Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / SUY NIỆM TIN MỪNG CÁC NGÀY TRONG TUẦN 07 THƯỜNG NIÊN 2017, CỦA TU SĨ JOS. VINC. NGỌC BIỂN, S.S.P.

SUY NIỆM TIN MỪNG CÁC NGÀY TRONG TUẦN 07 THƯỜNG NIÊN 2017, CỦA TU SĨ JOS. VINC. NGỌC BIỂN, S.S.P.

TUẦN 07 THƯỜNG NIÊN

THỨ HAI

TẠI SAO CÁC MÔN ĐỆ KHÔNG TRỪ ĐƯỢC QUỶ?

(Mc  9, 14-29)

Ngày nọ, một linh mục đến hỏi thánh Gioan Vianney bí quyết làm cho xứ đạo được thánh thiện. Thánh nhân hỏi: “Ngài đã làm gì ?” Cha kia đáp: “Con tổ chức hội đoàn, con mời gọi học giáo lý, con cho thực hiện những cuộc rước kiệu… Thế nhưng xứ con giáo dân vẫn lười biếng, bê bối”. Thánh Vianney hỏi lại: “Thế cha đã ăn chay và cầu nguyện chưa?”. Nghe câu hỏi đó cha sở này thú thực là chưa hề nghĩ tới. Thấy vậy, cha Gioan Vianney đã chỉ ra cho cha kia biết nguyên nhân là chưa cầu nguyện và ăn chay nên không thành công…

Câu hỏi: “Tại sao chúng con không trừ được quỷ” mà các môn đệ cất lên hỏi Đức Giêsu có lẽ cũng là câu hỏi đầu tiên của chúng ta khi nghe đọc bài Tin Mừng hôm nay!

Khi các môn đệ đang phân vân và không thiếu kinh ngạc trước sự cứng đầu của quỷ, Đức Giêsu đã nói ngay: “Giống quỷ đó chỉ trừ được bằng cầu nguyện”.

Tại sao vậy? Thưa! Rất đơn giản, vì các môn đệ chỉ là người thừa tác để trừ quỷ chứ tự thân, các ông không thể trừ được. Vì thế, các ông phải nhân danh người sai mình. Cầu nguyện chính là sợi chỉ xuyên xuốt cuộc đời của người sai và người được sai. Khi cầu nguyện, người thi hành chỉ biết làm khi có lệnh hay đúng hơn là làm theo ý chủ.

Chỉ có sự kết hiệp mật thiết với Chúa, con người mới có khả năng để thống trị ma quỷ. Chỉ có cầu nguyện liên lỷ, con người mới gắn bó và đi trong đường lối của Thiên Chúa, nếu không, người ta dễ làm theo ý riêng và quy chiếu về mình thay về Chúa.

Thật vậy, “Không cầu nguyện thì không có đức tin.

Không có đức tin thì không có tình mến.

Không có tình mến thì sinh kiêu ngạo.

Khi đã kiêu ngạo thì hoàn toàn thuộc về ma quỷ”.

Đây là mấu chốt các môn đệ không trừ được quỷ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cậy trông vào Chúa qua việc cầu nguyện. Cần xác định rõ rằng: việc trừ quỷ là việc của Chúa, chúng ta chỉ là dụng cụ Chúa dùng. Tuy nhiên, dụng cụ phải vừa tay ông chủ, tức là chúng ta chỉ hữu dụng khi biết phụ thuộc vào Chúa qua cầu nguyện.

Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta ý thức được sự cao quý của việc cầu nguyện, để đức tin, cậy, mến ngày càng lớn mạnh trong con người và nơi sứ vụ của chúng ta. Amen.

THỨ BA

“TÔI TỚ CỦA CÁC TÔI TỚ”

(Mc 9, 30-37)

Đã từ lâu, chúng ta rất quen với cụm từ: “Tôi tớ các tôi tớ” được ký bởi thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau mỗi văn kiện hay tông huấn…

Hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi người môn đệ của mình phải có và giữ được đức khiêm tốn khi nói: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.

Muốn làm lớn và trở thành người lãnh đạo là cái mộng của con người mọi thời không từ ai. Chính các môn đệ là những người được ở gần Đức Giêsu, nghe và chứng kiến những việc Ngài làm, tất cả toát lên sự khiêm nhường tột cùng. Tuy nhiên, các ông vẫn không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của quyền lực đầy hấp dẫn đang mời gọi các ông qua con người có tên là Giêsu. Đấng mà các ông vẫn đang hy vọng được hưởng đặc quyền đặc lợi khi Ngài đứng lên lật đổ chế độ và thiết lập một vương quốc theo kiểu trần thế.

Vì thế, khi vừa nghe Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ hai, liền sau đó, các ông đã chăm chú vào chuyện bàn tán xem ai là người lớn nhất?

Lẽ ra, khi nghe thấy thầy của mình loan báo về cái chết sắp xảy đến, các ông phải là người an ủi, động viên, chia sẻ…, Không! đằng này sự vụ lợi, thực dụng và ích kỷ đã làm cho họ mờ mắt và vơi cạn đi sự cảm thông, các ông chỉ còn nghĩ đến mình mà thôi.

Nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã làm đảo lộn suy nghĩ của các môn đệ khi nói: người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác; muốn làm được điều đó, phải có tâm hồn trẻ thơ.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu dạy các môn đệ và cũng là chính mỗi người chúng ta một bài học về sự khiêm nhường và phục vụ. Người lãnh đạo thì phải phục vụ dân, không được lạm quyền, mỵ dân và a dua, nịnh hót, mà làm những việc bất nhất trái lương tâm. Cha mẹ thì phải yêu thương chăm sóc con cái. Con cái phải kính trọng cha mẹ, nhất là khi các ngài lớn tuổi.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Amen.

THỨ TƯ

AI LÀ NGƯỜI THUỘC NHÓM CHÚNG TA?

(Mc, 9,38-40)

Người ta thường so sánh khả năng làm việc nhóm giữa người Việt Nam và người Nhật Bản, kết quả như sau:

Cùng một công việc, một người Việt và một người Nhật, người Việt hơn hẳn người Nhật.

Hai người Việt làm việc với nhau và hai người Nhật làm với nhau, kết quả bằng nhau.

Ba người Việt làm việc chung và ba người Nhật làm việc chung, thì ba người Nhật hơn hẳn về chất lượng cũng như tinh thần cộng tác.

Tại sao vậy? Thưa không phải người Việt không nhận ra khả năng của nhau! Cả người Việt và Nhật đều nhận ra khả năng của người đối diện. Tuy nhiên, về sự trân trọng tài năng và sử dụng chất xám trong khi làm việc chung thì người Nhật bỏ xa chúng ta!

Đây cũng chính là tâm trạng, thái độ của các môn đệ khi thấy người khác làm việc tốt hơn mình, nhưng chỉ vì họ không thuộc về nhóm của các ông, nên các ông tìm cách ngăn cấm họ.

Với Đức Giêsu thì khác. Khi thấy thái độ kỳ thị của các ông, Ngài đã dạy cho họ bài học về sự hiệp nhất trong đa dạng khi nói: “Đừng ngăn cấm người ta… Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Qua câu nói đó, Đức Giêsu muốn dạy các ông bài học về sự đa dạng trong Vương Quốc của Đức Giêsu. Đồng thời cũng mời gọi các ông biết đón nhận những sự khác biệt đó như là một cơ hội để học hỏi và cùng nhau chung tay xây dựng Nước Trời.

Ngày nay, trong đời sống thường nhật, có lẽ nhiều khi chúng ta mong muốn được nhiều người tôn trọng mình và coi thường người khác. Hay có khi chúng ta tìm cách thổi phổng uy tín dởm của mình và luôn tìm cách đạp đổ danh thơm tiếng tốt của đối phương. Hoặc có những lúc chúng ta không ưa ai thì cho dù người đó có tốt lành, gương mẫu thế nào đi nữa, trước mắt và trong lối suy nghĩ của ta, họ chỉ là “con ông nọ, con bà kia ý mà”!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có được trái tim rộng mở như Chúa, để chúng con biết nhìn thấy điều tốt đẹp nơi anh chị em của mình, và cùng nhau cộng tác nhằm góp phần xây dựng sự hiệp nhất cho Vương Quốc của Chúa trên trần gian. Amen.

THỨ NĂM

THÀ MẤT MÀ ĐƯỢC CÒN HƠN KHÔNG!

(Mc, 9,41-50)

Trong cuộc đời sứ vụ của Đức Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất. Chẳng hạn như: hạt lúa mỳ có thối đi thì mới sinh bông hạt; muốn theo Chúa thì phải bỏ mình; con người có chịu đau khổ mới được vinh quang…

Thánh sử Máccô trình thuật bài huấn dụ của Đức Giêsu về cái được và mất như sau: cái được mà Đức Giêsu nói ở đây là Nước Trời; còn cái mất chính là tay, chân, mắt khi chúng gây dịp tội…

Ngài nói: nếu tay con làm cớ cho con sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt tay mà vào cõi trường sinh, còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục; với con mắt, Ngài cũng nói như vậy…

Tại sao Đức Giêsu lại cất lên lời dạy dỗ các môn đệ mạnh mẽ như vậy? Thưa là vì tới giờ này, các ông vẫn còn đang hoang tưởng về thân thế và sự nghiệp của Đức Giêsu theo kiểu trần gian. Các ông không chú trọng đến cốt lõi của vấn đề và chẳng hề có cái nhìn Thiên Giới khi chứng kiến những dấu lạ của Đức Giêsu.

Nếu cứ để các môn đệ bám víu vào những chuyện trần tục, thì viên ngọc quý là Nước Trời làm sao các ông có được nếu không chấp nhận đánh đổi bằng những hy sinh. Vì thế, thà mất tất cả mà được hạnh phúc đời đời thì hơn là có mọi thứ mà mất sự sống trường sinh.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chú trọng đến sự sống mai hậu. Được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì? Ta lấy gì để bù lại? Bởi vì sự sống đời đời mới là nơi mối mọt không thể đục khoét. Còn danh dự, chức quyền, giàu có… chỉ là phương tiện, khi ta chết, nó chào và tiễn ta ngay tại nấm mồ, để lại nơi chúng ta hai bàn tay trắng!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu thấu quy luật được – mất khi kiếm tìm hạnh phúc đích thực là Nước Trời. Xin cho chúng con cũng sẵn sàng thà mất tất cả mà được Nước Trời thì cũng chấp nhận. Ước gì, sau cuộc đời tại thế, chúng con có được gia tài đích thực là Nước Trời làm gia nghiệp. Amen.

THỨ SÁU

THIÊN CHÚA KHÔNG LY DỊ CON NGƯỜI!

(Mc 10,1-12)

Nói về sự chung thủy trong hôn nhân Công Giáo, nhiều người đã không khỏi khó chịu và buông theo những lời chê bai như: Giáo Hội không thích ứng với thời đại; Giáo Hội là một bà già; Giáo Hội bảo thủ…

Khi nhận định như thế, người ta đòi Giáo Hội phải duyệt xét lại vấn đề hôn nhân. Một mặt họ muốn dễ dãi, không muốn ràng buộc. Mặt khác, người ta muốn coi đời sống hôn nhân như là một sự thỏa thuận thuần túy con người, tức là giảm thiêng.

Tuy nhiên, Giáo Hội từ bao đời vẫn luôn trung thành với Giáo Huấn của Đức Giêsu, người sáng lập nên Giáo Hội mà chúng ta là thành phần trong Giáo Hội ấy. Giáo huấn về hôn nhân được khởi đi từ ý định Thiên Chúa, vì thế, nó thuộc Thiên Luật: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phép phân ly”.

Nếu chỉ giải thích như thế, hẳn con người thời nay rất khó đón nhận. Nhưng cần thêm giáo huấn của thánh Phaolô để làm sáng tỏ ý định của Thiên Chúa: “Chồng hãy yêu thương vợ, như Chúa Kitô yêu mến Giáo Hội và phó nộp mình vì Giáo Hội”.

Thật vậy, Thiên Chúa không từ bỏ con người. Đức Giêsu không ly dị Giáo Hội của Ngài, mặc cho con người và Giáo Hội có những điều trái khuấy.

Sự trung thành trong hôn nhân được mời gọi diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa và Giáo Hội. Bí quyết của việc sống chung thủy, đó là sự tha thứ. Cần cảm nghiệm được sự tha thứ của Thiên Chúa cho mình, thì chúng ta mới có thể tha thứ cho nhau và cùng nhau vượt qua thử thách để sống sự chung thủy trong đời sống hôn nhân.

Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta đều đã kết ước với Chúa. Chúa thuộc về ta và ta thuộc về Chúa. Chúa làm chủ và ta là thần dân của Ngài. Từ giao ước đó, chúng ta được mời gọi trung thành giữ giáo huấn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lúc, chúng ta đã bội ước và đã làm cho cuộc hôn nhân thánh của mình bị đứt đoạn.

Nguyên nhân làm cho sự trung thành của chúng ta gãy cánh, đó chính là những tội lỗi, ngờ vực và thiếu tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa khi chúng ta đi tìm những lợi lộc thấp hèn qua những thụ tạo do con người và ma quỷ tạo nên.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết yêu mến luật của Chúa và trung thành với giao ước mà chúng con đã ký kết với Ngài. Amen.

THỨ BẨY

HÃY NÊN NHƯ TRẺ NHỎ

(Mc 10, 13-16)

Nếu xét về đời sống thiêng liêng: Nước Trời là gia nghiệp của con người, thì đời sống tự nhiên, con cái là gia sản của các bậc cha mẹ.

Muốn cho gia sản ấy thực sự có giá trị và ý nghĩa thì phải lo giáo dục con cái cho đàng hoàng.

Giáo dục đúng thì sẽ được hưởng hoa trái của niềm vui. Giáo dục sai sẽ lãnh hậu quả buồn.

Hôm nay, người ta đem đến cho Đức Giêsu các trẻ em và xin Ngài đặt tay chúc lành cho chúng. Tuy nhiên, các môn đệ đã ngăn cản các bà mẹ khi các bà dẫn các trẻ em đến với Đức Giêsu. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lên tiếng quở trách các môn đệ và đề cao các em.

Qua hình ảnh, tính tình của trẻ em mà Đức Giêsu dạy cho các môn đệ bài học quan trọng: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào”. Câu nói này vừa là một giáo huấn về sự chân thành, đơn sơ cần có đối với người môn đệ. Mặt khác, vừa là một mặc khải về quy luật tất yếu để được vào Nước Trời là trong sạch như trẻ thơ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chú tâm đến việc giáo dục con cái. Đồng thời cần phải làm gương cho con cái của mình noi theo.

Nhưng điều chính yếu mà Đức Giêsu muốn mời gọi chúng ta là: hãy sống những đặc tính của trẻ thơ thì sẽ được vào Nước Trời. Đặc tính ấy được thể hiện qua sự chân thành, không lươn lẹo, quanh co, không giam tham, hối lộ, vu vạ, cáo gian, không cướp của, giết người…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nêu gương sáng cho trẻ em và học được những bài học đơn sơ, trung thành, trong trắng để được vào Nước Trời. Amen.

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …