Home / Chia Sẻ / SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

 

 

        ACó dịp tham dự Thánh lễ do cha chính giáo xứ Nhân Hòa chủ sự, bạn sẽ nghe giọng giảng sang sảng vang to của ngài, cùng với những lời giảng rất bình dân, giản dị, không quá cao siêu, bóng bảy. Giáo hữu ở bất cứ tầng lớp hoặc trình độ nào khi nghe cũng có thể cảm nhận thấu đáo. Một trong những đề tài  ngài quan tâm giảng nhiều nhất đó là: cầu nguyện. Ngài lược lại những biến cố trong các bài đọc lễ liên quan đến vấn đề cầu nguyện và diễn giải sâu xa về những lợi ích thiêng liêng vô cùng do việc cầu nguyện mang lại. Ngài lớn tiếng khuyên bảo giáo dân: hãy cầu nguyện luôn luôn. Thậm chí có lần ngài ví von rất cụ thể và hợp lý: “Người công giáo mà không cầu nguyện thì không phải là người công giáo…”. Gần đây vào ngày lễ kính thánh Gioan Maria Vianney 04 tháng tám, qua bài giảng, cha xứ đã sơ lược tiểu sử vị thánh nhân này. Vị thánh này vốn là thánh bổn mạng của các linh mục chánh xứ trên toàn thế giới. Tôi nhớ kết thúc bài giảng, cha xứ nói: “Xin mọi người hãy cầu nguyện cho các linh mục chúng tôi”.

       Bị cuốn hút về cuộc sống cầu nguyện của thánh Gioan Vianney, tôi đã tìm hiểu kỹ hơn về tiểu sử của thánh nhân qua bộ Truyện Các Thánh, quyển ba (tủ sách Hương Việt phát hành năm 2008). Tiểu sử ghi nhận chính nhờ lòng sốt mến cầu nguyện nên dù lớn tuổi, học kém, thánh nhân vẫn được nhận vào tiểu chủng viện, lên đại chủng viện rồi được thụ phong linh mục. Khi đến nhận nhiệm sở giáo xứ Ars, một giáo xứ nhỏ bé ở nước Pháp vào năm 1818, thánh nhân lại dùng loại vũ khí sắc bén nhất đó là sự cầu nguyện để đánh dẹp ma qủy, vốn hằng đêm cứ kéo đến quấy phá khủng bố tinh thần và hành hạ thể xác ngài. Giáo xứ Ars tuy nhỏ bé nhưng tình hình giáo dân vào thời gian này lại đang chìm đắm trong bê tha, trụy lạc. Cha sở Gioan Maria Vianney không có con đường nào hơn để cảm hóa đàn chiên hoang đàng của mình bằng con đường cầu nguyện. Tiểu sử kể mỗi đêm ngài sấp mình xuống nền gạch cung thánh và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho giáo xứ con ơn trở lại, con tự nguyện chấp nhận tất cả những gì Chúa muốn trong đời sống con!… Chịu đau khổ suốt đời con, miễn là đoàn chiên Chúa giao phó cho con được ơn sám hối trở lại với Chúa”. Nước mắt thấm đẫm nền gạch, cha sở cứ thế cầu nguyện thâu đêm suốt sáng! Và Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã nhận lời và ban ơn cho thánh nhân. Giáo dân từng người được ơn hoán cải, từ bỏ nếp sống tội lỗi trở thành tín hữu đạo đức. Giáo xứ Ars trở nên nổi tiếng gương mẫu, thánh thiện thu hút khách hành hương khắp nơi đổ về. Tất cả là nhờ đâu? Chính là nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện. Vâng, chính là nhờ lòng sốt sắng liên lỉ cầu nguyện mà vị cha sở “tài thấp, học kém” đã làm nên những chuyện trọng đại, vang vọng cho xứ đạo mình. Tiểu sử kể: lên tòa giảng, thánh Gioan Maria giảng với giọng cao và mạnh mẽ. Có người hỏi ngài tại sao khi cầu nguyện cha nói nhỏ, mà lên tòa giảng cha nói lớn thế? Thánh nhân đã trả lời: “Vì khi tôi giảng, tôi phải nói cho những người điếc, những người ngủ gật; nhưng khi cầu nguyện tôi nói với Chúa, Ngài không điếc”. Đọc đến đây tôi thầm nghĩ chỉ cần với câu nói này, cha sở xứ Ars đủ xứng đáng được Giáo hội tôn vinh là vị thánh bổn mạng của các cha chính xứ trên toàn thế giới.

Xem chuyện xưa tích cũ kể về hạnh các thánh, chúng ta biết rất nhiều các vị đã nhờ lời cầu nguyện của mình mà được ơn này ơn kia. Điển hình như nhờ kiên trì cầu nguyện, bà Monica đã cảm hóa được người con trai cả Augustino từ bỏ nếp sống trụy lạc, từ bỏ con đường lạc giáo để quay về với Chúa, chịu phép thánh tẩy, đi theo con đường thánh hiến, trở thành một linh mục rồi giám mục thời danh không chỉ ở châu Phi mà cả ở nhiều quốc gia châu Âu. Danh thành công toại, Augustino có được tất cả cũng là nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện pha đẫm nước mắt của người Mẹ Monica. Mẹ trước con sau, hai người đã được Giáo hội tôn phong hiển thánh và hằng năm được kính nhớ vào ngày 27 và 28 tháng tám.

Kể chuyện ngày xưa và nhớ chuyện ngày nay. Nhớ năm ngoái sau lễ kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 tháng tám, tôi được giới thiệu mời tham gia sinh hoạt Hội Legio Mariae (Đạo Binh Đức Mẹ) giáo xứ Nhân Hòa. Đọc cuốn thủ bản, tôi biết “chủ đích của Legio Mariae là thánh hóa hội viên bằng việc cầu nguyện”. Từ vai trò hội viên tập sự, tôi  trở thành hội viên hoạt động sau khi tuyên hứa ngày 08 tháng giêng năm nay. Tôi phải giữ luật Legio, mỗi ngày đọc kinh Catina, bao gồm kinh Magnificat và lời nguyện kết thúc có đoạn: “Nguyện Chúa nhân từ, ban cho những ai đến xin ơn Chúa, đều vui mừng lãnh mọi ơn nhờ Đức Mẹ”. Hằng tuần tôi  phải đi công tác tối thiểu hai giờ đồng hồ. Nhớ một lần đi công tác thăm một gia đình công giáo trong giáo khu 3, giáo xứ Nhân Hòa, tôi được tường thuật câu chuyện “phép lạ” về đứa cháu gái của gia đình. Cách đây hơn 20 năm, cháu gái vướng phải căn bệnh quái ác ung thư máu. Gia đình lo chạy mọi cách, mọi thầy, mọi thuốc. Song song đó và  trên hết, gia đình đã ra sức cầu nguyện với Chúa và Mẹ Maria cho người con, người cháu của họ được “gặp thầy, gặp thuốc”. Những lời cầu nguyện thống thiết của họ đã đánh động lòng thương xót của Chúa, lòng từ bi của Mẹ. Phép lạ Chúa đã ban, ơn lành Mẹ đã gởi cho gia đình. Cháu gái đã lành hẳn bệnh ung thư máu, một chứng bệnh cho đến nay nền y khoa hiện đại vẫn đang “bó tay”.

Một phần thấm nhuần linh đạo Legio Mariae, phần khác thường xuyên được cha chính xứ Nhân Hòa khuyên nhủ qua các bài giảng lễ, tôi làm dấu đọc kinh cầu nguyện mỗi lần gặp sự cố. Sáng hôm qua dắt chiếc xe “cùi bắp” ra khỏi nhà tính đi công chuyện, tôi đạp mãi nhưng xe không nổ. Thường thì mỗi lần như vậy, tôi dắt xe đến các tiệm sửa gần nhà. Các anh thợ chỉnh sửa gì đó chút xíu là đạp xe máy nổ. Vì là chỗ thân quen, các anh thợ có người không lấy tiền công, có người lấy năm, ba ngàn gọi là. Lần này tôi tránh họ, dắt xe đi hướng khác, đến một tiệm sửa mới mở. Tôi nói “bệnh tình” chiếc xe của tôi cho anh thợ. Anh ta dắt xe vào trong, rồi cũng vài động tác như các anh thợ tôi quen, anh ta tháo chiếc buji ra, thổi thổi vài cái, chùi chùi ít lần, rồi gắn vào, đạp máy là xe nổ. Tôi nhỏ nhẹ hỏi anh: “Lấy bao nhiêu?” Anh ta lạnh lùng trả lời: “Năm chục ngàn”. Tôi thản nhiên (cho đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi mình tại sao lúc đó tôi có thể giữ được sự thản nhiên, điềm tĩnh như vậy?) móc túi lấy tờ 50 ngàn đưa cho anh ta cùng với câu nói cũng nhỏ nhẹ: “Sao lấy đắt thế?”. Anh chàng sửa xe chẳng trả lời, lạnh lùng dắt xe ra. Tôi đạp máy  vọt đi. Trong lòng bấy giờ mới bắt đầu dấy lên và từ từ sục sôi cơn bức bối. Tôi tự trách mình đã quá hiền và tức anh thợ quá ác! Trong cơn bức bối, tôi làm dấu Thánh giá và đọc kinh Lạy Cha. Bỗng dưng cơn bực dọc tan biến, ác cảm không còn, lòng tôi trở lai trạng thái thanh thản như không có chuyện gì xảy ra…

Kinh Lạy Cha ngắn gọn do đích thân Chúa Giêsu dạy cho chúng ta. Ngài dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con ngyện danh Cha cả sáng… ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…”. Và hơn ai hết chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta cầu ngyện để thánh ý Chúa Cha luôn được thể hiện. Trong vườn cây dầu, trước lúc tự nộp mình ra pháp đình xử án và thọ án tử hình, Chúa Giêsu đã buồn sầu, cô độc, đau khổ tột cùng trong đêm tối. Ngài quỳ gối khắc khoải cầu nguyện với Chúa Cha; “Ap-ba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin Cha tha cho con khỏi uống chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36)

Suốt trong trọn cuộc đời, ai ai cũng có những lần được Chúa trao ban những chén đắng. Và rồi  thường tình thì ai ai cũng tìm cách né tránh và cầu xin  cho mình khỏi uống các chén đắng này. Hẳn là có người đã được Ngài ban ơn toại nguyện. Nhưng cũng có người Ngài dùng những chén đắng để xử phạt những lỗi lầm hoặc để thánh hóa họ ở đời này nhằm ban thưởng những chén ngọt cho họ đời sau. Với tôi trong mọi hoàn cảnh kể cả những lúc va vào nghịch cảnh, tôi vẫn luôn cầu nguyện theo thánh ý Chúa. Và tôi cảm nghiệm sức mạnh của lời cầu nguyện đang dấy lên bao bọc, che chớ tôi mọi lúc, mọi nơi.

Gioan Long Vân,

giáo xứ Nhân Hòa

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …