Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM (2) TIN MỪNG CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM. ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

SUY NIỆM (2) TIN MỪNG CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN, NĂM C, CỦA LM. ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Xét Mình Trước Khi Xét Đoán Người Khác

(Lc 7, 36- 8,3)

padre-miguel-alderete-garrido_tus-pecados-te-son-perdonadosTrung tâm của đoạn Tin Mừng hôm nay là người đàn bà tội lỗi, trước mặt người đời, bà không được như họ, vì bà đã mất hết danh dự, nhưng bà đã nhận ra rằng bà vẫn còn có cái để cho Chúa Giêsu. Với giọt nước mắt, mớ tóc, dầu thơm, nhất là bằng ngôn ngữ của thân xác, bà đã chiếm trọn trái tim Chúa Giêsu, và bày tỏ tình yêu cùng lòng kính trọng của mình đối với Người.

Chúa Giêsu và người Biệt phái

Thánh Luca kể về một người Biệt Phái có tên là Simon mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tối tại nhà ông. “Biệt Phái” có nghĩa là “tách khỏi“, người này được tách ra khỏi người kia ! Thời Chúa Giêsu, tại Palestin đã có khoảng 6.000 người. Họ giảng dạy trong các hội đường, tự coi mình là mô phạm về tôn giáo cũng như việc tuân giữ Luật và các tập tục của tiền nhân. Họ cho rằng các tập tục truyền thống cũng có giá trị như Kinh Thánh (x.Mc 7, 8-13).

Khi nhận lời mời, Chúa Giêsu vẫn giữ được tự do của Chúa. Người Biệt Phái là chủ nhà. Chung quanh ông còn có bạn bè, đồng nghiệp về tôn giáo. Trong số khách mời đặc biệt, Chúa Giêsu không được chủ nhà tiếp đãi cách trọng nhất, ông bận tâm để ý đến bạn bè của ông hơn là những nhà giảng thuyết lưu động. Ông rửa chân cho các khách mời của mình, đón tiếp họ, trao hôn bình an và đổ dầu thơm lên đầu theo tục lệ. Chúa Giêsu thì không có ba điều trên (x. Lc 7,44-46).

Chúa Giêsu và người đàn bà

Chúng ta biết rằng người đàn bà đã bước vào phòng ăn, trong thực tế bà không được mời. Bà mang đến cho Chúa Giêsu ba thứ mà  Simon đã bỏ qua để bầy tỏ lòng mến khách. Bà không bận tâm đến chủ nhà. Chủ của bà chính là Chúa Giêsu. Bà lấy nước mắt mà rửa chân Chúa, lấy tóc mình mà lau và lấy dầu thơm hảo hạng mà đổ lên đầu Chúa (x. Lc 7,37-38). Ông Simon vấp phạm, vì thấy Chúa Giêsu để cho người đàn bà tội lỗi tỏ bày sự kính trọng như thể yêu thương ở nơi công cộng.

Rõ ràng người biệt phái khinh thường phụ nữ. Đối với Chúa Giêsu, Simon cho rằng Chúa Giêsu không thể là người của Thiên Chúa được, cứ tưởng tượng mà xem một tiên tri sao lại để cho người đàn bà, mà bà này là người tội lỗi, lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc mình mà lau nữa, lại còn làm công khai trước mặt mọi người  (x. Lc 7, 39). Simon nhìn hành động của người đàn bà với “tư tưởng xấu”. Có ai đó đã nói, “hãy nói cho tôi biết điều bạn đang nghĩ tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai!“. Và Dostoevskij viết “nếu những suy nghĩ của chúng ta đã có mùi, nó sẽ làm băng hoại thế giới“.

Người biệt phái để Chúa Giêsu giải thích : “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông …” (Lc 7, 40). Và Chúa đã cho ông một bài học xứng đáng về “cách đối nhân xử thế : “Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi… Ông đã không hôn chào Tôi… Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã làm tất cả… ” (Lc 7, 44-47).

Người Biệt phái và người đàn bà tội lỗi

Simon xem sự so sánh mình với tội lỗi, có thể là một cô gái điếm, và thấy rằng dưới cái nhình của Chúa Giêsu, bà có một chỗ đứng tuyệt vời trong nhà ông, người biệt phái. Người đàn bà là người trung tâm của câu chuyện Phúc Âm hôm nay không nói một lời. Nhưng Chúa Kitô bảo vệ bà và nói với bà : “Hỡi bà, đức tin con đã cứu con. Tội ngươi đã được tha.” (Lc 7, 48-49)

Simon thấy bà chỉ là “gái mại dâm“, Chúa Giêsu thấy nơi người đàn bà nghèo này có bao điều tốt đẹp. Vì thế Chúa bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ?” (Lc 7, 40). Nhìn bà ấy với thiện cảm, người ta sẽ khám phá ra lịch sử của cá nhân bà cũng như phẩm chất con người và nhân phẩm tuyệt vời của bà.

Simon người Pharisêu đã quên mất rằng ông cũng là một tội nhân, có lẽ ít tội lỗi hơn so với người đàn bà sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, nhưng ông vẫn là tội nhân. Gặp bà ông không có mấy thiện cảm. Ông là mẫu người dễ dàng nhìn thấy cái rác trong mắt của người khác, nhưng bỏ qua cái đà trong mắt mình.

Chúng ta phải đọc lại Tin Mừng khác để xem cách thức Chúa Giêsu đối xử với Maria Magdalêna (x. Lc 8, 2), người Samaritanô (x. Lc 10, 29-37), bà góa phụ nghèo bỏ hai đồng xu vào thùng tiền Đền thờ (x. Lc 21, 1-4), người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-11), người phụ nữ bị bệnh xuất huyết (x. Lc 8, 43-48) v.v. Hơn nữa, đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc khi nói rằng Chúa Giêsu đi từ làng nay qua làng nọ, theo Chúa không chỉ có nhóm Mười Hai mà còn có nhiều phụ nữ Chúa đã cho khỏi cũng đi theo Người. Thánh Luca nhắc tên của ba người đàn bà ấy. Đó là điều không tưởng vào thời của Chúa Giêsu. Người ta cấm các phụ nữ không được tham dự lớp học của các giáo sĩ Do Thái! (x. Lc 8, 1-3)

Hôm nay, qua ông Simon người Pharisiêu, Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta nhìn lại chính mình trước khi xét đoán người khác, tránh mắc phải những nghĩ lễ bề ngoài mà nghĩ rằng chúng ta tốt hơn những người không thuộc về “tầng lớp xã hội chúng ta”.

Theo cái nhìn của Chúa Giêsu, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không phải là “quan án“, nhưng “là người tha nợ“, tha thứ tội nhân. Và Chúa đòi hỏi chúng ta phải có thái độ tương tự đối với người khác: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …