Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

(Từ ngày 04 đến 09 tháng 08 năm 2014)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

THỨ HAI

HÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA

Lễ thánh Gioan Maria Vianney, linh mục

(Gr 28, 1-17; Mt 14, 22-36)

Trong cuộc sống, nơi xã hội hôm nay luôn có những bất trắc. Nào là chuyện “cá lớn nuốt cá bé”; hay “ma mới bắt nạt ma cũ”; hoặc “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Một xã hội như thế, người ta lấy thước đo để đánh giá vấn đề, sự kiện… dựa vào tiền và quyền… Vì thế, không lạ gì khi vẫn còn đó tình trạng áp bức, bất công với người lương thiện và thấp cổ bé họng!

Đứng trước thực trạng ấy, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi: “Thiên Chúa ở đâu?”; “Ngài có thực sự hiện hữu không?”; “Nếu có, tại sao lại có chuyện con người thay Trời hành đạo như vậy?”.

Hôm nay, bài Tin Mừng tường thuật việc các môn đệ đang trên thuyền để đi sang bờ bên kia. Trong lúc các ông trèo thuyền ra xa, thì gió lớn nổi lên, khiến các ông lo sợ. Đúng lúc đó, Đức Giêsu hiện đến mà các ông không nhận ra Ngài. Vì thế, trong cơn hốt hoảng, các ông đã la lên: “Ma đấy”. Thấy vậy, Ngài đã trấn an các ông và nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Tuy nhiên, chưa tin và vẫn còn nghi ngờ, nên Phêrô đã thử liều một phen mang tính thách thức: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.

Sự kiện Đức Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ và việc cho Phêrô đi trên mặt nước với Ngài giúp cho chúng ta hiểu rằng: Chúa vẫn luôn còn đó trong cuộc đời. Mọi khó khăn thử thách, Ngài luôn có mặt, chỉ có điều chúng ta có một đức tin đủ mạnh để vượt qua mọi khó khăn và có đủ độ nhạy bén để nhận ra Ngài hay không mà thôi!

Hôm nay, phụng vụ Giáo Hội mừng kính cha thánh Gioan Maria Vianney linh mục, bổn mạng các cha xứ. Thánh nhân là người đã thể hiện niềm tin của mình vào Thiên Chúa cách tuyệt đối và có một đời sống khiêm nhường thẳm sâu, nên ngài đã luôn nhận ra Chúa hiện diện trong cuộc đời mình mọi nơi, mọi lúc. Vì thế, khi bị vị giáo sư mắng: “Vianney, anh dốt đặc như con lừa. Với một con lừa như anh, Giáo Hội hy vọng làm nên trò trống gì?”. Nhưng vì ý thức sự bất toàn của mình, Vianney đã khiêm tốn, bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng một cái xương con lừa mà đánh bại 3 ngàn quân Philitinh. Vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm được việc gì sao?”.

Quả thật, niềm tin của thánh nhân đã được Chúa chúc phúc và dành tặng cho ngài một món quà vô cùng quý giá, đó là các linh hồn. Từ một xứ đạo khô khan, biếng nhác, không tha thiết việc đạo nghĩa, lại càng không thích sự hiện diện của các linh mục… Tuy nhiên, nhờ đời sống cầu nguyện, đạo đức và hy sinh của thánh nhân, họ đã xưng tội, bỏ đàng tội lỗi để trở về với Chúa và sống với nhau trong tình huynh đệ.

Thật vậy, không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được. Chỉ có điều chúng ta có tin hay không, hoặc qua các biến cố đó, chúng ta có khám phá ra thánh ý của Thiên Chúa và thi hành hay chỉ ngồi đó để than thân trách phận, nghi ngờ, và thậm chí chỉ trích cả Thiên Chúa…?

Sứ điệp Lời Chúa và cuộc đời của cha thánh Gioan Maria Vianney dạy cho chúng ta bài học: nếu có niềm tin và tín thác vào Chúa trong sự khiên tốn thì sẽ được Chúa thương.

Mong sao trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy nhớ đến câu nói của Đức Giêsu khi xưa: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con nhiều khi hoang mang và sợ hãi chẳng kém các môn đệ của Chúa là bao. Nhưng như các môn đệ, các ngài đã tin vào Chúa và được Chúa cứu, thì xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con cũng được Chúa thương như các môn đệ khi xưa. Amen.

THỨ BA

GIỮ LUẬT VÀ SỐNG Ý NGHĨA CỦA LUẬT

(Gr 30, 1-2. 12-15. 18-22; Mt 15, 1-2. 10-14)

Ngày xưa, có người học trò hỏi Đức Khổng thế này: “Nếu mình xấu mà người ta nói mình tốt, người đó có tốt không?” Đức Khổng trả lời: “Không!”. Cậu học trò hỏi tiếp: “Vậy ai là người tốt?”. Lần này Đức Khổng trả lời: “Người tốt là người chân thành nói sự thật. Nếu mình xấu, người ta bảo là xấu. Mình tốt, người ta bảo là tốt”.

Thật vậy, người tốt là người sống thật tâm, không nịnh bợ, tâng bốc, hai lòng, lập lờ… Người tốt là người không vụ lợi, không nhân danh tập thể để lợi dụng cho cá nhân mình, không ăn bớt của công, và cuối cùng, họ là những người không: “sợ tiếng chửi, và ăn mày tiếng khen” (x. Đường Hy Vọng số 693).

Hôm nay, Đức Giêsu đã dạy cho những người Pharisêu và các Kinh sự bài học về việc giữ Luật. Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Hiểu và giữ cốt lõi của Luật là tình thương thì quan trọng và đẹp ý Thiên Chúa hơn là những thứ bề ngoài. Trong khi đó, các Pharisêu và Kinh sư lại cổ súy người ta sống xa rời cốt lõi của Luật để chỉ tuân giữ Luật cách hình thức và chú tâm vào việc giữ gìn truyền thống cha ông mà thôi. 

Thật vậy, nếu chỉ có vì Luật, người ta sẽ xử với nhau trên mặt chữ hay cái đầu mà không cần cái lý, cái tình và trái tim. Nếu cứ bề ngoài mà đánh giá và lấy đó làm chuẩn mực, thì sẽ luôn xảy ra tình trạng “thấy vậy mà không phải vậy” do những kẻ cầu thân nịnh bợ gây nên. Họ là những hạng người: “bên ngoài thì trông sáng láng, đẹp đẽ như mồ mả được tô vôi, nhưng bên trong thì toàn là xương người chết, dơ bẩn, thối tha”.

Nói như thế không có nghĩa là Đức Giêsu phủ nhận giá trị của Luật hay coi thường! Không! Chúng ta nên nhớ rằng: Đức Giêsu đến, Ngài không bao giờ bỏ một chấm một phết nào của Luật, nhưng Ngài kiện toàn nó và mặc cho nó một tinh thần mới, đó là tinh thần yêu thương.

Là kitô hữu, bài học của Đức Giêsu cho các Pharisêu và Kinh sư khi xưa cũng chính là bài học cho mỗi chúng ta hôm nay. Hãy sống hài hòa giữa cái bên trong và bên ngoài chứ không chỉ vụ Luật, tức là hình thức, phô trương mà bên trong thì rỗng tuếch. Hãy sống thật tâm chứ đừng giả dối. Thương người mà không có tâm tốt thì là một sự thương hại và xúc phạm, vì thế đáng nguyền rủa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn mặc lấy tâm tình của Chúa trong khi giữ Luật, tinh thần đó là đi vào trong trái tim Chúa và sống chan hòa với nhau. Amen.

THỨ TƯ

QUA ĐAU KHỔ ĐẾN VINH QUANG

(Ðn 7, 9-10. 13-14; 2 Pr 1, 16-19;  Mt 17, 1-9)

Nick Vujicic được chào đón tại Việt Nam từ ngày 22 tháng 5 đến ngày 26 tháng 5 năm 2013. Khi xuất hiện, chàng trai trẻ này đã “truyền nghị lực sức sống mãnh liệt cho giới trẻ Việt”. Vậy chàng trai này là người như thế nào? Hẳn không cần câu trả lời, ai cũng biết anh là một người không chân, không tay, nhưng đã làm được nhiều điều kỳ diệu trong cuộc sống của mình. Anh đã thành công và trở thành người nổi tiếng. Nhờ anh, mà biết bao người thất vọng trở thành hy vọng. Buồn khổ trở nên vui vẻ và đón nhận cuộc đời như một quà tặng của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, mấy ai biết được rằng: anh đã nhiều lần lên kế hoạch tự tử chỉ vì cảm thấy thất vọng về thân hình của mình. Nhưng cuối cùng anh đã vượt qua và trở thành một biểu tượng của niềm hy vọng cho biết bao người bất hạnh và đang tìm đến ngõ cụt của cuộc đời là cái chết. Tại sao lại có sự thay đổi tuyệt vời như thế? Thưa! Nguyên nhân chính là nhờ niềm tin của anh đặt nơi Thiên Chúa. Phần khác nhờ động lực của bà mẹ. Giờ đây, anh trở thành người loan truyền Tin Mừng cách sống động. 

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại việc Chúa Biến Hình. Tại sao Đức Giêsu lại biến hình trước mặt các môn đệ? Thưa! Chỉ vì Ngài muốn làm điểm tựa và củng cố niềm tin nơi các ông. Có lẽ Ngài sợ đức tin của các ông không đủ mạnh để chứng kiến và đứng vững trước những hình khổ mà Ngài phải chịu. Mặt khác, chính các ông là những người bước theo Thầy của mình trên chính con đường mà Thầy đã trải qua, e rằng vì sợ hãi mà sinh ra thất vọng, và nguy cơ bỏ cuộc có lẽ là rất cao! Vì vậy, khi biến hình trước mặt các ông, Đức Giêsu muốn cho các ông nếm trước vinh quang Nước Trời, nơi đó sẽ là phần thưởng dành cho những người trung thành vượt qua thử thách trong cuộc đời và trên hành trình sứ vụ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức rằng: đi theo Chúa là đi trên con đường hẹp, con đường của khổ giá, con đường của cái chết. Tuy nhiên, cứ theo Chúa đến cùng, ta cũng sẽ được phục sinh. Nguyên tắc của hạt lúa gieo vào lòng đất là phải thối và chết đi thì mới sinh ra những bông hạt khác.

Trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ thất vọng. Tương lai vẫn chờ đón ta ở phía trước. Thật vậy, cuộc đời này không ai là vô dụng, và cũng không ai là trọn vẹn trước mặt Thiên Chúa cả. Chỉ có điều ta có làm nên điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã phú bẩn, gieo mầm ngay từ khi ta còn trọng bụng mẹ hay không mà thôi.

Nguyên lý của sự thành đạt chính là hy sinh và kiên trì. Thật vậy, người tín hữu kitô cần phải hiểu cho rõ nguyên tắc này là: muốn vào Nước Trời, phải trải qua đau khổ, phải vác thập giá hằng ngày mà theo, phải đi theo con đường hẹp. Thiên Đàng không có chỗ cho kẻ lười biếng và ngủ mê trong tội. Thiên Đàng cũng không có chỗ cho những kẻ mang trên mình quá nhiều thứ kủng kỉnh…

Lạy Chúa, xin cho chúng con được theo Chúa đến cùng trên con đường Chúa đã đi qua. Xin cho chúng con ý thức mình thuộc về con cái Nước Trời, tuy nhiên, muốn vào được Nước đó, phải trải qua đau khổ của thập giá. Amen.

THỨ NĂM

CẦN TUYÊN XƯNG ĐỂ ĐÓN NHẬN SỨ VỤ

(Gr 31, 31-34; Mt 16, 13-23)

“Người ta bảo Con Người là ai?”.

Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ như vậy? Câu hỏi này của Đức Giêsu có ý gì?

Thưa vì những lý do sau:

Thứ nhất, Ngài và các môn đệ đang ở vùng Cêsarêa Philipphê. Đây là vùng đất của dân ngoại. Địa danh này còn được biết đến là một trung tâm thờ thần Baan. Nơi đây cũng có thể là nơi “chôn rau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias thần thiên nhiên.

Dân chúng ở đây, trong tâm thức của họ, Đức Giêsu chỉ là một nhân vật vĩ đại và thuần túy, hay chỉ là người tiếp nối quá khứ truyền thống các tiên tri mà thôi. Sẵn có lối suy nghĩ như vậy, nên họ không hiểu rõ sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì thế không lạ gì khi được hỏi về dư luận trong dân chúng về mình, các môn đệ đã thông tri cho Đức Giêsu biết: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Khi nghe thấy như thế, Đức Giêsu không thỏa mãn với câu trả lời đó, nên đã hỏi trực tiếp các môn đệ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Phêrô đã thay mặt anh em lên tiếng:  “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Khi Phêrô tuyên xưng điều đó, có lẽ ông cũng không hiểu hết, bởi vì mầu nhiệm này quá sức của ông và các môn đệ khác.

Quả thật, “Đấng Kitô” mà Đức Giêsu muốn các môn sinh của mình hiểu ở đây không chỉ đơn thuần theo nghĩa là Đấng được Thiên Chúa sinh ra, mà còn là người hành động như Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa. Còn “Con Thiên Chúa hằng sống ”, tức Ngài là Đấng tự hữu và tự tồn tại, vì thế “Ngài ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.

Thứ hai, đây là dịp để Đức Giêsu trắc nghiệm niềm tin của các ông vào mình, bởi lẽ không thể trao phó một trách nhiệm quan trọng mang tính trường tồn cho một kẻ kém tin và không hiểu biết gì về mình.

Vì vậy, khi Phêrô tuyên xưng niềm tin, ngay lập tức, Ngài đã đổi tên của ông là Simon thành Phêrô và giải thích là “Đá Tảng”, đồng thời Ngài cũng đặt gánh nặng lên vai Simon Phêrô: “Trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” và “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.  

Khi nói Phêrô là “Đá Tảng”, Đức Giêsu cho biết, đây là một thực tại chắc chắn, không lay chuyển, không thay đổi.

Thứ ba, khi đặt Phêrô làm “Đá Tảng” để xây dựng Giáo Hội, Đức Giêsu muốn chúng ta tin rằng:

Giáo Hội được Ngài thiết lập trên “Đá Tảng” là Phêrô, và chúng ta là người được ở trong tòa nhà đó, hẳn chúng ta có quyền tin rằng: “quyền lực tử thần sẽ không phá nổi”. 

Thật vậy, trải qua biết bao thế kỷ, Giáo Hội luôn đứng vững trước sự công phá của ma quỷ, không những thế, Giáo Hội còn giải thoát con người khỏi ách của tội lỗi… và sự chết.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy vững tin vào Đức Kitô, vì “Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống”. Tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Bí tích Hòa Giải. Vâng phục, yêu mến đấng thay mặt Chúa, kế vị Thánh Phêrô là Đức Giáo Hoàng. Đồng thời luôn biết thể hiện tinh thần hiệp thông để xây dựng Giáo Hội của Chúa trên trần gian này. Hầu cho nhiều người nhận biết “Ðức Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống”. Amen.

THỨ SÁU

TỪ BỎ MÌNH ĐỂ ĐI THEO CHÚA

Lễ thánh Đaminh, linh mục

(Nk 1, 15; 2, 2; 3, 1-3. 6-7; Mt 16, 24-28)

Ngày nay, khi đi phỏng vấn để xin việc, người ta thường đòi hỏi những điều kiện về sức khỏe và chuyên môn, đồng thời tùy một số công việc đặc thù, cần phải có sự thỏa thuận cụ thể hơn. Cũng vậy, khi được gọi để trở thành môn đệ, Đức Giêsu cũng đòi hỏi người môn sinh phải hội đủ những điều kiện cần thiết để chu toàn bổn phận của người thừa sai, hầu những ai được gọi và chọn thì đều cảm thấy hạnh phúc khi thi hành sứ vụ của người sai đi.

Hôm nay, bài Tin Mừng kể lại việc Đức Giêsu đòi hỏi những người Ngài muốn gọi và chọn để ra đi thi hành sứ vụ cần phải “từ bỏ mình và vác thập giá theo Ngài”.

Thoạt nghe, chúng ta cảm thấy buồn cười và có sự mâu thuẫn! Tuy nhiên, nhìn dưới khía cạnh của Kinh Thánh thì sự đòi hỏi này của Đức Giêsu mang tính tự do cho người đón nhận chứ không phải vì ép buộc. Tức là tự nguyện từ bỏ một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, hay ăn trên ngồi trước, để lựa chọn một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì ích lợi và niềm vui của kẻ khác.

Từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo, tức là chấp nhận đi trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi. Con đường đó là một con đường hẹp. Con đường của hy sinh, thiệt thòi. Con đường của tự hủy. Con đường khiêm tốn và là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha hoàn toàn.

Thật vậy, từ bỏ chính mình quả là điều khó nhất, bởi vì: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3). Nhưng nhiều người lại có suy nghĩ là bỏ tất cả, nhưng từ bỏ mình thì nhất quyết không, bởi vì họ từ bỏ cái tôi thì phải chăng họ không còn là họ nữa!

Tuy nhiên trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu muốn các môn đệ ra khỏi sự ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo, để ý Chúa rợp bóng trên cái tôi của mình, và chính từ đó, tôi được trở thành tôi đúng nghĩa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Thánh Đaminh mà chúng ta hôm nay mừng kính, ngài đã từ bỏ hết tất cả để sống cho Thiên Chúa và tha nhân.

Vì thế: “Ngài năng dâng lên Chúa lời cầu xin đặc biệt này là cho ngài được lòng bác ái chân thật, có khả năng săn sóc và đem lại phần rỗi cho người ta. Ngài nghĩ mình sẽ thật là chi thể của Chúa, nên tiên vàn mình đem hết sức lực mình ra cứu rỗi các linh hồn, giống như Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc mọi người, đã tận hiến mình để cứu chuộc chúng ta. Và chính để làm công việc ấy mà theo ý Chúa an bài sâu xa, Ngài đã lập ra “Dòng Anh em Thuyết Giáo”.

Thật vậy, ngài đã từ bỏ tất cả, cho đi tất cả, kể cả mạng sống của mình. Nên đã có lần ngài thấy một phụ nữ vì không có tiền để chuộc lại đứa em gái của mình, nên đã nói: “Tôi không có tiền, nhưng này, chị hãy dẫn tôi nộp cho người ta, để chuộc em chị về”. Rồi ngay cả có cuốn sách quý hiếm, khi không còn gì để cho người nghèo nữa, ngài cũng bán. Khi được hỏi tại sao thì ngài trả lời: “Tôi không thể học trên những miếng da chết đang khi người khác chết đói”.

Thật vậy, ngài đã trở nên vị thánh lỗi lạc nhờ những trang Tin Mừng sống qua những hành vi bác ái với người nghèo. Cả cuộc đời của ngài đã cố tâm thực hiện câu Lời Chúa: “Ai muốn nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, bố thí cho người nghèo, đoạn hãy theo Tôi” (Mt.19,21).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết an vui khi chọn Chúa làm gia nghiệp. Xin cũng cho chúng con được từ bỏ mọi sự, vác thập giá để theo Chúa trên con đường cứu độ mà Chúa muốn chúng con thi hành. Amen.

THỨ BẨY

KIÊU NGẠO SẼ THẤT BẠI

(Kb 1, 12 – 2, 4; Mt 17, 14-19)

Một sự cám dỗ lớn lao nhất thường đến với con người, đó là cơn cám dỗ về sự kiêu ngạo.

Thật vậy, sự kiêu ngạo nó thường trực trong con người, và mức độ nguy hiểm của chúng là rất cao. Có thể ví rằng: sự kiêu ngạo luôn nhăm nhe bừng phát, chúng giống như bình xăng. Ma quỷ như bó đuốc. Nếu không cẩn thận và đề phòng bằng sự khiêm nhường, ắt không sớm thì muộn, chúng cũng làm cho bình xăng bốc cháy.

Đọc lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy, từ xa xưa, người ta vẫn bị mắc vào cám dỗ này.

Khởi đi từ Nguyên Tổ loài người là Ađam và Evà; rồi câu chuyện tháp Babel, đến hành động của Môsê, Aharon, Đavít, và ngay cả đến các Tông đồ, tất cả đều bị ngã gục trước sự cám dỗ của ma quỷ dưới lưỡi hái của sự kiêu ngạo.

Thật vậy, cậy vào sức riêng của mình là chuyện bình thường. Tuy nhiên, vì tự tin đến độ không cần đến Thiên Chúa thì lại là kẻ bất thường, vì thế, thất bại là lẽ đương nhiên.

Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy việc các môn đệ thất bại trong việc trừ quỷ. Nguyên do chính là do các ông tự mãn và cậy vào khả năng riêng của mình chứ không phải là niềm tin vào Thiên Chúa.

Tin Mừng thuật lại, sau khi Đức Giêsu đưa ba môn đệ lên núi Tabor, số môn đệ còn lại ở dưới núi, vì thế người ta mang đến cho các ông một đứa trẻ bị quỷ ám mắc kinh phong. Các ông đã trừ mà không được. Nên thấy Đức Giêsu xuống, dân chúng đã xúm lại và xin Ngài chữa lành. Sau khi Ngài chữa cho bé gái khỏi quỷ ám. Các môn đệ tiến lại gần và hỏi: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?”. Đức Giêsu mặc khải cho họ biết: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được”.

Sau khi các ông nhận ra sự thất bại của mình và hiểu rõ về sức mạnh của niềm tin, Đức Giêsu muốn dạy các ông sự khiêm nhường và gắn bó với Thiên Chúa cách trọn ven thì mới có thể thi hành được sứ vụ.

Trong cuộc sống đức tin của chúng ta, có lẽ không cần phải xin Chúa cho được chuyển núi dời non theo nghĩa đen. Nhưng điều mà chúng ta cần chuyển dời chính là ngọn núi của kiêu căng, tự ái, ghen ghét. Có thế, chúng ta mới để cho đức tin mà Thiên Chúa ban cho chúng ta được lớn mạnh.

Lạy Chúa, xin cho ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết gắn bó với Chúa để được Chúa yêu thương. Amen.

 

 

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …