Các bài đọc ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá cung cấp giáo huấn phong phú về Thập Giá. Chúng ta cùng nhìn vào 5 chủ đề này.
- KIỂU THẬP GIÁ
Một trong những đoạn văn lạ trong Cựu Ước là đoạn mô tả huấn lệnh mà ông Môsê lãnh nhận từ Thiên Chúa: Đúc con rắn đồng và treo nó lên cây cột.
Người ta cằn nhằn với Chúa và ông Môsê về thứ bánh man na “chết tiệt” mà họ phải dùng (Ds 21:5). Họ chán ngấy thứ đồ ăn vô vị ấy mặc dù đó là loại lương thực kỳ lạ, là bánh từ trời nuôi dưỡng họ trong hoang địa. (Lưu ý: người Công giáo cũng có lúc cảm thấy chán Thánh Thể đấy!). Thiên Chúa nổi giận và cho rắn độc xuất hiện và cắn chết nhiều người (Ds 21:6). Lúc đó dân chúng ăn năn, Thiên Chúa truyền mệnh lệnh cho ông Môsê:“Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21:8).
Người truyền lệnh đó cũng chính là Thiên Chúa đã truyền khắc Thập Giới, và nghiêm khắc:“Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ”(Xh 20:4). Tại sao Thiên Chúa làm như vậy? Điểm kế tiếp sẽ giải thích.
- TÍNH CHẤT XOA DỊU CỦA THẬP GIÁ
Khiông Môsê đúc con rắn đồng và treo nó lên cho dân thấy, những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được chữa lành (Ds 21:9).
Điều đó giống như Thiên Chúa nói với ông Môsê rằng: “Khi từ chối bánh từ trời, dân chúng đã chọn Satan và những gì nó cho. Họ đã khước từ Ta. Hãy để họ nhìn sâu vào tội lỗi của họ và đối mặt với cách chọn lựa của họ,nỗi sợ hãi sẽl àm cho nó tỉnh mộng. Hãy bảo họ nhìn lên con rắn. Nhìn lên và sám hối thì sẽ được cứu; cứ để cho họ sợ rắn”.
Chúa Giêsu đến hoàn tất lời tiên tri: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:14-15). Lời đó như thể nói rằng: “Cứ để dân chúng đối mặt với tội lỗi của họ để họ thấy sự thật xấu xa rằng đó là điều họ làm chống lại Ta, chống lại họ, và chống lại người khác. Cứ để họ chọn lựa và tìm kiếm sự ăn năn có sức chữa lành. Cũng cứ để họ thấy vòng tay thương xót của Thiên Chúa mở rộng và tìm kiếm sự bình an”.
Có điều gì đó về việc đối mặt với tội lỗi, khuyết điểm, sự lo lắng và nỗi sợ hãi của chúng ta. Có điều gì đó về việc nhìn vào chúng để tìm cách chữa lành. Một trong các vinh quang của đức tin Công giáo là không bao giờ che giấu Thập Giá. Chúng ta không bao giờ chạy thoát. Đã có những lúc chúng ta không muốn đề cao Thập Giá. Nhưng trải qua lịch sử, Thập Giá vẫn nổi bật, hiên ngang, xuất hiện tại các nhà thờ và tại gia đình của chúng ta. Chúng ta bám vào Thập Giá và suy tôn Thập Giá.
Bạn có biết điều đó “sốc” như thế nào không? Hãy tưởng tượng bạn bước vô nhà thờ, thay vì nhìn thấy Thập Giá thì bạn nhìn thấy Chúa Giêsu treo lủng lẳng với sợi dây quanh cổ. Đóng đinh là một dạng xử tử dành cho những tên tội phạm khét tiếng nhất. Thật khủng khiếp với loại đau khổ ghê gớm nhất. Khi người Rôman thấy hoặc nghĩ về điều gì khủng khiếp, họ thường buột miệng nói câu thành ngữ bằng tiếng: “Ex cruce!” (từ Thập Giá), vì họ nghĩ rằng không còn gì kinh khủng hơn để họ so sánh. Đó là nguồn gốc từ ngữ “excruciating” trong tiếng Anh – nghĩa là đau khổ cực độ. Sự đóng đinh rất tàn ác, nó làm cho người ta chết nhục nhã và chết từ từ: ex cruce!
Thế nhưngThập Giá vẫn ở trước và ở giữa các nhà thờ Công giáo, dẫn đầu các cuộc rước, ở giữa các gia đình. Chúng ta nhìn ngắm Thập Giá hằng ngày. Chúng ta làm dấu Thánh Giá thường xuyên, nhất là khi sợ hãi nhất: đau khổ, sỉ nhục, mất mát, ghen ghét, hàm oan, nguyền rủa, hành hạ, loại trừ, bất công, áp bức, và sự chết. Thiên Chúa và Giáo Hội nói:“Hãy ngước nhìn! Đừng quay đi! Đừng che giấu!”. Thập Giá có mọi ý nghĩa. Hãy nhìn vào khuôn mặt sợ hãi của bạn, hãy hãy đối đầu với nó và bắt đầu trải nghiệm sự chữa lành. Đừng sợ rằng thế gian và ma quỷ có thể làm được, vì Đức Kitô đã vinh thắng. Ngài đã tiêu diệt tử thần như cởi bỏ chiếc áo và nói với chúng ta: “Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian”(Ga 16:33).
III. NGHỊCH LÝ CỦA THẬP GIÁ
Sự nghịch lý đề cập điều trái ngược với sự thường, gây ngạc nhiên hoặc gây xáo trộn chúng ta bằng sự nghịch đảo các tiêu chuẩn bình thường. Trong một thế giới bị điều khiển bởi sức mạnh và sự gây hấn, sự nhục nhã và bất lực của Thập Giá không hoàn tất điều gì nhưng lại đánh bại cả sự kinh ngạc và làm đảo lộn trật tự thế giới bình thường.
Chúng ta tuyên xưng Đức Kitô tự hạ và vâng lời cho đến chết – chết trên Thập Giá. Công cuộc của Ngài tôn vinh Ngài và đem lại chiến thắng. Đối với thế giới, đó là sự ngớ ngẩn hoặc ngu xuẩn, nhưng đối với chúng ta, những người được cứu thoát, thì Thập Giá là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Bóng tối không thể điều khiển bóng tối, mà chỉ có ánh sáng mới khả dĩ làm điều đó. Hận thù không thể điều khiển hận thù, tình yêu mới có thể làm điều đó. Kiêu ngạo không thể điều khiển kiêu ngạo, chỉ có khiêm nhường có thể điều khiển nó. Tội Nguyên Tổ và mọi tội lỗi cá nhân là khái niệm kiêu ngạo cho rằng chúng ta biết nhiều hơn Thiên Chúa. Vết chàm của Satan là thói kiêu căng ngạo mạn, nó tự nhận ngang hàng với Thiên Chúa, tự yêu mình thái quá, tự cao tự đại và kiêu hãnh.
Nhưng chế ngự thói kiêu ngạo không là kiêu ngạo nhiều hơn, mà là thể hiện sự khiêm nhường, như Chúa Giêsu đã làm. Satan bất tuân lệnh Thiên Chúa, còn Đức Giêsu khiêm nhường tuân phục Thiên Chúa Cha. Ngài không ỷ vào đặc quyền của Ngài, mà Ngài để riêng ra, sử dụng dạng nô lệ và chỉ coi là Con Người. Vì thế Ngài tự hạ và vâng lời đến nỗi chấp nhận chịu chết trên Thập Giá. Chúa Giêsu là Con Người hạ mình nhất, chấp nhận chết để duy trì sự sống cho những tội nhân mặc dù Ngài vô tội và là Thiên Chúa.
Thật ngạc nhiên về đức khiêm nhường của Chúa Giêsu, triệt tiêu thói kiêu căng của Satan và thói tự phụ của chúng ta. Nghịch lý to lớn của Thập Giá là sự khiêm nhường chiến thắng sự kiêu ngạo, sự yếu đuối của cơ thể chiến thắng sức mạnh và sự quá khích của con người, tình yêu chiến thắng hận thù, và ánh sáng đẩy lùi bóng tối. Nghịch lý to lớn của Thập Giá tạo nên viễn cảnh về tính tự phụ của mỗi con người và cả thế giới.
- SỨC MẠNH CỦA THẬP GIÁ
Phúc Âm nói về sức mạnh của Thập Giá: Con Người phải được giương cao, để ai tin vào Ngài thì được cứu độ. Như vậy, Chúa Giêsu được giương cao khỏi đất là lời mời gọi dành cho mọi người, ai tin tưởng hướng về Ngài thì được cứu thoát khỏi tội lỗi và thoát khỏi ma quỷ. Sức mạnh của Thập Giá là sức mạnh cứu độ.
Chúng ta không chỉ được cứu khỏi ảnh hưởng của tội lỗi, chúng ta còn được sự sống mới viên mãn. Thiên Chúa làm như vậy không phải để chúng ta khỏi phải chết, nhưng chúng ta có thể được sống đời đời và sống viên mãn. Do đó, nhờ sức mạnh của Thập Giá, chúng ta được trao ban sự sống mới, dần dần biến đổi trong sự thánh thiện, tự do, niềm vui, và ân phúc của sự sống nơi Đức Kitô. Khi chết cùng với Ngài qua bí tích Thánh Tẩy đối với sự sống cũ, chúng ta vươn tới sự sống mới mà Ngài trao ban: sống thoát khỏi tội lỗi, sống biến đổi thói hư tật xấu thành nhân đức, từ u buồn tới vui mừng, từ thất vọng tới hy vọng, từ vô nghĩa tới hữu ích và chiến thắng. Như vậy, sức mạnh của Thập Giá là biểu hiện sức mạnh của cây sự sống.
- NIỀM ĐAM MÊ CỦATHẬP GIÁ
Tại sao như vậy? Nói ngắn gọn một từ là “yêu”. Thật vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Vâng, Thiên Chúa yêu thương cả thế giới. Mặc dù chúng ta nổi loạn, bất tín, xúc phạm, thù hận, Thiên Chúa vẫn không ngừng yêu thương chúng ta. Ngài sai Con Một đến chứng tỏ tình yêu Ngài dành cho chúng ta, để chúng ta yêu mến Ngài và vâng lời Ngài theo khả năng của con người. Chúa Giêsu rất yêu mến Chúa Cha và yêu thương chúng ta. Chúa Cha cũng yêu thương chúng ta đến nỗi ban chính Con Yêu Dấu của Ngài cho chúng ta, mặc dù Chúa Giêsu là Con Một, tặng phẩm cao quý nhất mà Ngài có thể trao tặng. Vì yêu thương, Ngài không khước từ mà lại trao ban tặng phẩm này.
Tại sao chúng ta hiện hữu? Chúng ta được cứu độ bằng cách nào? Thiên Chúa yêu thương cả thế giới, Ngài yêu thương chúng ta quá nhiều. Ngài là tình yêu, Ngài yêu thương chúng ta nên Ngài chứng tỏ sự thật đó cho chúng ta thấy và mời gọi chúng ta nhận biết sự thật của Ngài. Ngài không ép buộc chúng ta dành tình yêu cho Ngài, nhưng mời gọi chúng ta yêu mến Ngài, ban mọi ân sủng để chúng ta hướng về Ngài và đến với Ngài. Nhưng tại sao Ngài quan tâm mà không bắt buộc chúng ta vâng lời? Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu chỉ mời gọi tự nguyện chứ không ép buộc. Tình yêu tôn trọng ý muốn của người được yêu và chỉ tìm kiếm sự đáp lại hoàn toàn tự do.
Thập Giá – không gì khiêu khích hơn, không gì nghịch lý hơn,không gì là bằng chứng lớn hơn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta – dù chúng ta chỉ là tội nhân bất xứng, Ngài muốn làm mọi thứ để chúng ta chấp nhận sự thật của Ngài, đường lối của Ngài, và tình yêu của Ngài. Hãy chạy tới bên Thập Giá và gặp Chúa, Đấng yêu thương bạn hơn bạn tưởng và dù bạn bất xứng. Hãy chạy đến với Ngài ngay bây giờ, vì Ngài luôn yêu thương bạn!
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ blog.adw.org)
Thượng tuần Tháng Chín – 2018