Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm (2) Tin Mừng Chúa nhật XXXII TN, năm C, của Trầm Thiên Thu

Suy Niệm (2) Tin Mừng Chúa nhật XXXII TN, năm C, của Trầm Thiên Thu

CHẾT là SỐNG

chet-la-songCông giáo khác hẳn với các tôn giáo khác là tin có sự sống lại và sự trường sinh bất tử. Đó không chỉ là “niềm tin” mà còn là sự thật minh nhiên, bằng chứng là Chúa Giêsu đã bị người ta giết chết, nhưng Ngài đã chiến thắng Tử thần mà phục sinh vinh hiển. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Hằng Sinh, đúng như Chúa Giêsu đã xác định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6).

Có một kiểu “không giống ai” mà Thánh Phanxicô Assisi đã minh định: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. CHẾT mà lại là SỐNG. Chẳng ai không có niềm tin lại có thể tin nổi, vì thường thì ai cũng “tham sanh, úy tử”, thậm chí còn biến thành hèn nhát, chứ có mấy ai lại dám liều mạng. Nhưng cái nghịch-lý-thuận “chết là sống” kia chỉ có trong niềm tin Kitô giáo. Và điều này được minh chứng sống động qua các vị tử đạo xưa nay!

Thời Cựu ước, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Môsê cấm. Thay mặt cho anh em mình, một người lên tiếng nói: “Vua muốn tra hỏi chúng tôi cái gì? Vua muốn biết điều gì? Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi” (2 Mcb 7:1-2). Rất can đảm và ngoan cường!

Ngay cả khi sắp trút hơi thở cuối cùng, anh nói: “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2 Mcb 7:9). Lại một lần nữa chứng tỏ chí khí nam nhi, minh chứng niềm tin kiên cường, không sợ thế lực trần gian. Rất đáng khâm phục. Thật tuyệt vời biết bao!

Sau người này, đến lượt người thứ ba bị tra tấn. Vừa được yêu cầu, anh liền thè lưỡi, can đảm đưa tay ra, và khẳng khái nói: “Tôi có được lưỡi này, tay này, là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy lại được” (2 Mcb 7:11). Quá đỗi kỳ lạ! Thế nên cả “nhà vua và quần thần đều phải sửng sốt vì lòng can đảm của người thanh niên đã dám coi thường đau khổ” (2 Mcb 7:12).

Người này chết rồi, người ta cũng tra tấn hành hạ người thứ tư như vậy. Khi sắp tắt thở, anh nói như sau: “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại. Còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu” (2 Mcb 7:14). Và cả bảy mẹ con đều chịu chung số phận: Bị giết chết. Tuy nhiên, chết là được giải thoát, là mối lợi đối với họ, và rồi chính sự chết là “thù địch cuối cùng bị tiêu diệt” (1 Cr 15:26). Đó là điều chắc chắn!

Trước mặt người đời, những người-tin-vào-Đức-Kitô là đối thủ “đáng gờm” của thế nhân, bị coi là “kẻ thù không đội trời chung”. Dù bị bách hại đủ cách, hết cá nhân tới tập thể, nhưng các tín hữu vẫn không kiếp nhược, và họ luôn kiên tâm tin tưởng cầu nguyện liên lỉ, một mực yêu mến Sự Thật và Công Lý mà thôi: “Lạy Chúa, xin nghe con giãi bày lẽ phải, lời con than vãn, xin Ngài để ý; xin lắng tai nghe tiếng nguyện cầu thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa” (Tv 17:1).

Ngày nay, việc bách hại các tín hữu gia tăng đáng kể, nhưng càng bị bách hại, các tín hữu tín trung càng bám vào Thiên Chúa, vì họ chân nhận rằng chỉ có Ngài là cùng đích và cứu cánh: “Con dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã. Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu” (Tv 17:5-6). Chúa chưa ra tay ngay, không phải Ngài muốn thử lòng, mà Ngài thấy chưa thực sự cần thiết, và Ngài biết họ là những môn đệ chân chính của Ngài. Rồi Ngài sẽ ra tay cứu độ.

Các Kitô hữu tha thiết van xin Thiên Chúa: “Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở” (Tv 17:8). Lời cầu nguyện đầy ắp niềm tín thác, ngay cả trong những lúc quẫn bách nhất. Họ biết mình thế nào nên không hề run sợ, không hề nhát đảm, chỉ muốn bảo vệ Chân Lý của Thiên Chúa Hằng Sinh: “Về phần con, sống công minh chính trực, con sẽ được trông thấy mặt Ngài, khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 17:15). Ánh Đức Tin sáng ngời quá!

Từ 2.000 năm trước, Thánh Phaolô cũng đã từng tha thiết cầu chúc các Kitô hữu: “Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làmnói tất cả những gì tốt lành” (2 Tx 2:16-17). LÀM và NÓI luôn phải đi đôi, không thể nói mà không làm, chí ít cũng phải làm dù không nói. Đó mới là người-đứng-thẳng-lưng và dám-nói-to trước bất kỳ kẻ thù nào, dù địch thù rất nham hiểm và tàn ác.

Thánh Phaolô mong ước: “Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Kitô” (2 Tx 3:5). Tình yêu có thể vượt qua mọi trở ngại để có thể chịu đựng mọi sự. Có lòng yêu thương chân thành thì người ta khả dĩ làm bất cứ thứ gì. Tình yêu kỳ diệu biết bao!

Những người mưu mô thâm độc ở đâu cũng có, chẳng trừ “góc nhỏ” nào, họ là hiện thân của quỷ sứ. Đôi khi họ ảo tưởng hoặc ngộ nhận khi tỏ ra mình nhân đức và dường như rất biết “thương người như thể thương thân”, năng nổ và nhiệt thành sinh hoạt các hội đoàn, nhưng lại ngấm ngầm gây chia rẽ giữa hội này với đoàn nọ, kỳ thì nhóm nọ với nhóm kia,… Những “vẻ đạo đức” đó chỉ là tấm bình phong mà thôi!

Cũng như một bữa nọ, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy “dài hơi” hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” (Lc 20:28-33). Đểu hết sức! Ra cái vẻ lịch sự, nhưng “miệng nam-mô” thế đấy mà “bụng một bồ dao găm” chứ tốt lành gì đâu. Nham hiểm với mức độ tinh vi quá!

Họ hỏi “dài hơi”, và Đức Giêsu cũng làm “một lèo” để đáp lại: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20:34-38).

Kẻ cướp gặp bà già. Bảy mươi còn phải học bảy mốt kia mà. Không nói thì thôi, họ càng nói ra thì càng lòi cái ngu, không phải ngu bình thường mà là dạng “ngu bẩm sinh”, “ngu quốc tế”, “ngu tận số”, “ngu siêu đẳng”,… gọi chung là “đại ngu”.

Nghe Sư Phụ Giêsu phân tích rạch ròi, họ chỉ có nước “câm họng”, im hơn thóc thối, bồ hòn có đắng mấy cũng ráng ngậm và ra làm ra vẻ “ngọt như mía lùi” mà thôi. Thật tội nghiệp! Nhưng cũng phải “đanh đá” như vậy mới “xứng tầm” với bọn mang hình hài con người mà có tâm địa ma quỷ. Cũng “đáng đời” những kẻ có “lòng lang, dạ thú”, chuyên gia “ngậm máu phun người” ấy lắm. Đúng như tiền nhân nói: “Thần khẩu hại xác phàm”. Chắc chắn sau đó họ lủi đi nhanh hơn cuốc lủi, chứ còn mặt mũi nào mà đứng đó!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con kiên cường trong ba nhân đức đối thần và cả các đức đối nhân, dứt khoát và khẳng khái, không chịu khuất phục trước thế quyền. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …