Vào đêm Chúa giáng sinh tại Belem, những mục đồng thức đêm canh giữ đàn vật được sứ thần đến báo tin. Họ đã vội vã đến xem, như lời hướng dẫn của sứ thần. Điều họ thấy, không phải là một vị vua quyền uy sang trọng, chẳng phải là một vị thần hiển linh huy hoàng, mà đơn giản chỉ là một trẻ thơ, bọc trong chiếc tã và nằm trong máng cỏ. Những người chăn chiên đơn sơ chất phác này đã nhận ra Hài Nhi ấy là Đấng Cứu thế, và đã tôn vinh Thiên Chúa.
Mỗi mùa Giáng sinh, chúng ta lại đến chiêm ngưỡng hang đá máng cỏ, là biểu tượng nhắc nhớ chúng ta về sự kiện lịch sử này. Cũng như những mục đồng thuở xưa, chúng ta không thấy nơi hang đá một vị vua quyền uy sang trọng, cũng không thấy một vị thần hiển linh huy hoàng. Điều chúng ta chiêm ngắm và suy niệm, đó vẫn là một hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Hài Nhi Giêsu ngự nơi đây để dạy chúng ta bài học về sự khiêm nhường của Thiên Chúa.
Trong bài Tin Mừng, Thánh Gioan đã dẫn chúng ta về cội nguồn của Ngôi Lời. Người là Đấng vô thủy vô chung, là Đấng hiện hữu từ ban đầu, là Nguyên lý sáng tạo muôn loài muôn vật, và là Ánh Sáng chiếu soi trần thế. Sau khi đã khẳng định những điều đó, tác giả nói với chúng ta: “Ngôi Lời đã làm người và ở với chúng ta”. Vâng, Hài Nhi mới sinh nằm trong máng cỏ, chính là Con Thiên Chúa nhập thể. Ngôi Lời đã hóa thành người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Thiên Chúa có thể cứu chuộc con người bằng nhiều thể nhiều cách, nhưng Ngài đã chọn con đường nhập thể để chứng tỏ tình thương của Ngài đối với nhân loại. Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó khi ngỏ lời với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Trong suốt bề dày lịch sử nhân loại và lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn thể hiện sự khiêm nhường của Ngài. Khi sáng tạo mọi sự từ hư vô, Thiên Chúa giống như nước thủy triều, tự thu mình lại để nhường chỗ đất khô cho con người có nơi ở. Khi ký kết giao ước với con người (Abraham, Môisen), Thiên Chúa hạ mình, trở nên đối tác của con người.Qua những giao ước đã ký kết, Thiên Chúa tự ràng buộc mình phải tuân giữ những điều đã hứa. Ngài luôn trung thành với giao ước, mặc dù có những lúc con người bất trung.
Tác giả thư Do Thái (Bài đọc II) đã khẳng định với chúng ta: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”. Với mầu nhiệm Giáng sinh, mối tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại đã sang một trang sử mới. Tác giả gọi đây là “thời sau hết.”Điều đó có nghĩa, thế gian không còn phải đợi chờ đấng cứu độ nào khác, ngoài Đức Giêsu, Đấng Thiên sai mà Chúa đã hứa từ ngàn xưa.
Sự khiêm nhường của Thiên Chúa còn được thể hiện trong suốt cuộc đời dương thế của Đức Giêsu. Là Thiên Chúa cao cả, Người đã sống thân phận con người như chúng ta. Người cũng mệt mỏi khi đi đường xa, buồn giận khi con người cứng lòng, thương xót rơi lệ trước nỗi thống khổ của con người. Đức Giêsu trở nên giống chúng ta mọi đàng để cảm thông và chia sẻ những trăn trở âu lo trong cuộc sống của chúng ta. Ngày hôm nay, Người vẫn đang hiện diện trong cuộc đời, để tiếp tục đồng hành, nâng đỡ và an ủi chúng ta trong chốn khách đày này.
Con Thiên Chúa làm người để dạy chúng ta bài học khiêm nhường. Hài Nhi trong hang đá máng cỏ khẳng định với chúng ta: sống trên đời, trước khi làm ông nọ bà kia, hãy LÀM NGƯỜI. Quả thật, có người đỗ đạt bằng cấp, học hành uyên thâm, nhiều chức tước bổng lộc và quyền hành, mà không khởi đi từ làm người. Họ cậy quyền cậy của để sống gian dối, trụy lạc, ích kỷ. Vì thế, họ giàu có mà không hạnh phúc, tiệc tùng suốt ngày mà không vui, bổng lộc nhiều mà không đủ lấp đầy khát vọng. Làm người có nhân có nghĩa, biết sống trước sau trên dưới hài hòa, đó là nền tảng quan trọng để có thể tiến thân trong xã hội, nên hoàn thiện trước mặt Chúa và trước mặt tha nhân.
Tác giả Gioan cũng nói với chúng ta: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” Vâng, chúng ta hãy đón nhận Chúa đến trong đời, để Người soi dẫn chúng ta biết học bài học khiêm nhường, sống làm người đúng nghĩa nơi trần thế. Đón nhận Đức Giêsu và tuân theo giáo huấn của Người, chúng ta không bao giờ phải thất vọng, nhưng sẽ tràn đầy niềm vui thiêng liêng và nghị lực để vượt lên những khó khăn của cuộc đời.
Mừng lễ Giáng sinh, vừa là thiện chí đón Chúa đến trong cuộc đời, vừa là nhiệt thành loan báo tình thương của Chúa cho những người xung quanh. Chỉ khi nào thực sự đón Chúa đến trong tâm hồn, lời rao giảng của chúng ta mới “có hồn” và mang tính thuyết phục. Cũng giống như các mục đồng, sau khi chiêm ngưỡng Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, chúng ta hãy tôn vinh Thiên Chúa. Hãy lên đường để kể lại những gì đã suy tư cảm nghiệm bên hang đá. Những bước chân loan báo Chúa Giêsu được diễn tả là những bước chân tuyệt đẹp, vì đó là những bước chân của tình Chúa, tình Người (Bài đọc I).
Gm Giuse Vũ Văn Thiên