nhát, nay trở thành người củng cố đức tin cho anh em, trở thành người lãnh đạo Giáo Hội và điểm quy chiếu để hội tụ mọi thành phần dân Chúa.

Một Phaolô hiểu Kinh Thánh cách phiến diện. Một Phaolô với tính khí hung ác tàn bạo, sẵn sàng vung những nhát gươm sáng nhoáng để giáng xuống trên đầu những người tin vào Giêsu, thì nay, một Phaolô hiền lành, nhân hậu và xót thương đến hết mọi người. Nhờ ơn Chúa, ngài đã trở thành cột trụ của Giáo Hội ngang qua những kiến thức sắc bén bênh vực Giáo Hội.

Có thể nói: cuộc đời của hai vị không thiếu những màn đêm tội lỗi nặng nề. Các ngài đã phạm vào những tội tầy trời như trối Chúa và bách hại đạo. Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa đã hoán cải khiến các ông được đổi mới và trở thành những chứng nhân của Tin Mừng.

  1. Sứ điệp và bài học của ngày lễ

Mừng lễ hai thánh Tông đồ hôm nay, chúng ta học được những bài học giá trị như sau:

Trước tiên là niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, vì: “Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được”.

Thứ đến, là lòng yêu mến Chúa tha thiết. Chính thánh Phêrô đã thốt lên: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”, còn với Phaolô: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô” (x. 2 Tm 4,6-8).

Cuối cùng là bài học về sự trung thành với Chúa. Cả hai đấng đều trung thành với Chúa cách tuyệt đối khi sẵn sàng chấp nhận bị bắt bớ, đòn vọt và chấp nhận ngay cả cái chết để bảo vệ niềm tin của mình vào Chúa và Tin Mừng của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con lòng yêu mến Giáo Hội, biết cộng tác với những người lãnh đạo chúng con để cùng nhau xây dựng Giáo Hội của Chúa nơi trần gian như gương của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô khi xưa. Amen.

THỨ SÁU

LẠY NGÀI, XIN CHO TÔI ĐƯỢC SẠCH

(Mt 8, 1-4)

Có một câu chuyện thật ấn tượng về một linh mục đã trọng tuổi thuộc dòng Phanxicô. Chuyện là thế này: ngài là một linh mục rất thương người, vì thế, sau lễ truyền chức linh mục cho ngài, có một người sẵn sàng tài trợ mọi mặt để tổ chức thánh lễ tạ ơn tại quê hương cho thật “hoành tráng”. Tuy nhiên, ngài đã từ chối, và không quên ngỏ lời xin toàn bộ số tiền đó để xây nhà, khoan giếng, thuốc thang cho anh chị em bị phong cùi mà ngài đã biết đến họ cách đó vài năm trong một khu rừng sâu thẳm không một bóng người qua lại.

Tại sao họ lại có một cuộc sống khổ đến vậy? Thưa! Chỉ vì bị kỳ thị và sợ liên lụy cũng như sợ bị lây nhiễm, nên người ta đã đẩy anh chị em đó vào trong một thế giới riêng, tách biệt khỏi xã hội bên ngoài. 

Hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành cho người phong cùi vì anh ta có lòng tin: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. 

Tưởng cũng nên nhắc thêm: bệnh phong hủi, vào thời ấy, là một thứ bệnh ghê tởm, không có thuốc chữa mà tác hại của nó lại quá lớn và mức độ lây lan nhanh. Ai mắc thứ bệnh đó là đã cầm trong tay án tử.

Bệnh thể xác rất đau đớn, nhưng có lẽ không đau đớn cho bằng tinh thần. Người bị bệnh phong hủi bị ruồng bỏ, bệnh nhân muốn đi lại phải hô to mình bị ô uế để người khác biết mà tránh xa. Họ bị bỏ rơi ngay từ những người thân, xóm làng, xã hội và ngay cả tôn giáo thời bấy giờ.

Tuy nhiên, hình ảnh hiền từ và cử chỉ giơ tay chạm vào anh ta của Đức Giêsu hôm nay đã làm cho người phong hủi thêm niềm hy vọng, cậy trông và ấm lòng. Vì thế, anh ta đã can đảm tiến lại gần Đức Giêsu, mặc cho mọi lời dèm pha, khinh khi, nhục mạ. Anh ta tin và đi đến với Đức Giêsu. Còn Đức Giêsu đã giơ tay và chạm vào anh ta, khiếm anh ta được sạch.

Hành động này của Đức Giêsu đã xóa tan đi biết bao ngăn cách, đã trả lại cho anh một chỗ đứng trong xã hội, đã phục hồi nhân phẩm cho anh trong cuộc sống còn lại.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, một mặt biết noi gương người phong cùi, can đảm, tin tưởng và bỏ qua mọi rào cản để đến với Chúa là mối lợi tuyệt đối và duy nhất của cuộc đời. Mặt khác, cũng mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ đến bệnh cùi tâm linh của chúng ta là những ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và ham danh, trục lợi… Đồng thời, như một lời mời gọi hãy bước theo Đức Giêsu trên con đường yêu thương, xóa bỏ ngăn cách do kỳ thị …

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tin tưởng vào tình thương của Chúa. Biết yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa, nhất là những người thấp cổ, bé họng, khổ đau, nghèo đói chung quanh chúng con. Amen.

 

THỨ BẨY

ƠN CỨU ĐỘ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI

(Mt 8, 5-17)

Câu nói của Đức Giêsu hôm nay đã làm cho không biết bao nhiêu người sững sờ, chưng hửng: “… nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. 

Đây là nỗi băn khoăn, lo lắng, thắc mắc của bao nhiêu người, đặc biệt dân Dothái thời đó.

Thật vậy: “… những người không do lỗi của mình mà không biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn sủng của Ngài mà hành động để làm trọn thánh ý Ngài theo như lương tâm của họ mặc khải và truyền dạy cho họ, thì những người này có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời” (x. SGLGHCG, số 847; LG, số 16; DS 3866-3872).

Còn: “Những ai đã biết rằng Giáo Hội Công Giáo, được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu-Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong đó thì không thể được cứu rỗi” (x. LG, số 14; SGLGHCG, số 846).

Như vậy, điều quan trọng là muốn được cứu hay không? Nếu muốn được hưởng ơn cứu độ của Chúa thì:

Trước tiên, “hãy phấn đấu qua cửa hẹp mà vào”. Cửa hẹp là những gian nan thử thách, dù gặp khổ cực đến đâu vẫn phải quyết tâm sống theo Lời Chúa dạy. Phải chịu rèn luyện mới được gặt hái những hoa trái; phải “có công mài sắt mới có ngày nên kim”; phải chịu “lửa thử vàng, gian nan thử đức”.

Thứ hai, hãy vào cho kịp thời: “Một khi chủ đã đứng dậy và khóa cửa lại mà anh còn đứng ngoài… thì chỉ còn ở đó, khóc lóc nghiến răng thôi”. Nước trời không dành cho những người khô khan lười biếng, thờ ơ, chểnh mảng, say sưa, ăn chơi, gian ác hay nước đến chân mới nhảy. Những người như thế, họ sẽ lãnh nhận lời than trách nặng nề của Đức Giêsu như xưa Ngài đã nói với dân chúng thời của Ngài: “Hỡi quân gian ác, đi cho khuất mắt Ta”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết làm theo ý Chúa muốn để được vào Nước Trời, chính là vào qua cửa hẹp và vào kịp thời để không bị loại ra ngoài. Amen.

Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …