Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Lời Chúa CN Phục Sinh (2014) của Lm. Ignatiô Hồ Thông

Suy niệm Lời Chúa CN Phục Sinh (2014) của Lm. Ignatiô Hồ Thông

CHÚA NHẬT PHỤC SINH (2014)

Vào Chúa Nhật Phục Sinh nầy, Phụng Vụ Lời Chúa tập trung vào biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su, vì thế bỏ rơi bài đọc Cựu Ước quen thuộc để nhường chỗ cho Tân Ước.

Vào Chúa Nhật Phục Sinh nầy, Phụng Vụ Lời Chúa tập trung vào biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su, vì thế bỏ rơi bài đọc Cựu Ước quen thuộc để nhường chỗ cho Tân Ước. Sau khi Đức Giê-su đã hoàn tất Kinh Thánh, Giáo Hội không còn lý do gì quan tâm đến những bản văn tiên báo. Khởi đi từ Phục Sinh cho đến lễ Ngũ Tuần, bài đọc I được trích dẫn từ sách Công Vụ Tông Đồ. Đây là một truyền thống xa xưa lên đến tận thế kỷ thứ tư.

      Cv 10: 34a, 37-43

      Bài đọc I nhắc nhở cho chúng ta rằng đức tin của chúng ta vào Đức Ki tô phục sinh dựa trên lời chứng của các Tông Đồ. Chính lời chứng của thánh Phê-rô, lãnh tụ của Giáo Hội, được nhấn mạnh trong đoạn văn sách Công Vụ nầy.

      Cl 3: 1-4

      Đoạn trích thư gởi tín hữu Cô-lô-sê đưa chúng ta vào trung tâm của mầu nhiệm Phục Sinh, mở ra cho chúng ta những chiều kích thần học của biến cố Phục Sinh.

      Ga 20: 1-9

      Sau cùng, Tin Mừng tường thuật cho chúng ta một câu chuyện sống động nhất và chính xác nhất về cuộc khám phá ngôi mộ trống, giai đoạn thứ nhất đức tin các Tông Đồ vào biến cố Phục Sinh.

BÀI ĐỌC I (Cv 10: 34a, 37-43)
Sách Công Vụ được giới thiệu như phần tiếp theo của Tin Mừng thứ ba: cùng một tác giả, thánh Lu-ca; cùng một người nhận, ông Thê-ô-phi-lô nào đó, nhân vật vô danh.

Thánh Lu-ca mang nỗi bận lòng của một sử gia: “tra cứu đầu đuôi mọi sự”. Trong sách Tin Mừng của mình, thánh ký đã quan tâm đến cuộc đời thơ ấu của Đức Giê-su; trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh ký tường thuật cuộc đời thơ ấu của Giáo Hội. Trong phần thứ nhất của sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca nêu bật nhân cách của thánh Phê-rô, trong phần thứ hai là dung mạo của thánh Phao-lô.

Thánh Lu-ca nhiều lần nhấn mạnh các Tông Đồ đã mạnh mẽ làm chứng về biến cố Phục Sinh như thế nào. Diễn từ của thánh Phê-rô tại nhà ông Co-nê-li-ô, viên đại đội trưởng người Rô-ma, cung cấp một ví dụ. Đó là lý do chọn lựa đoạn trích nầy vào Chúa Nhật Phục Sinh nầy.

Vị lãnh đạo Giáo Hội đang thực hiện một cuộc “kinh lý mục vụ”. Sau cuộc bách hại giáng xuống cộng đoàn Ki tô hữu Giê-ru-sa-lem non trẻ vào năm 36 (năm mà thánh Tê-pha-nô được phúc tử đạo), thời kỳ lắng dịu đã xảy đến. Thánh Phê-rô lợi dụng thời kỳ tạm yên nầy để viếng thăm những giáo đoàn vừa mới được thành lập. Sách Công Vụ nói với chúng ta,“thánh Phê-rô rảo khắp nơi” (Cv 9: 32). Chính như vậy thánh nhân đến miền duyên hải mà vừa mới đây “phó tế” Phi-líp-phê đã mang Tin Mừng đến đó.

Trong khi thánh Phê-rô đang ở tại nhà ông Gia-phô thì một viên đại đội trưởng người Rô-ma đồn trú ở Xê-da-rê cách đó khoảng năm mươi cây số, sai người đến mời thánh nhân đến nhà ông.

Viên đại đội trưởng là một cảm tình viên của Do thái giáo, trong số những người được gọi“những người kính sợ Thiên Chúa”. Sách Công Vụ nói với chúng ta ông là người đạo đức và rộng tay bố thí.

Thánh Phê-rô đến tại nhà ông. Đây là lần đầu tiên thánh nhân bước vào nhà của một người không chịu phép cắt bì, bất chấp những cấm kỵ lâu đời. Lệnh cấm tiếp xúc với những người không chịu phép cắt bì không được phát biểu trong Lề Luật; lệnh cấm nầy phát xuất từ tập quán và lời giải thích của các kinh sư. Lý do đầu tiên chính là để tránh tất cả tiêm nhiễm tôn giáo, nhưng dần dần lệnh cấm nầy được phổ biến và được tuân giữ nghiêm nhặt. Lần đầu tiên thánh nhân mang sứ điệp Tin Mừng đến một người lương dân và tất cả gia quyến của ông. Đây thực sự là một kinh nghiệm chấn động.

Bài diễn từ của thánh Phê-rô là một bản tóm tắt Tin Mừng, nhưng không cùng chung những điểm nhấn như những bài diễn văn mà thánh nhân đã công bố ở Giê-ru-sa-lem, ở đó thánh Tông Đồ chứng mình cho người Do thái thấy rằng Đức Giê-su đã thực hiện những lời hứa Kinh Thánh và Ngài là Đấng Mê-si-a. Ở Xê-da-rê, ngỏ lời với một cử tọa lương dân, thánh Phê-rô nhấn mạnh phẩm chất “chứng nhân” của mình: chính thánh nhân và các vị Tông Đồ khác đã là những “chứng nhân” của những hành động của của Đức Giê-su người Na-da-rét, “chứng nhân” của cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, và nhất là “chứng nhân” của cuộc sống Phục Sinh của Ngài. Có một ít người được diễm phúc gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh và sống thân mật với Ngài. Thánh nhân là một trong số những người “đã được cùng ăn cùng uống với Ngài sau khi Ngài đã từ cõi chết sống lại”. Đấng Phục Sinh đã cho họ sứ mạng làm chứng rằng Thiên Chúa đã đặt Ngài làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết: với những người có ý định gia nhập Hội Thánh và đón nhận phép Rửa, thánh nhân tế nhị nói thêm rằng vị Thẩm Phán nầy cũng là Đấng tha tội. Thánh nhân trích dẫn Kinh Thánh để nhấn mạnh rằng đó là lời loan báo của các ngôn sứ: “Phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội”.

Giáo Hội đặt nền tảng đức tin của mình vào biến cố Phục Sinh trên lời chứng của các Tông Đồ. Giáo Hội xem lời chứng nầy dứt khoát đến nổi Giáo Hội đã không bao giờ cảm thấy cần phải đặt biến cố Phục Sinh như một tín điều. Sự kiện hiển nhiên buộc phải nhận như thế; nền tảng quá vững chắc: những người đã “thấy” và “đã sống” với Đức Ki tô phục sinh đã làm chứng.

BÀI ĐỌC II (Cl 3: 1-4)
Trong đoạn trích thư gởi cho các tín hữu Cô-lô-sê mà thánh Phao-lô viết trong khi bị giam cầm ở Rô-ma vào khoảng những năm 61-62, thánh nhân đào sâu chiều kích thần học về biến cố Phục Sinh.

1. Kinh nghiệm về Đấng Phục Sinh:
Thánh Phao-lô là chứng nhân của Đức Ki tô Phục Sinh. Đấng Phục Sinh nầy đã nắm bắt thánh nhân trên đường Đa-mát, đã tỏ mình ra cho thánh nhân trong ánh sáng huy hoàng chói lọi, đã cho ngài những giáo huấn của mình và trao phó cho ngài một sứ mạng. Kẻ bách hại xưa kia trở thành người xác tín, không chỉ người tiên phong của đức tin nhưng đặc biệt còn là một nhà thần học của mầu nhiệm Phục Sinh.

2. Cuộc sống của người Ki tô hữu trong mối tương quan với Đấng Phục Sinh:
Lập luận của thánh Phao-lô xem ra không hợp lý: trước hết thánh nhân nói: “Anh em đã được chỗi dậy từ cõi chết cùng Đức Ki tô”, đoạn tiếp đó: “Anh em đã chết với Đức Ki tô”(nghĩa là chết vì tội lỗi). Thật ra, đây là một trong những phương cách của thánh Phao-lô đặt ra trước hết thực tại “tinh thần” và tiếp đó cho thấy những hậu quả “luân lý” đòi buộc cách ăn nết ở của chúng ta, đoạn, những hậu quả “hữu thể”, nghĩa là những hậu quả ghi dấu con người của chúng ta.

Như trường hợp ở đây. Thánh nhân định nghĩa người Ki tô hữu là người, nhờ phép Rửa của mình và cuộc sống bí tích mà được dự phần vào sự phục sinh của Đức Ki tô, vì thế, họ đã là một con người được phục sinh rồi (thánh Phao-lô diễn tả thực tại nầy còn bạo dạn hơn nữa trong thư gởi tín hữu Ê-phê-sô khi dùng thì quá khứ: “Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Giê-su Ki tô trên cõi trời” (Ep 2: 6).

Vì thế, thánh Phao-lô nhấn mạnh trước hết những hậu quả “luân lý” của hoàn cảnh tinh thần nầy của người Ki tô hữu: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”. Đoạn thánh nhân đề cập đến hậu quả “hữu thể”: được phục sinh rồi, nghĩa là đã chết vì tội lỗi; tức là được biến đổi ở bên trong. Không có gì thay đổi ở bên ngoài, nhưng “sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki tô nơi Thiên Chúa”, mà ánh vinh quang của sự sống nầy sẽ xuất hiện tròn đầy chỉ vào thời sau cùng.

Đây là ý tưởng rất thân thiết đối với thánh Phao-lô: cuộc sống theo Đức Ki tô đảm bảo vinh quang tương lai của chúng ta: chúng ta “cũng sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang”.

TIN MỪNG (Ga 20: 1-9)
Niềm xác tín của các Tông Đồ vào biến cố Phục Sinh của Đức Ki tô đặt nền tảng trên hai kinh nghiệm; chúng ta có thể nói rằng niềm xác tín nầy đã hình thành nên hai giai đoạn.

Trước hết, việc “khám phá ngôi mộ trống” là mặc khải gây kinh ngạc đầu tiên, chúng ta dám nói kinh nghiệm về sự “trống rỗng” ; kinh nghiệm nầy đã làm cho đôi mắt của họ sáng ra và đã khai mở lòng trí của họ để hiểu Kinh Thánh.

Tiếp đó, vào cũng một ngày hôm ấy, “những lần Đức Giê-su hiện ra” đem đến bằng chứng xác thực về cuộc sống của Ngài: một người đang sống, tuy nhiên các môn đệ không thể nào hiểu được mầu nhiệm tôn vinh của Ngài. Nhưng thân xác của Đấng Phục Sinh rõ ràng là thân xác đã biến mất khỏi ngôi mộ, thân xác mang lấy những vết thương Tử Nạn của Ngài. Vì thế, đây không là một bóng ma, cũng không thân xác giả mạo. Hai kinh nghiệm cũng cố cho nhau, bổ túc lẫn nhau. Các Tông Đồ làm chứng về niềm xác tín tuyệt đối nầy của mình cho đến đổ máu mình.

1. Ngày thứ nhất trong tuần:      
Tin Mừng thứ tư cho chúng ta một bài tường thuật sống động và chính xác về cuộc khám phá ngôi mộ trống, bài tường thuật của một “chứng nhân nhãn tiền”. Như thường hằng trong Tin Mừng Gioan, những chi tiết mặc khải những ý nghĩa sâu xa.

Ngày sa-bát đã chấm dứt vào buổi chiều hôm qua; ngày thứ nhất trong tuần đã khởi sự, ngày thứ nhất nầy sẽ trở nên Ngày Chúa Nhật của chúng ta, “Ngày của Chúa”, chính xác vì đó là ngày của biến cố Phục Sinh.

2. Bà Ma-ri-a Mác-đa-la:
Thánh ký nói với chúng ta, ngay từ “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ”.

Thánh Gioan chỉ nêu đích danh bà Ma-ri-a Mác-đa-la; tuy nhiên, theo chính bản văn, dường như có các người phụ nữ khác (hay ít ra một người phụ nữ khác) cùng đồng hành với bà, vì bà Ma-ri-a Mác-đa-la nói: “Chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Quả thật, thánh Mát-thêu nêu tên hai người phụ nữ, còn thánh Mác-cô lại ba; nhưng bà Ma-ri-a Mác-đa-la luôn luôn được trích dẫn.

Tại sao chỉ một mình bà Ma-ri-a Mác-đa-la được nêu tên ? Chắc chắn vì trong số những thánh nữ trung thành, kỷ niệm của bà đã là nổi bật nhất (thánh Gioan biên soạn Tin Mừng của mình với một sự hổi tưởng nào đó); và vì chính bà được diễm phúc chứng kiến cuộc hiện ra đầu tiên trong số những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh được các sách Tin Mừng tường thuật.

3. Thánh Phê-rô và thánh Gioan:
Bà Ma-ri-a Mác-đa-la báo tin cho thánh Phê-rô và thánh Gioan. Lúc đó, có thể cả hai ông đang tá túc dưới một mái nhà; hai ông thường được nêu tên cùng nhau và hành động cùng nhau (Cv 3: 1-11; 4: 1-22). Cả hai ông đều đã là nhân chứng của cuộc Biến Hình, chắc chắn kinh nghiệm nầy giúp hai ông hiểu biến cố mà hai ông sống vào buổi sáng nầy.

Thánh Phê-rô là người lớn tuổi hơn thánh Gioan, vì thế, với sứ trẻ, thánh Gioan chạy đến mổ trước. Ông cúi xuống và liếc nhìn vào bên trong ngôi mộ. Để tỏ lòng kính trọng, thánh Gioan chờ đợi thánh Phê-rô đến và nhường thánh Phê-rô vào ngôi mộ trước. Thánh Gioan nhận ra ở nơi thánh Phê-rô quyền lãnh đạo các Tông Đồ. Quyền lãnh đạo của thánh Phê-rô được xác nhận chỉ sau biến cố Phục Sinh: “Nầy, Si-mon, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em nầy không?” (Ga 21: 15-17), nhưng thật ra đã hàm chứa trong việc đổi tên mà Đức Giê-su đã ban cho vị Tông Đồ nầy rồi: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16: 18). Như vậy cả hai người đều cùng thấy, chứng thực hiện trường. Nét đặc sắc này có một tầm quan trọng lớn lao; vì đối với luật Do thái, một sự kiện chỉ được nhận biết nếu có tối thiểu hai nhân chứng. Trước đây, Đức Giê-su đã nhắc lại điều nầy cho những người Biệt Phái: “Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật” (Ga 8: 17).

4. Khăn che đầu được cuốn lại và xếp riêng một nơi.      
Ngoài ngôi mộ trống, việc “khăn che đầu không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” đánh động sâu xa hai vị Tông Đồ. Nếu người ta trộm cắp xác của Đức Giê-su như lập luận của bà Ma-ri-a Mác-đa-la, có giờ đâu cuốn xếp khăn, để riêng ra.

Mặt khác, làm thế nào không nghĩ đến La-da-rô, thân thể của ông được hổi sinh bước ra khỏi mồ, “chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga 11: 44) chứ ? Đức Giê-su hoàn toàn tự do, không còn bị băng vải liệm hay khăn che đầu, biểu tượng xích xiềng Tử Thần, buộc chặc thân thể của Ngài. Như vậy, ông La-da-rô còn bị xích xiềng Tử Thần trói buộc nên phải chết một lần nữa, trong khi Đức Giê-su không còn bị trói buộc bởi Tử Thần nữa: Ngài đã vĩnh viễn đánh bại Tử Thần. Chắc chắn hai Tông Đồ đã hiểu dấu chỉ nầy và bị xao động đến mức thánh Gioan tuyên xưng: “Tôi đã thấy và đã tin”.

Ánh sáng bừng lên trong lòng người môn đệ Chúa yêu nầy trước ngôi mộ trống và khăn che đầu cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Nếu đức tin của ông đã bị chao đảo bởi những biến cố đau thương, tình yêu của ông đã không chùn bước như ông đã cho thấy. Tình yêu nầy hướng dẫn ông. Vài ngày sau nầy, thánh Gioan cũng sẽ là người đầu tiên nhận ra Đức Giê-su trên bờ Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Sự sáng suốt của con tim là một hổ trợ lớn lao trong việc hiểu biết con người và sự vật.

5. Theo Kinh Thánh.
Nếu cái nhìn đức tin có thể trước hết là cái nhìn tình yêu, tuy nhiên vị môn đệ nầy cần ơn soi sáng của tâm trí. Vào giây phút nầy, hai vị Tông Đồ khám phá ý nghĩa Kinh Thánh: “Cho đến lúc đó, hai ông đã chưa hiểu”. Nhiều bản văn trở lại trong trí nhớ của hai ông… Người ta có thể phỏng đoán rằng hai ông nhớ đến Thánh vịnh 16, vì vài tuần sau nầy, chính thánh Phê-rô sẽ trích dẫn Thánh vịnh nầy cho đám đông ở Giê-ru-sa-lem để hổ trợ những khẳng định của mình liên quan đến biến cố Phục Sinh. Quả thật người ta đọc thấy trong thánh vịnh nầy những hàng như sau:

      “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
      không để kẻ hiếu trung nầy hư nát trong phần mộ” (Tv 16: 10).

Hay, ngôn sứ Hô-sê là ngôn sứ đầu tiên nói về “ngày thứ ba”, Thiên Chúa cho trỗi dậy:

      “Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho ta sự sống; 
      sau ngày thứ ba, Người sẽ cho ta trỗi dậy,
      và ta sẽ được sống trước nhan Người”. (Hs 6: 2).

Hoặc, cũng một con số ba được gặp lại trong sách Gio-na, trong một đoạn văn rất gợi cảm: ông Giô-na ở trong bụng cá ba ngày ba đêm…ông cầu nguyện cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của ông:

      “Con đã xuống tận nền móng núi non, 
      cửa lòng đất đã cài then nhốt con mãi mãi.
      Nhưng Ngài đã đưa sự sống của con lên khỏi huyệt” (Gn 2: 7).

Lúc còn ở giữa các ông, Đức Giê-su đã nói: “Thế hệ nầy là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na” (Lc 11: 29; Mt 12: 38-42).

Sau cùng, làm thế nào không nghĩ đến bài thơ về người tôi trung đau khổ trong tác phẩm của I-sai-a đệ nhị nhỉ?

      “Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, 
      vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt.
      Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, 
      bị mai táng với người giàu có, dù chẳng làm chi tàn bạo 
      và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa.
      …….
      Nhờ nỗi thống khổ của mình, 
      người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện” (Is 53: 8-11).

Như vậy, hai môn đệ ra khỏi ngôi mộ với hai niềm xác tín ở trong lòng:

– chứng thực những điều hai ông đã thấy;
– củng cố những lời Kinh Thánh loan báo.

Lm. Ignatiô Hồ Thông

Nguồn: kinhthanhvn

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …