Thiên Đàng Hay Trần Thế
(Lc 16, 1-13)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thực hiện một sự lựa chọn dứt khoát trong cuộc sống: hoặc Thiên Chúa hoặc tiền bạc, chúng ta không thể là một Kitô hữu “nửa vời” muốn cả “thiên đàng và trần thế”, lời Chúa Giêsu tuyên bố : “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).
Một Kitô hữu không thể có cả thiên đàng và trần thế
Là một hiện tượng nhân sinh, tiền không bao giờ hoàn toàn có tính khách quan. Vì mang chiều kích tương giao, nơi tiền tiềm ẩn những điểm mơ hồ, nước đôi. Theo thánh Phaolô thì : “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham thích tiền bạc” (1Tm 6,10). Tiền là chỗ dựa không vững chắc, là thước đo lường sai và với sự quyến rũ của tiền, con người có nguy cơ bị tiền chế ngự.
Không chắc chắn, dụ ngôn người phú hộ là một bằng chứng : “Đồ ngốc, nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi đã sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Câu hỏi của chính Thiên Chúa đòi buộc chúng ta chất vấn và tự hỏi về giá trị thực sự của tiền bạc.
Thước đo lường sai : Thần Tiền biến chúng ta trở thành kẻ nô lệ. Ơn huệ và tính nhưng không bị đào thải. Con người quên đi ước muốn căn bản đầu tiên là sự sống, một ơn nhưng không do Chúa tặng ban ngay từ lúc mới sinh. Người giầu xây thêm kho lương cho mình và nghĩ mình có thể tận hưởng phần còn lại của đời mình (x. Lc 12,19). Tiếc thay, cái lý luận về số lượng lại tạo ra sự rầu rĩ và một lương tâm bất an.
Tiền chế ngự con người : Thần Tiền tạo ra ảo giác rằng khi có tiền, người ta có thể có được mọi thứ, mọi ước muốn sẽ được thoả mãn, và qua đó, tiền biến con người thành kẻ tôn thờ tiền thay vì tôn thờ Thiên Chúa. Người Kitô hữu muốn cả thiên đàng lẫn trần thế là điều không thể.
Tiền làm cho chúng ta xa Chúa
Vì ham thích tiền mà một số người bị sức mạnh của đồng tiền lôi cuốn khiến họ xa rời đức tin và thậm chí, đức tin yếu dần và đi đến chỗ mất đức tin. Một khi người ta dành tình yêu cho tiền và hướng về tiền, thì tiền làm cho người ta xa rời Thiên Chúa, nên chúng ta phải chọn lựa, chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Chúng ta không thể. Hoặc là Thiên Chúa hoặc là tiền của.
Có ba điều : sự giàu có, hư danh và kiêu ngạo làm cho chúng ta xa cách Chúa. Đó là lý do vì sao chúng quá nguy hiểm, vì nó làm cho chúng ta hư vô và nghĩ rằng mình quan trọng. Lúc nghĩ rằng mình quan trọng, là lúc chúng ta đánh mất cái đầu và mất luôn chính bản thân mình.
Trong Mười Điều Răn, không có điều răn nào nói về tiền bạc. Tuy nhiên, chúng ta có thể lỗi phạm Điều Răn Thứ Nhất, nếu chúng ta hành động vì tiền. Đây là tội thờ ngẫu tượng. Ma quỷ luôn cám dỗ người ta về: sự giàu có, thỏa mãn; tự phụ, kiêu ngạo. Sau cùng, tiền trở nên thần tượng để chúng ta tôn thờ nó và loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài.
Sống lời khuyên Phúc Âm
Điều mà Chúa muốn chúng ta là thoát khỏi mãnh lực của đông tiền, Giêsu khuyên chúng ta : “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.” (Lc 16, 9).
Câu nói của thánh Ambrosio thành Milan thật mãnh liệt : “Anh cho người nghèo không phải tiền của anh, nhưng anh hãy trả cho người nghèo phần thuộc về họ, bởi vì tất cả những gì của chung là của mọi người, anh lại lấy làm của riêng. Đất đai là cho mọi người, không phải sở hữu riêng của người giầu”. Thánh Phaolô cũng nói, “những gì chúng ta có chẳng phải là chúng ta đã nhận được đó sao? ” (1Cr 4,7). Đó là sự nghịch lý của người tín hữu trong việc sự dụng tiền của. Dunn và Norton cho rằng, làm cho người khác hạnh phúc trước và chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc sau. Đây là một điều hiển nhiên, nhưng thật ngạc nhiên, quá nhiều người quên rằng, đây là điều phù hợp với tinh thần Kitô.
Như thế, khi người nghèo xin ta, họ không làm ta nghèo đi, nhưng là dịp cho ta thực thi đức Ái. Trước mặt Chúa, họ là người tạo dịp để ta học cho đi. Cái ta cho đi không làm ta mất mát gì nhiều, nhưng đó là dịp để giúp đỡ tha nhân sống và tìm lại phẩm giá của họ. Tóm lại, nhờ người nghèo mà ta có dịp tích luỹ cho mình kho tàng trên trời.
Của cải vật chất là những thực tại tốt hảo do Thiên Chúa tặng ban, chúng ta phải yêu mến chúng. Nhưng chúng ta không thể “tôn sùng quá đáng” vì Chúa mới là Đấng chúng ta tôn thờ ; chúng ta phải thanh thoát với chúng. Của cải là để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ đồng loại; không được dùng để loại trừ Thiên Chúa ra khỏi con tim và việc làm của chúng ta.
Chúng ta không phải là chủ nhân ông đối với của cải vật chất, mà chỉ là những viên quản lý; chúng ta còn làm ra chúng trong theo khả năng của chúng ta (x. Mt 25,14-30).
Đừng để mình rơi vào sự tham lam; phải thực hành sự rộng lượng, vì đây là một nhân đức Kitô giáo chúng ta nên sống, giàu và nghèo, mỗi người tuỳ theo hoàn cảnh mà chia sẻ cho người khác!
Người Kitô hữu được mời gọi sống tinh thần khó nghèo trong sự chia sẻ. Theo truyền thuyết, thánh Gioan Kim và thánh Anne, song thân của Đức Maria, mỗi năm họ chia thu nhập làm ba phần, một phần cho người nghèo, một phần dâng vào Đền thờ, và phần còn lại cho cuộc sống gia đình. Chắc chắn ai cũng muốn có thêm tiền để đáp ứng mọi nhu cầu, nhưng thực tế mà nói thì không phải dễ.
Chúng ta phấn đấu gia tăng của cải vật chất để có thể đóng góp nhiều hơn cho giáo xứ, giáo phận, ban bác ái, và tông đồ. Nếu chúng ta tích lũy của cải vật chất cho chính mình, chúng ta là người ích kỷ, như viên quản lý trong Tin Mừng, bí mật, ăn cắp, tham lam và cứng lòng, cản trở anh chị em nghĩ đến nhu cầu của người khác? Hãy nhớ lời thánh Phaolô, “Thiên Chúa yêu thích kẻ cho đi cách vui vẻ” (2 Cr 9,7). Vậy hãy ở rộng lượng.
Lạy Chúa, giữa sự cuốn hút của thế gian, xin giúp con biết yêu mến thiên đàng, chọn Chúa làm gia nghiệp đời con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ