Home / Chia Sẻ / SỰ KIỆN TRỌNG ĐẠI

SỰ KIỆN TRỌNG ĐẠI

SỰ KIỆN TRỌNG ĐẠITổng Thần Gabriel truyền tin Cho Đức Mẹ (Lc 1:26-38) là một sự kiện trọng đại, mở đầu công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Lời “xin vâng” của Đức Maria rất cần thiết, vừa can đảm vừa khiêm nhường, xứng đáng là người hiệp thông việc cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.

Khi đọc Kinh Mân Côi với Mầu Nhiệm Mùa Vui, chúng ta ngắm Thứ Nhất và cầu xin được “ở khiêm nhường,” nghĩa là chúng ta muốn sống khiêm nhường – khiêm hạ, khiêm tốn hoặc khiêm nhu. Khiêm nhường là nhân đức vô cùng quan trọng vì đó là nền tảng của mọi nhân đức. Thật vậy, chính Chúa Giêsu dạy: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11:29) Đức Mẹ thuộc lòng bài học đó, luôn sống khiêm nhường, và được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Đức Mẹ chỉ nhận mình là Nữ Tỳ của Chúa mà thôi. (Lc 1:38)

Sau khi chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa và biết tin Chị Êlidabét cũng có tin vui lạ lùng, Đức Maria vội vã đi thăm Chị. Khi hai người mẹ phấn khởi, Đức Mẹ đã chúc tụng Thiên Chúa bằng bài Magnificat, trong đó cũng đề cập đức khiêm nhường: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (Lc 1:25) Cựu Ước nói: “Đức Chúa hạ bệ những ai quyền thế, và đặt kẻ hiền lành ngồi lên thay. Đức Chúa đã bứng rễ các dân ngoại, và đem trồng vào đó kẻ khiêm nhường.” (Hc 10:14-15) Thiên Chúa có toàn quyền, kể cả quyền sinh tử, “vì mọi việc Người làm đều chân thật, đường lối của Người vốn công minh. Người có quyền hạ bệ kẻ quen thói kiêu căng hống hách.” (Đn 4:34)

Thánh Phaolô cũng khuyên sống khiêm nhường: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định.” (1 Pr 5:5-6) Thiên Chúa có kế hoạch riêng cho từng người, không ai biết trước, nhưng Thiên Chúa sẽ hành động đúng lúc, đúng thời theo kế hoạch của Ngài.

Ai khiêm nhường thì cũng hiền lành. Khiêm nhường là nhân đức cao quý đến nỗi Chúa Giêsu đặt là một Mối Phúc: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” (Mt 5:4) Tuy nhiên, nên nhớ rằng càng làm lớn càng dễ ỷ lại, kiêu ngạo, do đó càng cần đức khiêm nhường hơn. Trồng rừng phải mất nhiều thời gian, nhưng đốt rừng chỉ trong thoáng chốc, và chỉ với một que diêm mà thôi. Que diêm đó là “thói kiêu ngạo” – kiêu căng, kiêu sa, tự mãn, tự đắc.

Con Thiên Chúa nhân lành và tự hạ, đến nỗi Ngài mặc xác phàm để nên giống chúng ta, nên Ngài chỉ quý người khiêm nhường như Ngài: “Chúa chế giễu đứa hay nhạo báng, nhưng thi ân cho kẻ khiêm nhường.” (Cn 3:34) Tất nhiên mọi thứ đều có hệ lụy: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường.” (Cn 11:2) Và cũng có điều tương tự: “Lòng tự cao dẫn đến suy sụp, đức khiêm tốn đem lại vinh quang.” (Cn 18:12)

Sống khiêm nhường là cách tôn vinh Thiên Chúa, vì Thiên Chúa “được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.” (Hc 3:20) Khiêm nhường có nhiều lợi ích, nhưng không dễ vì “cái tôi” bé nhỏ mà cồng kềnh lắm. Kinh Thánh nói: “Lòng kính sợ Đức Chúa là trường dạy khôn ngoan, khiêm nhu là đường dẫn đến vinh dự.” (Cn 15:33) Quả thật, “thà sống tự hạ với kẻ khiêm nhu hơn chia chiến lợi phẩm với phường kiêu hãnh.” (Cn 16:19) Khiêm nhường liên quan sự thật, sống chân thành, không ảo tưởng hoặc hợm mình. Kinh Thánh khuyên: “Con ơi, hãy tự hào một cách khiêm tốn, và tự trọng đúng với giá trị của con.” (Hc 10:28)

Lễ Truyền Tin cũng là dịp nhắc nhở về ba lời khuyên của Đức Mẹ: [1] Ăn Năn Đền Tội, [2] Tôn Sùng Mẫu Tâm, [3] Siêng Năng Lần Chuỗi Mân Côi. Đức Mẹ cho biết rằng mỗi lần đọc một Kinh Kính Mừng là dâng cho Mẹ một đóa hồng tươi đẹp, và đọc xong một Chuỗi Mân Côi là dâng cho Mẹ một triều thiên hoa hồng. Tuyệt vời lắm!

Khi sùng kính Đức Mẹ, chúng ta thấy đời sống hằng ngày gia tăng hy vọng về sự sống vĩnh hằng trên Nước Trời, đồng thời có thêm nhiều lợi ích qua việc kết hiệp với Đức Kitô và Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nhờ Đức Mẹ để đến với Chúa Giêsu, qua Chúa Con để đến với Chúa Cha.

Thánh Angela Merici nói: “Muốn biết một người có nên giống Chúa Giêsu hay không thì phải coi họ chấp nhận sự khinh miệt sỉ nhục như thế nào.” Chắc chắn rằng người chịu được như vậy chỉ có thể là người khiêm nhường.

TRẦM THIÊN THU)

Lễ Truyền Tin – 2024

 Truyền Tin – https://youtu.be/hek9DCFyRrw

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …