Home / Giáo Dục Kito Giáo / Sư phạm đồng hành của Đức Giêsu

Sư phạm đồng hành của Đức Giêsu

Có lẽ hầu hết chúng ta đều biết rằng sau năm dành cho việc “chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào ơn gọi hôn nhân” vừa qua, năm nay Hội Thánh tại Việt Nam, theo định hướng của Hội đồng Giám mục, hướng tới mục vụ “Đồng hành với các gia đình trẻ”. Hai chữ đồng hành ngày càng trở nên quen thuộc và thông dụng trong việc dạy giáo lý nói chung và trong mục vụ hôn nhân nói riêng. Đây là cơ hội để chúng ta suy tư về nguồn gốc, nền tảng cũng như đường lối sư phạm đồng hành.

Thật ra đồng hành xuất phát từ chính Thiên Chúa, là cách thức mà Người đối xử với nhân loại trong suốt lịch sử cứu độ. Khởi đầu Thiên Chúa đồng hành với dân riêng của Người qua trung gian các vị lãnh đạo, Môi sen, Aaron, và các ngôn sứ mà Người sai đến để đồng hành với dân Người trong hành trình trong sa mạc, giải thoát họ khỏi ách thống trị của Ai Cập, vượt qua biển đỏ đến miền Đất Hứa, cũng như đồng hành với họ trong mọi thăng trầm, đặc biệt lúc đất nước bị chia cách, hay thời lưu đày để họ luôn nhận ra sự hiện diện chở che của Ngươi và có thể đi trong đường nẻo của Người, rồi trong thời Tân ước, Người đồng hành với Giáo hội, dân mới qua chính Người Con, và qua Thánh Thần của Người trong suốt lịch sử của Giáo hội.

Hình ảnh rõ ràng nhất được tường thuật trong Hành trình về Em-mau trong Tin Mừng theo thánh sử Luca.

Chúng ta hãy cùng nhau ngắm nhìn cách Đức Giêsu đồng hành cùng hai môn đệ trên đường Emmau: Ngài tiến đến, cùng đi với hai môn đệ, hỏi thăm lắng nghe, giải thích Thánh kinh cho họ, soi sáng tâm trí họ, mở mắt cho họ, sưởi ấm tâm hồn họ và khơi dậy kháo khát chia sẻ Tin Mừng nơi họ như thế nào.

Hôm ấy có hai môn đồ, 13

Họ đang tiến bước về làng Em-mau. Họ đi vẻ mặt buồn sầu,

Cùng nhau chuyện vãn về điều xảy ra. 14

Đang khi trò chuyện mãi mê, 15

Giê-su tiến đến ngay bên, đồng hành. Nhưng vì mắt họ mù mờ, 16

Nên họ không thể nhận ra được Người. Người bèn hỏi họ như sau:

Các anh trò chuyện với nhau điều gì? Họ dừng lại, vẻ buồn sầu

Một người trong họ tên là Clô-pa, 18

Trả lời với Người như sau:

Ở đây có lẽ chỉ mỗi mình ông

Hoàn toàn không biết điều chi

Xảy ra từ mấy hôm nay trong thành. Người bèn hỏi họ: Điều gì? 19

Họ liền kể lại những gì xảy ra: Chuyện Giê-su tại Na-gia,

Một ngôn sứ thật quyền uy vô cùng

Cả trong lời nói việc làm,

Khiến cho dân chúng hết lòng kính tôn. Vậy mà thượng tế nỡ đành 20

Âm mưu hãm hại, cáo oan, tử hình.

Để Người phải chịu đóng đinh,

Khổ hình thập giá, khổ đau muôn vàn. Chúng tôi luôn vẫn trông chờ 21

Rằng Người sẽ cứu dân riêng của Người. Vậy mà cho tới hôm nay

Mọi điều đã xảy ra ba ngày rồi.

Thật ra, cũng có các bà 22

Ra mồ nhưng chẳng thấy Người nơi đâu. 23

Các bà còn nói như sau:

Thiên Thần hiện đến bảo: Hãy về nào!

Giê-su đã sống lại rồi!


Ngay từ sáng sớm chuyện này xảy ra. Vài người trong nhóm chúng tôi 24

Thấy mồ trống cũng y như các bà. [Ngỡ ngàng kinh ngạc hoang mang]:

Người đâu chẳng thấy, [chẳng hay chuyện gì]. Bấy giờ Người nói như vầy: 25

Các ông quá chậm tin lời sứ ngôn

Những lời được báo trước đây,

Tại sao lại chẳng hiểu ra chút nào? 26

Đấng Ki-tô phải khổ hình

Trước khi đạt đến vinh quang của Người. Rồi Người giải thích Thánh Kinh, 27

Những lời ghi chép liên quan đến Người. Khởi đầu từ chuyện Mô-sê,

Và rồi đến các sứ ngôn mọi thời. Khi gần đến chỗ họ dừng, 28

Người làm như thể còn đi xa hơn. Nhưng hai môn đệ nài xin 29

Mời Người ở lại qua đêm với mình:

Xin ngài ở với chúng tôi!

Vì trời đã xế, chiều buông ngày tàn.

Người liền chấp nhận tức thì,

Sẵn sàng ở lại vào bàn liền ngay.

Khi Người cùng họ vào ăn, 30

Người cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn,

Bẻ ra, và rồi trao ban,

Hai người mở mắt, nhận ra được Người. 31

Nhưng Người biến mất hồi nào,

Họ còn thờ thẫn, chưa hay biết gì.

Và rồi họ mới bảo nhau: 32

Dọc đường ông ấy chuyện trò cùng ta,

Giải Kinh Thánh rõ cho ta,

Lòng ta chẳng phải bỗng bừng cháy sao?

Thế rồi, quay về Giê-ru, 33

Gặp Nhóm Mười Một và các bạn bè.

Mọi người tụ tập tại đây

Kể cho họ biết Người phục sinh rồi, 34

Hiện ra cùng với Si-mon,

Còn hai ông kể chuyện vừa xảy ra 35

Trên đường đi đến Em-mau,

Cả hai đã nhận biết Người ra sao,

Khi Người bẻ bánh, trao ban

Khi Người bẻ bánh, trao cho họ dùng.

Qua trình thuật này, ta thấy đồng hành là một tiến trình gặp gỡ mà trong đó Chúa là người có sáng kiến đầu tiên. Là một tiến trình khởi đầu bằng việc tiếp cận và gợi mở để tìm hiểu điều đối tượng đang quan tâm (Người cùng đi với họ, và hỏi họ “Các anh trò chuyện với nhau điều gì?”). Buớc kế tiếp là lắng nghe và nhận định vấn đề (Người lắng nghe hai môn đệ kể lại mọi điều đã xảy ra, cũng như thổ lộ tâm trạng, nỗi niềm của họ). Bước tiếp theo là giải thích và soi sáng vấn đề. (Người mới bắt đầu soi sáng tâm trí họ, giải thích cho họ về những điều xảy ra dựa vào Sách Thánh, đặc biệt liên quan đến sự chết và sự Phục sinh của Người, mở lòng họ ra để giúp họ hiểu ra Chân lý). Bước tiếp theo là chia sẻ và hiệp thông (Người đã ở lại đồng bàn với họ, cùng ăn với họ, cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho họ, đưa họ đến sự kết hiệp mật thiết với Người qua tiệc Thánh Thể). Và bước cuối cùng là rút lui âm thầm (Người biến mất) để giúp đối tượng vươn đến sự trưởng thành trong đức tin: có khả năng sống với chính mình trong cô tịch, riêng tư với bản thân mình để tìm lại con người của mình hay trải nghiệm đêm tối đức tin.

Bây giờ, ta hãy cùng nhau đánh giá kết quả của tiến trình này.

Nhờ tiếp cận gợi mở, chú tâm lắng nghe đối tưởng mở lòng, trải lòng mình ra, thổ lộ nỗi niềm (Hai môn đệ kể lại cho Người mọi điều đã xảy ra, cũng như thổ lộ với Người tâm trạng, nỗi niềm của họ). Nhờ soi sáng giải thích, đụng chạm đến vấn đề đối tượng quan tâm dựa vào Lời Chúa, mới làm cho đối tượng khao khát thiết lập tương quan thân tình (Hai môn đệ nài xin Người ở lại, qua đêm với minh) và làm cho tâm hồn bừng cháy (Họ nhớ lại việc Người đồng hành với họ và giải thích Kinh Thánh cho họ làm cho tâm hồn họ bừng cháy lên). Nhờ việc chia sẻ, hiệp thông đặc biệt trong tiệc Thánh Thể làm cho đối tượng mở mắt nhận ra sự hiện diện của Chúa (Khi Người cầm lấy bánh, bẻ ra, trao ban, họ mở mắt và nhận ra Người). Nhờ biết rút lui âm thầm làm cho đối tượng có cơ hội hồi tưởng lại trải nghiệm tuyệt vời của quá khứ (Hai môn đệ bảo nhau: Phải chăng lòng ta đã chẳng cháy bừng khi dọc đường Nguòi trò chuyện và giải tích Kinh Thánh cho ta sao?). Và kết quả của tiến trình đồng hành đó giúp đối tượng hoán cải, đổi đời, thay đổi tâm trạng (Thay vì trở về làng Emmau, hai môn đệ quay lại Giêrusalem như thể để cùng chịu đóng đinh với Người), giúp đối tượng nối lại tình thân với nhau (Thay vì lầm lủi cô đơn về lại quê quán, hai môn đệ quay về Giêrusalem gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu), và làm cho đối tượng trở thành chứng nhân Tin Mừng (Hai môn đệ thuật lại cho mọi người những gì xảy ra dọc đường và việc họ nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh trao ban).

Người làm công tác mục vu đồng hành với các gia đình trẻ phải có khả năng giúp họ xác tín rằng Chúa vẫn luôn hiện diện và đồng hành với họ trong hành trình tình yêu của họ, soi sáng vào tâm trí họ, giúp họ nhận ra những giải đáp cho những vấn đề của mình, giúp họ tìm lại sự sống, niềm vui và bình an, để Ngài chiếu soi ánh sáng của Người vào tâm hồn họ, vào tình yêu của họ, cũng như giúp họ nhận ra tình yêu đích thực qua Lời của Người cũng như nuôi dưỡng tình yêu của họ với bí tích Thánh Thể, nếu như họ biết lắng nghe lời Người và để cho Người hướng dẫn, tâm hồn của họ – giống như hai môn đệ đi Emmau xưa – sẽ bừng cháy lên niềm tin và tình yêu, niềm vui và hy vọng.                                   

Đồng hành là cùng đi, cùng thực hiện một cuộc hành trình với ai đó, là trở thành bạn đường của người ấy như Đức Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau.

Hành trình sống đức tin, sống ơn gọi hôn nhân gia đình, một hành trình dài đăng đẳng, không chỉ hiểu theo nghĩa địa lý, giới hạn trong một thời gian nào đó (hành trình của dân Do Thái đi trong sa mạc bốn mươi năm về miền Đất Hứa, hay hành trình của hai môn đệ đi về làng Emmau). Hành trình ở đây là hành trình của đức tin, hành trình của tình yêu, là hành trình học hỏi không ngừng để thành người, hành trình sống ơn gọi của người Kitô hữu đặc biệt trong đời sống thánh hiến hay hôn nhân và gia đình, một hành trình dài đăng đẳng chẳng biết bao giờ mới kết thúc.

Đồng hành là cùng đi với đối tượng đến nơi họ muốn đến, là chia sẻ hành trình của đối tượng chứ không phải là đề nghị họ đi theo hành trình của chính mình.

Đồng hành là trợ giúp cho đối tượng đạt mục đích của cuộc đời của họ, chứ không phải đạt được mục đích mình đề ra cho họ.

Đồng hành là đưa đối tượng đến với Giêsu. Nếu nhiệm vụ của người lái đò là đưa khách qua bờ bên kia, đến nơi họ cần đến, nhiệm vụ của người đồng hành là đưa đối tượng đến bền bờ hạnh phúc: gặp gỡ Chúa, đến với Đức Giêsu, Đấng “là Đường, là Sự thật và là Sự sống”, Đấng duy nhất có thể khỏa lấp khao khát tình yêu và sự sung mãn trong tâm hồn họ.

Đồng hành là phục vụ, đặt mình vào vị trí của người phục vụ trước đối tượng mình đồng hành. Trong mục vụ đồng hành với các gia đình trẻ, người đồng hành đóng vai trò phục vụ như hình ảnh của nhân viên phục vụ khiêm tốn mà khách hàng chính là đối tượng mà họ có trách nhiệm đồng hành.

Đồng hành đòi hỏi cùng đi và đi với nhịp bước của đối tượng mình đồng hành, chứ không phải là yêu cầu họ đi theo nhịp bước của mình.

Đồng hành đòi hỏi phải đặt mình vào vị trí của đối tượng mình đồng hành, đặt mình vào hệ thống giá trị của họ, để biết được tất cả những gì làm nên con người họ, để lắng nghe họ, để nhìn họ bằng con tim để hiểu họ như chính họ là.

Đồng hành là giúp đối tượng mình đồng hành tránh né, hoặc đương đầu với gian nguy, giúp đối tượng phòng tránh những hiểm họa và biết cách đương đầu với những hiểm họa đó.

Đồng hành là chia sẻ mọi gian lao với đối tượng mình đồng hành, là sẵn sàng chia sẻ với đối tượng những khó khăn gian khổ mà họ có thể gặp phải trên đường.

Đồng hành là hiện diện và hiệp thông với đối tượng mình đồng hành, không chỉ là hiện diện với đối tượng, về mặt thể lý nhưng trước hết là trong tâm trí và bằng cả con người trọn vẹn của ta.

Đồng hành là tạo cảm giác an tâm cho đối tượng mình đồng hành vì biết rằng họ không cô đơn trong hành trình của họ nhưng có ai đó cùng đi với mình, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn gian khổ và thử thách, mọi nỗi niềm của mình và giúp mình hoàn tất hành trình của mình dù gặp phải mọi thách đố.

Đồng hành là cho đối tượng mình đồng hành nhận biết họ có giá trị độc nhất, đòi hỏi ta phải nhìn nhận bản thân đối tượng mình đồng hành như một giá trị riêng biệt và độc đáo cần được tôn trọng, giá trị đó không hẳn lệ thuộc vào tập thể mà họ thuộc về nhưng là giá trị tự thân của họ với tư cách là một nhân vị, nghĩa là cá nhân không phải chỉ có ý nghĩa vì thuộc về một tập thể nào đó mà tự thân họ đủ để có ý nghĩa.

Đồng hành là một cuộc đối thoại liên lỉ giữa người đồng hành và̀ đối tượng trong đó, tùy từng trường hợp, đồng hành viên có thể là người nói hay người nghe, người hỏi hay người đáp, vừa là người đi bước trước vừa là người đi bước sau cùng.

Đồng hành đòi hỏi phải biết rõ tường tận đối tượng mình đồng hành, những khuynh hướng sở thích, ưu, khuyết điểm, những mong muốn, dự định, xuất phát điểm của họ về tri thức, khả năng lĩnh hội, mức độ đức tin, hành trình tri thức, đức tin, thiêng liêng của họ.

Đồng hành đòi hỏi phải biết rút lui đúng lúc khi đối tượng nhận ra Chân lý, đến bên bờ bên kia. Vì người đồng hành đóng vai trò trung gian như người lái đò, khi đưa khách đến bờ an toàn người lái đó rút lui. Cũng vậy khi đưa đối tượng đến việc nhận ra, gặp gỡ Đức Kitô, đồng hành viên tự rút lui. Đó cũng là sứ mạng của Gioan Tiền hô.

Đồng hành dẫn đến việc nhận ra Chân lý

Chính đó là đỉnh cao là điểm phải đạt đến của đồng hành, thời điểm nhận ra chân lý (Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất).

Hiệu quả của việc đồng hành không chỉ tác động đến nhận thức mà còn tác động đến tâm hồn và ký ức nhờ Lời Chúa (Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”). Tuy Giêsu biến mất, nhưng Lời Người vẫn còn ở lại trong tâm trí họ

Đồng hành dẫn đến biến đổi

Hiệu quả của việc đồng hành được đo bởi sự biến đổi tâm hồn, đổi đời, đổi đường (Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó, thay vì trở về Emmau).

Đồng hành hướng đến hiệp thông

Đồng hành dẫn đưa đối tượng đến sự hiệp thông với cộng đoàn Giáo Hội (Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.

Đồng hành dẫn đến việc làm chứng cho Tin Mừng

Đồng hành khơi dậy khát khao trở thành chứng nhân, chia sẻ và loan báo Tin Mừng (truyền giáo) (Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem…thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh…). Dẫn đến sự gặp gỡ cá vị, hiệp thông với Chúa là mục tiêu của của giáo dục đồng hành nhưng việc gặp gỡ Thiên Chúa đích thật sẽ khơi dậy ước muốn gặp gỡ anh em, liên kết với nhau, hiệp nhất với cộng đoàn Giáo hội và khao khát và thông truyền, truyền giáo, trở nên chứng nhân Tin Mừng.

Để thực hiện đường lối sư phạm này ta cần phải tiến hành các bước sau:

Tiếp cận.

Tiếp cận (tiếp đón) là khởi đầu của mọi sự. Vạn sự khởi đầu nan! Tạo sự thiện cảm, bầu khí thân thiện ban đầu. Cởi mở, đơn sơ, chân thành, không mầu mè sáo ngữ.Tiếp đón bằng cả con người (ánh mắt, nụ cười, lời nói, cử chỉ).

– Cần phải thể hiện sự gần gũi và quan tâm. để tạo cơ hội cho đối tượng nói về điều họ quan tâm,  giúp họ dần dần đi vào vấn đề, đó là đặt vấn đề.

– Cần phải tạo điều kiện thổ lộ tâm tình. Điều quan trọng là làm sao để đối tượng có thể chia sẻ vấn đề của họ, thổ lộ tâm tình, chia sẻ điều mà họ thực sự quan tâm. Muốn thế, ta cần phải biết cách đặt câu hỏi như thế nào và thể hiện quan tâm, mong muốn lắng nghe thực sự.

Người ta thường quan tâm đến điều gì nếu không phải điều liên quan trực tiếp đến họ (“Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en”), điều vừa mới xảy ra, còn rất nóng hổi (“chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”) .

– Cần phải đợi chờ kiên nhẫn. Đối tượng có thể không để ý đến chúng ta vì mối bận tâm của họ, đừng vì thế mà hụt hẩng, nhưng cần phải kiên nhẫn. Hai môn đệ nhận ra Người? Vì sao? Vì thân thể Người biến đổi, vì thành kiến, vì mối bận tâm của họ (Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người). Điều quan trọng không phải là khởi đi từ điều mình muốn nói với họ mà là điều họ quan tâm.

Tìm hiểu

Tìm hiểu là một thách thức. Tìm hiểu vấn đề hiện tại của đối tượng đã là chuyện khó, huống gì là tìm hiểu chính đối tượng là điều vô cùng khó, nhưng lại là điều vô cùng quan trọng. Vô cùng quan trọng là vì đó là điều kiện cần để có thể giáo dục. Không hiểu biết đối tượng, vấn đề của đối tượng thì mọi dự án, chương trình, nổ lực giáo dục coi như đã tiêu tan thất bại ngay từ đầu. Cũng như bác sĩ muốn điều trị cho một bệnh nhân thì phải biết tình trạng, triệu chứng của bệnh nhân đó. Tìm hiểu mãi mãi là một thách thức vì tìm mà nhưng chưa chắc là hiểu. Vì đối tượng không chỉ là vật chất hay thể xác mà người ta có thể dùng mọi phương tiện khoa học kỷ thuật tinh vi để đo lường thăm dò, mà vì con người không chỉ là thân xác mà còn là linh hồn. Con người là một huyền nhiệm (L’homme, cet inconnu-Alexis Carrel) sâu thẳm và biến hóa khôn lường luôn trong tình trạng biến đổi.

– Cần phải tìm hiểu đối tượng bằng tiếp xúc trực tiếp, bằng cách gợi chuyện, đặt câu hỏi, và chú tâm lắng nghe như trình thuật hành trình Emmau, Người phụ nữ Samaritanô. Tất cả đều nhằm mục đích tạo điều kiện để đối tượng trình bày vấn đề của mình, thổ lộ tâm tình, thể hiện chính mình.

Lắng nghe.

Lắng nghe là điều then chốt. Người ta có thể tìm hiểu một cách gián tiếp, nhưng như thế thông tin nhận được không bảo đảm tính xác thực và ảnh hưởng đến việc nhận định đối tượng thông tin nhận được không phản ánh sự thật về đối tượng. Như thế tìm hiểu tốt nhất là qua tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với đối tượng, là một quá trình liên lục và lâu dài.

Trong đối thoại, quan trọng nhất là lắng nghe. Nhưng ngay cả trong việc này, ta vẫn có thể chủ quan, nghĩa là nghe mình chứ không phải nghe chính đối tượng.

Lắng nghe là gì? Là:

thể hiện sự quan tâm tôn trọng của mình đối với người đó.

– tạo cho họ cảm giác họ có giá trị, thực sự quan trọng ít ra là đối với mình.

– tạo điều kiện cho họ tỏ lộ thể hiện con người của họ (sở thích, tính cách, khuynh hướng, quan niệm…).

– đặt mình vào vị trí của người khiêm tốn muốn tìm hiểu, học hỏi, khám phá.

Lắng nghe cái gì? Lắng nghe không chỉ ngôn từ lời nói, câu cú mà còn phải lắng nghe giọng điệu và cách diễn tả và thể hiện, ngôn từ không thể hiện bằng lời (non-verbal language), lắng nghe không chỉ nội dung mà còn là ý tứ sâu xa bên trong, tình cảm mà người nói muốn gửi gắm qua ngôn từ. Không dừng lại ở nghĩa đen mà phải khám phá ra nghĩa bóng, điều người ta muốn diễn tả thực sự.

Lắng nghe ai? Lắng nghe đối tượng chứ không phải lắng nghe bản thân mình. Lắng nghe thực sự không phải chỉ là nghe người ấy nói mà còn lắng nghe Thiên Chúa, Đấng đang nói qua người ấy.

Lắng nghe thế nào? Lắng nghe thực sự không phải chỉ bằng tai mà thôi mà còn bằng mắt và bằng con tim. Lắng nghe thực sự là lắng nghe không chỉ âm thanh, lời nói mà lắng nghe cả con người đang nói. Lắng nghe thực sự là đón nhận sự thật khách quan chứ không phải với định kiến và thành kiến chủ quan của mình.

– Lắng nghe, một thách thức. Lắng nghe không bao giờ là chuyện dễ dàng vì ngoài những yếu tố có thể gây nhiễu từ bên ngoài, còn có những yếu tố từ phía người nói: không thực sự muốn nói, không thực sự biết điều mình muốn nói, không biết diễn tả điều mình muốn nói, không nói hết điều mình muốn nói, không nói thực điều mình nghĩ hay muốn nói. Hoặc từ phía người nghe: không thực sự muốn lắng nghe, không thực sự quan tâm, bị chia trí, không tập trung, không nghe một cách tích cực, một cách khách quan.

– Lắng nghe là việc vô cùng quan trọng vì có lắng nghe đàng hoàng, nghiêm chỉnh thì mới thấu hiểu, có thấu hiểu tường tận sâu xa mới nhận định đúng đắn, xác thực. Nhận định đúng đắn thì xử sự mới thích hợp, nhận định sai lạc dẫn đến mọi quyết định và hành sự sai lạc. Lắng nghe là yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục nói chung, và đặc biệt trong việc giáo dục đức tin theo hướng đồng hành vì có lắng nghe mới có thể hiểu biết được đối tượng mình đồng hành (những những ưu khuyết điểm, quan tâm thao thức, nhu cầu mong đợi, vấn đề trở ngại, trình độ, mức độ nhận thức…) thấu hiểu được vấn đề, và cảm thông với đối tượng.

Nhận định

Nhận định đúng đắn là một thách thức. Để có thể nhận định đúng đắn, cần tôn trọng những nguyên tắc chính yếu sau:

– Không dựa vào cảm tính chủ quan nhưng trên thực tại khách quan.

– Không chỉ dừng lại ở bề mặt, ở những biểu hiện bề ngoài mà phải đi sâu vào bản chất.

– Không chỉ dựa vào một vài biểu hiện của đối tượng mà phải xét đến toàn bộ biểu hiện.

– Không chỉ dựa vào việc xem xét một hiện tượng vào một thời điểm hay một hoàn cảnh nào đó mà trong nhiều thời điểm hoàn cảnh khác nhau.

– Không xem xét những biểu hiện một cách rời rạc riêng lẽ nhưng trong tổng thể.

– Đánh giá mọi sự dưới nhiều góc độ và phương diện khác nhau.

– Phân biệt giữa điều chính và điều phụ.

Nhận định đúng đắn là kết quả của cả một quá trình quan sát, đối chiếu, liên kết, nội quan, phân tích, tổng hợp, kiểm nghiệm nghiêm túc. Để đạt được điều đó, cần phải thực sự khao khát nhận biết sự thật, khiêm tốn thành thực về mặt trí thức, một tinh thần phê phán khoa học nghiêm túc, một kỷ luật bản thân khắt khe, một cái nhìn trong suốt, không định kiến, thành kiến, thiên kiến, một đời sống thanh sạch, nghĩa là không bị nô lệ bởi đam mê, dục vọng, tham, sân, si.

Đối thoại

Đối thoại là hoạt động liên lỉ cũng như Lịch sử cứu độ là một cuộc đối thoại liên lỉ giữa Thiên Chúa và con người.

– Đối thoại không hẳn là nói chuyện vì nói chuyện thường chỉ là độc thoại.

– Đối thoại bao gồm hỏi đáp, lắng nghe và phản hồi.

– Đối thoại có thể là trao đổi thông tin, thảo luận, cùng nhau giải quyết vấn đề cùng nhau khám phá chân lý.

– Đối thoại nhằm tạo tương quan, hiểu biết, cảm thông, tin tưởng lẫn nhau.

– Đối thoại cần phải dựa trên nên tảng khao khát khám phá, mong muốn tìm hiểu sự thật, học hỏi, tinh thần khiêm tốn sâu xa, sự tôn trọng và cảm thông đối với người mình đối thoại.

Có như thế việc đối thoại mới thực sự mang lại hiệu quả. Bằng không chỉ là chuyện giả dối, mị dân, mất giờ uổng công.

– Đốí thoại để hiểu biết được đối tượng mình đồng hành, từ đó mới có thể xây dựng chương trình, nội dung, đưa ra phương hướng, cách thức hướng dẫn phù hợp cũng như có thể chỉnh sửa kịp thời, tự đánh giá về những hiệu qủa của việc hướng dẫn. Như thế đồng hành viên mới có thể giúp đỡ đối tượng mình đồng hành thực sự hiệu qủa.

Giải thích và soi sáng

– Giải thích và soi sáng là một cuộc đối thoại liên tục, chứ không phải là chuyện độc thoại mà là cuộc đối thoại chính yếu và liên lỉ. Đương nhiên trong chặng đường này, người nói chủ yếu là người hướng dẫn và người nghe là đối tượng. Nhưng ngay cả trong chặng đường này, đối thoại vẫn tiếp diễn, người hướng dẫn cần sự phản hồi của đối tượng.

– Giải thích và soi sáng không chỉ bằng những câu khẳng định mà còn bằng những câu cảm thán và nghi vấn mang tính hùng biện (“Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?) có mục đích làm thức tỉnh, và giúp đối tượng dần dần khám phá chân lý.

– Giải thích và soi sáng chủ yếu là quy về Đức Kitô và dựa trên nền tảng Kinh Thánh (Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh), đặc biệt là biến cố khổ nạn và phục sinh (Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao).

Phản hồi

Trong việc giáo dục đồng hành, cần chú trọng đặc biệt đến phản hồi của đối tượng, qua đó đồng hành viên mới có thêm cơ hội hiểu biết đối tượng, lượng giá và điều chỉnh việc hướng dẫn cho phù hợp và hiệu quả.

– Phản hồi không hẳn chỉ bằng lời, mà còn bằng cử chỉ, ánh mắt, nét mặt, thinh lặng.

– Phản hồi không đồng nghĩa với phản bác, phản biện nhưng cũng có thể bằng cách phản bác hay phản biện.

– Phản hồi không hẳn là tức khắc, mà có khi đến muộn.

– Phản hồi có thể đến từ đối tượng nhưng cũng là việc của đồng hành viên sau khi lắng nghe đối tượng.

– Phản hồi tùy thuộc vào việc lắng nghe: Lắng nghe khách quan thì phản hồi mới khách quan. Lắng nghe chính xác thì phản hồi mới chính xác. Lắng nghe tích cực thì phản hồi mới tích cực.

– Phản hồi có thể xuất phát từ việc không hiểu. Khi đó phản hồi là một dạng yêu cầu lặp lại hay giải thích để hiểu đúng và hiểu rõ điều đối tượng muốn nói.

– Phản hồi cũng có thể là biểu lộ sự thấu hiểu điều đối tượng muốn nói. Khi đó phản hồi là một dạng nối tiếp đối thoại dưới dạng một câu khẳng định, phủ định hay nghi vấn mang tính tán thành, giải thích, phản bác, chất vấn hay yêu cầu giải thích.

Ở lại, chia sẻ, hiệp thông và thông truyền

Ở lại với đối tượng mình đồng hành là yêu cầu và là đặc trưng chính yếu của đồng hành.

– Người đồng hành đúng nghĩa không chỉ là người truyền đạt vì người truyền đạt chỉ có nhiệm vụ truyền đạt một số kiến thức nào đó và sau đó hết nhiệm vụ.

– Người đồng hành cần phải hiện diện và ở lại với đối tượng mình đồng hành bao lâu đối tượng còn cần đến mình.

Ở lại mang ý nghĩa gì?

– Ở lại với ai đó là nói lên ước muốn phát triển mối tương giao với họ.

– Ở lại với ai đó là nói lên ước ao gặp gỡ và chia sẻ và hiệp thông với họ.

– Ở lại với ai đó là nói lên người ấy có ý nghĩa thực sự đối với mình.

– Ở lại với ai đó là biểu hiệu của mối tình bạn hữu thâm giao.

Hãy ở lại trong Thầy như thầy ở lại trong anh em! (Ga 15, 4)

Giống như hai môn đệ, đôi khi ta cũng mời Chúa ở lại với mình, nhưng ta lại không ở lại với Người, không ở lại trong Lời của Người. Chính vì thế hạt giống Chúa gieo vào lòng chúng ta cũng chẳng khác nào hạt giống gieo bên vệ đường, rơi và đá sỏi, bụi gai, không thể phát sinh hoa trái được.

Ở lại trong Chúa là sống tâm tình của Đức Maria, hằng chiêm niệm và sống Lời của Người.

Ở lại trong tình yêu Chúa để ở lại trong tình yêu nhau

Ở lại trong Chúa là điều kiện tất yếu (sine qua non) để ở lại trong nhau.

Sự chung thủy của đôi bạn, sự gắn bó giữa những môn đệ của Đức Kitô, nhiệt tâm và tận tụy của người đồng hành đối với đối tượng mình đồng hành chỉ có thể hiện thực hóa khi ta chọn lựa ở lại trong tình yêu của Chúa, một chọn lựa thực hiện hằng ngày, không phải xuất phát từ tình cảm, ý chí mà được nuôi dưỡng bằng tình yêu kết hợp mật thiết với Đức Kitô trong đời sống chiêm niệm, cầu nguyện và bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể.

Ý nghĩa của tiệc huynh đệ

Bàn tiệc, bữa ăn không nhằm mục đích chính là ăn (nếu mục đích chính là ăn, tốt nhất là ăn một mình).

Đồng bàn với ai, ăn nhậu với ai là cơ hội trao đổi ý kiến, chia sẻ tâm tình, là cái cớ để có điều kiện ở bên nhau, ở với nhau.

Người ta có thể đến với bữa ăn, bữa tiệc vì nhiều mục đích nhưng bữa ăn Đức Giêsu dùng với hai môn đệ là bữa ăn huynh đệ (agape), bữa ăn của sự thánh thiêng chia sẻ trao ban và hiệp thông (Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ…)

Tiệc Thánh Thể, đỉnh cao của đồng hành

Bữa ăn như thế không chỉ còn là bữa ăn đơn thuần mà là cơ hội chia sẻ và trao ban, là tiệc Thánh Thể, là bàn tiệc Nước Trời. Như thế việc đồng hành đích thực phải dẫn đến cầu nguyện, chia sẻ và hiệp thông, đến Bí tích, đến Tiệc Thánh Thể, đỉnh cao gặp gỡ. Chính qua cử chỉ chia sẻ và trao ban mà chân lý được nhận ra, mà việc đồng hành thực sự đạt kết quả (Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người)

Đồng hành viên phải chủ động tạo điều kiện

Đồng hành viên tuy là người dẫn dắt nhưng không phải là nhân vật chính mà chỉ là người phục vụ. Nhân vật chính lại là đối tượng mình đồng hành. Điều quan trọng là làm sao để đối tượng có thể thể hiện rõ nhu cầu, mong đợi hay ý kiến của bản thân mình không chút e dè. Muốn thế, đồng hành viên cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để đối tượng có thể phát biểu khi có nhu cầu hay nói đúng hơn là khơi dậy nhu cầu phát biểu hay đặt câu hỏi nhằm yêu cầu làm sáng tỏ hay đào sâu thêm vấn đề.

Đồng hành viên phải trung thực và bản lĩnh

Đồng hành viên cần tỏ rõ thiện chí muốn lắng nghe nhất là khi ý kiến quan điểm riêng của đối tượng đối nghịch với ý kiến quan điểm của mình.

Đồng hành viên thực sự bản lĩnh chẳng những không tránh né mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc chất vấn và phản biện của đối tượng, khởi đi từ chính những chất vấn và phản biện của đối tượng để chất vấn và phản biện ngược lại, từ đó mới có thể giúp đỡ đối tượng dần dần khám phá chân lý.

“Xin Chúa hướng dẫn cho tất cả những ai có trách nhiệm đồng hành với các gia đình nói chung, và các gia đình trẻ nói riêng thấm nhuần tinh thần, đường lối sư phạm và phương pháp đồng hành của Đức Giêsu, để họ có thể dẫn đưa họ đến sự gặp gỡ Chúa trong sự hiệp thông sâu xa, để từ đó họ có thể hoán cải, biến đổi cuộc đời để trở lại với nhau trong tình thân ái và khao khát trở nên chứng tá cho niềm vui sống Tin Mừng trong đời sống hôn nhân và gia đình”.

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …