Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng (2) Chúa nhật VI Phục Sinh, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng (2) Chúa nhật VI Phục Sinh, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Yêu như Thầy yêu

Chúa nhật VI Phục Sinh năm – B

(Ga 15, 9-17)

V-CN6PS-Ga15_9-17-5Chúa nhật thứ VI Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta nhớ lại lệnh Chúa Giêsu truyền trước khi về Trời. Quả thật : nếu chúng ta muốn về Trời với Chúa như lời hứa “Thầy đi dọn chỗ cho các con” (Ga 14, 2), người kitô hữu cần phải vâng theo lệnh Chúa truyền là “các con hãy yêu mến nhau” (Ga 15, 12).

Tôi tự hỏi, phải chăng con người dùng những tình cảm tự nhiên để yêu như bạn bè yêu nhau, cha mẹ yêu thương con cái, đồng lớp đồng niên mến thương nhau, hay hai người nam nữ yêu nhau là chưa đủ hay là khác với tình yêu Chúa Giêsu đã yêu chúng ta sao mà Đức Giêsu còn dạy chúng ta phải : Yêu như Thầy đã yêu ?

Vậy, “yêu như Thầy đã yêu” là yêu như thế nào, có gì mới mẻ chăng ? Xem ra chữ “như” có chất chứa hy sinh khi yêu, có nét mới mẻ và đáng sợ, vì chính chữ này làm nên nét đặc trưng của Kitô giáo. Thánh Augustinô viết : khi nói “yêu như Thầy đã yêu mến các con” là Chúa Giêsu nói đến tình yêu thí mạng : “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 14, 13). Quả thật, chết vì bạn hữu là hành vi lớn nhất của tình yêu. Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Các con là bạn hữu” (Ga 14, 14). Chúa đã yêu các môn đệ nói riêng và con người nói chung bằng tình yêu thí mạng. Nay Người đòi buộc các môn đệ, cụ thể là chúng ta phải yêu nhau như Chúa yêu. Tình yêu mà Chúa Giêsu yêu chúng ta phát xuất từ Chúa Cha : “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con” (Ga 14, 9). Như vậy là có một nguồn suối tình yêu chảy tràn từ Chúa Cha đến Đức Giêsu, và tiếp tục chảy tràn xuống các môn đệ, dòng suối ấy không ngừng chảy trên chúng ta, nếu chúng ta giữ lại, tình yêu đó sẽ trở nên ao tù nhơ nhớp, nên chúng ta phải yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Vậy đâu là bằng chứng để chứng tỏ chúng ta yêu Chúa ? Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời, “Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người” (Ga 15, 10). Yêu như Thầy yêu là thế đấy.

Thánh Augustinô nói tiếp : “Yêu như Thầy đã yêu các con“, khác với lòng mến tự nhiêu thuần túy. Thánh Gioan Tông Đồ viết : “Thiên Chúa là Tình Yêu… hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa… Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4, 7 – 8). Gioan quả quyết : “Thiên Chúa đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4, 10).

Chúng ta thấy, cuộc sống cần tình yêu, nhân loại cần tình yêu, mỗi người sống trong cuộc đời này đều cần tình yêu và rất cần tình yêu. Có thể nói, tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của tất cả mọi người không trừ ai. Nên có bao nhiêu tiểu thuyết là có bấy nhiêu chuyện tình. Có bao nhiều phim truyện, tiểu phẩm, bài hát là bấy nhiêu cách diễn tả tình yêu. Người ta khai thác tình yêu trên mọi lĩnh vực : thơ ca, hò vè, quảng cáo.v.v…

Sống ở trên đời có trăm bẩy loại tình yêu, tôi xin tạm liệt kê. Chúng ta tự hỏi, tại sao cha mẹ lại yêu con cái và con cái lại yêu cha mẹ? Thưa là vì ông bà ấy là người sinh ra chúng, chúng là con của ông bà đó. Đây là tình yêu huyết tộc.

Ngày nay phú quí sinh lễ nghĩa, đó đây chúng ta gặp những buổi hội ngộ đồng niên, đồng lớp, đồng ngũ, đó là thứ tình đồng niên, bạn bè cùng lớp cùng tuổi mến thương nhau.

Một loại tình yêu lấn át mọi thứ tình yêu, khi nói đến người ta nghĩ ngay đến nó, nhất là những người trẻ, đó là tình yêu nam nữ. Đây là tình yêu đơn phương, vì con người yêu nhau. Tình yêu đôi lứa, tình yêu bạn bè, tình yêu đồng đội, tình yêu của anh chị em một nhà… tình yêu của cha mẹ với con cái. Tất cả những tình yêu đó đều cao đẹp, đều phù hợp ý Chúa.

Một thứ tình yêu cao thượng mà Chúa dạy chúng ta là tình yêu vì Chúa. Kinh Kính Mến chúng ta vẫn đọc : “…vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy“.  Như thế, tình yêu của chúng ta không còn giới hạn bởi huyết tộc, bạn bè quen biết, mà mở rộng tới hết mọi người, tôi yêu họ vì Chúa yêu tôi và truyền dạy tôi.

Chúng ta vẫn thường nghe nói: “gia đình là Giáo hội thu nhỏ”, thế nên, gia đình cũng phải mang lấy những đặc tính mà Chúa Giêsu muốn là: “yêu thương và hợp nhất, thực thi lời Chúa, cử hành phụng vụ và loan truyền tin mừng”.

Gia đình kia có một cô con gái, tính tình đào hoa, phóng khoáng. Sau lần tiếp bạn ngày đầu năm, mẹ cô nói với cô :  Này con, con yêu ai thì yêu, lấy anh nào thì lấy một thôi, chứ tết này mẹ thấy nhiều anh quá, bố mẹ chẳng biết anh nào là rể tương lai nữa. Cô trả lời : ồ, bố mẹ hay thật, Chúa chẳng dạy chúng ta là yêu hết mọi người sao ?

Chuyện khác : Có một chàng thanh niên, gõ cửa một nhà dòng để xin vào tu. Cha bề trên nhìn chàng, khẽ mỉm cười và hỏi:

Thế con đã yêu ai chưa? Chàng thanh niên đỏ mặt, ấp úng trả lời: Dạ thưa cha, chưa ạ.

Cha bề trên lại mỉn cười và bảo: Thế thì con hãy về, học yêu thương trước, rồi mới tới tu học sau.

Yêu thương là điều Chúa dạy, hơn nữa đó là lệnh truyền của Chúa : “Thầy truyền cho các con” ( Ga 14, 12 ), vì thế không ai có quyền từ chối yêu thương, càng không có quyền thù nghịch anh chị em mình. Có yêu nhau thật lòng, người ta mới có thể sống cho nhau, chết vì nhau. Thử tưởng tượng, một thế giới không có tình yêu, không ai yêu ai, thì thế giới sẽ kinh khủng biết chừng nào. Bởi đi tới đâu, ta cũng chỉ thấy thù hận, bạo động, diệt chủng… Hãy yêu thương, hãy trao tặng cho nhau tình yêu thật lòng để cuộc đời đáng yêu và đáng sống. Tình yêu sẽ làm cho cả người đang yêu lẫn người được yêu bình an và hạnh phúc. Hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta.

Xin Thiên Chúa Ba Ngôi, nguồn suối tình yêu liên kết chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

THÁNH GIUSE VÀ CÂU CHUYỆN GIÁNG SINH

Có vô số người, vương cung thánh đường, nhà thờ, đền thánh, chủng viện, tu …