Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG (2) LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, C, CỦA JOS. VINC. NGỌC BIỂN

SUY NIỆM TIN MỪNG (2) LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG, C, CỦA JOS. VINC. NGỌC BIỂN

CHÚA THÁNH THẦN LÀ THẦN CHÂN LÝ

(Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)

Jos.Vinc. Ngọc Biển

CTTHX2Trong lịch sử cứu độ của Dân Chúa, Chúa Thánh Thần đóng vai trò rất quan trọng nơi nhiệm cục cứu độ từ khi sáng tạo cho đến ngày tận cùng của nhân loại. Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội; là Sinh Khí trong thân xác con người.

Khi xuống trần gian, Đức Giêsu đã mặc khải cách tiệm tiến về Chúa Thánh Thần. Cuối cùng, Ngài đã trao ban Chúa Thánh Thần cho nhân loại thông qua việc thổi hơi trên các Tông đồ và trao ban bình an kèm theo ơn tha tội. Khi Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các ông, Người đã biến đổi, ban sức mạnh, lòng cam đảm và sự trung thành, để các ông ra đi làm chứng cho Chân Lý là chính Đức Kitô. 

  1. Đức Giêsu trao ban Chúa Thánh Thần để biến đổi các Tông đồ

Khi các Tông đồ phải đối diện với cuộc thương khó của Đức Giêsu, các ông hoang mang, sợ hãi và tìm mọi cách để chạy trốn thoát thân. Rồi sau khi Đức Giêsu chết, tất cả các ông đều sợ hãi, vì thế, họ đã đóng kín cửa vì sợ người Dothái. Các ông sợ vì Thầy mà bị liên lụy; họ đã giết Thầy thì hẳn cũng sẽ tìm cách giết môn đệ, để dẹp luôn những tư tưởng mà Đức Giêsu đã gieo vào trong lòng của các ông.

Nhưng có lẽ điều cốt yếu mà các ông đang hoang mang, đó chính là ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã rao giảng. Bởi lẽ, các ông cũng như những người đương thời cho rằng: Đức Giêsu chết là hết. Lòng tham vọng trần tục của các ông tan thành mây khói. Thấu hiểu được lòng dạ từng môn đệ, nên Đức Giêsu đã hiện đến, trao ban cho các ông chính nguồn cội của lòng thương xót là Chúa Thánh Thần qua ơn bình an và ơn tha tội.

Khi lãnh nhận món mà cao quý và vô giá như vậy, lòng các Tông đồ đã tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, nhất là từ trong tâm khảm, các ông được ơn biến đổi.

Thật vậy, khi đã cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời mình như thế, nên các ông đã không thể ngồi yên hoặc an hưởng một mình, mà đã hân hoan mở tung cách cửa cô đơn, sợ hãi, ích kỷ, vụ lợi, hình thức… để thực thi lệnh truyền của Đức Giêsu: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”; “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

  1. Chúa Giêsu trao ban cho các Tông đồ Thần Chân Lý

Khi trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, Đức Giêsu đã mạc khải cho các ông biết Người chính là “Thần Khí sự thật”. Khi đến, Người sẽ giúp cho các Tông đồ hiểu được những lời Ngài đã rao giảng. Mặt khác, Chúa Thánh Thần sẽ bào chữa cho các ông khi phải ra trước mặt quan toà để làm chứng cho sự thật: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12,11-12). Thật thế, nếu xét trên bình diện con người, các ông làm sao có thể thi hành một sứ mệnh cao cả và quan trọng đến như vậy. Bởi vì các Tông đồ là những người rất bình thường trong những người bình thường nhất. Họ là những người quanh năm suốt tháng chỉ biết sống với nghề chài lưới, vật lộn với sóng nước biển khơi, học vấn thì kém cỏi, khả năng diễn thuyết trước công chúng thì quá xa vời. Thế nhưng, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông đã hân hoan lên đường để làm chứng cho Đức Giêsu, một Đức Giêsu đã chết và sống lại vì yêu con người. Điều này đã được chứng minh nơi Tông đồ trưởng Phêrô trong bài giảng đầu tiên. Phêrô đã khuất phục được rất nhiều người, trong đó có khoảng 3.000 người tin theo (x. Cv 2,41).

  1. Chúa Thánh Thần và đời sống chứng nhân của người Kitô hữu

Ngày xưa, khi các Tông đồ chưa nhận được ơn Chúa Thánh Thần thì họ lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin… Nhưng khi nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã hân hoan lên đường để rao truyền chân lý. Các ngài đã coi đó như là mối lợi tuyết đối mà Chúa dành cho mình. Còn chúng ta ngày nay thì sao? 

Thiết nghĩ, đây là dịp để chúng ta suy nghĩ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mỗi người, cũng như trách nhiệm của chúng ta trước sứ mạng được trao.

Là người Công giáo, được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, chúng ta có trách nhiệm loan truyền Đức Giêsu và làm chứng về Ngài trong gia đình, làng xóm, xứ đạo và thế giới hôm nay bằng đời sống chứng nhân.

Thế nhưng, thực tế thì khác nhiều lắm! Nếu được hỏi: “Ông bà, cô bác, anh, chị, em… có tin Chúa không?” Ngay lập tức, ta sẽ nhận được câu trả lời là “có”, thậm chí còn bị mắng vốn là “hỏi thế mà cũng hỏi”; “hỏi ấm ớ…”. Nhưng thử hỏi trong đời sống đức tin, chúng ta sống đạo hay chỉ giữ đạo? Đây là câu hỏi xoáy vào tận nội căn của mỗi người, bởi vẫn còn đó những cảnh cãi vã nhau gay cấn ngay khi vừa ra khỏi nhà thờ sau thánh lễ và không nhân nhượng khi tuyên bố: “Tao mà không vừa rước lễ xong, thì hôm nay, tao sẽ xé xác mày”; rồi những lần đi lễ “ôm”, những cảnh “đạo gốc” và phì phèo điếu thuốc (đi lễ nhưng ngồi ở những gốc cây quanh nhà thờ)… Hay khi buôn bán: lấy tiền 1kg, nhưng ăn bớt chỉ còn 800gr; bơm nhồi hoá chất độc hại vào những rau, củ, quả… mà mình sẽ bán; hoặc thượng tôn cái “bụng” mà gian tham, bóc lột, nhận hối lộ… từ đó sinh ra thói vô cảm, dửng dung với anh chị em… Lại nữa, chúng ta cũng thấy không ít người Công giáo sống đạo theo kiểu “lâm thời”. Khi gian nan thử thách đến là sẵn sàng khấn “ông địa” vái “bà mo” hay đi xem bói, xem tướng, lên đồng, không còn tin tưởng vào Thiên Chúa tuyệt đối nữa… Nhiều khi chúng ta giống như những “tượng thánh giả tạo”: bên ngoài thì đẹp đẽ, nhưng khi nước sơn hình thức bị phai nhạt, tức là những thử thách ập đến, tượng thánh đó sẽ hiện nguyên hình quỷ.

Đây phải chăng là những căn bệnh trầm kha trong cách sống đạo của nhiều người Công Giáo hiện nay!

Như vậy, trên lý thuyết: tin thì vẫn cứ tin, ít ai có khái niệm bỏ đạo, nhưng cách sống đạo thì hời hợt, trong cuộc sống thì bon chen, quỷ quyệt… Những thái độ đó chẳng khác gì khối “ung nhọt” nằm trong thân xác tráng kiện bên ngoài với cái mác hai chữ Công Giáo giả tạo, hay như những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì đẹp mắt, nhưng bên trong thì thối tha.

Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta hãy xin Người biến đổi con người cũ của chúng ta thành con người mới trong Thần Khí và sự thật, để dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải là người Công Giáo chân chính như lòng Chúa và Giáo Hội mong muốn.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Người ngự đến để đổi mới mặt địa cầu; để dẫn chúng con đến sự thật toàn vẹn. Xin Người ban sức mạnh; lòng cam đảm để chúng con sẵn sàng ra đi làm chứng cho sự thật là chính Đức Kitô và luôn sống những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …