Chồng tôi đã về nhà vào Chúa Nhật tuần trước sau khi giúp đỡ người bạn lâu năm của chúng tôi – anh ấy phải ở nhà để hồi phục sau đợt điều trị ung thư nghiêm trọng. Chúng tôi đã thay phiên nhau chăm sóc người bạn này trong năm qua. Thì ra căn bệnh ung thư đã tái phát và di căn sang một cơ phận mới. Cơ thể anh ấy đã bị tàn phá, giờ anh ấy phải chiến đấu trên một mặt trận mới.
Trong cùng một tuần, mỗi người bạn thân của chúng tôi trong khu vực đều phải đối mặt với một trường hợp khẩn cấp lớn với cha mẹ hoặc con cái. Hết tin nhắn này đến tin nhắn khác liên tục gửi đến xin cầu nguyện. Cùng lúc, một trận lũ đau khổ ập đến với mọi người xung quanh chúng tôi. Tất cả đều xảy ra vào cùng một ngày. Rất may, tất cả những trường hợp khẩn cấp đó đều được điều trị y tế và họ đang hồi phục, ngoại trừ người bạn của chúng tôi, người được phát hiện bệnh ung thư đã tái phát.
Khi chồng tôi báo tin, tôi không nói nên lời. Thật ra kể từ đó, tất cả những gì tôi cảm thấy là sự im lặng đau đớn của Đức Mẹ, Thánh Gioan và Thánh Maria Mácđala (Mađalêna) dưới chân Thánh Giá. Có gì để nói với một người bạn đã phải chịu đựng những đau đớn và đau khổ dữ dội như vậy? Những lời nào có thể làm dịu sự cứng rắn, gỗ vỡ vụn của Thánh Giá và sự đóng đinh của anh ấy? Những câu trả lời nào có thể được đưa ra khi đối mặt với việc sống sót sau nhiều lần thoát chết trong gang tấc chỉ để nhận được tin rằng căn bệnh ung thư đã quay trở lại và hung hãn hơn?
Có một khoảnh khắc khi đối mặt với những đau khổ khủng khiếp khi sự im lặng là phản ứng phù hợp duy nhất. Không thể “lý luận” về những gì đang xảy ra, không còn lời an ủi nào nữa. Sự im lặng là phản ứng duy nhất trước những chiếc đinh lạnh lẽo, sắc nhọn, sự ngạt thở chậm rãi và bóng tối. Đó là phản ứng duy nhất khi nhìn chằm chằm vào đôi mắt của một người bạn có thể bị tuyên án tử hình.
Đức Mẹ im lặng dưới chân Thánh Giá. Thánh Gioan và Thánh Maria Mácđala cũng không thốt ra một lời nào. Chính Chúa đã nói với họ trong cơn hấp hối của Ngài. Thiên-Chúa-Làm-Người đã hoàn toàn trút bỏ chính mình, bước vào nỗi đau khổ của Đức Mẹ và các môn đệ yêu dấu. Ngài hướng về Đức Mẹ và ban cho Mẹ những người con thiêng liêng. Ngài ban cho Mẹ một người con linh mục và qua hành động đó, ban cho Mẹ toàn thể Giáo Hội như những người con thiêng liêng của Mẹ. Từ trên Thánh Giá, Ngài xin Mẹ yêu thương những ai Ngài yêu thương, chăm sóc những nhu cầu thiêng liêng của họ qua sự hướng dẫn của Mẹ đối với Giáo Hội mới thành lập và qua sự chuyển cầu của Mẹ với tư cách là Nữ Vương Thiên Đàng.
Trong Ga 19:25-27, chúng ta nghe Chúa Giêsu dịu dàng nói với Đức Mẹ và Thánh Gioan: Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Ngài nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Không ai trong số họ đáp lại bằng lời nói về sứ mệnh mới được Chúa giao phó cho họ. Họ để Ngài nói hết mọi điều trong khi họ âm thầm chịu đựng nỗi thống khổ của Thập giá. Ngài nói trong sự im lặng của họ. Đó là bài học cho mỗi người chúng ta khi chúng ta phải đối mặt với sự bí ẩn của đau khổ trong cuộc sống của chính mình hoặc trong cuộc sống của những người thân yêu. Có sự im lặng mà chúng ta phải sẵn sàng chịu đựng để bước vào sự bí ẩn của đau khổ.
Khổ đau là điều bí ẩn. Chúng ta không hiểu được. Chúng ta không được trả lời cho những câu hỏi tại sao một số người phải chịu đau khổ và chết theo những cách nhất định hoặc ở độ tuổi còn trẻ. Chúng ta không biết tại sao một số người phải chịu những đau đớn không thể diễn tả được và không bao giờ sống để trải nghiệm chiến thắng trước nỗi thống khổ của họ trong cuộc sống này. Chiến thắng cuối cùng của họ chỉ có thể được sống trên Thiên Đàng.
Sẵn sàng bước vào sự im lặng của mầu nhiệm này dẫn chúng ta đến sự kết hợp sâu sắc hơn với Chúa Kitô. Trong sự im lặng của chúng ta, Ngài có thể nói với chúng ta. Ngài có thể tiếp cận chúng ta trong sự im lặng theo những cách mà Ngài không thể khi chúng ta nói hết mọi điều. Những lời sáo rỗng mà chúng ta dùng để che đậy sự khó chịu hoặc không muốn chịu đựng đau khổ sẽ không bao giờ có thể dẫn chúng ta đến sự phát triển tâm linh sâu sắc. Những lời đó lấn át cuộc đối thoại mà Thiên Chúa muốn có với chúng ta trong những đau khổ này. Mong muốn kiểm soát của chúng ta trong những khoảnh khắc đau khổ khiến chúng ta xa cách Ngài. Chỉ có sự im lặng mới có thể kéo chúng ta lại gần Ngài. Có những khoảnh khắc Ngài muốn dẫn chúng ta vào sự đau khổ im lặng của Thập Giá. Những khoảnh khắc mà Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta nhắc nhở chúng ta rằng “Ngài muốn hôn chúng ta từ Thập Giá.”
ĐHY Sarah đã viết và nói nhiều về nhu cầu cần có sự im lặng. Thiên Chúa chủ yếu nói với chúng ta qua sự im lặng – cho dù đó là sự im lặng của Thập Giá hay sự im lặng của Mình Thánh Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Tình yêu của Ngài được thể hiện với chúng ta qua sự im lặng sâu sắc và dịu dàng, tràn ngập sự hiện diện của Ngài. Điều này đặc biệt đúng trong đau khổ.
ĐHY Sarah giải thích: “Thiên Chúa không muốn sự dữ. Nhưng Ngài vẫn im lặng một cách đáng kinh ngạc trước những thử thách của chúng ta. Bất chấp mọi thứ, đau khổ không đặt ra câu hỏi về quyền năng toàn năng của Thiên Chúa – hoàn toàn không, nhưng nó tiết lộ điều đó cho chúng ta. Tôi vẫn nghe thấy tiếng nói của đứa trẻ đã hỏi tôi qua những giọt nước mắt rằng ‘Tại sao Chúa không cứu cha tôi khỏi bị giết?’ Trong sự im lặng bí ẩn, Thiên Chúa thể hiện chính Ngài trong giọt nước mắt của đứa trẻ chứ không phải trong trật tự của thế giới có thể biện minh cho giọt nước mắt đó. Thiên Chúa có cách bí ẩn của Ngài để gần gũi chúng ta trong những thử thách của chúng ta. Ngài hiện diện sâu sắc trong những thử thách và đau khổ của chúng ta. Sức mạnh của Ngài tự biến thành sự im lặng vì nó cho thấy sự khéo léo vô hạn của Ngài, sự dịu dàng yêu thương của Ngài dành cho những người đau khổ. Những biểu hiện bên ngoài không nhất thiết là bằng chứng tốt nhất về sự gần gũi. Sự im lặng cho thấy lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, sự thật là Ngài tham gia vào những đau khổ của chúng ta. Thiên Chúa không muốn điều ác. Cái ác càng khủng khiếp thì càng rõ ràng chính Thiên Chúa trong chúng ta là nạn nhân đầu tiên.”
Chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi được hoàn thành trong sự im lặng vĩ đại của Thập Giá. Thiên Chúa biểu lộ tất cả quyền năng của Ngài trong sự im lặng mà không sự man rợ nào có thể làm hoen ố.
Sự im lặng cho phép chúng ta trải nghiệm tình yêu và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa đối với chúng ta trong đau khổ. Tất cả các từ ngữ trên thế gian này không bao giờ có thể trả lời được chiều sâu của nỗi thống khổ của chúng ta khi đối mặt với chẩn đoán giai đoạn cuối, nỗi kinh hoàng của một cuộc tấn công khủng bố, hoặc nắm tay người thân yêu khi họ qua đời. Chỉ khi chúng ta cho phép mình đi vào sự im lặng của nỗi thống khổ, Chúa Kitô mới có thể nói với chúng ta. Chỉ khi chúng ta đứng trên bờ của sự bí ẩn là đau khổ và im lặng, Thiên Chúa mới có thể an ủi chúng ta.
Lý do chúng ta không thể phục vụ người khác trong những thử thách và đau khổ của họ vì chúng ta tin sai rằng chúng ta cần có câu trả lời. Chúng ta nghĩ rằng lời nói sẽ giải quyết được vấn đề, rằng việc chúng ta bận rộn vì người đó hoặc lấp đầy không khí bằng những lời sáo rỗng là cần thiết. Khi chúng ta không thể chịu đựng được sự im lặng của tất cả, chúng ta sẽ chạy trốn.
Thay vào đó, chúng ta phải để sự im lặng nhấn chìm chúng ta. Chúng ta phải để sự im lặng nhấn chìm người đang đau khổ. Đó không phải là sự im lặng trống rỗng. Đó là sự im lặng tràn đầy Sự Hiện Diện Thánh của Thiên Chúa. Đó là sự im lặng tràn đầy mầu nhiệm lớn lao của Thập Giá, nói với chúng ta rằng cái chết sẽ không có tiếng nói cuối cùng. Sự im lặng của Thập Giá mở đường cho Sự Phục Sinh. Chúng ta phải đứng im lặng với Đức Mẹ Sầu Bi, Thánh Gioan và Thánh Maria Mácđala vì chính Chúa là Đấng nói trong sự im lặng của những đau khổ của chúng ta.
CONSTANCE T. HULL
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)