(Từ ngày 11 đến 16 tháng 08 năm 2014)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
THỨ HAI
CON ĐƯỜNG CỨU ĐỘ CỦA ĐỨC GIÊSU
Lễ thánh Clara, trinh nữ
(Ed 1, 2-5. 24 – 2, 1a ; Mt 17, 21-26)
Trong cuộc sống, có lẽ không ai muốn mình phải nghe, hay đụng chạm đến những tin không vui. Vì thế, với não trạng của con người, chúng ta thường thích nghe tin mừng, tin thành công và chiến thắng.
Tuy nhiên, hôm nay, bài Tin Mừng lại tường thuật việc Đức Giêsu loan báo một tin buồn và nghịch lý với lối hiểu của con người: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy”.
Khi nghe thấy tin đó, các môn đệ buồn phiền và thất vọng. Với các ông và cả những người Dothái cùng thời, Đức Giêsu phải là người mang lại tự do, thoát khỏi cảnh áp bức, bóc lột của đế quốc, Ngài phải là người đánh đông dẹp bắc và thống lãnh bằng quyền lực để dương oai… Tuy nhiên, điều này hoàn toàn ngược lại với sứ vụ của Đức Giêsu, vì thế Ngài đã không làm. Con đường cứu độ và giải thoát của Ngài là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha, mà ý Chúa Cha là muốn Đức Giêsu phải chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Vì thế, Ngài đã vâng lời đến cùng để thánh ý của Cha được nên trọn.
Nhưng vì biết các môn đệ luôn mang trong mình tâm tưởng phàm tục, nên Đức Giêsu đã loan báo trước cuộc khổ nạn để các ông dần hiểu ra sứ vụ và tiếp tục tiến bước trên con đường mà chính Ngài đã đi.
Hôm nay, phụng vụ mừng kính thánh nữ Clara trinh nữ, thánh nhân là con của một gia đình quyền quý, giàu sang cùng thời với thánh Phanxicô thành Assisi. Ngài còn được biết đến là một thiếu nữ xinh đẹp. Vì thế, chúng ta có thể hình dung được trước tương lai sáng ngời của ngài là có một gia đình đàng hoàng, kinh tế ổn định và vị thế trong xã hội đương thời.
Tuy nhiên, điều ta nghĩ thì lại là nghịch lý đối với thánh nhân, với Clara, được Đức Giêsu là mối lợi tuyệt đối vì Ngài là “Viên Ngọc Quý”. Nghèo vì Nước Trời và tiến bước theo Đức Giêsu là cả một sự giàu sang và hạnh phúc vì chiếm được “Kho Tàng”.
Thế nên, thánh nhân đã quyết định bước theo Đức Giêsu cách triệt để qua ba lời khuyên Phúc Âm: Khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Ngài đã ẩn mình trong đan viện, đắm chìm trong đời sống chiêm niệm và lao động, quyết tâm sống nghèo tuyệt đối. Vì thế, ân sủng của Thiên Chúa đã đổ xuống tràn trề trên cuộc đời của thánh nhân và hội dòng.
Sứ điệp Lời Chúa và đời sống của thánh Clara mời gọi chúng ta hãy hướng lòng lên trời để tìm vinh danh Chúa và ích lợi cho phần rỗi của mình. Đồng thời sẵn sàng khước từ những điều không phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Mặt khác, cần phải xác định thật rõ con đường chân phúc để được hưởng niềm vui, hạnh phúc và bình an trong Nước Trời chính là: “Phải qua đau khổ rồi mới đến vinh quang”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con khám phá ra ý nghĩa của sự đau khổ và luôn biết kết hợp với ơn Chúa, sẵn sàng đón nhận tất cả vì Chúa và vì Nước Trời. Amen.
THỨ BA
MUỐN LÀM LỚN PHẢI LÀM GÌ?
(Ed 2, 8 – 3, 4; Mt 18, 1-5. 10. 12-14)
Trong xã hội hiện nay, những chuyện như tranh dành quyền lực, hay “ma mới bắt nạt ma cũ” đang diễn ra nhan nhản. Tuy nhiên, những chuyện này không phải không có trong thời Đức Giêsu, vì thế, ta không lạ gì khi thấy các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giêsu: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”. Hồi hộp, mong mỏi chờ đợi Đức Giêsu lên tiếng. Nhưng khi Ngài lên tiếng thì các ông té ngửa và chưng hửng, bởi vì mưu ý của các ông đã bị lật đổ.
Nhân đây, Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ bài học:
– Điều kiện cần để được vào Nước Trời: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.
– Điều kiện đủ để là người lớn nhất trong Nước Trời: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”.
Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì nên giống trẻ nhỏ thì: chân thành, không thù oán, không giận giữ, không màng công danh và luôn phó thác mọi sự nơi cha mẹ chúng.
Như vậy, Đức Giêsu muốn các môn đệ của mình phải mặc lấy những tâm tình đó để sẵn sàng hy sinh, tự hạ và chấp nhận mọi sự vì Nước Trời. Trở nên người phục vụ theo gương của chính Ngài là: “Đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cũng mặc lấy tâm tình của trẻ thơ như Đức Giêsu mong muốn. Được như thế, thế giới này sẽ không còn chiến tranh, hận thù, nhưng biết sống vì người khác, yêu thương hết mọi người. Biết chấp nhận thân phận yếu đuối để cần đến ơn Chúa và biết sống trong sự khiêm tốn, phó thác.
Lạy Chúa, xin cho chúng con được yêu mến Chúa tha thiết, luôn sống trong tâm tình phó thác, và sẵn sàng dấn thân phục vụ anh chị em để được hạnh phúc Nước Trời làm gia nghiệp. Amen.
THỨ TƯ
SỬA LỖI CHO ANH EM THEO TINH THẦN CỦA CHÚA
( Ed 9, 1-7; 10, 18-22; Mt 18, 15-20)
Nhận ra lỗi của mình và sửa lỗi cho anh chị em thật là khó. Khó là vì không ai muốn nhận lỗi về mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình thì cũng khó chấp nhận sửa sai vì cái tôi quá lớn. Bởi vì tâm lý chung của mọi người là bảo thủ nên dễ nhận thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của mình hơn là lỗi của họ.
Như vậy, nói về vấn đề sửa lỗi là chuyện rất khó. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu lại bảo các môn đệ hãy đi sửa lỗi cho anh em.
Tâm tình mà Đức Giêsu muốn các môn đệ phải có trong khi sửa lỗi cho người khác là: yêu thương chân tình, tôn trọng , tế nhị , kiên trì và cầu nguyện. Làm được như thế thì mới thành công.
* Sửa lỗi nhau trong yêu thương chân tình: khi muốn sửa lỗi cho người khác, chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: lỗi của người anh em cũng là lỗi của chính mình. Đôi khi lỗi của mình còn nặng hơn của họ. Có thế, chúng ta mới dễ thông cảm, nhẹ nhàng và bao dung.
* Sửa lỗi trong tâm sự nhẹ nhàng, kín đáo: hãy đến với anh em bằng những lời nói nhẹ nhàng, đầy tình nghĩa trong sự yêu thương: “Một mình anh với nó mà thôi”.
* Sửa lỗi trong tôn trọng: khi sửa lỗi cho nhau mà thiếu đi sự tôn trọng thì chỉ còn những lời chỉ trích, nguyền rủa. Có được sự tôn trọng, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn khi sửa lỗi.
* Sửa lỗi trong sự tế nhị: thường những người phạm tội luôn mang hai trạng thái, một là tự ái, hai là mặc cảm, xấu hổ, vì thế, nếu không tế nhị thì sẽ dễ dẫn đến thất bại và đào thêm hố ngăn cách cho anh chị em, làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, cần phải tế nhị và kín đáo.
* Sửa lỗi trong kiên trì: thi hành việc sửa lỗi là cả một quá trình. Chuyện liên quan đến toàn thể con người, nó đụng đến tận gốc rễ của cái tôi, vì thế, không phải là chuyện làm một lần là xong. Hãy nhớ lại sự kiên trì của thánh nữ Mônica với thánh Âu tinh.
* Sửa lỗi trong cầu nguyện: “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Mọi chuyện sẽ trở thành “công dã tràng” nếu không biết cậy dựa vào ơn Chúa. Đời sống cầu nguyện, kết hợp với hy sinh là điều quan trọng để quyết định thành công hay thất bại. Chúng ta nên nhớ rằng sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng kết quả là việc của Chúa. Chúng ta không có khả năng để thay đổi người khác.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ý thức mình cũng là con người bất toàn nên cần đến ơn Chúa trợ giúp. Đồng thời, xin cũng cho chúng con ý thức rằng: Chúa luôn muốn chúng con cộng tác với Chúa trong việc thánh hóa anh chị em bằng việc sửa lỗi cho nhau trong tình thương. Amen.
THỨ NĂM
THA THỨ VÀ YÊU THƯƠNG KHÔNG GIỚI HẠN
Lễ thánh Maximilianô Maria Kôlbê, linh mục tử đạo
( Ed 12, 1-12; Mt 18, 21 – 19, 1)
Toàn bộ Tin Mừng được gói trọn trong hai điều răn là: “Mến Chúa và yêu người”; nói cách khác: “Mến Chúa và yêu người là hai mặt của một thực tại”. Thật vậy, nếu nói mến Chúa mà không yêu người thì là người nói dối vì sự thật không ở trong người đó. Vì thế, luật Tin Mừng đòi hỏi mến Chúa và yêu người phải luôn đi đôi với nhau.
Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho người thanh niên một bài học về sự tha thứ khi anh ta đến hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”. Đức Giêsu liền nói: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Điều đó cho thấy rằng: tha thứ triền miên, tha thứ không giới hạn…
Nhưng muốn tha thứ trong tự do và đem lại hạnh phúc, thì điều quan trọng là nhận ra mình không là gì cả, nhưng vẫn được Chúa yêu thương. Mình đáng phải chết mà Chúa đã cứu sống và tha thứ, vì thế, mình phải có trách nhiệm cứu giúp và yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa đã thương mình. Dụ ngôn “Tên mắc nợ không biết thương xót” là điều mà con người hay mắc phải. Tức là chỉ cầu cứu Thiên Chúa tha thứ cho mình, còn người khác khi có lỗi với mình, mình tìm mọi cách triệt tiêu cho bằng được.
Hôm nay, phụng vụ mừng lễ thánh Maximilianô Maria Kôlbê, thánh nhân được biết đến nhờ nhân đức anh hùng khi sẵn sàng chết thay cho một người bạn trốn trại.
Lịch sử kể rằng: cuối tháng bảy năm 1941, một phạm nhân trốn thoát khỏi trại giam, và theo quy định của trại, cứ một người trốn thì mười người còn lại sẽ phải chết thay.
Khi nghe thấy tin mình nằm trong số những người phải chết, Phanxicô Gajowniszek kêu thất thanh: “Ôi, khổ cho vợ con tôi, tôi không còn bao giờ được thấy nữa!”. Nghe thấy thế, cha Maximilianô Maria Kôlbê đã tình nguyện xin chết thay để cho anh bạn kia sống và trở về với vợ và các con của anh.
Trong một thời đại mà nhiều người tự hỏi và muốn biết “thân phận”, “căn cước” của mình thế nào, thì Kolbe đã phúc đáp minh bạch: “Không phải bằng một bài trình bày thần học, mà bằng đời sống và sự chết của mình”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống trong tình yêu của Chúa. Biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Đồng thời sẵn sàng tha thứ cho những thiếu xót, bất toàn của anh chị em chúng con. Amen.
THỨ SÁU
HÃY SỐNG CHUNG THỦY TRONG TÌNH YÊU
(Ed 16, 1-15. 60. 63; Mt 19, 3-12)
“Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”
Đây là một câu hỏi rất thâm độc của những người Biệt Phái. Họ dùng phương pháp: “nhất tiễn diệt song điêu”, tức là gài bẫy Đức Giêsu. Hành vi này của họ cũng giống như chuyện người đàn bà phạm tội ngoại tình và họ nhờ Đức Giêsu phân xử.
Tại sao vậy? Thưa! Khi hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?”. Câu hỏi này được cất lên lại nằm trong vùng địa lý, đặc trị của Hêrôđê Antipas. Ông vua này mới ly dị vợ để lấy Hêrôđia, vợ của anh mình là Philipphê I. Ông ta đã bị Gioan Tẩy Giả phản đối và cuối cùng Gioan đã bị giết chết dưới sự độc ác của ông ta. Ý tưởng thâm độc của họ là: Nếu Đức Giêsu đồng ý cho ly dị, thì trái ngược với Gioan và dân chúng sẽ phản đối vì họ rất tôn kính Gioan. Còn Nếu Đức Giêsu phản đối luật ly dị, thì sẽ bị chặt đầu như Gioan, và đồng thời nghịch lại với Maisen.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không vướng vào cái bẫy của họ. Nhưng qua đây, nhân cơ hội này, Ngài đã giải thích cho họ hiểu vì sao luật Maisen cho phép ly dị. Câu trả lời của Ngài đã dựa vào Kinh Thánh: “Thuở ban đầu, Ðấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt’. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Còn việc tại sao ông Maisen cho phép ly dị là vì: ‘các ông lòng chai dạ đá, nên ông Maisen đã cho phép các ông rẫy vợ’”. Cũng nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã tái xác định luật hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích Hôn Nhân trong Giáo Hội. Luật này do chính Chúa đặt ra chứ không phải do con người. Hơn nữa, hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và thủy chung với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và không bao giờ xa lìa Hội Thánh.
Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa xe kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời, chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi. Vì vậy, Đức Giêsu nói rõ ràng rằng: “Trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực, rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”.
Lạy Chúa, xin làm cho đời sống hôn nhân ngày nay được ấm êm và hạnh phúc. Xin cho chúng con hiểu rằng: vì yêu thương mà Thiên Chúa đã chết vì chúng con, đến lượt chúng con cũng phải yêu thương nhau như Chúa yêu thương Hội Thánh. Amen.
THỨ BẨY
NÊN NHƯ TRẺ NHỎ MỚI ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI
(Ed 18, 1-10. 13b. 30. 32; Mt 19, 13-15)
Khởi đầu chương 19, thánh Mátthêu cho biết Đức Giêsu nói về luật hôn nhân là một vợ một chồng, chung thủy với nhau cho trọn đời, chỉ có cái chết mới lìa bỏ được nhau mà thôi. Trung thành với điều đó thì mới có hy vọng được cứu độ.
Tiếp theo, hôm nay, Đức Giêsu muốn nói rõ hơn về đặc tính ấy khi thấy một em bé được người ta bế đến để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Các môn đệ tỏ vẻ không đồng ý vì coi đây là chuyện vớ vẩn. Các ông nghĩ nên dành thời gian để Đức Giêsu nghỉ ngơi và làm những chuyện lớn lao hơn. Mặt khác, các ông cũng không muốn bị quấy rầy bởi những chyện tầm thường, nhỏ nhặt như vậy. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã tỏ thái độ khác hoàn toàn với lối suy nghĩ của các ông, nên Ngài đã nói “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng”.
Thật vậy, trẻ nhỏ thì đơn sơ, trong trắng và thủy chung. Chúng luôn cần đến sự trợ giúp của người khác và thường nải nỉ xin cha mẹ và những người lớn điều chúng muốn.
Nhân đây, Đức Giêsu không có ý nói là phải nhỏ bé lại theo nghĩa đen, mà là theo nghĩa bóng, tức là hãy mặc lấy tâm tình của trẻ thơ, đó là: hãy sống trong trắng, đơn sơ, chân thành, không nghi kỵ, vòng vo, không tự kiêu, tự mãn, nhưng biết phó thác, tin tưởng vào Chúa quan phòng. Luôn yêu thương và gắn kết trong sự tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì: “Mọi gánh nặng hãy trút bỏ cho Ngài, tin tưởng vào Ngài, Ngài sẽ ra tay”.
Lạy Chúa , xin cho chúng con biết trở nên đơn sơ như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời. Amen.