Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM MẦU NHIỆM GIÁNG SINH 2014 CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

SUY NIỆM MẦU NHIỆM GIÁNG SINH 2014 CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

                                    

 GIÁNG SINH: LỄ CỦA KHIÊM NHƯỜNG – NHÂN ÁI – HY SINH

Thưa quý vị, thưa các bạn! Ai cũng biết nguyên nhân của tội là gì? Đó là” kiêu ngạo“. Vâng, kiêu ngạo là gì? Thưa, kiêu ngạo là “phủ nhận“ Thiên Chúa. Phủ nhận Thiên Chúa là phủ nhận sự thật, đó là “kiêu ngạo”. Ngược với kiêu ngạo, đó là “khiêm nhường“, vâng, khiêm nhường là nhìn nhận sự thật, nhìn nhận chân lý, mà Thiên Chúa chính là ”Chân Lý“. Vậy, nhìn nhận và tôn thờ Thiên Chúa, đó là: KHIÊM NHƯỜNG.

Vâng, khiêm nhường là nhìn nhận sự thật, vậy sự thật là gì và ở đâu? Thưa, không có sự thật nào lớn hơn Thiên Chúa, hữu nhiên, sự thật ở nơi Thiên Chúa. Vì chân lý ấy, Thiên Chúa là nguồn chân thật, nên Thiên Chúa mến yêu sự thật. Và ngược lại, điều gì không chân thật, tức không có Thiên Chúa. Vậy, một định nghĩa khác cho biết: KIÊU NGẠO thì không có Thiên Chúa.

Như chúng ta biết, nguyên tổ đã nghe lời cám dỗ, vì vậy nguyên tổ “đã chết“, và sự chết kéo theo đến thế hệ sau cùng. Đó là tội nguyên tổ. Tức sinh ra đã mắc tội. Nhưng Thiên Chúa không muốn con người phải chết, vì vậy, Thiên Chúa đã cứu chuộc. Thiên Chúa cứu chuộc bằng một kế hoạch nhiệm mầu, đó là Thiên Chúa đã làm Người: EMMANUEL.

Tức, Thiên Chúa đã trở nên Hữu Hình, Thiên Chúa Nhập Thể. Vâng, đó là sự kỳ diệu nhất, sự vĩ đại nhất, sự cao cả nhất, vượt trên mọi sự cao cả. Thiên Chúa đã trở nên phàm nhân, như vậy, không phải là Thiên Chúa đã biểu lộ sự khiêm nhường tột đỉnh đó sao? Vâng, thưa quý vị. sự khiêm nhường cao cả và tột độ, đó là Lễ GIÁNG SINH của Ngôi Hai Thiên Chúa, mà hằng năm được nhắc nhớ vào ngày 25 tháng 12 Dương lịch.

Vâng, Thiên Chúa đã cứu chuộc, đã viếng thăm dân của Ngài, nên Thiên Chúa mang lấy danh tính là: ”GIÊSU”, nghĩa là: “Thiên Chúa Cứu Chuộc”. Vâng, tại sao Thiên Chúa phải “CỨU CHUỘC” con người? Thưa, bởi vì, Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành. Có cha mẹ nào bỏ rơi con cái hay không? Thi thoảng, điều nầy trong nhân loại cũng có. Nhưng nếu,: “Ngươi có quên con cái ngươi đi nữa, thì Ta, Ta cũng không bỏ quên ngươi”.

Như vậy, hệ quả của kiêu ngạo là tội, hệ quả của tội là sự chết. Thiên Chúa là nguồn sống, vì vậy, Thiên Chúa không muốn con người phải chết, nên đã “Hứa“ ban Đấng Cứu Chuộc. Vậy, hôm nay, Thiên Chúa đã thực hiện Lời Hứa của Ngài. Theo đó, Giáng Sinh là Lễ: “Thiên Chúa thực hiện Lời Hứa của Ngài”. Lời Hứa ấy là: “Cứu Chuộc”. Vậy, “GIÊSU” nghĩa là Thiên Chúa cứu chuộc.

Chúng ta thấy, Thiên Chúa muốn cứu chuộc chúng ta bằng sự ”khiêm nhường”, vì vậy, Người đã chọn sự “Giáng Sinh”. Không còn sự khiêm nhường nào lớn hơn việc “Thiên Chúa Giáng Sinh”. Sự kiện Giáng Sinh thật khó hiểu, bởi vì là một mầu nhiệm, nhưng thật dễ hiểu, bởi vì, Thiên Chúa chọn sự khiêm nhường để cứu độ loài người bởi sự kiêu ngạo phá hủy.

Vậy, thưa quý vị, tại sao Thiên Chúa lại chọn “khiêm nhường” để Giáng Sinh? Bởi vì, Thiên Chúa là ”Tình Yêu“. Vâng, tình yêu là hệ quả cũng như nguồn gốc của Khiêm Nhường. Bởi vì, không thể có tình yêu với sự kiêu ngạo. Thiên Chúa không phải chọn sự khó nghèo trong máng cỏ để hạ sinh, hầu cho phàm nhân “thương hại”. Nhưng, Thiên Chúa đã chọn sự “khó nghèo” để Giáng Sinh hầu biểu lộ rốt ráo, trọn vẹn tình thương trong mầu nhiệm cứu chuộc. Thiên Chúa đã phá đổ sự sang trọng giả trá của thế gian, để ân ban sự yêu thương tròn trịa nơi Đấng Tạo thành. Bởi vì, mầu nhiệm cứu chuộc chính là mầu nhiệm Tái Tạo. Vì Tái Sinh chính là Tái Tạo. Như vậy, mầu nhiệm Giáng Sinh là một mầu nhiệm: TÁI TẠO loài người sa ngã, chứ không đơn thuần là ngày Thiên Chúa Giáng Sinh cho vui. Vâng, niềm vui vĩ đại của Lễ Giáng Sinh chính là niềm vui: Tái Tạo loài người mới. Bởi vì là: NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ. Hang đá Bê-lem chính là khởi sự cho đồi Gôn-gô-tha sau nầy. Vì giá trị ơn “CỨU ĐỘ“ không chỉ ở mầu nhiệmThập Gía mà thôi, mà là phát xuất từ mầu nhiệm Giáng Sinh. Nhưng, mầu nhiệm Giáng Sinh biểu lộ sự ”KHIÊM NHƯỜNG“ tột đỉnh, còn Mầu Nhiệm Thập Gía biểu lộ sự “HY SINH” tột đỉnh. Theo đó, luôn có sự liền lạc từ mầu nhiệm Giáng Sinh đến mầu nhiệm Thập Gía. Hầu làm nổi bật sự “NHÂN ÁI” trong Đức Kitô- Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người sa ngã.

Tình thương nảy sinh cứu chuộc, cứu chuộc biểu lộ đức hy sinh, đức hy sinh là giá trị của khiêm nhường, khiêm nhường là nguồn cội của nhân ái, nhân ái sinh ra sự sống, sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa vô biên.

Chiêm ngắm quang cảnh “Hang Đá Bethlehem” ngày nay, chúng ta suy niệm đến “Hang Đá Bethlehem” năm xưa, chúng ta thấy gì? Thưa, há chẳng phải là chúng ta thấy “Một Hài Nhi bé nhỏ, đặt nằm trong máng cỏ, chung quanh có muôn vàm Thiên sứ cùng thờ lạy hay sao? Nhưng, đó là một Ngôi Vị Thiên Chúa làm Người để bày tỏ một sự khiêm nhường, một tình yêu tột đỉnh, há chẳng phải là một sự HY SINH tuyệt đối hay sao? Vì không có sự hy sinh nào mà vô nghĩa, cũng như không có sự nhân ái nào là không có giá trị, bởi vì, nhân ái và khiêm nhường là gía trị của Hy Sinh, vì giá trị cốt lõi của Tình yêu chính là Hy Sinh. Xin cho mọi người học được bài học: KHIÊM NHƯỜNG- NHÂN ÁI –HY SINH qua mầu nhiệm Giáng Sinh.

Vâng, đây là dấu chỉ, đồng thời là lời sứ thần loan báo cho các mục đồng năm xưa. Chúng ta cùng với muôn binh thiên sứ và các mục đồng thờ lạy Ngôi Hai giáng sinh:

“VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI. BÌNH AN CHO NGƯỜI LÀNH DƯỚI THẾ!”,

trong niềm vui hân hoan Mừng Chúa Giáng Sinh.

Vâng, xin cúi mình thờ lạy, suy tôn, cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương con người đến độ

      “TỪ TRỜI XUỐNG THẾ!“. Muốn vậy, mỗi người Kitô hữu là mỗi hoàn cảnh, mỗi sứ vụ để mang lòng nhân nhân ái của Chúa Hài Đồng bằng  khiêm nhường và hy sinh đến cho tha nhân. Như lời Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô: “Sự giàu có đích thực là chia sẻ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em” (ĐGH Phan-xi-cô).

Nguyện xin Chúa Giêsu Hài Đồng, Mẹ Maria, thánh Cả Giuse ban muôn ơn lành xuống trên quý Đức Hồng Y, quý ĐứcTổng, quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể quý vị, trên hết là Đức Giám Mục Rôma Phan-xi-cô, một Lễ và Mùa Giáng sinh an bình trong ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Amen.

13/12/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …