Home / Chia Sẻ / SỰ HOANG VẮNG BIẾN ĐỔI LINH HỒN

SỰ HOANG VẮNG BIẾN ĐỔI LINH HỒN

SỰ HOANG VẮNG BIẾN ĐỔI LINH HỒNSự phong phú thiêng liêng trong sự khô khan hoang vắng tâm linh tạo ra sự biến đổi kỳ diệu trong linh hồn. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã kể cho chúng ta về điều đó trong cuốn tự truyện của Chị, nhưng với sự ngây thơ đến nỗi khiến chúng ta phật ý, và chúng ta không nghi ngờ rằng Chị bao hàm lời dạy sâu sắc bằng những lời lẽ đơn giản như vậy.

Một trường hợp điển hình là Chị thánh nói với chúng ta rằng Chị không hề hoảng sợ khi Chị ngủ sau khi rước lễ, vì Chị phản ánh rằng trẻ em cũng đẹp lòng cha mẹ khi ngủ cũng như khi thức.

Hơn nữa, như Chị thánh nói, các bác sĩ gây mê bệnh nhân đối với một số phẫu thuật nhất định. Sự thật cũng đúng như thế trong trật tự tâm linh, có những hoạt động nhất định cần thiết để gây mê linh hồn. Tại sao phải gây mê cho bệnh nhân? Không nghi ngờ gì nữa, đó là để họ có thể không đau đớn, nhưng trên hết là để họ không thể gây rắc rối.

Những người có sức chịu đựng cao có thể trải qua cuộc phẫu thuật mà không cần gây mê. Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật sẽ gây mê họ, vì mọi cử động của bệnh nhân, dù không tự nguyện, có thể làm hỏng một số hoạt động rất tinh vi.

Tương tự, có những hoạt động theo trình tự siêu nhiên, qua đó chúng ta làm việc và hợp tác với Thiên Chúa. Nhưng có những người có bản chất rất mật thiết, trong đó điều mà Ngài yêu cầu là chúng ta đừng cản trở Ngài. Để chúng ta không cản trở Ngài, Ngài ban cho chúng ta một liều thuốc mê – nghĩa là sự hoang vắng, vì nó là một loại thuốc gây mê tinh thần khiến chúng ta bất lực.

Trong thời gian khô khan tâm linh, các linh hồn thường nghĩ thế này: “Tôi đi cầu nguyện, và tôi không làm gì cả, hoàn toàn không.” Linh hồn không làm gì cả, nhưng Thiên Chúa làm rất nhiều, mặc dù linh hồn có thể không nhận thức được các hoạt động bí ẩn và mầu nhiệm của Ngài. Nhưng khi thử thách trôi qua, chúng ta nhận thấy mình đã khác trước.

Chúng ta không biết bằng cách nào hoặc khi nào, sự thay đổi sâu sắc đã được tạo ra trong chúng ta: tình yêu của chúng ta bền chặt hơn; nhân đức của chúng ta đã trở nên mạnh mẽ hơn. Theo cách diễn đạt quen thuộc, chúng ta đã ra khỏi thử thách “như mới.” Có vấn đề gì khi những đau khổ đó có thể chịu đựng trong nhiều năm, nếu cuối cùng linh hồn xuất hiện như mới, phù hợp để kết hợp với Thiên Chúa và nhận ra đầy đủ vai trò đã được định sẵn để làm trọn trên thế gian này?

Sự hoang vắng là phương tiện không thể thiếu, nhờ đó linh hồn đạt được sự biến đổi trong Chúa Giêsu, mục tiêu tối cao và sự hoàn hảo của sự thánh thiện.

Có lẽ chúng ta nghĩ rằng sự biến đổi trong Chúa Giêsu là điều mà chúng ta có thể đạt được với sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Nhưng không phải vậy. Chỉ một mình Thiên Chúa có thể hoàn tất điều đó, và sự giúp đỡ duy nhất mà chúng ta có thể trao cho Ngài là để Ngài rảnh tay, không cản trở Ngài.

Chúng ta có thể quan niệm rằng phương pháp biến đổi chúng ta trong Chúa Giêsu là thế này: Phúc Âm đã để lại cho chúng ta hình ảnh đại diện hoàn hảo về Chúa Giêsu, các chỉ dẫn chính xác về trang điểm đạo đức của Ngài. Do đó, tôi không cần làm gì hơn là tiếp tục bắt chước Ngài từng chút một. Tôi đã có rất nhiều năm để trở nên hiền lành, khiêm tốn, ngoan ngoãn, v.v… Vì vậy, tôi chỉ cần tiếp tục noi gương Ngài, tích lũy nhân đức, tận dụng sự trợ giúp khổ hạnh như xét mình cụ thể, suy niệm, và đọc sách thiêng liêng.

Bằng cách này, sau nhiều thời gian và công sức, tôi đã sao chép các nét của Chúa Giêsu, tôi sẽ là bản phác thảo, bản tóm tắt. Tôi sẽ sở hữu một thứ gì đó tương tự như Ngài, nhưng tôi sẽ không là tiêu biểu sống động cần thiết cho sự biến đổi. Sự biến đổi đòi hỏi chính Thiên Chúa hoạt động trong linh hồn, làm cho chúng ta nên mới. Do đó, trong sách Êdêkien, Thiên Chúa phán rằng Ngài sẽ lấy đi trái tim bằng đá của chúng ta, rồi ban cho chúng ta một trái tim mới và một thần khí mới.

Đừng nghĩ rằng đó là sự cường điệu, sự phóng đại thần thánh. Ngược lại, thực tế vượt xa các biểu tượng. Quả thật, khi một linh hồn đã được biến đổi, nó sẽ có cách nhìn mới, cách cảm nhận mới và cách hoạt động mới. Do đó, sự biến đổi này không thể đạt được bằng nỗ lực của con người chúng ta. Thiên Chúa phải đến và tác động trong những nơi sâu thẳm nhất của con người chúng ta, và để chúng ta không cản trở Ngài, Ngài gây mê chúng ta bằng sự hoang vắng tâm linh. Vì vậy, khi một linh hồn đã trải qua những thử thách lớn lao của đời sống thiêng liêng, linh hồn đó đứng trước ngưỡng cửa của sự kết hợp và sự biến đổi trong Chúa Giêsu.

Do đó, sự đau khổ tâm linh có giá trị cao. Nó sẽ rất đau đớn và khổ cực, nhưng nó có giá trị cao nhất và hoàn toàn cần thiết để đạt tới sự thánh thiện. Tôi chỉ biết một ngoại lệ duy nhất là Đức Trinh Nữ Maria. Vì Đức Mẹ hoàn hảo từ thời điểm được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, nên Mẹ không cần chịu tình trạng hoang vắng để đạt được sự thánh thiện. Tuy nhiên, không ai phải chịu những đau khổ khủng khiếp hơn Đức Mẹ trong những năm sau khi Chúa Giêsu chịu chết và về trời.

Nhưng có sự khác biệt này: Đức Mẹ không cần những khảng hoang vắng đó để nên thánh, mặc dù nhờ chúng mà Đức Mẹ đã trưởng thành trong sự thánh thiện. Nhờ đó, trong sự kết hợp với Con Yêu Dấu, Đức Mẹ đã ban cho chúng ta những ân sủng và hoàn tất vai trò người hiệp thông cứu chuộc, đồng thời là mẹ của mọi người.

Chúng ta phải đưa ra lựa chọn của mình: hoặc chúng ta chọn sự biến đổi, sau đó chúng ta cũng chấp nhận sự hoang vắng mà không có nó thì không thể xảy đến; hoặc chúng ta từ chối sự hoang vắng, và sau đó chúng ta cũng phải từ chối sự biến đổi, và để mình kéo cuộc sống vào sự tầm thường thông thường.

Sự hoang vắng là thập giá, nhưng là một trong những thứ quý giá nhất, thiêng liêng nhất. Điều đó không do bàn tay con người rèn luyện, mà là bởi chính Thiên Chúa. Đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Do đó, thử thách được thực hiện phù hợp với thước đo của mỗi linh hồn, hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh, yêu cầu và sứ mệnh của linh hồn, và theo mức độ hoàn hảo mà Thiên Chúa đã tiền định. Vì thế, thử thách có sức mạnh thánh hóa tuyệt vời.

Chúng ta hãy mở rộng vòng tay đón nhận nó với cùng một tiếng kêu như Giáo Hội sử dụng: “Kính chào Thánh Giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng con!” Bằng cách này, chân lý đó một lần nữa được thiết lập: Đường lối của Thiên Chúa không là đường lối của chúng ta.

LUIS M. MARTINEZ

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Cuối tháng 07-2021

Xem thêm

Lc 3, 15-16. 21-22

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Trời mở ra, Cửa Thánh mở SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Lc …