SUY NIỆM MẦU NHIỆM GIÁNG SINH (Lc 2, 1-14)
THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
Có gì cao cả hơn Thiên Chúa, có gì mầu nhiệm hơn Thiên Chúa, có gì yêu thương hơn Thiên Chúa?
Nhưng thực tế chứng minh con người muốn loại bỏ Thiên Chúa, từ xa xưa cũng như thời hiện đại, thời xa lắc xa lơ, cũng như thời hơn chúng ta một trăm năm. Nhân loại cứ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình, bằng nhiều cách tẩy chay Thiên Chúa.
Đó là việc của con người, của thế nhân. Nhưng Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa. Điều nầy cũng là một thực tế hiện hữu, chứng minh được, không thể chối cãi. Chúng ta thấy có học thuyết nào, có lý lẽ nào, có giáo điều nào, có lãnh tụ nào tồn tại như “Lãnh tụ Giêsu Nazaret”. Một “Con Người thật“ hữu hình bằng xương, bằng thịt, có Máu Huyết, có sự sống.
Đó là sự Hữu Hình của một Ngôi Vị Thiên Chúa, gọi tắt là Thiên Chúa làm Người.
Vậy Thiên Chúa làm Người để làm chi, nếu như không phải để ở cùng con người. Vậ ,Thiên Chúa vốn dĩ là mầu nhiệm, lại được mở ra cho chúng ta. Như vậy, dù nhân thế muốn chối bỏ cũng không được, vì Thiên Chúa đã muốn như thế.
Vâng, thưa các bạn, Thiên Chúa ở cùng nhân loại, há không phải để yêu thương nhân loại sao? Vậy, Thiên Chúa ở cùng nhân loại như thế nào? Hôm nay, Đoạn Tin Mừng ( Lc 2, 1-14) sẽ cho chúng ta chiêm niệm một “hoàn cảnh” Giáng Sinh của Thiên Chúa làm Người.
Vâng! Giáng Sinh có nghĩa là: ”Sinh xuống làm Người”, vâng, thật vậy, “cụm từ Giáng Sinh” không lẫn lộn, không trùng lặp, không sao chép, không nhân bản với từ ngữ dành cho bất cứ nhân vật nào. Giáng có nghĩa là xuống, mà xuống thì chỉ có từ trên đi xuống mà thôi. Sinh có nghĩa là sống, là ra đời, sinh ra. Vậy, Giáng Sinh có nghĩa:” Đấng từ Trời mà đến”. Tức là: THIÊN CHÚA. Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới ở trên và từ trên đi xuống. Còn mọi vật đều từ đưới đi lên, nhưng nếu không có Đấng từ trên đi xuống, thì mọi vật làm sao từ dưới đi lên được.
Theo đó, chúng ta thấy, cụm từ “Giáng Sinh” chỉ dành cho Đấng Cứu Thế Giêsu-Kitô, Con THIÊN CHÚA làm Người mà thôi.
Thiên Chúa vốn dĩ siêu nhiên, bời vì Thiên Chúa là Đấng Thánh, cực Thánh. Vì Ngài là Đấng làm Chủ vạn vật, Đấng Tạo Thành vạn vật hữu hình và vô hình, như vậy, Ngài là Thiên Chúa. Nhưng, từ nay, từ “Đêm Cực Thánh” nầy, Thiên Chúa đã hạ mình, biểu lộ một quyền năng mới, đó là “quyền năng tỏ lộ sự Hữu Hình”. Tuy mầu nhiệm nầy vốn dĩ đã có từ trước muôn thuở và tồn tại đến muôn đời. Nhưng đến thời viên mãn, Thiên Chúa muốn tỏ lộ tình thương bằng sự Hữu Hình. Nên chi, “Người đã từ Trời xuống thế”.( Lc 2, 11).
Dù đã được báo trước nhiều ngàn năm, (Is 9, 1-6) nhưng nhân loại vẫn ngỡ ngàng, vẫn hoang mang, vẫn lú lẫn, đến độ thờ ơ, lạnh lùng đến nhẫn tâm. Vâng! Lỗi nầy do Thiên Chúa hay do nhân loại. Nếu do Thiên Chúa, là bởi vì Người muốn thực thi triệt để kiếp phàm nhân, sự sau rốt của nhân loại. Để yêu thương một cách chân thật nhất, để dạy cho phàm nhân một lối sống có tình “nhân” nhất. Vì Thiên Chúa có thể yêu thương phàm nhân bằng nhiều cách, nhưng Thiên Chúa muốn cho phàm nhân yêu thương nhau như cách Thiên Chúa đã yêu thương. Cách mà Thiên Chúa đã yêu thương là cách Cứu Độ hiệu quả nhất. Vì sao thưa quý vị? Thưa, vì đó là cách xác định vị trí làm người của nhân loại. Vì, phàm nhân vốn dĩ là thấp hèn, thấp hèn ở đây không phải là kiếp ngựa trâu, nhưng “thấp hèn” ở đây là sự khiêm tốn, biết nhìn nhận, và biết đặt đúng vị trí của mình là ”thụ tạo”. Nhưng, nhân loại không làm được như vậy, và chính Thiên Chúa, hay nói đúng hơn là Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngôi Lời đã hóa thành phàm nhân phải thực hành điều ấy để giáo huấn nhân loại.
Vâng, (Lc 2, 1-14) cho chúng ta biết rõ về Mầu Nhiệm Gíáng Sinh của Ngôi Hai Nhập Thể và Nhập Thế. Mầu nhiệm Giáng Sinh là một mầu nhiệm Vui, nhưng hoàn cảnh để thực thi mầu nhiệm ấy, thì thật là “buồn”. Chúng ta thấy rõ hoàn cảnh “ra đời” của một kiếp người như vậy không đáng buồn sao?! Nếu như, đó không phải là một “Mầu nhiệm Giáng Sinh” của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Vâng, chúng ta xét về phần Nhân Tính của Chúa Giêsu, có thời gian, có địa điểm cụ thể như sau:
Thời ấy, hoàng đế Augusto ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (coi như là kiểm tra hộ khẩu. Đây là thời bị đô hộ, dưới quyền cai trị của vua nước khác, hoàng đế La-Mã. Chúng ta thấy hoàn cảnh chính trị mất tự do). Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni- ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. Ai nấy, đều phải về nguyên quan mà khai tên tuổi. (Về hoàn cảnh chính trị, Nhân Tính của Chúa Giêsu cũng hoàn toàn tuân thủ theo quy định đương thời. Điều ấy cho thấy, để làm người thực thụ, phần Thiên Tính của Chúa Giêsu cũng không thể đi ngược lại phần Nhân Tính của Người. Cho thấy rằng, Chúa Giêsu làm Người một cách thực thụ, không phải lúc muốn làm Người thì làm, lúc muốn làm Chúa thì làm, như vậy sẽ đảo lộn vai trò Nhập Thể. Điều đó nói lên Mầu Nhiệm Thiên Chúa Giáng Sinh là một mầu nhiệm hoàn toàn trút bỏ “Thiên Tính” của Chúa Giêsu để làm một Con Người thật hoàn toàn. Có nghĩa là quyền năng Thiên Chúa nơi Nhiệm Thể làm Người của Chúa Giêsu phải gởi lại nơi ”Thiên Tính”, nói cách khác là phải nhường “qua một bên”. Người đã trút bỏ hoàn toàn Thiên Tính, như thế mới phù hợp với chương trình Cứu Độ nhân loại). Bởi thế, ông Giuse từ thành Nazaret, miền Galile, lên thành Be-lem, miền Giu-đê, là thành vua Đa-vit, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vit. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. (Trong lúc bộn bề vì gia cảnh, Thánh Giuse và Đức Maria thật là lúng túng, Thiên Chúa làm Người cũng phải nếm cảnh cớ hàn, NgườI hoàn toàn phó mình trong tay Đức Mẹ và Thánh Giuse, muốn dẫn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Nhưng thật ra, những sự kiện ấy, những biến cố ấy, đều nằm trong chương trình cứu chuộc nhân loại của Thiên Chúa). Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt, khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (Đọc đến đây chúng ta thấy câu chuyện thật cảm động, một Ngôi Vị Thiên Chúa, nhưng muốn làm Người, lại là người nghèo đấy, thì không thể có một cuộc sống tiện nghi được, có nghĩa là Thiên Chúa đã muốn chọn cách làm Người rốt cùng. Đây là đặc điểm Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa. Mầu nhiệm giáng sinh làm Người của Ngôi Hai Thiên Chúa hoàn toàn thật, thật đến mức không còn gì để thật nữa. Tại sao thưa các bạn? Thưa , vì Người không muốn làm người giàu có, vì mầu nhiệm làm Người của Đấng Cứu Thế là một mầu nhiệm làm người nghèo. Chúng ta hãy suy niệm điểm nầy để biết đươc Mầu Nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể, nghĩa là mầu nhiệm làm Người của Chúa Giêsu. Vì nếu, Thiên Chúa Nhập thể làm Người giàu có, thì mầu nhiệm Nhập Thể không còn gì để nói, vì không có giá trị bằng mầu nhiệm làm Người nghèo. Điều nầy, cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về Mầu Nhiệm làm Người của Chúa Giêsu, vì mầu nhiệm Ngôi Hai làm Người Giáng Sinh, cũng tương tự như việc người nghèo và người giàu trong xã hội. Nếu người nghèo thì phải khổ cực, thiếu thốn mọi thứ, thân phận người nghèo thì phải khổ. Còn ngược lại, được làm người giàu thì được sung sướng. Nên chi, để Mầu Nhiệm làm Người của ĐẤNG CỨU THẾ không mâu thuẫn thì Thiên Chúa phải Nhập Thế và Nhập Thế trong hoàn cảnh nghèo. Vậy Mầu nhiệm Làm Người của Chúa Giêsu không khó hiểu, nếu chúng ta suy niệm chính đoạn Tin Mừng hôm nay (Lc 2, 7) nầy. Như vậy, Mầu Nhiệm làm Người của Chúa Ngôi Hai cũng không khó hiểu, như việc làm người giàu thì sung sướng, làm người nghèo thì phải khổ.
Vậy Mầu Nhiệm Giáng Sinh của Con Một Thiên Chúa làm Người trong hoàn cảnh nghèo hèn tại hang đá Be-lem năm xưa, là một nhiệm ý thần học sâu xa. Rõ ràng như việc làm một người giàu và làm một người nghèo. Rõ ràng, vì không thể nào “giàu“ mà khổ, hay “nghèo” mà sung sướng. Nghèo thì mặc nhiên là khổ, giàu thì tất nhiên được sung sướng, theo quy luật trần gian là như vậy.
Vâng, từ (câu 1 – 7) của Đoạn Tin Mừng Đêm Giáng Sinh 2014 hôm nay, có thể nói là phần đầu:
Thuật lại Mầu Nhiệm làm Người (Nhân Tính) của Chúa Giêsu qua biến cố Giáng Sinh của Người.
Từ câu (8- 14) là phần hai:
Thuật lại Vinh Quang Thiên Chúa nơi (Thiên Tính) của Chúa Giêsu qua biến cố sau khi Giáng Sinh của Người.
Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (Hai câu 8-9, cho thấy cảnh vật và những người có mặt tai biến cố Giáng Sinh, thật là đơn sơ, nghèo hèn, nhưng mầu nhiệm và vinh quang Thiên Chúa đã chiếu tỏa trên họ trước hết và trên hết, hơn các tiên tri và tổ phụ, họ được mục kích mầu nhiệm lớn lao, một mầu nhiệm mà cả trên trời dưới đất phải phủ phục tôn vinh. Nhưng là phàm trần, nên họ sợ hãi, chúng ta thấy, Thiên Chúa đã biểu lộ sự hữu hình ra, mà nhân thế còn khinh hãi đến khiếp vía, huống hồ Thiên Chúa giữ nguyên Thiên Tính mà biểu lộ cho nhân trần thì làm sao chúng ta chịu nỗi). Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ! Này ta báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa- vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu nầy mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tả, nằm trong máng cỏ.” (Như vậy, Đấng Cứu Thế đã Giáng Sinh, một sự Sinh Xuống làm Người thật kỳ lạ, kỳ lạ ở chỗ: “Vua Trời Đất“ mà hạ sinh làm Người, làm Người nghèo nhất, được bọc trong tấm vải, đặt nằm trong máng cỏ. Biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu không kỳ lạ sao? Vì Thiên Tính của Người không biểu lộ cho những người giàu sang, quyền quý của trần thế. Mà lại tỏ ra cho người nghèo khó lầm than, vất vả, cùng cực. Vì Người muốn đồng hóa với họ, như vậy, biến cố Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người, không phải là một Tin Mừng cho nhân loại sao? Không phải là một Hồng Ân cao cả từ Thiên Chúa sao? Vì thế, nên chi, với ý nghĩa nhiệm mầu đó…) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
“Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”
Vâng! Điều ấy có nghĩa là: Giữa Trời và đất, giữa vũ trụ và Thiên giới, giữa Đấng Tạo Thành và loài thụ tạo đã hòa hợp, đã giao hòa. Tạo nên sự bình an cho mọi loài, nhờ Đấng Cứu Thế, Đấng mà nhiều ngàn năm trước vị Tiền Hô Isaia đã loan báo:
“Kìa, có một con trẻ, sinh ra vì chúng ta, trẻ sinh cho ta đấy!
Vương quyền phủ trên vai, Danh Ngài kêu rất oai:
Đấng Tuyệt Luân
Đấng Trung gian
Chúa quyền lực
Vua Bình An
Là Chúa muôn đời: (Is 9, 6).
Vì chân lý ấy, cho nên, đêm nay được gọi là Đêm Cực Thánh. Và bài đọc II, thánh Phaolo đã xác quyết một cách rõ rệt, mang ý nghĩa một nền tảng thần học rằng: “Quả thế , ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người.” ( Tt 2, 11). Rõ ràng chúng ta thấy, mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu, không còn khó hiểu nữa, cũng rõ ràng và minh bạch như: Nghèo thì phải khổ, và giàu thì phải sung sướng, và Người đã chọn một kiếp nghèo để làm Người. Nghèo đến độ: ”Con chồn còn có hang, nhưng Con Người thì không có chổ dựa đầu” (Mt 8, 20), (Lc 9, 58)
Như vậy, Mầu Nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh làm Người của Ngôi Hai Thiên Chúa, hoàn toàn minh bạch, dễ hiểu, không có gì pha trộn. Không thể vừa giàu vừa nghèo, vừa sung sướng vừa cực khổ được. Nhưng, Người đã chọn sự nghèo hèn để Giáng Sinh vì nhân loại./.
Lạy Chúa Hài Đồng, chúng con xin thờ lạy Chúa, vì Một trẻ sơ sinh, được vấn trong tã, đặt nằm trong máng cỏ, là Chúa tể của vũ trụ càn khôn. Là Vua hoàn vũ, Vị Vua Hoà Bình, Vua nhân ái đích thực, mà mọi thời đại, mọi dân nước phải phủ phục kính thờ./. Amen
Đêm Giáng Sinh 2014
24/12/2013
Phêrô Trần Đình Phan Tiến (Bước Theo)