Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 11 thường niên, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 11 thường niên, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

THỨ HAI

YÊU VÀ SỐNG

(Mt 5, 38-42)

Xem lại CN 7 TN A, CN 7 TN C, thứ Năm tuần 23 TN

Khi đạo Công Giáo mới được loan báo trên quê hương Nước Việt, cha ông chúng ta đã mau mắn đón nhận Tin Mừng và sống những giá trị Tin Mừng ấy rất sống động. Một trong những điểm sáng mà tổ tiên chúng ta đã sống đó là “tình yêu thương”. Khi sống như thế, nhiều người không phải là Kitô hữu, họ đã không hiểu được các ngài theo đạo gì, vì thế, họ không ngần ngại đặt cho tôn giáo mới này là: “Đạo Yêu Nhau”.

Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ bài học yêu thương. Yêu thương thì không oán hờn; không tính toán thiệt hơn; yêu thương thì không có khái niệm trả thù mà sẽ tha thứ không chỉ bẩy lần, mà bẩy mươi lần bẩy, tức là không có giới hạn.

Trong thực tế hôm nay, nhiều người Công Giáo không dám sống căn tính của mình là yêu thương. Bởi vì khi yêu thương như Chúa đòi hỏi, thì họ phải trả giá bằng chính sự thiệt thòi, ức hiếp, bóc lột, coi thường, khinh khi…, vì thế, không thiếu gì hình ảnh những người Công Giáo cũng “ga lăng” chẳng kém gì ai! Đây đó vẫn có những người Công Giáo sống kiểu “đàn anh đàn chị!”.

Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy trở nên “thánh thật” chứ không chỉ làm thánh “lâm thời”. Muốn trở nên “thánh thật” thì phải mến Chúa trên hết mọi sự và yêu thương nhau thật lòng, dầu có phải thiệt thòi đôi chút. Chấp nhận đau khổ, hiểu lầm vì mối lợi lớn hơn là được biết Chúa và được Chúa yêu thương. Sẵn sàng đi trên con đường tình yêu được chứng minh bằng việc đón nhận thập giá trong cuộc sống vì lòng yêu mến Chúa, để qua đó, chúng ta có sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa dạy khó quá đối với con người yếu đuối, ích kỷ của chúng con! Nhưng chúng con tin Lời Chúa có sức mạnh biến đổi. Xin Chúa thánh hóa chúng con, để mỗi ngày chúng con nên giống Chúa hơn khi biết quảng đại, bao dung và vô vị lợi như Chúa. Amen. 

 

THỨ BA

HÃY YÊU KẺ THÙ

( Mt 5, 43-48)

Xem lại CN 7 TN A.

 “Yêu mến anh em, là sống chu toàn giới luật. Yêu mến người lành và yêu thương kẻ gian ác. Chính do tình yêu mà chúng ta được cứu độ, thành con Chúa Trời và thành bạn hữu Chúa Kitô”. Đây là lời bài hát mà có lẽ ai cũng thuộc vì nó được lặp lại nhiều lần trong Mùa Chay.  Đây cũng chính là lệnh truyền của Đức Giêsu cho các môn đệ, đồng thời cũng là lời mời gọi cho những ai đang bước theo Đức Giêsu trên lộ trình cứu độ.

Thật vậy, cốt lõi Đạo Công Giáo của chúng ta là tình yêu thương. Tại sao vậy? Thưa vì Đạo chúng ta bắt nguồn từ Thiên Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu. Vì thế: “Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…”.

“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. “Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.

Khi dạy “hãy yêu kẻ thù”, Đức Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm, nhưng là đề nêu cao tinh thần khoan dung, hiền từ, quảng đại, tha thứ.  

“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Đức Giêsu. Tuy nhiên, chính Ngài đã nêu gương khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình và cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Ý tưởng ấy rất cao và rất khó nhưng nó tạo nên ý nghĩa.

Như vậy, Đức Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đứng về phía bất bạo động. Tuy nhiên đó không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay thụ động leo thang, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chân lý, của công bằng và tình yêu hơn là sức mạnh của chiến tranh, vũ khí và hận thù… Chúng ta phải cố gắng dùng điều tốt nhất để đáp lại điều xấu nhất.

Hãy nhớ rằng: “Viên đạn căm thù chỉ có thể làm thương tổn kẻ thù sau khi đã xuyên qua thân xác chúng ta trước”. Khi nuôi trong mình sự trả thù thì đồng nghĩa với việc ta đào thêm một cái hố nữa để chôn chính ta. Người Hy Lạp cổ thường ví von như sau: “Người khôn ngoan thà chịu đựng sự ác hơn là làm điều ác”.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng đây là con đường nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và chỉ khi nào chúng con đạt được điều đó, ấy là lúc chúng con trở thành môn đệ đích thực của Chúa. Amen.

 

THỨ TƯ

KHIÊM NHƯỜNG THÌ MỚI CÓ ÍCH

( Mt 6, 1-6. 16-18)

Xem lại Thứ Tư lễ Tro.

Ngày nọ, có một người đến nói với cha xứ: “Con sẵn sàng dâng cúng tiền để mua một quả chuông cho Giáo xứ, nhưng với điều kiện, phải khắc tên con trên quả chuông ấy!”.

Đây là thực trạng của rất nhiều người biểu lộ niềm tin của mình cách thực dụng như thế!

Sẵn sàng giúp đỡ, nhưng không thể thành hiện thực khi không được nêu danh tánh và công trạng của mình cách công khai!

Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng khuyên răn các môn đệ của Ngài phải cẩn trọng trong việc thi hành đức bác ái, kẻo lỡ trở thành “công dã tràng” tức là tốn công vô ích. Ngài dạy cho các ông khi làm việc thiện, hãy làm vì lòng mến và tinh thần vô vị lợi. Không cần phô trương để người đời biết mà ca tụng. Nếu muốn được biểu dương thì hẳn đã được phần thưởng do người phàm tán tụng rồi, và như một quy luật: đã được người đời thưởng công thì không được Thiên Chúa chúc phúc nữa.

Vậy, cùng một việc bác ái, khi thi hành, chúng ta muốn được phần thưởng muôn đời do Thiên Chúa ban tặng hay chỉ muốn phần thưởng tạm bợ, nhất thời, mau qua chóng hết  do con người trao tặng?

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhau làm một bài toán hầu tính ra sự hơn thiệt để mà tiến bước. Tuy nhiên, đáp án chỉ có khi chúng ta kết thúc cuộc sống trần thế này, và lúc ấy, phần thưởng được trao ban khi và chỉ khi chúng ta làm việc thiện với lòng tin, cậy trông và lòng mến.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con tinh thần của Chúa và giúp chúng con thi hành vì yêu mến Chúa và anh chị em, để mọi hành động, mọi việc làm của chúng con đều xuất phát từ tấm lòng khiêm cung và tràn đầy yêu thương. Amen.

 

THỨ NĂM

THIÊN CHÚA LÀ CHA YÊU THƯƠNG

(Mt 6, 7-15)

Xem lại thứ Ba tuần 1 MC,

Thứ Tư tuần 27 TN

Đạo Công Giáo của chúng ta thật hạnh phúc vì được gọi Thiên Chúa là Cha. Đây là đặc ân cao quý mà nhờ Đức Giêsu mặc khải, chúng ta mới biết và dám thưa với Thiên Chúa “Ápba – Cha”.

Hôm nay, các môn đệ đã xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện, vì thế, Ngài đã lên tiếng dạy họ cầu nguyện:

Trước tiên, cần xác định căn tính là con của các môn đệ với Cha trên trời: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời”. Khi có chung một Cha, thì ắt sẽ có nhau là anh em.

Thứ hai, đã là con thì luôn mong cho danh Cha mình được tỏ lộ và nhiều người tin nhận: “Xin làm cho Danh Cha được vinh hiển”; “Triều đại Cha mau đến”.

Thứ ba là nguyện xin cho: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, tức là xin Cha thể hiện mục đích của Người trên nhân loại như đã có trong chương trình yêu thương của Người.

Thứ tư, thể hiện lòng trông cậy vào Cha, đồng thời phó thác đời sống xác hồn cho Cha để Người chăm lo: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.

Thứ năm, ý thức mình là kẻ tội lỗi nên cần Cha tha tội: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”, tức là thành khẩn xin Cha tha mọi tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Người, cũng như cho ta biết tha thứ các lỗi lầm mà anh em xúc phạm đến ta.

Thứ sáu, ý thức sự mong manh, yếu đuối của bản thân, nên cần Cha bảo vệ: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Cuối cùng, xin được trao phó mọi sự trong tay Cha, để xin Cha cứu giúp khỏi bị rơi vào tình trạng mất ơn nghĩa cùng Cha: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

Qua kinh lạy Cha, Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện, thì ngày hôm nay, Ngài cũng dạy mỗi người chúng ta hãy cầu nguyện như thế để xứng đáng là con Cha trên trời và có nhau là anh em trong cùng đại gia đình Hội Thánh.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con luôn sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa và luôn tin tưởng, phó thác cũng như biết cùng nhau làm sáng danh Chúa. Amen.

  

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, NĂM A

TRÁI TIM ĐẦY LÒNG XÓT THƯƠNG

 (Ðnl 7, 6-11; 1 Ga 4, 7-16; Mt 11, 25-30)

Nếu chọn một biểu tượng để diễn tả tình yêu, hẳn nhiều người sẽ chọn biểu tượng trái tim. Vì thế, khi yêu ai, người ta thường tặng cho nhau những hiện vật mang biểu tượng của trái tim, điều đó ngụ ý nói rằng: nếu trái tim là một cơ phận quan trọng trong toàn bộ sự sống của con người, vì nơi trái tim có chức năng sản sinh ra máu để nuôi các cơ phận khác, thì khi trao tặng biểu tượng trái tim, ấy là tôi có ý trao tặng cho bạn cả sự sống của tôi.

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một trái tim con người của Đấng là Con Thiên Chúa, qua đó, Giáo Hội mời gọi con cái mình hướng về Thánh Tâm Chúa Giêsu, để chiêm ngưỡng dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đồng thời, hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi nhìn ra thế giới để thấy được thực trạng vô cảm đáng báo động của nhân loại hiện nay, từ đó, người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của trái Tim nhân hậu Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay.

  1. Thế giới đang mất dần lòng thương xót

Các nhà khoa học hiện nay rất tự hào về những phát minh khoa học của mình. Người ta đã sáng chế thành công những chú Rôbốt trông rất đẹp và hấp dẫn về nhiều mặt. Nó có thể thay con người để làm một số thứ mà trước kia thuộc về khả năng của con người.

Thế nhưng, mặt trái của những chú Rôbốt này đang khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và khiếp đảm, bởi vì nó có thể bóp chết ngay cả người làm ra nó nếu vận hành sai quy trình. Nó hoàn toàn vô cảm bởi vì con chíp cảm xúc của những chú Rôbốt này chưa ai phát minh ra được. Đây chính là nguyên nhân khiến cho người ta sợ hãi những chú Rôbốt vô hồn.

Cũng thế, con người ngày nay đang bị cuốn hút vào lối sống hưởng thụ và tự do, từ đó dẫn đến việc người ta ưa lối sống hạt nhân hơn là tập thể. Chính vì vậy, thái độ vô hồn, vô cảm là điều đang rất thịnh hành trong xã hội hôm nay. Nhưng có ai ngờ rằng đây chính là căn bệnh quái ác đang ngày đêm giết chết cảm xúc của con người, khiến trái tim họ không còn rung động trước nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại.

Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy rất nhiều cảnh tượng chém giết lẫn nhau nơi giới trẻ ngày nay, mà đối tượng để chúng hành hung chính là những người ruột thịt hay bạn bè thân thiết của mình. Người ta cũng chẳng quan tâm đủ đến những người cùng khổ, đói rách, bần hàn, nên vẫn sẵn sàng cướp đi miếng cơm manh áo của bà con đồng bào lũ lụt Miền Trung đang ngày đêm oằn mình đối chọi với cái rét và cái đói mỗi khi mùa lũ về.

Vô cảm rất nguy hiểm, bởi lẽ nó có thể làm cho con người mất đi sự nhạy bén với nhau, nó trở nên lạnh lùng và nhất là đánh mất giá trị lương tâm. Khiến con người dần dần trở thành “thú” hơn là “người”.

Ôi một sự băng giá tràn ngập trong những trái tim vô cảm. Đại văn hào Nga, Marsin Gorky đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”.

Nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự vô cảm, dửng dưng này chính là con người đã không cảm nghiệm được lòng thương xót, nhân hậu của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình, từ đó, họ cũng không biết xót thương ai…

  1. Trái Tim Chúa Giêsu – một trái tim đầy nhân hậu

Vì thế, mỗi khi mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội khao khát con cái của mình hãy có lòng thương xót như Thiên Chúa được cụ thể hóa qua cuộc đời của Chúa Giêsu.

Thật vậy, Trái tim của Chúa Giêsu đã không dửng dưng đối với những người đang khao khát Lời Chân Lý, thế nên, Ngài đã lên tiếng giảng dạy họ (x. Mt 5, 1-12). Ngài cũng không thể không rung động trước sự đói khát của đám dân bần hàn, nên đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Mc 8,1-10). Ngài cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh đám đông đem chôn một người con trai duy nhất của bà hóa thành Naim, vì thế, Ngài đã cho anh ta sống lại (x. Lc 7,11-17). Ngài cũng đã rơi lệ khi thấy Mátta và Maria khóc thương Lazarô chết (x Ga 11,1-45).

Hơn nữa, trái tim của Chúa Giêsu luôn hướng tới những người tội lỗi để xót thương họ. Điều này đã được chính Chúa Giêsu minh định: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Thế nên, chúng ta không lạ gì khi Chúa Giêsu thể hiện hành động cảm thông cho người phụ nữ ngoại tình và nói: “Tôi không kết án chị đâu” . Ngài muốn cho chị có cơ hội làm lại cuộc đời “chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa” (x. Ga 8,11). Hay với  Giakêu và Mátthêu, hai ông bị liệt vào tội bán nước hại dân ngang hang với giá điếm, ấy vậy mà trái tim của Ngài đã đoái thương, nên đã chọn và gọi họ làm môn đệ.

Tình thương ấy còn được biểu lộ qua ánh mắt đầy nhân từ dành cho Phêrô sau khi ông chối Chúa và người trộm lành sau khi đã thống hối ăn năn.

Đỉnh cao của trái tim nhân hậu ấy chính là sự độ lượng đến nỗi sẵn sàng tha cho kẻ làm hại mình: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).

Tắt một lời: vì yêu nên Chúa Giêsu: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế”(x. Cv 10,38). Và cuối cùng là chết cho người mình yêu (Ga 15, 13). Ngày cả giọt nước và máu cuối cùng cũng được trao ban khi lưỡi đòng đâm cạnh nương long của Ngài trúng trái tim (x. Ga 19, 31-37).

  1. Hãy xót thương như Trái Tim Chúa Giêsu

Giờ đây, hơn lúc nào hết, lời mời gọi của Chúa Giêsu lại vang lên rành rọt bên tai mỗi người chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương an hem” (Ga 15, 12). Thật vậy, chúng ta chỉ có thể trở nên bạn hữu của Chúa  nếu chúng ta yêu thương nhau cách chân thành.

Chúng ta không thể sống như những cỗ máy vô tri. Không thể sống theo chế độ hạt nhân. Cũng thế, là người con Chúa, chúng ta không chấp nhận một người vô cảm, dửng dưng với những anh chị em đau khổ xung quanh. Chúng ta cũng không chấp nhận một người chỉ nói về tình thương mà không sống yêu thương, nhưng : “Hãy yêu rồi làm” (thánh Augustinô) là tiêu chí của người Kitô hữu mọi thời. Lời của thánh Têrêxa Calcutta nói với các nữ tu của ngài làm cho chúng ta không thể không suy nghĩ: “Chúng con đã được rước Chúa trong Thánh Thể, bây giờ hãy đi sờ đụng Chúa trong người nghèo”.

Một người môn đệ của Thánh Tâm Chúa Giêsu không thể đứng chỉ tay năm ngón, hay dửng dưng không can hệ đến nỗi đau khổ của con người, hoặc coi thường khinh bỉ những người tội lỗi. Không bao giờ chúng ta được phép tự cho mình có những hành vi ấy, mà ngược lại, phải hiểu rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của cộng đồng môn đệ Đức Kitô” (Gaudium Et Spes, số 1).

Mong sao mỗi khi mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta hãy học nơi Chúa vì Chúa Hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Hãy noi gương Chúa để sống sự liên đới với hết mọi người. Amen.

SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ, NĂM A

HIỆN DIỆN ĐỂ TRỞ NÊN CHỨNG NHÂN

(Is 49, 1-6; Cv 13,22-26; Lc 1, 57-66.80)

Trước lễ Chúa Giáng Sinh 6 tháng, tức ngày hôm nay, cả Giáo Hội hân hoan mừng kính sinh nhật vị thánh đặc biệt có tên là Gioan Tẩy Giả. Đây là điều ngoại lệ trong phụng vụ Giáo Hội, bởi lẽ, không có một vị thánh nào được mừng sinh nhật ngoại trừ Mẹ Maria và Đức Giêsu. Các vị thánh khác thường được mừng kính ngày sinh nhật của các ngài trên trời, tức là ngày mất. Sự kiện đặc biệt này cho thấy điều cao trọng nơi con trẻ có tên là Gioan. Bởi vì, chính con người, ơn gọi và sứ vụ của Gioan gắn liền với cuộc đời Chúa Cứu Thế, hay nói cách khác, sứ vụ ngôn sứ của ngài nối liền giữa Cựu Ước và Tân Ước. Chính vì điều này mà Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ sinh nhật của ngài hôm nay.

  1. Dấu gạch nối giữa Gioan và Đức Giêsu

Mang trong mình sứ vụ tiền hô, nên Gioan đã trở thành người loan tin, chuẩn bị và dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Sứ vụ của ông gắn liền với sứ vụ Đức Giêsu. Vì thế, Gioan đã trở thành người loan báo Tin Mừng cho nhân loại về Đức Giêsu, nhưng khi Đức Giêsu đến, Ngài chính là nội dung Tin Mừng. Gioan là tiếng hô trong hoang địa, còn Đức Giêsu chính là Đấng hiện diện như những gì đã loan báo. Gioan chuẩn bị lòng dân nhớ lại lời hứa bằng việc nhắc cho biết những điều đã được tiên báo về Đấng Mêsia, Đức Giêsu đến đã làm cho những lời tiên trưng về Ngài được ứng nghiệm. Gioan kêu gọi sống công bằng bác ái, khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thực hiện rõ nét tình thương của Thiên Chúa trên dân của Ngài. Gioan làm phép rửa thống hối và kêu gọi người ta ăn năn, Đức Giêsu đến, Ngài ban ơn tha thứ và cứu chuộc hết mọi người bằng chính máu của Ngài đổ ra trên thập giá.

Tắt một lời, nếu Gioan là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, thì khi Đức Giêsu đến, Ngài chính là con đường. Nếu Gioan là tiếng hô trong hoang địa, thì Đức Giêsu chính là nội dung tiếng hô đó.

Như vậy, cuộc đời và sứ vụ của Gioan gắn liền với con người và sứ vụ Đấng Cứu Thế. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi việc truyền tin cho Đức Maria và bà Êlisabét đều chung một sứ thần Gabriel; Gioan và Đức Giêsu là anh em họ hàng với nhau. Cả hai được sinh ra bởi những người phụ nữ rất đặc biệt đã được tiền định. Được đặt tên ngay khi mới truyền tin: Gioan, nghĩa là Tiền Hô; Giêsu nghĩa là Cứu Thế. Gioan chịu tử đạo vì sứ vụ làm chứng cho sự thật, công bằng. Đức Giêsu cũng chết vì lẽ công chính và sự thật để cứu chuộc nhân loại.

Tuy hai cuộc đời gắn liền với nhau, nhưng Gioan luôn ý thức mình chỉ là vai phụ trong một thước phim vĩ đại. Khi đã hoàn tất sứ vụ, ông đã khiêm nhường lui vào hậu trường để cho nhân vật chính xuất hiện.

  1. Gioan là con người khiêm nhường

Chính vì sự khiêm nhường của Gioan đã làm cho ngài trở thành vĩ đại, bởi lẽ, nhân đức khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức. Nếu cuộc đời và sứ của Gioan luôn gắn liền với cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu, thì đức tính khiêm nhường cũng luôn theo sát Gioan an như hình với bóng.

Chính vì điều này, mà mỗi khi nói về Gioan, người ta không thể không nhắc đến sự khiêm nhường nơi ông.

Điều này đã được chứng minh cách cụ thể như:

Sau khi đã hoàn tất việc loan báo, Gioan đã: “Để Chúa lớn lên, còn ông nhỏ lại”; bởi vì ông luôn ý thức: “Tôi chỉ là tiếng hô…”.

Hay khi uy tín của ông nổi lên như cồn, nhiều người đã thầm nghĩ đây phải là Đấng Cứu Thế mà bấy lâu dân đang mong ngóng đợi chờ… Lẽ ra ông phải tự hào và khẳng định thân thế, vai trò của mình một cách “hoành tráng!”. Không! Với ông, điều này không thuộc bản chất, vì thế Gioan đã tìm dịp thuận tiện để hướng sự kính trọng của dân về Đức Giêsu, vì thế, khi thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông đã nói cho các môn đệ của mình về Đức Giêsu rằng: Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian….Ngài đến sau tôi nhưng có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Ngài” (Ga 1,15).

Cũng chính vì sự khiêm nhường thẳm sâu, nên Gioan đã không sử dụng uy tín của mình để phục vụ hay đứng về điều bất chính, vì thế, ngài đã sống một cuộc đời ngay thẳng, cương trực, không chấp nhận nhu nhược trước tội lỗi cho dù có được trọng thưởng tiền bạc và chức quyền. Vì thế, Gioan đã chấp nhận chết dưới lưỡi gươm của Hêrôđê khi dám đứng lên phản đối hành vi bất chính của vị vua này.

Với tất cả những ưu điểm ấy, nên Gioan đáng được Đức Giêsu trọng thưởng khi nói: Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11, 11).

  1. Sứ điệp ngày lễ

Mỗi khi mừng lễ sinh nhật thánh Gioan, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta về bổn phận ngôn sứ của mình đã lãnh nhận ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Ngày ấy, chúng ta được mời gọi trở nên Ánh Sáng cho mọi người, tức là chiếu dọi Ánh Sáng của Đức Kitô cho anh chị em chúng ta.

Vì thế, dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều được mời gọi trở nên sứ giả cho Đức Kitô.

Ngạn ngữ có câu: “Nếu bạn không trở thành sao sáng ở trên trời, thì ít ra bạn hãy trở thành ngọn đèn soi sáng trong nhà bạn”.

Bên cạnh đó, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên sứ giả Tin Mừng trong sự khiêm nhường. Nếu không khiêm nhường, sứ vụ bị phá hoại.

Mỗi người cần thuộc nằm lòng và đem ra áp dụng trong cuộc sống câu nói và lựa chọn của Gioan khi xưa: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.

Hơn nữa, Giáo Hội cũng nhắc lại cho chúng ta sứ điệp mà Gioan đã loan báo, đó là: sám hối. Hành vi sám hối là động thái cho mọi người mọi nơi. Không sám hối thì không được cứu độ.

Cuối cùng, noi gương Gioan, chúng ta không có con đường nào khác để trở nên chứng nhân cho Chúa thực sự nếu không sống sự thật. Bởi vì Tin Mừng và con người Đức Giêsu chính là sự thật toàn vẹn. Nếu không sống sự thật, chúng ta loan báo lệch lạc sứ vụ Tin Mừng nếu không muốn nói là phản bội sứ vụ.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con ý thức được vai trò quan trọng của mỗi người khi được Chúa cho xuất hiện trên trần gian này. Xin cũng ban cho mỗi người chúng con biết chu toàn bổn phận trong lòng mến và khiêm nhường như Gioan khi xưa. Amen.

Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …