Home / Tiêu Điểm / SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2016 

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2016 

Hội Thánh Truyền Giáo, 
Chứng Nhân của Lòng Thương Xót

Anh Chị Em thân mến,
Năm Thánh Lòng Thương Xót mà Hội Thánh đang cử hành chiếu rọi vào Ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáomột ánh sáng chói ngời: nó mời gọi chúng ta nhìn việc truyền giáo cho muôn dân (missio ad gentes) như là một công trìnhh bao la, vĩ đại của lòng thương xót, cả thiêng liêng và vật chất. Trong ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo này, tất cả chúng ta được mời gọi “đi ra” như những môn đệ truyền giáo, mỗi người quảng đại cống hiến tài năng, tính sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình để đem sứ điệp tình thương dịu hiền của Thiên Chúa đến cho toàn thể gia đình nhân loại.Do mệnh lệnh truyền giáo, Hội Thánh chăm lo cho tất cả những người không biết đến Tin Mừng, vì Hội Thánh muốn mọi người được cứu rỗi và trải nghiệm tình thương của Chúa. Hội Thánh được sai đi loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim đang đập của Tin Mừng” (Misericordiae Vultus, 12) và công bố lòng thương xót tại mọi góc cùng của thế giới, đến với hết mọi người, người già cũng như người trẻ.
Khi lòng thương xót gặp được một người,nó đem lại niềm vui sâu xa cho lòng Chúa Cha; vì từ ban đầu Cha đã yêu thương hướng về những người dễ bị tổn thương nhất, vì sự cao cả và quyền năng của Người được mặc khải chủ yếu nơi khả năng Người tự đồng hoá mình với những người trẻ, những người bị gạt ra bên lề, và những người bị áp bức (x. Đnl 4:31; Tv 86:15; 103:8; 111:4). Người là vị Thiên Chúa hiền từ, quan tâm chăm sóc và trung thành, Đấn gần gũi những ai gặp khốn khó, nhất là những người nghèo; Người dịu dàng đi vào thực tại của loài người giống như người cha người mẹ đi vào đời sống của con cái họ (x. Gr 31:20). Khi nói đến lòng dạ, Kinh Thánh sử dụng từ ngữ có nghĩa là lòng thương xót: vì vậy nó chỉ về tình thương cùa người mẹ đối với những đứa con của mình, những đứa con mà bà sẽ luôn luôn yêu thương, trong mọi hoàn cảnh và bất chấp điều gì xảy ra, vì con cái là hoa trái từ lòng dạ của bà. Đây cũng là một khía cạnh cốt yếu của tình yêu Thiên Chúa đối với các con cái của Người, những đứa con Người đã dựng nên và muốn nuôi nấng dạy dỗ;đứng trước những sự yếu đuối và bất trung của họ, trái tim Người vẫn tràn trề sự cảm thương (x. Hs 11:8). Người tỏ lòng thương xót đối với mọi người; tình thương của Người dành cho hết mọi người và lòng nhân hậu của Người mở ra cho mọi loài thụ tạo (x. Tv 144:8-9).
Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ một cách cao cả và trọn vẹn nhất nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Giêsu mặc khải khuôn mặt của Cha, Đấng giàu lòng thương xót; Người “dùng các kiểu so sánh và các dụ ngôn để nói và cắt nghĩa về lòng thương xót, nhưng trên hết chính Người làm cho lòng thương xót trở thành nhập thể và nhân cách hoá” (Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 2). Khi chúng ta tiếp đón và đi theo Đức Giêsu bằng Tin Mừng và các bí tích, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể trở thành những con người có lòng thương xótnhư Cha trên trời là Đấng xótthương; chúng ta có thể học biết yêu thương như Người yêu thương chúng ta và biến cuộc đời chúng ta trở thành một món quà cho không, một dấu chỉ lòng nhân ái của Người (x. Misericordiae Vultus, 3). Giữa lòng nhân loại, Hội Thánh trước hết là cộng đoàn sống bằng lòng thương xót của Chúa Kitô; Hội Thánh thấy được cái nhìn của Người và cảm nhậnrằng mình đã được Người chọn vì tình yêu nhân từ của Người. Chính qua tình yêu này mà Hội Thánh khám phá ra lệnh truyền yêu thương, sống tình yêu thương và làm cho mọi người biết đến tình yêu thương này qua một cuộc đối thoại trân trọng với mỗi nền văn hoá và mỗi niềm tin tôn giáo.
Giống như trong những ngày đầu của Hội Thánh, tình yêu nhân từ này được làm chứng bởi nhiều người nam cũng như nữ, thuộc mọi lứa tuổi và mọi thân phận. Sự hiện diện đáng kể và ngày càng tăng của nữ giới trong thế giới truyền giáo, hoạt động bên cạnh những người nam, là một dấu chỉ có ý nghĩa về tình mẫu tử của Thiên Chúa. Các phụ nữ, trong bậc sống giáo dân cũng như tu sĩ, và ngày nay thậm chí nhiều gia đình, đang thể hiện ơn gọi truyền giáo của họ dưới nhiều hình thức khác nhau: từ loan báo Tin Mừng tới phục vụ bác ái. Cùng với hoạt động rao giảng Tin Mừng và phục vụ bí tích của các nhà truyền giáo, các phụ nữ và các gia đình thường hiểu rõ hơn các vấn đề của dân chúng và biết cách cư xử với họ một cách thích hợp, đôi khi rất sáng tạo: trong việc chăm sóc đời sống, tập trung vào con người hơn là cơ cấu, và dành các nguồn lực nhân bản và thiêng liêng cho việc kiến tạo các mối quan hệ tốt, sự hoà hợp, hoà bình, tình liên đới, đối thoại, sự hợp tác và tình huynh đệ, cả giữa các cá nhân với nhau và trong đời sống xã hội và văn hoá, đặc biệt qua việc chăm sóc người nghèo.
Tại nhiều nơi, việc rao giảng Tin Mừng bắt đầu bằng việc giáo dục, được hoạt động truyền giáo dành cho rất nhiều thời gian và công sức, giống như người trồng nho nhân từ của Tin Mừng (x. Lc 13:7-9; Ga 15:1), kiên nhẫn chờ đợi cây nho sinh hoa kết quả sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp; bằng cách này họ làm phát sinh một dân mới có khả năng rao truyền Tin Mừng, họ sẽ đem Tin Mừng đến những nơi mà người ta nghĩ là Tin Mừng không thể được biết đến bằng cách nào khác. Hội Thánh cũng có thể được định nghĩa như là “người mẹ” cho những ai một ngày kia sẽ có niềm tin vào Đức Kitô. Vì vậy tôi mong rằng dân thánh của Thiên Chúa sẽ tiếp tục thi hành việc phục vụ hiền mẫu này về lòng thương xót, nó giúp cho những ai chưa biết Chúa có thể gặp được Người và yêu mến Người. Đức tin là quà tặng của Thiên Chúa chứ không phải kết quả của việc cải đạo; trái lại, đức tin lơn lên nhờ đức tin và đức ái của những người rao giảng Tin Mừng làm chứng cho Đức Kitô. Khi đi qua các con đường của thế giới, các môn đệ của Chúa Giêsu phải có một tình yêu vô biên, cùng một mức độ yêu thương như Chúa đã yêu thương mọi người. Chúng ta công bố những hồng ân đẹp nhất và lớn lao nhất mà Người đã ban cho chúng ta: sự sống và tình yêu của Người. 
Mọi dân tộc và mọi nền văn hoá đều có quyền đón nhận sứ điệp cứu độ là món quà của Thiên Chúa cho mọi người. Điều này lại càng cần thiết khi chúng ta nghĩ đến biết bao cảnh bất công, chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo vẫn còn đang cần được giải quyết. Từ kinh nghiệm, các nhà truyền giáo biết rằng Tin Mừng của sự tha thứ và lòng thương xót có thể đem lại niềm vui và sự hoà giải, công lý và hoà bình. Lệnh truyền của Tin Mừng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20), lệnh truyền nàychưa dừng lại; đúng hơn, nó thúc đẩy tất cả chúng ta, trong bối cảnh của thế giới đầy thách thức ngày nay, phải lắng nghe tiếng gọi canh tân “động lực” truyền giáo, như tôi đã lưu ý trong Tông Huấn Evangelii Gaudium: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng” (số 20).
Năm Thánh này đánh dấu kỷ niệm 90 năm Ngày Thế Giới Truyền Giáo, lần đầu tiên được phê chuẩn bởi Đức Giáo Hoàng Piô XI năm 1926 và được tổ chức bởi Hội Giáo Hoàng Truyền Bá Đức Tin. Vì vậy đây là dịp thích hợp để nhớ lại những chỉ thị khôn ngoan của các vị Tiền Nhiệm của tôi, các ngài đã truyền rằng phải dành cho Hội này tất cả các khoản quyên góp tại mỗi giáo phận, giáo xứ, cộng đoàn dòng tu, hiệp hội và phong trào giáo hội trên khắp thế giới để chăm lo cho các cộng đoàn Kitô hữu đang túng thiếu và nâng đỡ việc rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Hôm nay cũng vậy, chúng ta tin tưởng vào dấu chỉ này của sự hiệp thông truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta đừng đóng kín lòng mình với các mối quan tâm riêng của mình, nhưng hãy mở lòng chúng ta ra cho toàn thể nhân loại.
Đức Maria rất thánh là biểu tượng siêu vời của nhân loại được cứu chuộc, và là mẫu gương truyền giáo cho Hội Thánh, xin Mẹ dạy cho mọi người nam và nữ cũng như các gia đình biết nuôi dưỡng và bảo vệ ở mọi nơisự hiện diện sống động và mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh, Đấng đổi mới các mối quan hệ giữa người với người, các nền văn hoá và các dân tộc, và là Đấng đổ tràn lòng thương xót và niềm vui trên mọi người.
Vaticanô, ngày 15 tháng 5 năm 2016, Đại Lễ Hiện Xuống
PHANXICÔ

Chuyển ngữ: Lm. Dominico Ngô Quang Tuyên

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …