Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 25 THƯỜNG NIÊN

 

(Từ ngày 22 đến 27 tháng 09 năm 2014)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

THỨ HAI

CÁC CON LÀ ÁNH SÁNG THẾ GIAN

(Cn 3, 27-34 {hoặc 27-35}; Lc 8, 16-18)

Khi nói về đèn, người ta nghĩ ngay đến đặc tính của nó là chiếu sáng và đẩy lui bóng tối. Mất đi yếu tố này, nó không còn phải là chính nó nữa. Có chăng, chỉ là vật trang trí, hoặc là đèn hư mà thôi.

Hôm nay, Đức Giêsu ví các môn đệ của Ngài như là đèn, và bổn phận của các ông là phải chiếu sáng: “Các con là ánh sáng thế gian”. Khi nói như thế, Đức Giêsu có ý nhắc các ông rằng: nếu bản chất của đèn là chiếu sáng, thì đời sống của các ông cũng phải tỏa sáng như vậy.

Những ánh sáng của người môn đệ chính là đời sống nhân hiền, khiêm tốn, từ bi, hay thương xót, biết thông cảm, luôn đồng hành với những ai cần sự giúp đỡ, sẵn sàng bảo vệ cho công lý, sống chết cho sự thật toàn vẹn. Nếu người môn đệ đi ngược lại, thì chẳng khác gì có đèn mà không có dầu, hoặc có đèn nhưng thực tế đèn đã hư hỏng, không còn tác dụng nữa.

Tuy nhiên, muốn trở nên đèn sáng để soi chiếu trần gian, người môn đệ phải biết gắn bó đời mình với Đức Giêsu là nguồn ánh sáng. Luôn biết sẵn sàng để cho Lời Chúa soi chiếu cuộc đời của mình trước, rồi kế đó, người môn đệ sẽ chiếu tỏa cho anh chị em của mình những giá trị Tin Mừng.

Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta, mỗi người đều được đón nhận một cây nến cháy sáng qua lời mời gọi của vị chủ sự: “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Kitô”. Như thế, chúng ta thuộc về Ánh Sáng, hay nói đúng hơn, chúng ta là ánh sáng và bổn phận phải chiếu tỏa ánh sáng cho mọi người xung quanh. Không bao giờ chúng ta được phép chỉ giữ ánh sáng cho riêng mình. Hoặc có khái niệm: “Đèn nhà ai nấy rạng”. Nếu chúng ta có chủ trương ích kỷ như vậy, hẳn là một điều vô lý vì: “Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường”.

Như vậy, mỗi chúng ta phải là những chứng nhân sống động của Chúa ngay trong một xã hội đang tìm mọi cách để chối bỏ đức tin hay loại bỏ chứng từ đức tin. Một chứng nhân sống động là gì nếu không phải là vào cuộc để dấn thân vì người nghèo, sự thật và công bằng?

Lạy Chúa, xin cho ngọn đèn cháy sáng trong ngày Rửa Tội luôn chiếu sáng trên cuộc đời chúng con, để cuộc đời chúng con luôn phản chiếu ánh sáng của Chúa cho anh chị em xung quanh. Amen.

THỨ BA

NGHE VÀ THỰC HÀNH LỜI CHÚA

(Cn 21, 1-6. 10-13; Lc 8, 19-21)

Truyền thống từ xa xưa luôn tin nhận Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế và là Nữ Tỳ Thiên Chúa. Đức Maria được diễm phúc cao trọng này là nhờ Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa cách trọn vẹn. Vì thế, Đức Giêsu hết mực tôn kính Mẹ.

Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Maria và các anh em của Ngài đến tìm Ngài, và khi được tin báo, Đức Giêsu lại nói: “Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Qua câu nói này, người nghe cảm thấy ngỡ ngàng quá đỗi, bởi vì xem ra có vẻ Đức Giêsu quá thờ ơ với mối liên hệ ruột thịt, hơn nữa, người đó lại là Mẹ mình… Phải chăng điều này không thể chấp nhận được! Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý thì đây là một cách gián tiếp, Đức Giêsu ca tụng Mẹ mình hơn ai hết. Tại sao vậy? Thưa! Vì Mẹ Maria là người trung thành và tín thác nơi Thiên Chúa tuyệt đối qua thái độ lắng nghe, suy niệm và thực hành cách trọn vẹn Lời của Thiên Chúa trong cuộc đời và nơi các biến cố.

Như vậy, đối với Đức Giêsu, tình nghĩa gia đình không chỉ xây dựng trên liên hệ máu mủ, mà thiết yếu phải được củng cố bởi lòng tin. Vì vậy, một cách mặc nhiên, câu trả lời của Đức Giêsu đã làm cho Mẹ thêm vinh dự, cao trọng và đáng để mọi người noi gương.

Hôn nay, phụng vụ mừng kính thánh Piô thành Pietrelcina.

Thánh nhân tên thật là Francesco Forgione. Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô.

Cuộc đời của thánh nhân được tô đậm bởi đời sống đức tin tuyệt vời. Có thể nói: đối với ngài, đức tin chính là cuộc sống. Vì thế, cuộc đời của ngài là một cuộc đời luôn đi tìm Chúa trong đức tin và hân hoan thi hành.

Ngài đã hoàn toàn tin tưởng Thiên Chúa và hết lòng khiêm nhường chấp nhận mọi sự.

Ngài đã can đảm làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống của ngài. Ngài luôn đứng về phía người nghèo, người bị áp bức. Ngài cũng là người xuất sắc trong việc bảo vệ chân lý và tìm mọi cách đưa người ta tìm được sự thật theo Tin Mừng và giúp họ trở về con đường ngay nẻo chính khi tin nhận Thiên Chúa là Chúa và làm chủ tuyệt đối trên cuộc đời của họ.

Ngài có ơn Chúa đặc biệt trong việc nhìn thấu suốt tâm hồn người ta. Vì thế, ngài đã giúp cho họ nhận ra đâu là con đường đưa tới Thiên Chúa thật và đâu là con đường đưa tới diệt vong. Tưởng cũng nên nhắc lại, thời của thánh Piô luôn phải đối diện với chủ nghĩa thực dụng, duy vật và vô thần. Vì thế, mỗi khi gặp những người chối bỏ Thiên Chúa, ngài thường khuyên: “Ôi con dại dột biết là chừng nào!!! Con đã phản bội Chúa là Thiên Chúa của con và con tự đặt mình giữa hàng ngũ những kẻ thù của Thiên Chúa!”. Từ những chỉ dẫn khôn ngoan của thánh nhân, nhiều người đã từ bỏ chủ thuyết vô thần hoặc tương đối để quay trở về với Thiên Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta luôn đặt niềm tin nơi Chúa. Đón nghe Lời Chúa và thực hành thì sẽ được hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài. Đồng thời, biết noi gương thánh Piô khi xưa là: sống và làm chứng cho sự thật, sẵn sàng can đảm lên tiếng khi người ta đi sai đường trệch lối.

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày. Ước gì cuộc đời của chúng con luôn được Lời Chúa soi dẫn. Amen.

THỨ TƯ

GIẢI THOÁT CON NGƯỜI CÁCH TOÀN DIỆN

(Cn 30, 5-9; Lc 9, 1-6)

Thiên Chúa hằng chăm lo cho dân của Người. Vì thế, nhiều lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã ban cho dân các Tổ phụ, rồi sai các Tiên tri, và thời sau cùng, Người trao ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn tất cả những gì đã loan báo trước đó, đồng thời, Ngài không ngừng mời gọi những môn sinh của mình tiếp bước để cùng Ngài ra đi và tiếp nối sứ mạng cao quý là loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Để củng cố lời rao giảng, Đức Giêsu còn trao ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Mặt khác, Đức Giêsu muốn các môn đệ thanh thoát nhẹ nhàng để chỉ chú tâm cho công cuộc loan báo Tin Mừng là việc chính yếu, Ngài đã truyền cho các ông: “Đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo”. Bên cạnh đó, Ngài còn hướng dẫn các ông về cung cách ứng xử khi thi hành sứ vụ: “Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ”.

Như vậy, nếu nhìn cách tổng thể, chúng ta thấy chính Đức Giêsu và sau đó là lệnh truyền của Ngài cho các môn đệ làm toát lên sự lo lắng và ý định muốn giải phóng con người toàn diện cả xác lẫn hồn.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy hân hoan đón nhận sứ vụ như là một hồng ân, dẫu rằng chúng ta không xứng đáng. Mặt khác, luôn sống trong sự phó thác nơi Chúa và đừng quá lo lắng về cơm áo gạo tiền trong khi thi hành sứ vụ. Bởi vì chính Đấng sai ta cũng đã sống cảnh: “Con cáo có hang, con chồn có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Sự thanh thoát này giúp chúng ta không bị vướng bận đến chuyện phụ thuộc của vật chất, sự an tâm trần thế. Ngược lại, nhờ lối sống đơn giản, chúng ta được nâng đỡ tinh thần từ bỏ mình và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa cách tốt đẹp hơn. Đức Giêsu cũng không quên nhắc các môn sinh của mình là không được dùng những hình thức khống chế, quyền lực để phụ trợ cho sứ mạng, ngược lại hãy dùng tình thương và gương sáng. Tôn trọng tự do và ước muốn của người thụ huấn.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được thanh thoát và can đảm, tin tưởng và phó thác, vui mừng và hy vọng trong khi loan báo Tin Mừng tình yêu của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.

THỨ NĂM

XIN CHO LƯƠNG TÂM ĐƯỢC LÊN TIẾNG

(Gv 1, 2-11; Lc 9, 7-9)

Tin Mừng hôm nay cho thấy vua Hêrôđê hoang mang vì nghe người ta đồn Gioan Tẩy Giả chết sống lại. Ông lo lắng vì tin đồn này đã đụng đến tận căn hành vi tội ác của ông. Bởi vì ông là một người nhu nhược và ham mê sắc dục, nên đã đang tâm giết một người công chính là Gioan Tẩy Giả, chỉ vì ngài đã dám lên tiếng bênh vực sự thật và tố cáo hành vi sai quấy của ông.

Như vậy, hôm nay, một lần nữa hình ảnh vua Hêrôđê xuất hiện đã gợi lại cho chúng ta về bản chất của con người ác tâm, thất đức này. Tuy nhiên, căn bệnh của vua Hêrôđê cũng không khó kiếm trong xã hội của chúng ta, nhất là những người làm lớn.

Hằng ngày, chúng ta vẫn chứng kiến cảnh vì lợi ích của một người hay một nhóm người, mà gây nên biết bao oan sai, thất đức cho những người chân yếu tay mềm! Lại cũng vẫn còn đó những người chỉ vì miếng cơm manh áo mà chối bỏ lương tâm và thi hành những điều bất chính. Hay vì những thú vui xác thịt, chóng tàn, mau qua và đi đến chuyện giết người dãn man, ghê rợn.

Thật vậy, căn bệnh của vua Hêrôđê cũng vẫn và sẽ tồn tại trong xã hội của chúng ta, nếu chúng ta không can đảm để tra tay cắt đi khối “ung nhọt” ghê tởm đó ra khỏi lương tâm, và không tìm cách để chữa trị bằng đời sống đạo đức, tôn trọng lẽ phải, công bằng và thực thi bác ái…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức được con người của mình là yếu đuối, bất toàn, nên cần phải hồi tâm để kịp thời trở về với bản chất: “Nhân chi sơ, tính bốn thiện”. Không được vô cảm và phủi tay, hay ghép điều xấu cho người khác, để mình vô tội, rồi vô tư đến nỗi: “Bình chân như vại” như không có chuyện gì xảy ra! Nếu chúng ta rơi vào tình trạng trên, hẳn chúng ta là một hạng người đê hèn và đáng trách, nhu nhược và đáng bị nguyền rủa. Cũng cần cảnh giác quan niệm chân lý thuộc về số nhiều mà chúng ta dễ bị “hiệu ứng đám đông” chi phối, làm cho chúng ta bị mập mờ không biết đâu là đúng, là sai, nhắm mắt đi theo những lời lẽ ngon ngọt của những kẻ nịnh bợ, rồi như một sự phát sinh tất yếu, chúng ta hành động chẳng khác gì những kẻ ác tâm, thất đức.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những con người tốt và biết thi hành điều tốt cho anh chị em chúng con. Xin Chúa cũng tha thứ tội lỗi cho chúng con và ban cho chúng con ơn sám hối để trở về với Chúa. Amen.

THỨ SÁU

TUYÊN XƯNG NIỀM TIN ĐI ĐÔI VỚI ĐỜI SỐNG

(Gv 3, 1-11;  Lc 9, 18-22)

Vào một buổi học Giáo lý nọ, một cô Giáo lý viên hỏi em nhỏ: “Con có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa không?”. Em trả lời ngay: “Dạ, thưa không ạ!”. Quá ngỡ ngàng, cô Giáo lý viên hỏi tiếp: “Tại sao con không tin?”. Em đó nói: “Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, ắt Ngài làm được nhiều sự, Ngài sẽ làm cho bố con không nghiện rượu, mẹ con không cãi nhau với bố con và hàng xóm nữa”; “Nếu Ngài là Thiên Chúa, thì những người tin Ngài phải sống tốt”.

Qua câu chuyện trên, chúng ta học được bài học đầy ý nghĩa về một câu trả lời xem ra bướng bỉnh của cậu bé, nhưng hàm chứa những điều căn bản trong Đạo!

Thật vậy, trong xã hội và đôi khi cả chính chúng ta, miệng vẫn tuyên xưng niềm tin vào Chúa, nhưng trong cuộc sống, nơi hành vi, lời nói lại mẫu thuẫn với những gì chúng ta tuyên xưng. Hình ảnh méo mó, lệch lạc về Đức Giêsu lại được những môn đệ của Chúa trong thời đại hôm nay vui vẻ trình bầy qua cách sống của mình…!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt noi gương Phêrô để tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa. Nhưng ngay sau đó, phải là người phản ánh niềm tin cách trung thực trong cuộc sống của mình để mọi người nhận ra Đức Giêsu trong cuộc sống của chúng ta.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải hiểu về Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài là chết để đền tội thay cho nhân loại, chứ không phải lãnh đạo và cứu độ bằng quyền lực. Đừng để lối hiểu của những người Dothái đương thời với Đức Giêsu và ngay cả các môn đệ thời bấy giờ về Đức Giêsu chi phối lựa chọn của chúng ta, rồi từ đó hy vọng một điều phù phiếm, hão huyền. Thật vậy, những người đó, họ hiểu Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh theo kiểu trần tục, đến để tái lập nước Israel và giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của ngoại bang và mang lại độc lập phồn vinh cho xứ sở. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không nằm trong ý định của Thiên Chúa và Đức Giêsu, vì Đức Giêsu đến để giải thoát bằng bằng con đường khiêm hạ và phục vụ, hy sinh và phải chết.

Lạy Chúa, xin cho chúng con một khi đã tuyên xưng Chúa là Đấng Cứu Độ, thì đồng thời cũng phải là người phản chiếu tình yêu cứu độ của Chúa ngang qua cuộc sống của chúng con mỗi ngày. Ước gì mỗi người chúng con là chứng nhân trung thành của Chúa trong xã hội hôm nay. Amen.

THỨ BẨY

HÓA GIẢI ĐAU KHỔ BẰNG LÒNG MẾN

(Gv 11, 9 – 12, 8; Lc 9, 44b-45)

Trong một thánh lễ nọ, có một cụ bà đến bàn ghi ý lễ và nói: “Tôi muốn được xin ơn chết lành!”. Vị ghi ý lễ không chịu, vì đây là điều quái gở, nên tự ý ghi lại là: “Xin như ý”. Biết được, bà cụ không đồng ý và yêu cầu ghi đúng nguyên văn. Ôi thật là người tràn đầy đức tin! Chúng ta không biết được cụ bà này xin cho mình hay cho ai, nhưng chúng ta biết chắc rằng, họ đang bình an và muốn được trở về với Chúa là nguồn bình an đích thực của mình.

Có một câu chuyện khác kể về hai người nọ đang gặp đau khổ và đến xin một vị ẩn sĩ tìm cách giúp cho mình vượt qua thực trạng của cuộc sống mà họ đang phải đối đầu.

Sau khi nghe họ giãi bày tâm sự, vị ẩn sĩ trả lời: “Tốt hơn các anh hãy tìm đến một vị khác, tôi không có đủ tư cách để trả lời câu hỏi đó, bởi vì cả đời tôi có bao giờ nhận điều xấu từ bàn tay Chúa đâu!”. Nghe đến đây, hai người thanh niên chợt hiểu rằng khi con người vui vẻ đón nhận khổ đau, thì khổ đau không còn là vấn đề nữa.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài sẽ phải chịu ngay khi dân chúng và chính các môn đệ đang trầm trồ khen ngợi vẻ huy hoàng, vinh quang qua quyền năng của Đức Giêsu nơi các việc Ngài đã làm cho dân. Khi tiên báo lúc này, Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy đi theo con đường hy sinh, từ bỏ và đón nhận đau khổ vì tình yêu thì sẽ đạt được hạnh phúc đích thực.

Khổ đau không bao giờ buông tha chúng ta. Chỉ có điều chúng ta đối đầu với chúng trong sự tiêu cực thì chính khổ đau sẽ vùi dập cuộc đời và nó sẽ làm cho chúng ta thất vọng. Còn nếu chúng ta đón nhận nó trong lòng mến Chúa và sứ vụ thì sẽ bình an và đôi khi hạnh phúc hiện lên từ những gian nan khốn khổ. Bởi lẽ, theo niềm tin của người Công Giáo thì: “Qua đau khổ mới được vào vinh quang”.

Hôm nay, phụng vụ kính nhớ thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục. Cuộc đời của thánh nhân ngay từ thời thơ ấu đã toát lên vẻ thánh thiện, thương người và đầy lòng vị tha, luôn bênh đỡ những người nghèo và ra tay giúp đỡ họ. Chính vì thế, thánh Vinh Sơn đã luôn rao giảng lòng thương xót của Chúa và sống chứng nhân tình yêu của Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời. Dù với bất cứ chức vụ nào: “Bề Trên Dòng hay trong cương vị của một mục tử, thánh Vinh Sơn đã luôn chu toàn trách vụ cách hết sức khôn ngoan”. Ngài yêu thương những người nghèo khó, những kẻ đau khổ, những kẻ lao động vất vả, đặc biệt ngài lưu tâm tới việc giáo dục các thiếu nữ. 

Thánh Vinh Sơn còn muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu khi lựa chọn một cuộc sống nghèo trong lao động để gẫn gũi những người mà Chúa gửi đến cho mình.

Cuộc đời của thánh Vinh Sơn có thể tóm gọn trong một câu: “Ngài không hề yên thân khi thấy anh chị em của mình chịu đau khổ, đói khát. Ngài luôn tìm cách giúp đỡ họ, và sẵn sàng chấp nhận hy sinh đau khổ vì lợi ích của tha nhân. Lựa chọn của ngài là luôn kết hợp với Đức Kitô chịu đóng đinh để thăng hoa ơn cứu độ qua đau khổ”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng: con đường theo Chúa là con đường của đau khổ và hy sinh. Tuy nhiên, trung thành với chúng trong lòng mến Chúa, chúng con sẽ được phục sinh vinh hiển mai ngày. Amen.

 

Xem thêm

3-11-2024 3-27-45 PM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần XXXI Mùa Thường Niên 04/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN