Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM (2) TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI TN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

SUY NIỆM (2) TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXVI TN, NĂM C, CỦA TRẦM THIÊN THU

MẨU BÁNH và GIỌT NƯỚC

maubanh-giotnuocMẩu bánh và Giọt nước là hai thứ nhỏ nhoi, chẳng đáng kể, nhưng lại liên quan việc ăn uống, đặc biệt liên quan sự sống. Rất lạ là những thứ thừa thãi của người này lại có thể là những thứ vô cùng cần thiết đối với người khác.

Thằng Bờm không cần những thứ “cao siêu” mà chỉ cần nắm xôi mà thôi. Không phải Thằng Bờm có “tâm hồn ăn uống” mà vì lương thực là thứ thiết yếu không thể thiếu để duy trì sự sống.

Thế giới lúc nào cũng có những người rất nghèo, nghèo đến nỗi thiếu cả những thứ cơ bản và thiết yếu nhất. Nghèo không vì họ lười biếng, mà là một ẩn số và vô cực, không ai có thể giải thích thỏa đáng, đừng vội trách họ! Nghèo không là tội, nhưng như một cái “vạ”, thậm chí còn là cái nhục, vì bị người khác nhìn bằng nửa con mắt! Tục ngữ Việt Nam cảnh báo: “Cười người hôm trước, hôm sau người cười”. Lối chơi chữ bằng cách đảo ngữ trong Việt ngữ rất độc đáo: Cười người và người cười. Ca dao Việt Nam nhắc nhở: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm từng hạt đắng cay muôn phần”.

Chúa Giêsu đến thế gian và chịu chết thay chúng ta vì Ngài thương xót chúng ta, nhất là những người nghèo khổ – tinh thần và vật chất. Rõ ràng nhất là cái nghèo vật chất. NGHÈO thì luôn kèm theo KHÓ và KHỔ, thế nên họ hóa KHỜ. Giàu hay nghèo cũng mang hai ý nghĩa: Về tinh thần và về vật chất. Nhưng khi nói đến chữ “nghèo”, người ta nghĩ ngay tới nghèo vật chất. Tuy nhiên, nghèo vật chất không đáng sợ bằng nghèo tinh thần. Ca dao Việt Nam nói: “Nghèo tiền nghèo bạc chẳng lo, nghèo nhân nghèo nghĩa mới lo mình nghèo”.

Giàu mà không biết chia sẻ thì mắc tội với Thiên Chúa và tha nhân. Càng mắc tội hơn nếu người giàu khinh người nghèo, dùng tiền bạc mà khuynh đảo người khác, mua chuộc cấp trên để mình “có tiếng” – dù trình độ thấp kém. Người có chức quyền vì “khoái” tiền bạc mà nghe theo người giàu thì tội càng to hơn. Đó là tính liên đới trong đức ái của Thiên Chúa. Người đời như vậy đã đành, buồn thay là một số người Công giáo cũng chẳng hơn gì thế gian.

Thật tuyệt vời khi ĐGH Biển Đức XVI đã nhấn mạnh: “Khi bàn tay của tân linh mục được xức dầu thánh, Đức giám mục chỉ định rõ những bàn tay đó không được dùng để hành xử quyền lực hay thu thập của cải vật chất nhưng hãy biến nó thành những dụng cụ để thực thi những việc có tính cách hy sinh, xả kỷ, sáng tạo và tình thương. Bên cạnh đó, việc trao chén thánh cũng hàm ý nói lên rằng: Đời sống linh mục luôn gắn liền với hy tế thập giá của Đức Giêsu, do vậy, họ phải tái diễn hy tế ấy mỗi ngày trong suốt cuộc đời qua việc dâng lễ trên bàn thờ”. Giáo hoàng Biển Đức ơi, ngài nói thế thì chạm tự ái chết đi được! Thế nhưng phải thế thì mới thuận Ý Chúa, vì Chúa Giêsu sinh nghèo, sống nghèo và chết nghèo, khổ từ Belem tới Can-vê! Chúa ơi! Thế mà các môn đệ của Ngài ngày nay khác hẳn. Làm sao đây Chúa?

Chuyện giàu – nghèo là bộ phim không có hồi kết, là cuốn truyện không có đoạn kết… và mãi là ẩn số cuộc đời!

Trình thuật Lc 16:19-31 kể một dụ ngôn “độc đáo” về chuyện giàu – nghèo: Phú hộ và Ladarô. Phú hộ là danh từ xưa, ngày nay gọi là “đại gia”. Dụ ngôn này cho thấy rõ tính liên đới về đức ái – cũng chính là lòng thương xót. Dụ ngôn mà thực tế, rất thực tế ở đời thường, không phải truyện cổ tích.

Nhà giàu nên nuôi chó dữ để giữ nhà, giữ của. Nhà càng giàu thì chó càng dữ. Tính dữ dằn của chó một phần tùy loại chó, một phần là vì chúng ít thấy người, có thấy thì chúng chỉ thấy “người đẹp”: Áo quần bảnh bao, nước hoa thơm phức, xe hơi bóng lộn, vàng trĩu cổ và đỏ tay,… Thế nhưng thật lạ, lũ chó dữ nhà phú hộ lại không sủa cũng chẳng cắn Ladarô nghèo khổ, mà chúng lại tỏ lòng thương xót bằng cách liếm các vết thương cho anh. Về điểm này, những người giàu bất nhân không bằng lũ chó dữ.

Sinh ký, tử quy. Ai cũng phải một lần chết – dù giàu có hay nghèo nàn, cao sang hay hèn hạ, vua chúa hay dân đen. Thánh sử Luca kể rạch ròi: Ladarô nghèo khổ chết và được thiên thần đem vào lòng Tổ phụ Ápraham.

Phú hộ cũng chết, tiền bạc không cứu nổi ông. Phú hộ chết trên đống vàng, chết cũng còn sướng, quan tài là loại mắc tiền nhất, đám tang thật lớn, vòng hoa không đủ chỗ đặt, cờ giăng rợp trời, cáo phó khắp nơi, người vào kẻ ra nườm nượp, khách toàn những “ông kia, bà nọ”, khói nghi ngút tỏa ra từ những nén nhang thơm loại mắc tiền, khoản phúng điếu cả trăm triệu, kèn trống rộn ràng, thậm chí còn có cả chương trình ca múa nhạc cho thiên hạ thưởng thức; nếu người giàu là người có đạo thì gia đình tổ chức lễ đồng tế, tiệc tùng linh đình, không ai khóc, ai cũng hớn hở bắt tay nhau,… Người giàu chết “công khai”.

Ngược lại, người nghèo chết âm thầm, chết trong đau khổ, chết vì không có tiền chạy chữa, chết hèn hạ, chết tủi nhục, chết đau đớn, chẳng ai thèm chú ý, không ai phúng điếu, vắng hơn Chùa Bà Đanh, bát nhang lạnh tanh, quan tài rẻ nhìn như chiếc thùng gỗ, đúng là… đám ma!

Thánh sử Luca kể tiếp: Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông phú hộ ngước mắt lên, thấy Tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” (Lc 16:24). Ngày xưa chắc hẳn phú hộ gọi Ladarô là “thằng” và xua đuổi như tà khí, thế mà nay lại “ngoan ngoãn” gọi la Ladarô là “anh”. Lạ thật! Có điều bất thường chắc là có mưu đồ. Nhưng Tổ phụ Ápraham nhà ta vừa cười vừa lắc đầu và thản nhiên phân tích: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được” (Lc 16:25-26). Đó là công lý, là công bình bác ái, nói theo kiểu phàm ngôn thì là “luật nhân quả”. Chuyện tất nhiên và dễ hiểu thôi!

Có lẽ quen “xin xỏ” khi còn sinh thời nên ông ta thấy xin cho mình không được thì “chuyển hướng” xin cho người khác. Còn biết nghĩ tới người khác như vậy cũng còn tốt đấy. Ông ta năn nỉ: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” (Lc 16:27-28). Ông Ápraham nói ngay: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (Lc 16:29). Vẫn quen thói nịnh bợ, ông nhà giàu tiếp tục ráng năn nỉ: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối” (Lc 16:30). Mắc cười thật! Và rồi ông Ápraham nói thẳng: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc 16:31). Chí lý hết sức! Phú hộ cùng đường, đành “bó tay” thôi! Thế thì tiêu thật!

Khi sinh thời trên trần gian, người giàu có hưởng thụ mọi của ngon vật lạ, khi ở hỏa ngục lại mơ được MỘT GIỌT NƯỚC. Khi sinh thời trên trần gian, người nghèo khổ thèm MỘT MẨU BÁNH mà cũng không có, không ai thèm bố thí. Hai hình ảnh hoàn toàn tương phản với nhau!

Lạy Thiên Chúa, xin biến đổi chúng con thành những GIỌT NƯỚC và những MẨU BÁNH để chia sẻ với những người cần. Xin Ngài giúp chúng con biết chân thành cầm chính Tấm-Bánh-Cuộc-Đời-Mình, tạ ơn Chúa, bẻ ra và trao cho tha nhân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN