Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN

(Từ ngày 25 đến 30 tháng 08 năm 2014)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

THỨ HAI

LỜI RAO GIẢNG PHẢI ĐI ĐÔI VỚI HÀNH ĐỘNG

(Tx 1, 1-5. 11b-12; Mt 23, 13-22)

Mahatma Gandhi là anh hùng dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân.

Lúc còn là sinh viên, ông say mê đọc Kinh Thánh và có ý định gia nhập đạo Công Giáo vì ông thấy giáo lý của Đức Giêsu về “đạo yêu thương” quá tuyệt vời. Nhưng vào một lần, ông đi đến nhà thờ của người da trắng để dự lễ, ngay lập tức, ông bị ngăn lại và được mời đến nhà thờ của người da đen, vì nơi đây không phải là nhà thờ của người da đen. Mahatma Gandhi ra về và cũng kể từ đó, ông không bao giờ đến nhà thờ và quyết liệt từ bỏ ý định trở thành người Công Giáo vì hành động phản yêu thương của những người da trắng.

Thật vậy, trong xã hội ngày hôm nay, vẫn còn đó những hình ảnh, cử chỉ của người Công Giáo như những người da trắng trong câu chuyện trên. Họ là những người giả hình “hạng ưu”.

Tại sao vậy, thưa! Ấy là lúc chúng ta nói những lời tốt đẹp. Khuyên người ta ăn ngay ở lành. Phải bao dung, tha thứ. Phải nâng đỡ những cô nhi quả phụ. Phải đứng về phía người nghèo. Phải khước từ bóc lột, áp bức… Những lời khuyên như vậy rất “kêu”, rất “trội” và rất “thánh”…

Tuy nhiên, khi chính bản thân phải đối diện thì hẳn chúng ta lại là những người “sụt hố” đầu tiên chỉ vì một điều đơn giản là: “Nói mà không làm. Hăng say chất những gánh nặng lên vai người khác, nhưng chính mình thì lại không buồn động ngón tay vào”. Tệ hơn nữa lại tìm cơ hội để trả thù nhân danh đạo đức, lề luật…

Những lúc như thế, chúng ta đâu có khác gì những kinh sư và Pharisêu mà trong bài Tin Mừng hôm nay đã bị Đức Giêsu vạch trần tội ác của họ?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở nên chứng nhân cho Chúa qua hành động tốt của mình. Nói cách khác, muốn dạy người khác điều gì, chính chúng ta phải là những người đã sống và cảm nghiệm trước khi khuyên bảo người khác. Làm tất cả vì vinh danh Chúa, chứ không phải lấy Chúa làm “bình phong” để “tô son chát phấn” để đề cao danh dự, tiếng tăm cho bản thân mình.

Có thế, chúng ta mới là người mang trong mình và giới thiệu một vị Thiên Chúa là Cha yêu thương cho anh chị em chung quanh qua đời sống chứng nhân và lời rao giảng hùng hồn nhờ tin và cảm nghiệm của chính chúng ta. Nếu không thì mọi việc chúng ta làm chỉ là hành vi của kẻ “phá hoại” sứ điệp “Yêu Thương” của Thiên Chúa mà thôi. Và nguy hiểm hơn nữa là “mù dắt mù cả hai cùng xuống hố”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trở nên những người loan báo Lời Chúa bằng chính đời sống của mình. Amen.

 

THỨ BA

HÃY HỒI TÂM VÀ HOÃN CẢI

(2 Tx 2, 1-3a. 13-16; Mt 23, 23-26)

Trong tình huynh đệ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi gặp gỡ các đức giám mục Hàn Quốc vào chiều ngày 14-8-2014 nhân dịp ngài thăm đất nước này. Trong bài phát biểu, ngài đã nói:

“Anh em là con cháu của các vị tử đạo, là những người thừa kế chứng tá đức tin anh dũng của các vị nơi Chúa Kitô [… ]. Thật là điều đầy ý nghĩa sự kiện lịch sử Giáo Hội tại Hàn Quốc được khởi đầu với một cuộc gặp gỡ trực tiếp với Lời Chúa. Đó là một vẻ đẹp nội tại và sự toàn vẹn của sứ điệp Kitô, Tin Mừng và lời mời gọi hoán cải, canh tân nội tâm và sống đời bác ái”.

Khi gợi lại gương sáng chứng nhân anh dũng của các thánh tử đạo và mời gọi Giáo Hội tại Hàn Quốc noi gương các ngài để tiếp bước trên con đường chứng nhân, hẳn Đức Thánh Cha cũng muốn tất cả mọi người noi gương đời sống yêu thương, tin tưởng và cậy trông nơi Chúa tuyệt đối như các thánh. Đồng thời, ngài cũng mời gọi mọi người hãy hồi tâm, hoãn cải nếu chưa sống theo tinh thần Tin Mừng.

Thật vậy, hồn người tông đồ sẽ trống rỗng khi khái niệm hồi tâm không thường trực trong con người của mình.

Cũng vậy, chúng ta sẽ trở nên hình thức, hào nhoáng bên ngoài nếu không có những khoảnh khắc hoãn cải để canh tân đời sống nội tâm.

Và, mọi chuyện trở nên “công dã tràng” khi không gieo vào đó hạt mầm bác ái, yêu thương qua lời nói, trong hành động và nơi phụng vụ.

Sư điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy làm một cuộc “thanh tẩy nội tâm”. Tức là trở về với lòng mình để đối diện với Thiên Chúa, hầu thấy được điều nên làm và điều không nên làm. Điều đúng phát huy. Điều sai phải từ bỏ.

Nếu không “thanh tẩy nội tâm”, có lẽ chúng ta không khác gì những kinh sư và Pharisêu khi xưa: họ luôn quan tâm đến bề ngoài mà bên trong thì không hề mảy may để ý. Họ lo rửa chén đĩa bên ngoài, nhưng bên trong tâm hồn thì toàm là “hôi thối, xấu xa” bởi những tham lam, ích kỷ và hận thù. Họ nói yêu thương, nhưng thực ra họ là những người phản lại sứ điệp “Yêu Thương” khi bất bao dung, vô cảm với người nghèo, bà góa và những người thấp cổ bé họng.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được trở nên chứng nhân của Chúa cách trung thành. Có thế, chúng con mới thực sự xứng đáng trở thành người loan truyền sứ điệp của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.

 

THỨ TƯ

ĐỪNG GIẢ DỐI

Thánh nữ Mônica, lễ nhớ

(2 Tx 3, 6-10. 16-18; Mt 23, 27-32)

Tại các khu đô thị lớn, đây đó, chúng ta vẫn thấy có những nghĩa trang nằm ngay tại những trung tâm của các thành phố. Những nhà hữu trách đã tìm mọi cách, dù tốn công, tốn của để quy hoạch và biến nó thành công viên nghĩa trang, trông rất tráng lệ.

Những mồ mả ở đây được thiết kế nhiều mẫu khác nhau, trông thật bắt mắt. Đến nỗi người dân trung quanh có thể vào đó để đi dạo. Các đôi uyên ương có thể dẫn nhau đến đây để bày tỏ tình yêu…

Việc làm đẹp những ngôi mộ cho người quá cố quả là điều đáng trân quý. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là: bên trong các ngôi mộ đó, dù là của người nghèo hay giàu. Có chức quyền hay là thường dân. Trẻ em hay người già, tất cả đều chỉ là một nắm xương ghê rợn mà thôi.

Hôm nay, Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu khiển trách những người Pharisêu: họ như những mồ mả tô vôi, bên ngoài trông rất đẹp mắt, nhưng bên trong thì toàn xương người chết thối tha, nhơ nhớp. Qua đó, Ngài tố cáo họ vì lối sống giả hình.

Bởi vì, họ tự cho mình là công chính. Là “con cưng” của Thiên Chúa. Thật tội nghiệp khi họ cứ cố gắng tô trát cái vỏ bên ngoài để che dấu tâm địa xấu xa bên trong. Tuy nhiên, càng che dấu họ càng bị Ðức Giêsu phát hiện và lên án gắt gao.

Trong đời sống đạo hiện nay, cũng có nhiều khi chúng ta tìm mọi cách để che đậy những chuyện xấu xa, khuyết điểm, lỗi lầm để tự cho mình là người đạo đức hơn người. Điều khó hiểu là chúng ta an tâm để sẵn sàng lên án kẻ khác vì những thiếu xót của họ mà không hề suy nghĩ hay áy náy gì đến lỗi lầm của mình. Hơn nữa, nhiều khi quá giỏi che đậy, nên không ai biết đến những khuyết điểm của mình, vì vậy, chúng ta lại an tâm và “bình chân như vại” để tiếp tục lún sâu vào con đường tội lỗi tiếp theo.

Tuy nhiên, xin nhớ rằng: chúng ta có thể che giấu bằng những biện pháp tinh vi, xảo quyệt để che mắt người đời, nhưng với Chúa, Ngài biết hết và biết rõ ràng từng lỗi lầm của chúng ta. Chỉ có điều là Ngài muốn cho chúng ta có cơ hội để hối lỗi, sửa mình và được cứu độ mà thôi.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống thật tâm với lòng mình. Không được sống giả đò nhân đức. Cũng không được nhân danh đạo đức để trà đạp anh em và tìm mọi cách để vươn mình lên nhằm đạt được mục đích “rẻ tiền” như quyền, tiền, tình…  

Nếu chúng ta không lo sám hối thì sẽ rơi vào tình trạng trên, khi ấy, hẳn chúng ta không khác gì những người kinh sư và Pharisêu khi xưa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở về với đời sống nội tâm thực sự, để con nhận ra mình chẳng là gì, nhưng Chúa là tất cả. Nhận ra mình thấp hèn, cần phải khiêm tốn để được đón nhận hồng ân cứu độ của Chúa. Amen.

 

THỨ NĂM

HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

Thánh Augustinô thành Hippo, lễ nhớ

(1 Cr 1, 1-9; Mt 24, 42-51)

Trong xã hội hôm nay, tình trạng trộm cắp diễn ra nhan nhản. Kẻ trộm lấy cắp ban ngày, ban đêm, buổi sáng, buổi tối. Chúng lấy của người ngoài, người giàu, người nghèo và đôi khi nó lấy luôn của người thân.

Như vậy, tình trạng trộm cắp diễn ra thường xuyên, nhanh nhạy và nhiều thủ đoạn, nên khó mà lường trước được!

Hôm nay, Đức Giêsu ví giờ Chúa gọi mỗi người chúng ta chẳng khác gì kẻ trộm. Thiên Chúa không giống như kẻ trộm, nhưng ngài đến gõ cửa và mời gọi chúng ta ra khỏi thế giới này rất bất ngờ, nhanh nhạy và sắc bén như kẻ trộm. Vì thế, phải tỉnh thức.

Tỉnh thức là người luôn sống trong ân sủng của Chúa. Luôn sẵn sàng đón chờ Chúa đến bất cứ lúc nào…

Tỉnh thức là luôn biết hồi tâm để nhận ra cái sai cần sửa, để ngày càng đẹp lòng Chúa hơn.

Tỉnh thức là luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống.

Tỉnh thức là người luôn cầm đèn sáng trên tay với đầy đủ dầu, để khi Chúa đến, họ sẵn sàng ra đi đón Ngài.

Ngược lại với người tỉnh thức là những kẻ ngủ mê.

Vì ngủ mê nên nghĩ đời mình vẫn còn dài, chưa vội dừng cuộc chơi, phí đời trai trẻ.

Ngủ mê là những người không nhận ra tội của mình mà sửa sai.

Ngủ mê là những người luôn kết án kẻ khác, trong khi bản thân mình lại dung túng cho những sự xấu xa lên ngôi.

Và khi giờ đã đến, “Ông Chủ” hiện diện, người tỉnh thức thì hân hoan ra đón, còn kẻ lơ là thì nghĩ chủ chưa về, nên: “đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa”. Tuy nhiên, bất chợt, chủ trở về vào đúng: “… ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết”. Nên ông chủ sẽ cho nó “…chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.  

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tỉnh thức với những nhân đức và sẵn sàng đón chờ Chúa đến với chúng con trong niềm tin và hy vọng. Amen.

 

THỨ SÁU

CHỨNG NHÂN CHO SỰ THẬT

Lễ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết, lễ nhớ

(Gr 1, 17-19; Mc 6, 17-29)

Thánh Gioan Tẩy giả được mệnh danh là người mở đường cho Đấng Cứu Thế và là người làm chứng cho sự thật bằng cái chết của mình. Cả cuộc đời và lời rao giảng của ngài luôn “nhất ngôn, nhất hành”.

Thật thế, ngay từ lúc khởi đầu sứ vụ, ngài đã là tiếng kêu trong hoang địa: hãy dọn đường, bạt lối, san bằng những trở ngại trong tâm hồn để đón nhận Đấng Cứu Thế đến. Sau cùng, cái chết của ngài minh chứng cho thấy một tâm hồn không quanh co, lắt léo. Thánh Gioan không chấp nhận gian dối. Thánh nhân là con người khẳng khái, cương trực từ trong lời nói đến hành động.

Thật vậy, chỉ vì là chứng nhân cho sự thật, nên ngài không thể chấp nhận chuyện phi nhân, vô đạo đức của cuộc tình trái khuấy nơi vua Hêrôđê và bà Hêrôđia. Vì vậy, cái chết và chiếc đầu trên mâm là cái giá phải trả cho sự công chính nơi Gioan.

Nếu Gioan được biết đến là con người cương trực, công chính thì Hêrôđê lại được biết đến là một con người nhu nhược, bê tha, tàn nhẫn và thiếu quyết đoán trong vai trò lãnh đạo. Quả thật, chỉ vì lời hứa dựa trên cảm tính trong lúc chè chén say sưa nên đã xảy ra hết sức thô bạo, coi thường luật pháp, dẫn đến sự tàn nhẫn khi đang tay giết chết một vị ngôn sứ vô tội để thỏa mãn thú tính đê hèn của mình.

Trong thế giới ngày hôm nay, vẫn còn đó không ít những người ham danh, lợi, thú… mà quyết định thiếu khôn ngoan, thiển cận, ích kỷ, đê hèn, chỉ nghĩ tới mối lợi đê tiện của cá nhân mình mà quên đi việc lớn: “đại nghĩa”. Vì thế, họ sẵn sàng: hối lộ, gian dối, chém giết lẫn nhau, chiếm đoạt tự do… những con người đó, hẳn họ là hình ảnh của Hêrôđê và Hêrôđia của thời đại hôm nay.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi gương Gioan, can đảm làm chứng cho sự thật dù có bị thiệt thòi hay coi thường… Nhưng như Gioan, chúng ta xác định thật rõ: chúng ta thuộc về Chúa, về Ánh Sáng, về Sự Thật.  Chính vì thế, làm chứng cho sự thật là thuộc về Ánh Sáng. Chết cho sự thật là nhân đức anh hùng để nói cho mọi người biết mình đang tự do ở trong Ánh Sáng. 

Lạy Chúa, làm chứng cho sự thật không phải là chuyện dễ. Vì thế, xin Chúa ban ơn trợ giúp, để trong mọi hoàn cảnh, chúng con luôn trở nên chứng nhân cho sự thật. Amen.

 

THỨ BẨY

HÃY SINH LỜI THÊM

(1 Cr 1, 26-31; Mt 25, 14-30)

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được thuộc về Chúa. Chúng ta chính thức là công dân Nước Trời. Khi trở thành con cái trong nhà, chúng ta được Thiên Chúa tin tưởng và trao cho chúng ta trách nhiệm làm ngôn sứ cho Ngài. Đây chính là nén bạc Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã mượn hình ảnh của người làm kinh tế để nói về việc sinh lời nén bạc tinh thần. Nếu ông chủ trao cho đầy tớ những nén bạc và nhủ hãy đi sinh lời thêm, thì Thiên Chúa cũng vậy. Ngài trao ban cho chúng ta những nén bạc là Lời Chúa, là những “ơn ban…” và không ngừng mời gọi chúng ta sinh lời ra nhiều, để làm vinh danh Chúa và giúp ích cho anh chị em chung quanh mình nhiều hơn.

Thật vậy, mỗi người đều được Chúa trao cho những nén bạc khác nhau tùy vào khả năng. Điều quan trọng là chúng ta có biết sử dụng nó cho đúng mục đích cách trung tín và khôn ngoan hay không mà thôi.

Người khôn ngoan là người biết đón nhận thánh ý Chúa và mau mắn thi hành. Người quản lý trung tín là người biết nhận ra sự hiện diện của Chúa trong từng biến cố vui buồn của cuộc sống. Biết đón nhận đau khổ và sẵn sàng hy sinh vì mối lợi đời sau. Biết nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi tha nhân, nhất là những người nghèo khổ đói khát…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tự đặt mình trước mặt Chúa để cật vấn mình rằng: Chúa đã đầu tư cho tôi những nén bạc như sức khỏe, tài năng và nhiều ơn ban khác…, nhưng tôi có thực sự sinh lời ra thêm bằng việc tạ ơn Chúa, sẵn sàng giúp đỡ anh chị em mình và có biết dâng những hy sinh đau khổ, thất bại trong cuộc đời lên Chúa để xin Chúa thánh hóa, hầu sinh ích cho mình và tha nhân hay không?

Nói chung, tôi đã dùng của cải tài năng và ân huệ Chúa ban như thế nào? Tôi có tích cực phát triển “vốn đầu tư” mà Chúa đã trao cho tôi không? Hay tôi lo chôn giấu cho thật kỹ trong sự ích kỷ, kiêu ngạo, bất nhân và hận thù?

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa ban, đồng thời, xin cũng cho chúng con biết sinh lời những nén bạc đó bằng những nhân đức trong đời sống hằng ngày. Amen.

 

 

 

 

 

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN