Sứ thần Gabriel truyền tin cho Trinh Nữ Maria (Lc 1:26-38; Is 7:10-15) là một sự kiện trọng đại và cao cả, liên quan mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.
Truyền thống từ lâu đời, Giáo Hội kính nhớ sự kiện này bằng việc cầu nguyện qua kinh Truyền Tin – Mùa Phục Sinh sử dụng kinh Nữ Vương Thiên Đàng (Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng, Alleluia…). Tại Việt Nam, trước tháng 4-1975, buổi trưa thường có đổ chuông nhà thờ và mọi người cùng hiệp nguyện kinh Truyền Tin.
Trước đó, khoảng cuối thế kỷ XIII, khi nghe chuông nhà thờ đổ thì mọi người hiệp nguyện ba kinh Kính Mừng. Theo dòng thời gian, sau mỗi kinh Kính Mừng lại được thêm một câu Phúc Âm (trích từ Lc 1:26 và 38 cùng với Ga 1:14) để thành kinh Truyền Tin như ngày nay.
XƯỚNG – Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
ĐÁP – Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
Kính mừng… Thánh Maria…
XƯỚNG – Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
ĐÁP – Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.
Kính mừng… Thánh Maria…
XƯỚNG – Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
ĐÁP – Và ở cùng chúng con.
Kính mừng… Thánh Maria…
XƯỚNG – Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
ĐÁP – Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
LỜI NGUYỆN – Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là con Chúa đã xuống thế làm Người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô Chúa chúng con. Amen.
Qua sự kiện Truyền Tin, Giáo Hội dạy chúng ta cầu xin ơn “sống khiêm nhường”, nhận mình nhỏ bé, hèn mọn, chứ không kênh kiệu, khoác lác. Khiêm nhường (nhượng), khiêm hạ, khiêm tốn hoặc khiêm nhu cũng là một – kể cả khiêm cung, cái “khiêm” nào cũng khó, và luôn đi kèm nhân đức mà Thiên Chúa yêu quý: Đơn sơ.
Các dạng “khiêm” bắt đầu bằng mẫu tự K mà thật là khó “ca” quá chừng! Khiêm nhường là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức, vô cùng quan trọng đối với bất kỳ ai, vì chính Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng HIỀN HẬU và KHIÊM NHƯỜNG” (Mt 11:29). Đức Mẹ là người luôn sống khiêm nhường, được chọn làm Mẹ Thiên Chúa nhưng lại chỉ nhận mình là Nữ Tỳ của Chúa (Lc 1:38).
Ngay sau khi biết tin Chị Ê-li-da-bét cũng đã có hỉ tín và hân hoan chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã vội vã đi thăm Chị. Khi hai người mẹ phấn khởi, Đức Maria đã chúc tụng Thiên Chúa bằng bài Magnificat – Ngợi Khen, trong đó có đề cập đức khiêm nhường: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, NGƯỜI NÂNG CAO MỌI KẺ KHIÊM NHƯỜNG” (Lc 1:25). Thánh Phaolô cũng khuyên sống khiêm nhường: “Anh em hãy lấy Đức Khiêm Nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng BAN ƠN CHO KẺ KHIÊM NHƯỜNG. Vậy anh em hãy TỰ KHIÊM TỰ HẠ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (1 Pr 5:5-6). Thiên Chúa có kế hoạch riêng cho từng người, không ai biết trước, nhưng Thiên Chúa sẽ hành động đúng lúc, đúng thời theo kế hoạch của Ngài theo cách quan phòng và tiền định của Ngài. Phàm nhân chúng ta không thể hiểu được!
Chắc chắn rằng người khiêm nhường thì cũng là hiền lành, mà hiền lành thì đơn sơ, đơn sơ thì cũng chân thật. Khiêm nhường là nhân đức cao quý đến nỗi Chúa Giêsu đã đặt là một trong Tám Mối Phúc: “Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4). Tuy nhiên, nên nhớ rằng càng làm lớn càng dễ ỷ lại, kiêu ngạo, do đó, càng cần đức khiêm nhường hơn bao giờ hết. Trồng rừng phải mất nhiều thời gian, nhưng đốt rừng chỉ trong thoáng chốc, bởi vì chỉ cần một que diêm mà thôi. Que diêm đó chính là thói kiêu ngạo. Thật vậy, kiêu ngạo là đầu mối các tội lỗi – dù nhỏ hay to. Và nó chính là “cái tôi” của chúng ta. Thật đáng sợ!
Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con, bây giờ và trong giây phút cuối đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Lễ Truyền Tin – 2019