Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm (2) Tin mừng Chúa nhật XXXIV TN, năm B, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm (2) Tin mừng Chúa nhật XXXIV TN, năm B, của Trầm Thiên Thu

Lễ Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ

Đệ Nhất Thiên Vương

VUA LÀ AI?

DeNhat ThienVuongThời quân chủ, người ta “quy ước” trật tự xã hội là Quân-Sư-Phụ, vua là nhất, sau đó là người dạy, rồi mới tới cha mẹ. Vua hoặc Hoàng đế là người có quyền lực cao nhất, kể cả quyền sinh sát: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Vua được mệnh danh là Thiên tử – con của Trời, thần dân phải phụng mệnh tối đa, vâng lệnh “tối mặt”. Vua bảo chết mà chết mới là trung thần (sic!).

Rồng là một trong mười hai con giáp, là con vật quý, thực ra chỉ do tưởng tượng, nhưng mọi thứ của vua đều được trân trọng là “rồng”: Long thể, long bào, long sàng,…

Thời phong kiến theo chế độ “tông pháp” (cha truyền con nối), vua trị vì tới mãn đời. Vua có “quyền” nên thỏa sức “hành” người ta, vì vậy thường thì vua nào cũng có có “máu ác”, thế mà vẫn được xã hội mặc nhiên như vậy, ít có những ông vua nhân đức như vua Nghiêu, vua Thuấn của Trung quốc, làm thiên hạ thái bình, hoặc như vua Trần Nhân Tôn và vua Lê Thánh Tôn của Việt Nam.

Minh quân thì hiếm, hôn quân (vua ác) thì nhiều. Trung quốc có Tần Thủy Hoàng, Vạn Lý Trường Thành của ông vua này đã hao tổn bao sinh mạng của dân lành; Việt Nam có vua Lê Long Đĩnh, có “biệt danh” là Ngọa Triều (“ngọa” là nằm, “triều” là triều chính, ông này ăn chơi sa đọa đến nỗi không ngồi được nên phải nằm mỗi khi ngự triều), ông có thú vui độc ác là “róc mía trên đầu nhà sư” và “mổ bụng các thai phụ để xem thai nhi thế nào”; vua Shah Jahan của Ấn Độ đã xây đền Taj Mahal bằng cẩm thạch (một trong những kỳ quan thế giới) để tưởng nhớ người vợ thứ ba là Mumtaz Mahal, nhưng khi đền này xây xong, ông ra lệnh chặt tay tất cả những người thợ để họ không thể xây ngôi đền khác như vậy.

Đế quốc La Mã xưa cũng đã từng “làm mưa, làm gió” một thời, biết bao tín hữu bị phanh thây, xẻ thịt! Người Công giáo Việt Nam cũng bị hành hạ suốt ba thời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức.

Và còn nhiều ác vương khác trên thế giới. Thế nhưng thần dân vẫn phải tán tụng họ là “hoàng thượng anh minh”. Thậm chí khi muốn tấu trình thì phải “muôn tâu bệ hạ”, tức là tâu với cái bệ rồng của vua ngồi chứ không được tâu thẳng nhà vua, cũng không ai được nhìn mặt vua.

Ngày nay chỉ còn vài nước theo chính thể quân chủ, nhưng không “thuần túy” như xưa. Vua có khi chỉ là một thiếu niên, và sẽ làm vua cho đến chết. Người đứng đầu một quốc gia ngày nay gọi là Tổng thống, chỉ tại chức theo nhiệm kỳ vài năm. Ngày xưa vua tàn ác minh nhiên, dễ thấy; còn ngày nay, người đứng đầu một nước cũng vẫn có người tàn ác, nhưng bằng các động thái khác và khó phát hiện vì “tinh vi” hơn nhiều.

ĐỆ NHẤT THIÊN VƯƠNG

Ngôn sứ Đa-ni-en kể: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện” (Ðn 7:13). Đó là hình ảnh liên quan Ngày Cánh Chung, Ngày Tận Thế. Đó là lúc mọi người tỏ tường mọi thứ, là lúc yết kiến Thiên Vương, là lúc phải trình diện Vua Muôn Đời.

Khi đó, “Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị”, còn “muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người” (Ðn 7:14a), thậm chí quỷ vương cũng phải tâm phục khẩu phục mà bái lạy Người là Vua các vua, là Chúa các chúa. Đó là quyền đặc biệt, độc nhất vô nhị: “Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Ðn 7:14b).

Con Người ngự giá mây trời mà ngôn sứ Đa-ni-en thị kiến là Đức Kitô, chính Ngài là Vua các Vua và Chúa các chúa, hoàn toàn khác thường về mọi thứ: “Chúa là Vua hiển trị, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào, Người lấy dũng lực làm cân đai. Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu không lay chuyển. Ngai vàng Chúa kiên cố tự ngàn xưa: Ngài hiện hữu tự muôn ngàn đời” (Tv 93:1-2). Vì thế, Ngài chính là Đệ nhất Thiên Vương mà chúng ta phải tôn thờ và tôn vinh: “Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài thật là bền vững, nơi đền vàng rực lên toàn thánh thiện triền miên qua mọi thời” (Tv 93:5).

Đồng thời chúng ta cũng phải cầu nguyện: “Xin Đức Giêsu Kitô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men!” (Kh 1:5-6). Thánh sử Gioan cũng thị kiến “Người ngự đến giữa đám mây” (Kh 1:7a), điều đó cho thấy diễn tiến Ngày Tận Thế, ngày mà Đức Kitô đến xét xử thế gian. Và “ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! A-men!” (Kh 1:7b). Kẻ lành và kẻ dữ đều diện kiến Ngài, nhưng có cuộc sống vĩnh hằng khác nhau: Người lành được làm công dân Nước Trời vĩnh hằng, còn kẻ ác làm đệ tử Luxiphe đời đời.

Đức Chúa là Thiên Chúa đã xác định: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1:8). Và mãi mãi Ngài là thế, là Đấng tự hữu và hằng hữu!

VUA CHÂN LÝ, VUA THƯƠNG XÓT

Ông Philatô trở vào dinh, cho gọi Đức Giêsu tới và hỏi: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” (Ga 18:33). Đức Giêsu không trả lời trực tiếp mà đáp lại bằng một câu hỏi: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” (Ga 18:34). Ông Philatô nói: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?” (Ga 18:35). Đức Giêsu trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36).

Chúa Giêsu hai lần xác định: “Nước tôi không thuộc thế gian này”. Chắc hẳn tổng trấn Philatô không hiểu hết hoặc không thể hiểu ý Chúa, thế nên ông ta liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?”. Đức Giêsu không hề tự nhận là vua, và thản nhiên: “Chính ngài nói rằng tôi là vua” (Ga 18:37a). Rồi Ngài nói rõ: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37b). Ngài là Người-của-Sự-Thật, là Nhân-Chứng-Chân-Lý, Ngài không đấu tranh cho chính Ngài mà đấu tranh vì công lý và hòa bình của nhân dân, dù người đó sống tốt lành hay tội lỗi.

Nếu nói về Vương Quốc Chân Lý, Ngài là Vua Sự Thật. Tuy là Vua nhưng lại giàu lòng thương xót, như vậy Ngài cũng là Vua Thương Xót.

Có lần Chúa Giêsu nói về vua chúa thế gian và quyền hành trần tục: “Thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân” (Mt 20:25). Người có thế quyền và thế lực hành xử như vậy, bắt người khác quy phục, còn Chúa Giêsu không dùng uy quyền và thế lực để đàn áp người khác, không dùng uy tín và chức vụ để thị uy hoặc bóc lột người khác, mà ngược lại, Ngài phục vụ chứ không bắt người khác phục vụ (x. Mt 20:28; Mc 10:45). Như vậy Ngài cũng là Vua Khiêm Nhường.

Chắc hẳn chẳng có ông vua nào dám làm như vậy, thậm chí đối với những kẻ nhẫn tâm giết Ngài mà Ngài vẫn xin với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Ngài thật lòng thương xót và thật lòng tha thứ chứ không miễn cưỡng hoặc vì ở thế việt vị.

Chúa Giêsu là Vị Vua “ngược đời” nhất thế gian, vì Ngài là Vua Trời nhưng đã tự hạ mình xuống thế gian để hòa nhập với thần dân. Chúng ta cũng “ngược đời”, nhưng ngược đời trái chiều với Vua Trời, vì chúng ta chỉ là bụi tro nhơ nhớp và hèn mọn, thế mà chúng ta lại muốn ở “trên mây”, nghĩa là nâng mình lên càng cao càng tốt, là kiêu ngạo. Nếu vậy thì chúng ta hoàn toàn đi ngược chiều với Đấng mà chúng ta tôn vinh là Thiên Vương, là Chúa Tể Càn Khôn, là Vua Trời Đất, là Vua Vũ Trụ. Hai người chuyển động ngược chiều thì làm sao gặp nhau?

Vậy chúng ta học được chút gì ở Vua Giêsu về quyền hành, chức vụ, địa vị, cách phục vụ, sự tha thứ, tình yêu thương, lòng thương xót, cách nói, cách đối nhân xử thế,…? Nhưng nên nhớ rằng học là một chuyện, thuộc bài là một chuyện, còn thực hành bài học đó hay không lại là chuyện khác!

Lạy Thiên Vương Giêsu, Vua Khiêm Nhường, Vua Sự Thật, Vua Thương Xót, chúng con khiêm nhường phủ phục mà xin lỗi Ngài vì chúng con quá tồi tệ. Xin xót thương và tha thứ cho chúng con, và xin Ngài mãi mãi là Vua cai trị cuộc đời chúng con. Xin cậy nhờ công nghiệp của Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …