Home / Chia Sẻ / SỨ MỆNH CỦA GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO

SỨ MỆNH CỦA GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO

 

 

I/Thông truyền đức tin cho con cái

tintucaa0c380a218781f8aea853dad2db457fTông Huấn Gia đình số 14 dạy: “Cha mẹ được mời gọi biến tình thương con cái thành dấu chỉ hữu hình cho chúng nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa. Đó là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất (Ephêsô 3,15). Thiên chức làm cha mẹ nhắn nhủ những bậc phụ huynh có trách nhiệm thông truyền đức tin cho các thế hệ kế tiếp. Cha mẹ là những Giáo lý viên đầu tiên cho con cái. Hãy giới thiệu cho con cái biết Thiên Chúa ngay khi con còn bé bằng những lời cầu nguyện bập bẹ đơn sơ và cử chỉ đơn giản như làm dấu Thánh giá, chấp tay, cúi đầu, bằng những lời cầu nguyện ngắn gọn, những nội dung giáo lý căn bản, những câu chuyện Thánh Kinh. Nếu được cha mẹ ân cần chỉ bảo, sẽ tạo nơi con em một nền tảng giáo lý vững chắc và một đời sống thiêng liêng sâu đậm sau này. Trách nhiệm của cha mẹ không dừng lại ở đó, mà còn thể hiện qua việc hướng dẫn, nhắc nhở con em mình đi học giáo lý, tham gia hội đoàn đạo đức để được trưởng thành hơn trong đời sống đức tin.

Tình thương của cha mẹ dành cho con cái là dấu chỉ cho con cái nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người. Cha mẹ là những người thể hiện tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói cha mẹ làm cho tình yêu của Thiên Chúa được “mạc khải” qua cuộc sống của mình.

Cha mẹ có trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái. Có nghĩa là gì? Là truyền thụ lại những điều mình tin và những điều mình cảm nghiệm về giá trị của đức tin trong đời sống cụ thể của mình. Như thế những người làm cha mẹ cần phải sống đức tin của mình một cách sâu đậm, mới có thể cảm nhận được giá trị của ơn Chúa trong cuộc đời của mình. Sống đức tin là sống theo sự hướng dẫn của đức tin. Có những điều được Chúa mời gọi có thể hiểu được một cách dễ dàng như được Chúa yêu mến, tin vào Chúa thì sẽ có được sự sống đời đời, nhưng có những điều cần phải đặt mình dưới sự hướng dẫn của Giáo hội, mới có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Đặc biệt là khi phải cọ xát với những lời mời gọi của Chúa và những lợi ích trước mắt như sự công bình, giá trị của tình yêu, hy sinh cho tha nhân.

Để có thể hiểu được điều Chúa muốn nơi con người, cần phải đặt mình trong toàn bộ chương trình cứu rỗi và tập sống trong cái nhìn yêu thương của Ngài. Đôi lúc cảm thấy lời mời gọi của Ngài khó thực hiện quá, nhưng khó chứ không phải là không có thể. Người ta chỉ có thể thực hiện được điều khó, khi biết rõ lý do của sự cố gắng này.

Một trong những điều mà những đôi vợ chồng trẻ Công giáo ngày nay phải đối mặt là làm sao có thể dung hòa giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản con cái một cách có trách nhiệm. Nói đến tình yêu là nói đến một hành vi trao hiến hỗ tương một cách có trách nhiệm, chứ không phải đơn thuần chỉ là một đòi hỏi bản năng. Những cử chỉ âu yếm vợ chồng giúp cho đôi bạn hiểu nhau hơn, an ủi nhau nhiều hơn, nhờ thế mở ra sự hiệp thông giữa hai người, chứ không đóng kín trong sự thỏa mãn của mỗi người một cách ích kỷ.

II/Sứ mệnh tôn trọng và bảo vệ sự sống

Thánh Kinh nói với chúng ta: Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Người chia sẻ và thông ban sự sống cho con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27), Thiên Chúa chúc lành và nâng niu sự sống con người, ngay từ lúc vừa được hình thành trong lòng mẹ. Đến lượt mình, con người được cộng tác với Thiên Chúa để thông ban sự sống mình đã nhận. Mặc dầu, có khả năng thông truyền sự sống, nhưng con người không có quyền năng hủy hoại sự sống của mình. Đức chân phước Gioan Phaolô II đã viết: “Sự sống của con người là thánh thiêng, nó mang tính bất khả xâm phạm, được khắc ghi trong lòng người, trong lương tâm con người” (Thông điệp Tin Mừng sự sống, số 40). Vì sự sống là ân ban của Thiên Chúa, là vốn quý giá nhất của đời người, nên sự sống của con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối. (Sách GLGHCG). Con người dù đẹp hay xấu, thông minh hay tối dạ, đều là người đã được Thiên Chúa dựng nên, yêu thương và cứu chuộc. Do đó, những can thiệp của khoa học nhằm lựa chọn giới tính, những hành vi phá thai, làm chết êm dịu… đều đi ngược với phẩm giá con người và chống lại Thiên Chúa. Những lớp giáo lý hôn nhân cần phải giúp các học viên hiểu rõ giáo huấn này. Các bậc làm cha mẹ cần phải hiểu biết để dạy con cái mình tôn trọng và bảo vệ sự sống.

III/Sứ mệnh truyền giáo của gia đình Công giáo

Chúa Giêsu trao cho Giáo hội sứ mệnh loan báo Tin Mừng, nên mỗi gia đình Công giáo phải là chứng nhân của Chúa Kitô, tỏa sáng Tin Mừng, ơn cứu chuộc, lòng yêu thương của Thiên Chúa giữa anh chị em đồng loại.

Muốn chu toàn sứ mệnh truyền giáo, các gia đình Công giáo phải làm gì?

1-. Phải sống đạo thật: Mỗi gia đình chúng ta phải là một tấm gương trong phản chiếu Tin Mừng của Chúa Kitô. Nếu làm được điều này, mỗi gia đình sẽ tạo được một sức hút lôi cuốn, có sức thuyết phục, có thể chinh phục được nhiều người khác để giới thiệu Thiên Chúa cho họ. Đưa Thiên Chúa đến gần họ và đưa họ đến gần Thiên Chúa.

2-. Phải sống cởi mở: Niềm nở đón tiếp mọi người với tình huynh đệ, đón nhận mọi người đến với mình và làm cho mọi người gặp được nơi mình một tình bạn chân thật, sẵn sàng phục vụ mọi người.

3-. Biết liên đới hòa mình với mọi người, sẵn sàng phục vụ mọi người, không loại trừ ai, theo gương Mẹ Maria, mau mắn lên đường giúp đỡ người chị họ trong lúc khó khăn.

4-. Kết nghĩa với một gia đình ngoài Công giáo: Kết thân với họ, hằng ngày cầu nguyện cho họ, năng thăm viếng họ, chia sẻ vui buồn với họ, thỉnh thoảng mời họ tham gia các việc từ thiện hay đi dự lễ Nhà thờ cầu nguyện với Đức Mẹ hay với Chúa.

LM GB. Võ Văn Ánh

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …