Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng (2) Chúa nhật V Phục Sinh, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng (2) Chúa nhật V Phục Sinh, năm B, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Ở trong Chúa để sinh nhiều trái tốt

SUY NIỆM CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – B

( Ga 15, 1 – 8 )

chanhtvmaphcsinhnmb” Mục tử” và “đàn chiên” là hình ảnh tuyệt đẹp và cảm động để diễn tả tương quan rất dễ thương giữa Thiên Chúa với Dân Ngài. Cây với cành nho được Chúa Giêsu dùng còn hơn thế nữa, khi Người ám chỉ chẳng những kết hợp chặt chẽ giữa Thiên Chúa với Dân Người, mà còn thông truyền sự sống, cành sống nhờ cây, cây truyền nhựa cho cành, cả cây lẫn cành ngoài tùy thuộc vào đất cát, khí trời, còn phụ thuộc vào người trồng nho nữa.

1)  Ở trong…

Với phúc dụ về cành và cây nho, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự « ở trong ». « Ở trong » là động từ chìa khóa của Tin Mừng Gioan, nghĩa là thiết định một chỗ ở, ở nói lên sự ổn định ‘an cư lạc nghiệp’. Đây là kế hoạch đầy tình thương của Thiên Chúa : chúng ta là những thụ tạo bất xứng, tội lỗi, thế mà Chúa mời gọi chúng ta ở với Chúa. Salomon đã ngỡ ngàng kêu lên ngày ông thánh hiến Đền thờ Giêrusalem : « Liệu, có thực, Thiên Chúa ở trên mặt đất không? » (1 V 8, 27).

Sự ngạc nhiên của Salomon chẳng có là gì so với người kitô khi được Thiên Chúa chọn ở trong đời và trong lòng ta. Thiên Chúa quyết định ở trong chúng ta, thật là tuyệt vời, nhưng Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa không thể tháp nhập vào lòng chúng ta được, nếu chính Thiên Chúa không ban ơn để chúng ta lãnh nhận. Thiên Chúa chỉ ở trong tâm hồn những người như Đức Maria, Trinh Nữ, người tớ nữ khiêm nhường của Thiên Chúa, và là Mẹ Thiên Chúa, hơn ai hết, Mẹ đã dành để cho Thiên Chúa một chỗ xứng đáng trong đời của Mẹ, thân xác Mẹ chính là nơi Thiên Chúa ngự.

Như Đức Maria, điều quan trọng là phải có lòng chân thành và ngay thẳng, nghĩa là tâm hồn ước muốn : chỉ một điều là Con Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta. Người tín hữu cần phải có ước muốn cao thượng là nên thánh. Như thế, chúng ta có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa sự an toàn, niềm vui, lòng thương xót và bình an. Để minh họa hình ảnh này, Chúa Giêsu nói : « Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái…» (x. Ga 15,4-8). Ở trong Chúa Giêsu không thể không sinh trái được, trái lại, ai ở trong Chúa sẽ sinh nhiều hoa trái, là những trái tình yêu, tình yêu nảy sinh niềm vui. Chúng ta có thể nói mà không sợ lầm  rằng niềm vui là hoa quả đích thực, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Cây nho sản sinh ra rượu nho, rược làm hoan hỉ lòng người, dấu chỉ của niềm vui.

2) Chúa Kitô là cây nho thật

Cựu Ước mô tả Thiên Chúa có một vườn nho chính là dân Chúa, có lúc Chúa than phiền : « Có điều chi nên làm cho vườn nho ta mà ta không làm cho nó chăng? Cớ sao khi ta mong sanh trái nho, thì nó lại sanh trái nho hoang vậy? » (Is 5,6). Trong Cựu Ước, nói đến vườn nho là  nói đến sự mong đợi của Thiên Chúa. Tân Ước khẳng định chính Chúa là cây nho « Thầy là cây nho thật ». Cây nho thật sinh nhiều trái tốt. Ngược lại, cây nho « xấu » không có trái, có đi chăng nữa thì cũng chỉ là trái chua chát.

Thật khủng khiếp biết bao khi Thiên Chúa đến tìm hoa trái nơi con người là tình yêu mà không thấy con người đáp trả tình yêu của Chúa. Người đầu tiên đáp lại tình yêu của Thiên Chúa lại là chính Con Một Thiên Chúa, đã trở nên con của lòng người, đây là Cây Nho sinh toàn trái thơm, trái ngọt như Thiên Chúa mong muốn : hoa thơm quả ngọt là tình yêu. Chúa Giêsu là cây nho thật sinh trái tình yêu dâng lên Chúa Cha và trao tăng cho anh em.

Đối với Thiên Chúa, việc cây nho không đáp ứng được sự mong chờ của ông chủ nên mới có thảm kịch, ông chủ tự hỏi : « Có điều chi nên làm cho vườn nho ta mà ta không làm cho nó chăng? ». Nho sinh trái dại là một điều bi thảm đối với người trồng nho.

Khi nói : «Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái … » (Ga 15,4-8). Vậy nếu chúng ta ở kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ có sự sống nơi Người, và chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái. Khi ở và kết hiệp với Người chúng ta tiếp tục công việc của người là trao ban sự sống và tình yêu cho tha nhân ; khi tách lìa Người chúng ta phá hủy công việc của người và sinh ra hoa trái sự chết.

3) Thực hành

Vậy thì, ở trong Người như thế nào, gắn bó và kết hiệp với Người ra làm sao ? Trước hết hãy cầu xin Chúa ban ơn để chúng ta có thể « ở trong Người », thiết lập tương quan Tình Yêu đối với Người. Nếu chúng ta không nài xin Tình Yêu, chúng ta không thể lãnh nhận được ân sủng và Tình Yêu.

Thứ đến, hãy vun trồng lòng biết ơn lúc ở trong nhà Chúa, vì một tấm lòng biết ơn là một tấm lòng trung thành, phúc cho những ai được Thiên Chúa yêu thương, người ấy không còn là tôi tớ nhưng là bạn, bạn hữu của Chúa Giêsu, người ấy yêu Chúa và yêu tha nhân.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta một đức tin vững vàng, đức cậy nồng nàn và lòng mến yêu tha thiết, để chúng ta tin tưởng tháp nhập vào Chúa, gắn chặt với Chúa trong tình yêu, để sinh hoa quả tình yêu là việc lành phúc đức, ngõ hầu thông truyền tình yêu và lòng bác ái cho anh chị em chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …