Home / Chia Sẻ / Sự hy sinh của Cha tôi

Sự hy sinh của Cha tôi

 

SuHySinh cua ChaToiNếu có ai hỏi tôi về mối quan hệ của tôi với cha tôi, tôi nói với người đó rằng tôi chỉ là đứa con gái bé bỏng của cha. Ông không nói thương tôi hoặc hãnh diện về tôi, nhưng tôi luôn biết rằng ông tin tôi. Mặc dù ông không là người đàn ông tình cảm, tôi cũng chẳng bao giờ hỏi về tình thương mà cha tôi dành cho tôi. Vai trò đầu tiên của cha tôi là người “chống mũi chịu sào” cho cả gia đình tôi. Ông làm việc tại một nhà máy sản xuất vỏ xe và không ở nhà nhiều. Nhưng điều đó không ảnh hưởng tới tình cảm của tôi. Tôi thần tượng cha tôi, cũng như những đứa con gái khác đối với cha mình. Cha con tôi có mối ràng buộc đặc biệt mà ngay cả mẹ tôi cũng không hiểu, mối quan hệ đó mãi tới nay tôi mới có thể diễn tả.

Nhưng trong gia đình tôi có những điều thay đổi. Khi tôi học xong trung học, mẹ tôi qua đời. Điều này làm thế giới của tôi đảo lộn và làm cha tôi kiệt quệ. Tôi mất mẹ đêm đó, và tôi cần cha hơn bao giờ hết. May thay, mối quan hệ gia đình của chúng tôi vẫn nở hoa. Chúng tôi bắt đầu ăn tối với nhau, đi nhà thờ với nhau, và dành thời gian cho nhau. Hệ lụy đặc biệt giữa chúng tôi phát triển mạnh mẽ và tiếp tục suốt bốn năm đại học của tôi.

Khi tôi vào đại học, cha tôi nói với tôi rằng tôi có thể học bất cứ trường nào mà tôi muốn. Cha tôi ngạc nhiên khi tôi chọn một trường đại học tư với mức học phí rất cao, và phải mất 90 phút để tới trường. Tôi được học bổng đủ để trang trải nửa chi phí ăn học, còn một nửa cha tôi lo. Khi tôi nói với cha tôi về chuyện này, ông nói: “Được”. Cha tôi hứa và đã hoàn tất lời hứa đó.

Tôi bắt đầu nhập học. Tôi học giỏi và tham gia các hoạt động khác. Nhưng tôi phải chiến đấu vì tôi sợ nói trước công chúng. Cha tôi luôn động viên tôi. Khi tôi cần tiền, ông gởi bao thư tiền cho tôi và ghi: “Túi tiền của ba”. Thấy vậy tôi cứ cười suốt. Ông lái xe tới trường đưa tôi đi mua sắm.

Có ba lần tôi cảm thấy mình có lỗi với sự hy sinh của cha tôi. Nhưng vào một ngày Chúa Nhật, tôi hiểu tại sao ông đã làm những điều đó vì tôi. Sáng hôm đó tôi ngồi trong nhà thờ nghe giảng về ý nghĩa của người chăn chiên, có một câu đánh động lòng tôi: “Người chăn chiên hy sinh vì yêu thương đoàn chiên, từ bỏ chính mình vì người khác”. Lúc đó, tôi  mới thực sự hiểu. Cha tôi yêu tôi nhiều đến nỗi cho tôi những gì tôi cần dù điều đó khiến cha tôi tốn kém. Cha tôi hy sinh để tôi có thể học ở trường mà tôi thích, cha tôi làm vậy mà không hề than thở. Cha tôi chấp nhận mọi thứ vì ông đã hứa với tôi. Đó là cách ông bày tỏ tình thương dành cho tôi.

Vài tuần sau, cha tôi chứng kiến tôi nhận hai tấm bằng cử nhân, một về khoa sinh học và một về khoa tâm lý. Vẫn như thường, cha tôi không nói nhiều. Ông chỉ vui vì thành công của tôi. Sau lễ tốt nghiệp, cha tôi ôm tôi và nói với tôi về điều mà tôi muốn biết: Cha tôi hãnh diện về tôi dù tôi đã làm gì có lỗi.

Hằng ngày, tôi vẫn tạ ơn Chúa về cha tôi. Thật vậy, người cha là hình ảnh Chúa Cha hiện diện trên thế gian này. Người cha bảo vệ con cái khỏi điều xấu, sửa dạy con cái khi chúng lầm lỗi, hướng dẫn con cái trở thành người tốt, yêu thương con cái ngay khi chúng lầm lỗi và không còn ai yêu thương chúng. Tôi thấy Chúa Cha trong những hy sinh của cha tôi, tôi thấy tình yêu của Thiên Chúa qua tình thương của cha tôi, và tôi tạ ơn Chúa đã ban cho tôi có một người cha tuyệt vời như vậy!

Sách Huấn Ca dạy: “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng. Người đó phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân. Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc. Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền. Chớ vênh vang khi cha con phải tủi nhục, vì nỗi tủi nhục đó chẳng vinh dự gì cho con. Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê. Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3:1-16).

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …