Home / Suy Niệm Lời Chúa /  SUY NIỆM TAM NHẬT TUẦN THÁNH CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

 SUY NIỆM TAM NHẬT TUẦN THÁNH CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

                          

GIÁ TRỊ CỦA THÁNH LỄ MISA (JHS)

PSKính thưa quý vị, Thánh Gía không phải là hai thanh gỗ dọc và ngang, nhưng Thánh Gía là mầu nhiệm đau khổ của Đức Kitô – Giêsu. Hình ảnh đau thương trên Thập Gía của Đức Kitô, chính là hình ảnh của chính thân phận con người nhân loại phải chịu trong từng người một, từ đời nầy qua đời khác, không thể phủ nhận. Bản án bất công mà Chúa Giêsu gánh lấy là bản án cho từng con người một trong chúng ta phải chịu, cho dù là quân vương, hay nô lệ, kẻ có tài cũng như người vô dụng, kẻ học sĩ cũng như nhà tu hành, tên trộm cướp, hay người lương thiện tất cả và tất cả.

Vâng, đó là câu trả lời cho mọi người về “Bản án“ bất công nơi Đấng Cứu Thế, và tại sao Chúa Giêsu chết? Vâng, Thiên Chúa không bao giờ chết, bởi vì Thiên Chúa chính là “Nguồn Sống”, tự nơi Thiên Chúa là nguồn phát sinh ra sự sống và sự sống vĩnh cửu. Vâng, đó là lý do, mà có lần Chúa Giêsu đã nói: “Hãy bỏ tất cả để mua lấy Nước Thiên Chúa”. hoặc là: ”Được lời lãi cả thế gian mà mất mạng sống mình, thì có ích gì, vì lấy chi mà mua được mạng sống mình?” (Mt 17, 26). Vâng, mạng sống mà Chúa nói ở đây chính là “sự sống đời đời”. Từ đó, mạng sống đời đời của mỗi một người chính là “ơn cứu độ” của Đấng Cứu Thế, mà ai tin vào Người thì nhận được.

Có những sự đau khổ của những con người nhân loại tưởng chừng không thể chịu nỗi, những sự đau đớn thể xác và tinh thần, những nỗi cô đơn và dằn vặt, những tâm trạng bị bỏ rơi, bị dửng dưng, bị đánh đập, tất cả và tất cả đều do bởi sự bất công, sự áp bức, sự vu cáo, gian tham, vì muốn hưởng thụ. Chúng ta đừng tưởng rằng, cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, hay của “Ông Giêsu” có liên quan gì đến tôi, hay là điều ấy là dĩ vãng xa xôi, hơn hai ngàn năm rồi không thể liên quan đến tôi. Không, thưa anh chị em! Nếu ai nghĩ như thế thì thật là “đáng thương”, tại sao vậy? Thưa, bởi vì, họ chưa ý thức đủ về cuộc sống, vì cuộc sống trần gian không phải chỉ là đi tìm miếng ăn để duy trì thân xác. Hằng ngày, hằng giờ có biết bao điều vô lý, bất công, bất nhân, bất nhẫn xảy ra do tội lỗi, do sự tham lam của tha nhân gây ra cho tha nhân và cho chính mình. Vậy, ai gánh vác cho chúng ta? Nếu không phải là “Cuộc Khổ Nạn” của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chúng ta?!

Vì vậy, cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Gía là Người chết cho chúng ta, chết vì chúng ta, chết tạm thời trong nhân tính của Người là để chúng ta được sống muôn đời trong bản tính Thiên Chúa của Người.

Theo đó, suy tôn Thánh Gía không phải là suy tôn hai thanh gỗ, mà suy tôn Đấng Cứu Độ nhân loại là Đức Kitô – Giêsu, Chúa chúng ta, được treo trên cây Thập Gía. Như vậy, Thánh Gía chính là Đức Giêsu – Kitô.

GIÊSU: có nghĩa là: Người có Thiên Chúa, hay người của Thiên Chúa, hay người được Thiên Chúa ở cùng và cuối cùng là Thiên Chúa ở cùng nhân loại, hay là, Thiên Chúa đến với con người. Vì vậy, JHS có nghĩa là GIÊSU, được viết tắt bởi ba chữ cái Hy-lạp có nghĩa là (JHE) chữ E Hy – lạp như chữ M dọc nghĩa là: Christogram.

KITÔ: có nghĩa là Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa, Đấng được xức dầu cứu độ, là Đấng Thiên Sai. Vì vậy, mọi Kitô đều là Đấng Thiên Sai, vì họ được tháp nhập vào Đức Kitô-Giêsu, nhưng, cách cụ thể là Thánh chức Linh Mục.

Như vậy, Thánh Lễ Misa hằng ngày chính là cuộc khổ nạn, Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu-Kitô, theo đó, giá trị của Thánh Lễ Misa chính là Đức Giêsu-Kitô chịu khổ nạn và phục sinh. Vì vậy, mỗi lần tham dự Thánh Lễ là mỗi lần chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh của Đức Kitô.

Từ đó, chúng ta phải nhận ra và yêu mến Thánh Lễ Misa mỗi ngày khi tham dự. Misa có nghĩa là Tiệc Vua trời thiết đãi thần dân. Có nghĩa là Thiên Chúa ban chính Con Một của Ngài. Theo đó, Chúa Giêsu chính là Thần Lương ban cho chúng ta sự sống muôn đời. Như vậy, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu là phương thế linh nghiệm ban Thần Lương cho con người để con người được sống sung mãn, như Lời Chúa Giêsu đã nói: ”… nếu hạt lúa mì gieo xuống đất, không thối đi, thì trơ trọi một mình, nhưng nếu thối đi, chết đi, thì sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24).

Như vậy, cuộc khổ hình của Chúa Giêsu là để sinh ơn cứu độ cho nhân loại, mặc nhiên, Chúa Giêsu chết cho chúng ta và vì chúng ta. Hy Tế cứu độ trên Thập Gía chính là nguồn sung mãn cho nhân loại. Chúa Giêsu đến trần gian nhờ phần nhân tính, trở nên hữu hình, thì theo quy luật sự hữu hình của Chúa Giêsu cũng phải chết, nhưng qua cái chết trên Thập Gía trở nên một Hy Lễ chuộc tội cho loài người. Nhưng, cái chết “ấy” chính là cái chết của một Ngôi Vị Thiên Chúa làm Người, trở nên phàm nhân, vì phàm nhân và vì vậy, Thiên Chúa là nguồn sống vĩnh hằng, nên không thể ở trong sự chết vĩnh hằng được. Vâng, đó là mầu nhiệm Đức Tin. Sự chết của mỗi con người phàm nhân, hệ lụy “tội”, tội Tổ Tông và tội riêng, nên con người phải chết. Cái chết của con người sẽ là vĩnh hằng, nếu không có ai “CỨU”. Nhưng, Đức Kitô đã chết để “CỨU” chúng ta, một cái chết đầy đau thương, nhưng Người sẽ sống lại để “CỨU “chúng ta.

Nhưng, thực tế dù tội Tổ Tông hoặc tội riêng của chúng ta được tha rồi, có nghĩa là Bí Tích Rửa Tội và Gải Tội, nhưng rồi chúng ta cũng phải chết, vâng, chết đây là chết thân xác, nhưng chờ linh hồn bất tử, nhưng được “tha” tức ơn “Cứu Độ”, thì chúng ta sẽ được sống lại ngày sau hết, cả hồn và xác.

Theo đó, Tam Nhật Tuần Thánh là cao điểm của Mầu Nhiệm cứu độ, nhưng chỉ là giai đoạn thứ nhất, còn giai đoạn thứ nhì chính là Lễ Phục Sinh, như vậy, ơn cứu độ mới hoàn tất.

Tam Nhật Tuần Thánh là ba ngày Chúa thiết lập Thánh Lễ Misa về Phần Nhân Tính, Thứ Năm Tuần Thánh, lập Phép Thánh Thể và những nghi thức kèm theo là giới luật yêu thương, chức linh mục. Thứ sáu Tuần Thánh Chúa chịu chết và Thứ bảy, Thánh Thể Người nghỉ ngơi trong mồ. Và như vậy, Chúa Nhật Phục Sinh là hoàn tất Chương Trình cứu độ.

Như vậy, Thánh Lễ Misa chính là diễn tả lại Mầu Nhiệm Vượt Qua và sự Phục Sinh của Đức Kitô, theo đó, Ơn Cứu Độ chính là giá trị của Thánh Lễ Misa, hay nói cách khác khi tham dự Thánh Lễ Misa là tham dự vào Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô. Không còn nghi ngờ về giá trị của Thánh Lễ Misa nữa, vì giá trị của Thánh Lễ là vô giá, vì chỉ được chuộc bằng giá Máu Cực Thánh của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu- Kitô.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Cha đã ban cho loài người ơn Cứu Độ bởi giá Máu của Con Cha, là Đức Giêsu – Kitô, Chúa chúng con và sự Phục Sinh của Người, xin cho chúng con biết bước theo và tôn thờ cách xứng hợp mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu – Kitô để xứng đáng tiến đến sự Phục Sinh của Người, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Cha trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần muôn đời./. Amen

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN