Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ TRUYỀN TIN CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ TRUYỀN TIN CỦA P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

 

(Lc 1, 26 – 38)

ĐẤNG ĐẦY DIỄM PHÚC!

 

Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn, suy niệm Tin Mừng Lễ TRUYỀN TIN là suy niệm một mầu nhiệm quá sức hiểu của loài người. Chúng ta không thể hiểu được một kế hoạch của Thiên Chúa, vì điều đó luôn vượt xa trí hiểu biết của nhân loại. Nhưng, với sự soi sáng của huyền nhiệm, đó là ĐỨC TIN, sự mặc khải của Đức Tin sẽ cho chúng ta một sự suy tư hợp lý về mầu nhiệm TRUYỀN TIN.

Vâng, nếu không có mầu nhiệm TRUYỀN TIN, thì cũng không có mầu nhiệm cứu độ. Mầu nhiệm TRUYỀN TIN là mẹ của các mầu nhiệm, bởi vì Ngôi Hai vâng lời đã làm Người, thì mặc nhiên, Người phải được sinh ra bởi một “người mẹ”. Khi chấp nhận “cứu độ”, Ngôi Hai không khước từ một sự hữu lý nào.

Vì thế, mầu nhiệm Truyền Tin là mầu nhiệm sinh ra các mầu nhiệm cứu chuộc loài người của Ngôi Lời Nhập Thể. Vì ,”Ngôi Lời đã làm Người và ở giữa chúng ta”. Muốn làm Người để ở giữa loài người, thì Ngôi Hai phải chu toàn sứ vụ “làm Người” có nghĩa là Người phải “Nhập Thể”. Nhưng, sự Nhập Thể bởi quyền năng của Thánh Thần, có nghĩa là siêu nhiên “can thiệp” vào tự nhiên. Quyền năng bởi Thiên Chúa là như vậy. Muốn vậy, một người nữ “xứng đáng” phải được chọn để làm “Mẹ” một kế hoạch như thế, đó là ĐỨC TRINH NỮ MARIA.

Vâng, chúng ta đọc Tin Mừng (Lc 1, 26-38), chúng ta thấy rằng Đức Trinh Nữ Maria, hoàn toàn tín thác, hoàn toàn vâng lời Thiên Chúa. Bởi vì, nơi Mẹ xác tín là một thụ tạo thấp hèn “nữ tỳ” hèn mọn của Thiên Chúa. Vâng, mọi tạo vật đều thấp hèn. Mẹ hoàn toàn xác tín như vậy, và đúng như vậy, bởi vì, chính vì điều đó mà Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Vâng, đó là Đức Khiêm Nhường thẳm sâu. Vâng, chúng ta “khám phá” ra ơn khiêm nhường sâu thẳm nơi Mẹ, đồng thời phù hợp với sự khiêm nhường nơi Đấng cứu chuộc. Chúng ta thấy điểm tương đồng nơi một Đấng Tạo Thành và một thụ tạo.

Đức Trinh Nữ Maria, khi nhận lời sứ thần Truyền Tin, thì Mẹ hoàn toàn bất ngờ đến ngỡ ngàng. Mẹ là một Trinh Nữ làng Nazaret, nhưng đã được thành hôn, đính ước hôn sự với một người đàn ông, tên là Giuse, thuộc chi họ Vua Đavit.. Nghĩa là về mặt pháp lý để trở nên phù hợp với luật lệ thời bấy giờ. Điều đó, có nghĩa là Thiên Chúa đã an bài mọi sự. Nếu, Thiên Chúa chọn một trinh nữ chưa có khế ước hôn nhân, thì thật nguy hiểm. Vì, một trinh nữ chưa có khế ước hôn sự với một người đàn ông, mà có con, dù là mầu nhiệm, thì mầu nhiệm ấy cũng không thể lý giải cho phàm nhân lúc bấy giờ. Bởi vì, để tránh đi sự phàm hèn, trần tục, hầu cho Đức Trinh Nữ Maria mang “Thánh Thai“, thì Thiên Chúa phải chọn một trường hợp hợp lý.

Chúng ta thấy hai câu (Lc 1, 27) và ( Lc 1, 34) là hai câu có vẻ đầy mâu thuẫn, nhưng, hoàn toàn minh chứng được điều đã dẫn chứng ở trên. Đó là:  “… , gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Đavit. Trinh Nữ ấy tên là Maria” (c 27).

Nhưng, tại sao câu 34: “Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1, 34).

Vâng, câu 34 xác tín, Đức Trinh Nữ Maria hoàn toàn trinh khiết vẹn tuyền. Việc nầy, chính Mẹ xác định như vậy. Điều nầy, tỏ rõ mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Và như vậy, càng tỏ rõ, trước và sau khi Mẹ mang “Thánh Thai” Con Thiên Chúa làm Người, thì Mẹ càng thánh khiết vẹn tuyền. Vì, Con của Mẹ đồng thời là Đấng Thiên Sai, là Ngôi Hai Thiên Chúa, Mặt Trời Công Chính, là Đấng Toàn Năng, thì việc Mẹ hoàn toàn không vướng tỳ ố là điều có cơ sở không một chút nghi ngờ.

Theo đó, tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội cũng như Mẹ trọn đời Đồng Trinh là những tín điều trọng đại và hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, Mẹ mang “Thánh Thai Giêsu” là bởi quyền phép siêu nhiên. Bởi Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ những sự trọng đại, chứ không do bởi bất cứ thế lực nào. Từ đó, chúng ta thấy Tin Mừng nêu: sứ thần đáp: “Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và nầy đây, Bà sẽ thụ thai , sinh một con trai, đặt Tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng Vua Đavit, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (c 30 -33).

Vâng, có thể khi nghe những lời trên, Đức Mẹ, lúc bấy giờ không thể hiểu hết những điều như vậy, vì quá cao siêu. Nhưng, với ánh sáng của niềm tin. Mẹ không thể chối từ những đặc ân vô cùng cao cả như thế. Bởi vì, đặc ân khiêm nhường mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ, đó là “vâng lời” Thiên Chúa.

Vâng, Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa đã “vâng lời” và vâng lời cho đến cùng, là chết trên Thập giá, để cứu chuộc muôn dân. Như vậy, Thiên Chúa sinh ra Mẹ bởi đặc ân khiêm nhường. Từ dòng dõi “khiêm nhường“ tức “vâng lời”. Mẹ đã sinh ra Đấng Cứu Chuộc.

Như vậy, mầu nhiệm TRUYỀN TIN là một mầu nhiệm “vâng lời”, không phải chỉ nơi Đức Trinh Nữ Maria, mà là nơi Con của Mẹ, đồng thời là Con Thiên Chúa Nhập Thể và Nhập Thế (làm Người). Theo đó, mầu nhiệm TRUYỀN TIN là mầu nhiệm mẹ của các mầu nhiệm, nhưng bởi mầu nhiệm  cứu chuộc khiêm nhường của Đấng Tối Cao.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Cha đã ban cho loài người ơn cứu chuộc, nhưng qua mầu nhiệm Truyền Tin, Cha đã ban cho loài người Đấng Cứu Thế, khi khởi đầu chu toàn sứ vụ, Người đã chọn một người Mẹ là ĐỨC TRINH NỮ MARIA, một nữ tỳ của Cha. Đấng mà hôm nay Giáo Hội mừng kính trọng thể, xin ban cho loài người chúng con biết noi gương khiêm nhường, vâng phục như Thánh Mẫu, hầu xứng đáng với ân sũng của Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con ./. Amen.

25/03/2015

P.TRẦN ĐÌNH PHAN TIẾN

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …