Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM LỜI CHÚA CN VII P/S (A) CỦA Trần Đình Phan Tiến

SUY NIỆM LỜI CHÚA CN VII P/S (A) CỦA Trần Đình Phan Tiến

LỄ CHÚA GIÊSU THĂNG THIÊN

(Mt 28, 16- 20)

THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY CHO ĐẾN TẬN THẾ

Hôm nay là tuần cuối của mùa Phục Sinh, thứ 7 Phục Sinh, Lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, ai cũng biết “thăng” có nghĩa là “lên“. Nhưng dùng chữ Thăng Thiên, thì hay hơn dùng chữ  “về“ Trời. Nói rằng Chúa Giêsu  “về Trời”, thì không hay bằng Lễ “Chúa Giêsu Thăng Thiên”. Bởi vì, có “Giáng“ thì phải có “Thăng”. Có “Giáng Sinh“, thì phải có “Thăng Thiên”. Một chút giải thích từ ngữ cho thấy sự logic của vấn đề. Đây là từ ngữ duy nhất dành cho ĐẤNG CỨU THẾ, Đức Giêsu-Kitô. “Về Trời” cũng có nghĩa từ Trời mà đến, nay trở về. Vậy, không một ai từ Trời mà đến, ngoài Đức Giêsu-Kitô. Con Một Thiên Chúa. Như vậy Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một sự kiện đặc biệt, nhưng thật nhẹ nhàng, vui mừng tột độ. Vì nếu, Chúa Giêsu không “Thăng Thiên“, thì sự Phục Sinh không hoàn toàn có ý nghĩa. Bởi vì, trần gian không phải là nơi “trường sinh”. Thiên Chúa là Đấng Hằng Sống, Người không “ở cùng“ kẻ chết. Vâng, đó là lý do Chúa Giêsu “về Trời”. Trời là quê hương vĩnh cửu của những ai bước theo Chúa Giêsu- Kitô.

Vâng, kính thưa quý vị, thưa các bạn, chủ đề Lời Chúa hôm nay thật ngắn gọn, thật nhẹ nhàng. Chúng ta thấy, đây là lúc Chúa Giêsu biểu lộ trọn vẹn nhất, đầy đủ nhất Thiên Tính của Người. Có thể nói, lễ Thăng Thiên là một sự kiện biểu lộ Thần Tính của Ngôi Hai Thiên Chúa, một Ngôi Vị Thiên Chúa chịu khổ hình, chịu mai táng, phục sinh để cứu độ con người. Hành trình cứu Chuộc của Chúa Giêsu-Kitô là một hành trình đầy gian khó, nhưng mầu nhiệm Thăng Thiên là một sự kiện đầy trọn vẹn của niềm vui, niềm vui trọn hảo và tuyệt đỉnh, niềm vui nầy nói lên thiên tính rõ ràng của Chúa Giêsu.

Sự kiện Thăng Thiên là một mầu nhiệm kiện toàn ơn cứu độ, cuộc tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa. Đấng đã đến thế gian để trao ban sự sống cho chúng ta.

Chúng ta nhớ lại sự kiện Biến Hình trên núi Tabor của Chúa Giêsu, và hôm nay, Người cũng hẹn các môn đệ lên núi và Thăng Thiên trước mặt các ông. Nhưng lệnh truyền, cũng là Di Huấn mà Chúa Giêsu đã truyền lại cho các môn đệ là: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần“ (c 18 – 19).

Như vậy, sứ mạng truyền giáo là sứ mạng cấp thiết và mãi mãi không ngừng, sứ mạng loan truyền Đức Kitô, không của riêng ai, mà là của mỗi Kitô hữu, được quy tụ bởi Giáo Hội. Đặc tính truyền giáo vừa mang tính sứ vụ, vừa mang tính ân sũng. Nói lên sự lãnh nhận và trao ban , tức đặc tính bác ái, đặc tính tình yêu của Thiên Chúa.

Bài đọc I (Cv 1, 1-11), trích sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại rõ biến cố lên trời của Chúa Giêsu và việc Chúa hứa ban Thánh Thần cho các tông đồ. Sác công vụ tông đồ là sự hoạt động đầu tiên của Giáo hội, là sách đầu tiên của các tông đồ sau khi Chúa Giêsu lên Trời. Như vậy, sơ lược có thể hiểu sách công vụ tông đồ là cuốn sách làm chứng về thời đại của Chúa Thánh Thần. Một cuốn sách Tin Mừng của Chúa Thánh Thần, cũng có thể nói là cuốn Tin Mừng thứ 5. Hôm nay, là trang đầu tiên của sách công vụ tông đồ, minh chứng sự kiện về trời của Chúa Giêsu và ý nghĩa Chúa Thánh Thần đến. Như vậy, Chúa Thánh Thần là Đấng chuyển tiếp và nối kết sứ vụ cứu chuộc của Chúa Giêsu, đồng thời kiện toàn mọi kỳ công cứu chuộc cho đến tận thế. Thời đại kiện toàn của Chúa Thánh Thần không phải là thời gian ẩn nhẫn, mà là thời gian hiển nhiên những uy lực của Thiên Chúa trong những tác nhân được thánh hóa. Sự siêu việt của Thiên Chúa không nhường bước satan. Sự hun đúc Thần Khí là điều mới mẻ và mạnh mẻ trong những tâm hồn bước theo Chúa Kitô. Sự kết nối nầy thật sự là kỳ công hiển hách muốn đời của công trình cứu chuộc, vì nó không còn là thời gian chịu đựng, mà là thời giờ thống trị, đó là đức tin, là ánh sáng chân lý cho chúng ta. Có ánh sáng đó, đức tin mới bền vững, vì mọi sự sẽ bước qua, dù là thế lực của trần gian. Điều nầy, minh chứng trong nhiều gian đoạn lịch sử, và như vậy, suốt hơn hai mươi thế kỷ và hơn nữa, đây là ánh sáng đức tin bề vững nhất. Vì nếu, Thiên Chúa không tỏ lộ uy dũng của Ngài qua Thánh Thần, thì Đạo Công giáo không còn tồn tại đến muôn đời. Vì người đời dù dũng mạnh đến đâu, thế lực đến đâu cũng phải đầu hàng thời gian và tử thần. Sự ác không thể thắng sự thiện, và bản tính lương thiện thần linh Thiên Chúa ban cho con người một cách tự do theo nghĩa tự nhiên, nếu không đón nhận được mặc khải của Thánh Thần, thì họ cũng không nhận ra Thiên Chúa, đó là những ai theo những tôn giáo khác. Vì mọi tôn giáo đều do một thứ ánh sáng từ Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa chỉ mặc khải duy nhất qua Đấng cứu Chuộc Giêsu–Kitô mà thôi.

Như vậy, bài đọc II (Ep 1, 17- 23), thánh Phao-lô cho biết rõ ơn mặc khải nhận biết Đức Kitô là một mầu nhiệm diệu kỳ. Đấng đến từ Thiên Chúa, nơi siêu nhiên, nhưng trở nên hữu hình vì con người chúng ta, để Thần Khí nơi Thiên Chúa là nguyên lý của sự sống sẽ hướng dẫn, là làm đầu mọi tạo vật sống, chính là loài người.

Vì vậy, Đức Kitô nói:  “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” là vậy (c 20). Sự siêu nhiên là Thần Linh nơi Đức Kitô, không phải chỉ sự hữu hình của Người như trước lúc phục sinh, mà là Thánh Thần hiện hữu trong siêu nhiên sẽ tiếp nối công trình Tử Nạn và phục sinh của Đức Kitô. Cụ thể các Bí Tích, Đức Kitô trao cho hội thánh là kỳ công tiếp nối của Chúa Thánh Thần. Như vậy, đức tin là công cụ duy nhất để nhận ra Thánh Thần đồng hành trong Đức Giêsu-Kitô. Amen.

01/06/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …