PHI LỘ – Năm 1917, khi hiện ra tại Fátima (Bồ Đào Nha) với ba trẻ chăn chiên – Luxia, Phanxicô và Giaxinta, Đức Mẹ đã nhắn nhủ: “Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày… Hãy cầu nguyện nhiều và dâng những hy sinh để cầu cho các tội nhân… Ta là Mẹ Mân Côi. Chỉ có Mẹ mới có thể giúp các con. …Cuối cùng, Trái tim Vô nhiễm của Mẹ sẽ thắng!”.
Năm 2017 là dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fátima, chúng ta hãy nhắc nhở nhau về ba lời khuyên của Đức Mẹ: [1] Ăn năn đền tội, [2] Tôn sùng Mẫu Tâm, [3] Siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ đã cho biết rằng mỗi lần đọc một kinh Kính Mừng là dâng cho Mẹ một đóa hồng tươi đẹp, và đọc xong một chuỗi Mân Côi là dâng cho Mẹ một triều thiên hoa hồng.
Trong tâm tình yêu mến Đức Mẹ, đặc biệt là tận hiến cho Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi, chúng ta cùng tìm hiểu Năm Sự Mừng. Chuỗi Mân Côi quan trọng vì là “Kinh Thánh tóm gọn”. Khi lần chuỗi Mân Côi với năm sự Mừng, chúng ta thấy đời sống hằng ngày của chúng ta thêm hy vọng về sự sống vĩnh hằng trên Nước Trời, đồng thời thêm nhiều lợi ích qua việc kết hiệp với Đức Kitô và lòng sùng kính Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nhờ Đức Mẹ để đến với Đức Giêsu Kitô, qua Chúa Con để đến với Chúa Cha.
1. Chúa Giêsu Sống Lại (Mc 16:1-7; Lc 24:1-12; Ga 20:19-31). Chúng ta cầu xin ơn được “sống lại thật về phần linh hồn”. Sống lại có hai phần, phần xác và phần hồn. Sống lại về phần xác là sự lạ, là điều quan trọng, nhưng sống lại về phần hồn còn quan trọng hơn, vì phạm tội là chết về phần hồn, mà ai trong chúng ta cũng đã từng phạm tội – tức là chết về phần hồn. Như vậy, sự sống lại về phần hồn càng quan trọng đối với chúng ta hơn bao giờ hết.
Chúa Giêsu đã chịu đau khổ, bị hành hạ cho đến chết trên Thập Giá, nhưng Ngài sống lại vào đêm Chúa Nhật phục sinh, vinh quang và bất tử, đúng như Ngài đã nói trước (Mt 28:1-7). Chúa Giêsu sống lại là bảo đảm rằng chúng ta cũng sẽ được sống lại cả phần xác và phần hồn, nhưng chúng ta phải sống lại về phần hồn ngay khi còn tại thế. Thánh Phaolô xác định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8). Niềm tin của chúng ta không mơ hồ, không ảo tưởng, mà rất chắc chắn và xác thực.
Khi sống lại, Chúa Giêsu đã bỏ lại tấm khăn liệm ở trong mộ đá. Khăn liệm đó là biểu tượng của sự yếu đuối phàm nhân, sự bất toàn nơi mỗi chúng ta, và chúng ta cũng phải trút bỏ hết để khả dĩ sống lại với Đức Kitô, không còn lệ thuộc vào trần tục, ngay cả Tử Thần cũng phải chịu thua. Nơi Ngài, mọi thứ hay chết đều trở nên vinh quang và vĩnh hằng. Ngài đã hiện ra bằng xương bằng thịt để minh chứng Ngài sống lại (Lc 24:36-43; Ga 20:19-20).
Yếu tố đầu tiên về sự thánh thiêng thể hiện nơi Đức Kitô phục sinh: Loại trừ mọi thứ hư hỏng, mọi thứ trần tục; giải thoát khỏi mọi khiếm khuyết, mọi yếu đuối, mọi đau khổ. Nhưng cũng có yếu tố thánh thiêng khác: Kết hợp với Thiên Chúa, tự hiến tế cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào về trời thì chúng ta mới khả dĩ hiểu Chúa Giêsu sống trọn vẹn cho Chúa Cha như thế nào. Sự sống của Đức Kitô phục sinh trở nên nguồn vinh quang vô hạn cho Chúa Cha. Đau khổ không còn chút ảnh hưởng nào nơi Ngài, mọi thứ nơi Ngài sáng chói và đẹp đẽ, mạnh mẽ và sống động.
Mt 28:1-8 cho biết: Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mácđala và một bà khác cũng tên là Maria, đi viếng mộ. Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay”. Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay.
Chúng ta cũng được Chúa Giêsu giải thoát khỏi tội lỗi, được sống lại với Ngài, chúng ta cũng phải làm chứng về Ngài. Chúng ta phải không ngừng thắp sáng tình yêu thương, đức tin, đức cậy, và không ngừng cầu nguyện. Nguyện xin Thánh Maria Mácđala nguyện giúp cầu thay để chúng ta cũng có niềm tin kiên vững và làm chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa qua từng ngày trên đường lữ hành trần gian này.
2. Chúa Giêsu lên trời (Mc 16:14-20; Lc 24:50-51; Cv 1:1-11). Chúng ta cầu xin ơn “ái mộ những sự trên trời”. Sau khi sống lại được bốn mươi ngày, Chúa Giêsu về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Thánh Luca cho biết: “Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ, các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24:50-53).
Những sự trên trời là gì? Rất nhiều. Nói chung là những điều tốt đẹp, liên quan các nhân đức đối thần và đối nhân. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14:15). Ngài nhấn mạnh: “Ai CÓ và GIỮ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14:21). Chúa Giêsu cũng đang lặp lại những lời đó đối với mỗi chúng ta. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Ngài, chúng ta sẽ được hưởng vinh quang của Ngài. Nếu chúng ta chân thành yêu mến Ngài, chúng ta sẽ được lên trời với Ngài sau khi chúng ta hoàn tất hành trình trần gian. Lên trời là cùng đích của cuộc đời mỗi chúng ta.
Chúa Giêsu lên trời, không phải là bỏ chúng ta, mà Ngài về trước để dọn chỗ cho chúng ta, và chính Ngài sẽ trở lại đón chúng ta đi (Ga 14:2-3). Chúa Giêsu lên trời là vào Vương Quốc vinh quang, những ai trung tín với Ngài cũng sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng nơi Vương Quốc đó. Lời hứa của Ngài luôn chắc chắn. Quả thật, Ngài cũng đã xin Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17:24). Phúc thay những người tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và yêu mến Ngài!
3. Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (Ga 14:23-31; Cv 2:1-11). Chúng ta cầu xin được “đầy dẫy ơn Chúa Thánh Thần”. Chúng ta quen nói là “bảy ơn Chúa Thánh Thần”, nhưng không phải chỉ bảy ơn mà nhiều ơn, và chính Ngài vẫn liên tục hoạt động trong Giáo Hội hằng ngày, tác động từng phút từng giây.
Kinh Thánh cho biết: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2:1-4). Đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài về trời: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14:16-17).
Chúa Thánh Thần đến bằng nhiều cách, rõ ràng nhất là khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Ngài đến để làm cho chúng ta can đảm làm chứng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài đến để đổ đầy tình yêu vào lòng chúng ta, vì Ngài là Ngôi Vị Yêu Thương trong Sự Sống của Thiên Chúa. Ngài như hơi thở, nguồn hứng yêu thương vô hạn, từ đó chúng ta có thể sống trọn vẹn.
Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội phát triển không ngừng, sinh cây quả ngọt trái lành là các trinh nữ, các vị tử đạo, các anh hùng nhân đức,… Chúng ta gọi đó là các thánh. Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới dạng chim bồ câu, nước, gió, lửa. Sau Đại Hồng Thủy, bồ câu xuất hiện với nhành lá cho biết nước đã rút, đất bắt đầu có sự sống. Bồ câu cũng là biểu tượng của sự hòa bình, ai cũng khao khát hòa bình.
Nước, gió, lửa là những thứ rất mềm mà rất mạnh, không gì có thể chống lại. Thiếu nước, chúng ta khát; thiếu gió, chúng ta khó chịu; thiếu lửa, chúng ta không có đồ ăn; thiếu không khí, chúng ta chết. Chúa Thánh Thần rất cần thiết. Vì thế, Giáo Hội luôn cầu nguyện: “Veni Sancte Spiritus – Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến”.
4. Ðức Mẹ lên trời (Lc 1:41-50; Tv 45; St 3:13; Kh 12). Chúng ta cầu xin ơn được “ơn chết lành trong tay Đức Mẹ”. Ai cũng phải chết, không thể tránh được, nhưng cách chết thì chúng ta có thể chọn. Sống sao, chết vậy. Sống tốt thì chết lành, sống ác thì chết dữ. Chết lành thì mới được về trời. Đức Maria là thụ tạo đặc biệt, không phải trải qua sự chết, mà được đưa về trời cả hồn và xác.
Được về trời là được cứu độ. Nhưng làm sao để được cứu độ? Thánh tiến sĩ Thomas Aquinas nói: “Có ba điều cần để con người được cứu độ: biết mình TIN gì, biết mình MUỐN gì, và biết mình LÀM gì”. Đức Kitô mong muốn tất cả chúng ta yêu thương mọi người trong Nhiệm Thể Ngài, nhất là những người hèn mọn. Yêu người là thước đo lòng mến Chúa.
Chúng ta thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ bằng cách tán dương các đặc ân siêu phàm mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, một trong các đặc ân đó là “mông triệu” (hồn xác lên trời). Tín điều này đã được ĐGH Piô XII định tín qua Thông điệp “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa Quảng Đại), ban hành ngày 1-11-1950. Đức Maria chỉ là thôn nữ bình thường nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn theo kế hoạch cứu độ của Ngài. Quả thật, sau khi được truyền tin, Đức Maria đi thăm Chị Ê-li-da-bét, và Chị Ê-li-da-bét đã chúc mừng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1:42). Lời này cũng là lời kinh Kính Mừng chúng ta cầu nguyện hằng ngày.
Cựu Ước cũng đề cập hình bóng Đức Maria qua lời ông Út-di-gia nói với bà Giu-đi-tha: “Này trang nữ kiệt, bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này. Thiên Chúa hài lòng về những việc của bà. Xin Thiên Chúa toàn năng ban cho bà nhiều ơn phúc, đến muôn thuở muôn đời” (Gđt 13:18-20; 15:10).
Đức Maria là thụ tạo mà lại được làm Mẹ Thiên Chúa. Chắc chắn lời cầu bầu của Mẹ rất hữu hiệu. Điều này đã được “kiểm chứng” tại tiệc cưới ở Cana (Ga 2:1-12). Vì thế, Thánh Phanxicô Salê đã tin tưởng và khuyên chúng ta: “Hãy chạy đến với Đức Maria, ngã vào vòng tay Mẹ với lòng tin tưởng hoàn toàn”. Nhờ Mẹ đến với Chúa là con đường an toàn và chắc chắn.
5. Ðức Mẹ được thưởng trên Trời (Kh 12:1). Chúng ta cầu xin ơn “được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng”. Giáo Hội dành cho Đức Mẹ nhiều tôn danh Nữ Vương, đặc biệt là Nữ Vương Thiên Đàng. Đó là điềm lạ mà chính Thánh Gioan đã được thị kiến: “Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12:1).
Phần thưởng chỉ dành cho người có công xứng đáng. Tuy nhiên, nữ phi công Amelia Mary Earhart (Hoa Kỳ, 1897-1937) nói: “Điều khó khăn nhất là quyết định hành động, phần còn lại chỉ là sự bền bỉ. Nỗi sợ hãi là những con hổ giấy. Bạn có thể làm bất cứ điều gì mình quyết định làm. Bạn có thể hành động để thay đổi và chi phối cuộc đời mình; và con đường, chính quá trình đó là phần thưởng”. Chúa Giêsu cũng đã từng dạy chúng ta phải biết sống khiêm nhường: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17:10).
Mục đích sống của chúng ta là “sự sống đời đời”, sự sống này chỉ có ở Nước Trời mà thôi. Phương tiện sống là ơn thánh hóa, nguồn của sự thánh thiện xuất phát từ Thiên Chúa Cha, vì Chúa Giêsu đã động viên chúng ta: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Hoàn thiện để nên thánh, đó là ước muốn Chúa Giêsu dành cho mỗi chúng ta, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Hoàn tất trách nhiệm này thì chắc chắn được Thiên Chúa thưởng, tức là thỏa nguyện mà chúng ta tha thiết cầu xin: “Được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng”.
Đức Giêsu Kitô là Ađam mới, Đức Maria là Êva mới. Bà Êva là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20). Đức Maria còn hơn Êva, vì Đức Maria là Mẹ của những người sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Ai cũng muốn được nhận phần thưởng là Nước Trời, nhưng đó mới chỉ là mong ước, vấn đề quan trọng là phải sống và biến ước mơ đó trở thành sự thật.
Thật hạnh phúc khi chúng ta có người mẹ trần gian, càng hạnh phúc hơn khi chúng ta có Người Mẹ tâm linh là Đức Maria, Thánh Mẫu Thiên Chúa. Thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ là lần Chuỗi Mai Côi. Hãy cầu nguyện chân thành với cả tấm lòng hiếu thảo của người con. Lòng yêu mến Đức Mẹ cũng là lòng yêu mến dành cho Con Yêu Dấu của Mẹ – Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta. Ước gì mỗi chúng ta đều biết tận hiến cuộc đời mình cho Đức Mẹ.
Quả thật, Thánh Ðamianô đã nói: “Ðược sống dưới sự che chở của Đức Mẹ là một hạnh phúc lớn lao”. Còn Thánh Denis đã xác nhận: “Đức Mẹ là nơi nương náu của những người đã hòng hư mất, là hy vọng của những người không còn hy vọng”.
TRẦM THIÊN THU