Home / Chia Sẻ / SỐNG TRONG TÌNH CHÚA

SỐNG TRONG TÌNH CHÚA

SỐNG TRONG TÌNH CHÚAChúa Bảo Ở Lại Trong Tình Chúa
Con Nghe Bằng Tai Chẳng Nhớ Lời

Phàm nhân là thế. Nói hay, làm dở, vậy mà “chảnh” và cứ “nổ” hơn bom!

Mối quan hệ thánh được đề cập trong trình thuật Ga 15:9-17. Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”

Theo Việt ngữ, danh từ tình yêu gồm hai từ, rút gọn còn một từ là YÊU – cũng có thể là động từ. Một động từ ngắn gọn nhưng lại quan trọng cả đời người. Đi đâu cũng cần yêu, lúc nào cũng cần yêu, với ai cũng cần yêu. Thậm chí cả động vật cũng cần yêu. Điều đó cho thấy tình yêu rất quan trọng. Nhưng đâu phải cứ nói yêu là yêu, mà phải chứng tỏ bằng hành động. Không hề đơn giản! Tình yêu không tiết ra chất hy sinh và đau khổ thì không thể gọi là tình yêu hoặc lòng thương xót. Thánh Gioan gọi người “mến Chúa mà không yêu người” là kẻ nói dối. (1 Ga 4:20) Ai càng sống lâu càng nghe Chúa Giêsu nhắc nhở nhiều lần về tình yêu và lòng thương xót, thế nhưng nghe tai này rồi chui qua tai khác, theo gió bay đi…

Mối quan hệ với Chúa Giêsu rất đặc biệt, Ngài nhấn mạnh: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau NHƯ Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” Với Chúa Giêsu, chúng ta có nhiều mối quan hệ khác: Chúa Tôi (chủ và tôi tớ), Phụ Tử, Mẫu Tử, Huynh Đệ, Tỷ Muội, Bạn Hữu,… Chúng ta hoàn toàn bất xứng nhưng Ngài không ngại coi chúng ta là bạn. Thật kỳ diệu biết bao!

Nói đi nói lại, nói xa nói gần, nói tới nói lui, cuối cùng vẫn là Yêu Thương. Chúa Giêsu nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” Xưa nay không một ai tuyên bố mình là Chúa, chỉ có Chúa Giêsu; cũng chẳng một ai lập đạo, chỉ có Chúa Giêsu. Đạo của Ngài là Đạo Yêu Thương, những người theo Đạo Chúa cũng phải sống yêu thương, thể hiện lòng thương xót. Tất cả vì đức ái, đó là sống trong tình Chúa.

Đời người có nhiều mối quan hệ, từ huyết tộc đến xã hội, không ai không có mối quan hệ nào. Riêng các Kitô hữu còn có Mối Quan Hệ Thánh với Thiên Chúa và với tha nhân. Đó là “sợi tình” kỳ diệu liên kết thế giới vô hình và hữu hình và với con người với nhau. Thật vậy, ngay khi người ta muốn ném đá Chúa Giêsu, vì họ cho là Ngài lộng ngôn và phạm thượng, Ngài đã dẫn chứng Kinh Thánh: “Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh.” (Ga 10:34) Và Ngài xác định: “Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ.” (Ga 10:35)

Mối liên kết thánh đó được thể hiện trong mối quan hệ của Giáo Hội cùng thông công: Giáo Hội vinh hiển (các thánh), Giáo Hội đau khổ (các linh hồn nơi luyện ngục), và Giáo Hội chiến đấu (chúng ta) – cũng gọi là Giáo Hội lữ hành. Tất cả đều là thánh vì có mối quan hệ thánh. Lời Chúa chứng minh rạch ròi về “sự thánh” đó: “Trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương, nên Ta đã thí bao người đổi lấy ngươi, nộp bao dân nước thế mạng ngươi.” (Is 43:4) Chúng ta phải cố gắng sống xứng đáng và duy trì mối quan hệ thánh đó, bởi vì dù chúng ta chỉ là bụi tro nhưng lại được Thiên Chúa quý mến, coi trọng. Vô cùng kỳ diệu!

Thi sĩ Rainer Maria Rilke (1875-1926, người Áo, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỷ 20), nhận định về mối quan hệ: “Bản chất một người không phụ thuộc vào cuộc nói chuyện gần nhất mà thể hiện trong toàn bộ mối quan hệ.” Thần học gia kiêm triết gia Albert Schweitzer (1875-1965, người Đức) nói: “Chân giá trị của mỗi người không nằm trong bản thân họ, mà nằm ở các sắc màu và đường nét trở nên sống động trong người khác.” Rõ ràng chúng ta luôn có mối quan hệ với nhau về yêu thương, lòng thương xót, vì “Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:8 & 16) Đó là tính liên đới độc đáo giữa mọi người, cách riêng đối với tín nhân.

Ông Conêliô ra đón và phủ phục dưới chân ông Phêrô mà bái lạy, nhưng ông Phêrô đỡ ông ấy lên và nói: “Xin ông đứng dậy, vì bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm.” (Cv 10:25-26) Một động thái khiêm nhường thật đáng khâm phục. Không phải dễ mà nói và làm được như ông Phêrô, vì “cái tôi” của mỗi người luôn “to lớn” lắm, có thể “vùng lên” bất cứ lúc nào, với bất kỳ ai.

Và rồi ông Phêrô xác định: “Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận.” (Cv 10:34-35) Thiên Chúa không thiên vị, nhưng chúng ta thiên vị, do đó mà chúng ta thường coi trọng mối quan hệ này và coi thường mối quan hệ khác. Người giàu sang và có địa vị luôn được đề cao, vào thưa ra bẩm, trước đón sau đưa. Còn người vô danh tiểu tốt thì luôn bị “ngó lơ,” thậm chí là khinh miệt. Ngay cả trong nhà thờ cũng có chỗ cao và chỗ thấp. Có phải chỗ “cao” thì gần Chúa và được nhiều ơn hơn, còn chỗ “thấp” thì xa Chúa và được ít ơn hơn? Chắc chắn Chúa không bao giờ muốn như vậy. Sự phân biệt đó bởi đâu?

Khi ông Phêrô nói những điều đó, Thánh Thần ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Đúng là Thiên Chúa không phân biệt gì. Ai nghe lời Ngài thì Ngài thương, tất cả bình đẳng trước mặt Ngài.

Thiên Chúa nhân lành và công bằng, mưa cho cả người lành và kẻ dữ, ban Thần Khí cho cả dân ngoại, kể cả người vô thần. Vì thế, đừng ép Chúa “kỳ thị” theo kiểu chúng ta! Lúc đó, ông Phêrô đặt vấn đề: “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ?” (Cv 10:47) Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô. Họ là những người nghe lời Chúa và đón nhận Chúa Thánh Thần, nghĩa là họ được gia nhập cộng đoàn, có quan hệ thánh với Chúa Giêsu, với Nhiệm Thể của Ngài là Giáo Hội.

Chúng ta chỉ là “dân ngoại,” chẳng đáng gì, nhưng chúng ta lại được liên kết trong mối quan hệ thánh thì thật bất ngờ. Vì thế, chúng ta phải “hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.” (Tv 98:1) Chính “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân, và đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Israel” để “toàn cõi đất này xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.” (Tv 98:2-3) Vậy thì rất đáng để chúng ta “tung hô Chúa và reo hò đàn hát.” (Tv 98:4)

Niềm vui không chỉ tăng theo cấp số cộng, mà còn tăng theo cấp số nhân. Trí óc phàm nhân chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi. Chúng ta đã được chứng kiến các kỳ công của Thiên Chúa, đơn giản mà kỳ diệu như không khí hoặc chuỗi DNA. Đúng như Chúa Giêsu đã chúc phúc: “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe.” (Mt 13:16) Thánh Gioan nhắn nhủ: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:7-8)

Ai được Thiên Chúa sinh ra thì phải biết yêu thương, và ai biết yêu thương mới là người được Thiên Chúa sinh ra. Rất lô-gích. Rất rạch ròi. Thánh Gioan giải thích thêm: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1 Ga 4:9-10)

Đó là chúng ta được sống trong tình Chúa, được liên kết trong Đức Giêsu Kitô. Càng ý thức được mối quan hệ này, chúng ta càng kết hiệp mật thiết với Ngài, và được thể hiện qua mối quan hệ với tha nhân. Đạo Chúa là Đạo Yêu Thương – tình yêu hy sinh, quên mình, chứ không ích kỷ hoặc sòng phẳng.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp nhận biết mình và đối xử bình đẳng với nhau, nhất là với những kẻ hèn mọn. xin giúp chúng con luôn ở lại trong Ngài và liên kết với tha nhân. Xin cho chúng con gặp bất cứ ai cũng gặp được Ngài và bất cứ ai gặp chúng con cũng gặp được Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …