Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm (2) Tin mừng Chúa Nhật III TN, năm A, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm (2) Tin mừng Chúa Nhật III TN, năm A, của Trầm Thiên Thu

TƯƠNG LAI

TƯƠNG LAITương lai là thời gian chưa đến – nói chung. Nhưng tương lai có thể là tương lai xa hoặc tương lai gần – sẽ xảy ra hoặc sắp xảy ra, “khoảng” xa hay gần cũng khác nhau, nhưng chắc chắn không ai biết được điều gì xảy ra, có đoán chừng thì cũng chỉ là “đoán mò”, tùy… hên – xui (!).

Nhưng có một dạng tương lai chắc chắn: Ngày của Chúa, thời của Chúa, triều đại của Chúa, nước của Chúa đã đến gần rồi (Mt 4:17; Mt 26:18; Lc 9:27; Lc 10:9; Pl 4:5; Dt 10:25; Gc 5:8; Kh 1:3). Nói chuyện tương lai là việc của thế gian thôi, chứ đối với Chúa chỉ có hiện tại, không có quá khứ hoặc tương lai.

Kinh Thánh cho biết: “Thời đầu, Người đã hạ nhục đất Dơ-vu-lun và đất Náp-ta-li, nhưng thời sau, Người sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Giođan, vùng đất của dân ngoại” (Is 8:23). Chỉ là chuyện địa lý bình thường, nhưng vẫn liên quan chuyện tâm linh. Vì Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, Ngài đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên, bắt nghèo và cho giàu, hạ thấp rồi nâng cao (1 Sm 2:6-7).

Ngôn sứ Isaia nói: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm” (Is 9:1-2). Không vui mừng sao được khi đang ở trong bóng tối mà thấy có ánh sáng chiếu soi. Nhưng tại sao lại như vậy?

Lý do được cho biết rạch ròi: “Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Mađian. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa” (Is 9:3-4). Được giải thoát khỏi cảnh tù đày, được giải cứu khỏi cảnh nô lệ, chắc chắn ai cũng vui sướng khôn tả, nói theo cổ tích thì có thể ví như Lưu Nguyễn lạc vào cõi thiên thai vậy. Có lẽ phàm ngôn không đủ từ ngữ để diễn tả niềm hạnh phúc đó.

Không chỉ vui sướng tột cùng mà người ta còn can đảm hơn, như tác giả Thánh Vịnh bộc bạch: “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa?” (Tv 27:1). Có Chúa rồi, người ta không nề hà bất kỳ cái gì nữa, vì ngoài Chúa ra thì tất cả chỉ là rơm rác, phân tro. Đã cảm nghiệm được “vị ngọt ngào” của Chúa, tác giả Thánh Vịnh quyết tâm: “Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi, mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng” (Tv 27:4). Thế là vô tư, thế là an toàn nhất!

An toàn với lý do đơn giản thôi: “Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27:13). Cảm nghiệm được Chúa và được vui mừng khôn tả, tác giả Thánh Vịnh không thể giữ kín trong lòng mà phải mời gọi người khác cùng cảm nghiệm Chúa để được tận hưởng Ngài: “Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa” (Tv 27:14).

Tuy nhiên, Thánh Phaolô cảnh báo: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau. Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em” (1 Cr 1:10-11). Tình trạng này vẫn thường xảy ra trong thời đại hôm nay, ngay trong các cộng đoàn hoặc hội đoàn. Đừng ảo tưởng và đừng vội cho là mình thánh thiện!

Thánh Phaolô phân tích tỉ mỉ và nói thẳng tới nơi tới chốn: “Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: ‘Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Kitô’. Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao? (1 Cr 1:12-13). Quả thật, đôi khi chúng ta lợi dụng Chúa hoặc lấy danh Chúa mà hành động không đúng mà lại cứ tưởng là tốt lành. Thật là nguy hiểm! Rất thú vị và tuyệt vời với cách nhận định của người Pháp: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối người khác”. Nghe chừng mâu thuẫn nhưng lại hợp lý và chính xác.

Thánh Phaolô cho biết: “Quả vậy, Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (1 Cr 1:17). Có lẽ vẫn có người nghĩ rằng phải “khéo nói” thì người ta mới bùi tai và nghe theo, thực ra đó là “lẻo mép” và theo kiểu “dụ dỗ” đấy thôi, nhưng nói về Tin Mừng thì phải xác thực, nghiêm túc, thẳng thắn, không lòng vòng, không lải nhải nhiều chuyện. Ai không yêu sự thật, không dám bảo vệ công lý thì không thể hoặc không dám “đọc” hoặc “chạm” vào những điều nhạy cảm, tìm cách tránh né để khỏi “phiền” đến thân, giống như “người đau mắt sợ ánh sáng” vậy!

Đức Kitô mãi mãi là MỘT (Dt 13:8), và Ngài cũng tha thiết muốn tất cả NÊN MỘT (Ga 17:20-23). Hiệp nhất luôn rất cần thiết. Thế nhưng đôi khi chúng ta lại chia năm xẻ bảy Nhiệm Thể của Ngài bằng những cách rất tinh vi!

Trình thuật Mt 4:12-16 cho biết: Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói: “Này đất Dơ-vu-un, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại!”. Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

Sách Isaia nói tới bóng tối và ánh sáng đời thường, Tin Mừng nói tới bóng-tối-tử-thần và Ánh-Sáng-Đức-Kitô. Hai thái cực đối nghịch: Bóng-tối-tử-thần là bóng-tối-tội-lỗi, còn Ánh-Sáng-Đức-Kitô là ánh-sáng-cứu-độ, ánh-sáng-sự-sống, ánh-sáng-sự-thật, ánh-sáng-công-lý. Phụng vụ Lời Chúa có “mạch” nối kết rất lô-gích.

Thánh Mát-thêu kể lại: Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4:17). Chúng ta ở trong bóng-tối-tử-thần nhưng được Chúa kéo ra và cho vào ánh-sáng-sự-sống. Nhưng rồi chúng ta lại chui vào bóng-tối-tội-lỗi. Thế nên Chúa Giêsu phải kêu gọi mau mau sám hối vì Nước Trời đến gần rồi. Ngài muốn nói đến tương lai gần chứ không phải là tương lai xa.

Lúc sau đó, khi đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, Chúa Giêsu thấy hai anh em kia là Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là Anrê, họ đang quăng chài xuống biển, vì họ là ngư phủ. Ngài bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4:19). Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Ngài.

Đi một quãng nữa, Ngài thấy hai anh em khác là con ông Dê-bê-đê, đó là Giacôbê và người em là Gioan. Họ đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Ngài gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Ngài.

Cả hai cặp anh em đều có điểm chung: Lập tức bỏ mọi sự và mau mắn theo Chúa. Đó là động thái dứt khoát, muốn dứt khoát thì phải mạnh mẽ và can đảm. Đời sống thường nhật luôn cần các động thái đó, tất nhiên lại càng cần hơn trong đời sống tâm linh.

Thánh Mát-thêu cho biết: “Đức Giêsu đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4:23). Đó là dấu hiệu cho biết Nước Trời sắp đến, nghĩa là ở thì tương lai gần.

Lạy Thiên Chúa, xin ban Thánh Linh để chúng con đủ can đảm mà dứt khoát đối với quá khứ đen tối và đối với tội lỗi, đồng thời cũng biết mau mắn tuân phục Thánh Ý Ngài mọi nơi và mọi lúc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …