Home / Chia Sẻ / SỐNG TRỌN KIẾP NGƯỜI

SỐNG TRỌN KIẾP NGƯỜI

songtronkiepnguoiKhi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta khởi đầu hành trình dương thế hay bước vào kiếp người. Hành trình cuộc đời của mỗi người dài ngắn khác nhau. Có những hành trình nhẹ nhàng êm ả, nhưng cũng có những hành trình gai góc gian truân. Dù ngắn hay dài, dù nhẹ nhàng hay vất vả, mỗi chúng ta đều phải cố gắng để sống trọn kiếp người.

Cuộc sống này đầy phong ba bão táp. Sống ở đời phải can đảm kiên trung và chấp nhận những thử thách ấy.  “Lửa thử vàng, gian nan thử đức.”Chắng có ai sống trên cõi đời này mà không gặp gian nan. Những vĩ nhân được ca ngợi trong lịch sử, cũng như những vị thánh của Giáo Hội, đều là những người “từ đau khổ lớn lao mà đến.”Họ không nản lòng trước những khó khăn, nhưng bình tâm trước những vu khống, bao dung tha thứ cho những xúc phạm, sống hiền hòa kể cả với địch thù. Có người khi đứng trước khó khăn tưởng chừng như ngõ cụt của cuộc sống, đã tiêu cực tìm đến cái chết như một phương pháp giải thoát, để lại đau khổ cho những người thân. Người ta nói “Thử thách của can đảm không phải là dám chết mà là dám sống và thực hiện ước mơ của mình.”Tự kết liễu cuộc đời được xem như hèn nhát, nhất là trước những thất bại do chính mình gây ra. Nếu sai lỗi mà tìm đến cái chết, thì làm sao còn cơ hội để sửa lại? Những người kiên trì can đảm, vững vàng vươn lên sau vấp ngã, chắc chắn sẽ thành công để tiếp tục bước đi, để sống trọn kiếp người.

Giáo Hội công giáo thường phong thánh cho những tín hữu đã có một đời sống thánh thiện, mẫu mực. Việc phong thánh chỉ được thực hiện cho những người đã chết, vì sự thánh thiện chỉ được chứng minh và xác nhận khi một người đã sống trọn kiếp người nơi dương thế. Luật Giáo Hội cũng quy định, địa phương, nơi người tín hữu đó qua đời mới có quyền thỉnh nguyện xin Toà Thánh tôn phong. Lý do vì chỉ những ai chứng kiến người tín hữu ấy sống đạo đức cho đến hết đời mới chứng minh người ấy có thực sự thánh thiện hay không. Đơn cử trường hợp Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài là người Việt, nhưng trong những năm tháng cuối đời, ngài làm việc tại Rôma. Vì thế Giáo phận Rôma được quyền làm hồ sơ và dâng thỉnh nguyện lên Đức Thánh Cha để ghi nhận sự thánh thiện và phong chân phước cho ngài. Hiện nay, tiến trình phong chân phước đã hoàn thiện ở cấp giáo phận Rôma. Ngài được gọi với danh xưng “Tôi tớ Chúa” và hồ sơ đã được trình lên Đức Thánh Cha cho những bước kế tiếp. Vị Hồng y đáng kính của chúng ta, cũng như biết bao tín hữu khác đang được xét duyệt để tôn phong, đã sống trọn kiếp người.

Ngôn ngữ Việt Nam gọi một người vừa qua đời là “mãn phần”, tức là đã đầy đủ, trọn vẹn thời gian và hoàn thành phận vụ của mình trên dương thế. Tuy vậy, có người mãn phần mà chưa trọn kiếp, nghĩa là những người chết mà còn những dang dở trăm chiều. Có người sống thất đức, suốt đời làm nhưng điều xấu xa, cuối đời không thể nhắm mắt. Người khác ra đi trong lúc còn vương vấn nợ đời. Đó là những món nợ vật chất, nhưng cũng là những món nợ ân nghĩa mà mình nỡ phủi tay theo kiểu “qua sông dìm đò”, “qua cầu rút ván.”Có những người sống vô trách nhiệm với gia đình và những người thân, đến cuối đời trăn trở một mối ân hận khôn nguôi. Họ muốn chuộc lại lầm lỗi nhưng quá muộn, chẳng còn cơ hội nữa. Rất may trong cuộc sống đầy bon chen này, thời nào cũng có những người cố gắng sống nhân hậu. Họ ý thức rằng “gieo nhân nào, gặt quả nấy.”Dù còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn cố gắng giữ cái tâm trong sáng, hiếu thảo với cha mẹ ông bà, chân thành với bạn bè lối xóm. Đến khi mãn phần, họ ra đi thanh thản, để lại cho hậu thế tiếng thơm. Đúng như người ta nói: “Hãy sống sao để khi ta sinh ra, ta cất tiếng khóc, mọi người cười, và khi ta ra đi, ta cười mãn nguyện trong lúc mọi người khóc.”Những người trút hơi thở cuối cùng khi đã chu toàn bổn phận với cuộc đời, thanh thản ra đi để lại những kỷ niệm đẹp, nhất là tình thương mến dạt dào nơi những người quen biết, đó là những người đã sống trọn kiếp người.

Cách nay hai ngàn năm, có một người đã đi trọn kiếp người trong sự thánh thiện và trong hy sinh tự hiến, đó là Đức Giêsu Kitô. Người là Con Thiên Chúa nhập thể để cứu độ con người. Thánh Gioan, tác giả của Tin Mừng thứ bốn, đã ghi lại lời Chúa Giêsu khi hấp hối: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Người đã hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, khi đón nhận thập giá và chết thảm thương như một người tử tội. Qua cuộc khổ nạn và cái chết của Người, lời Kinh Thánh từ ngàn xưa được ứng nghiệm. Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trong tâm tình vâng phục Chúa Cha và yêu mến con người. Cái chết của Chúa Giêsu, cũng theo Tin Mừng thánh Gioan, được diễn tả như một nghĩa cử của lòng hiếu thảo với Chúa Cha: “Người gục đầu trao Thần Linh” (Ga 19,30). Thần Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa, xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài cũng là Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Tình yêu ấy đã trở thành một ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Giờ đây, trên thập giá, Chúa Giêsu “trao Thần Linh”, tức là trao sự sống và tình yêu cho Chúa Cha. Đây vừa là một nghĩa cử hiếu thảo, vừa là một cử chỉ của tình yêu mến và vâng phục hoàn toàn. Trên thập giá, Đức Giêsu là mẫu mực cho mọi con người, là lời mời gọi hãy sống vì người khác, hãy cho đi mà không cần tính toán, hãy yêu thương mà không mong đáp đền. Vị Ngôn sứ thành Nagiarét đã sống trọn kiếp người“Sống ở đời, Trời gọi ai, nấy dạ.”Câu nói bình dân này diễn tả huyền nhiệm của sự chết. Chẳng ai biết thời điểm của sự chết. Cũng chẳng ai biết sẽ chết trong hoàn cảnh nào. Dù trẻ hay già, dù sang hay hèn, Ông Trời gọi ai thì người ấy đi, chẳng ai đi thay được, cũng không ai nấn ná khất lần. Khi biết rằng cái chết là bất chợt, mỗi chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Đó cũng là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng (x. Mt 24,42-51). Dù không biết đó là lúc nào, nhưng chắc chắn giờ chết sẽ đến. Nếu giờ ấy là thời điểm kinh hoàng đối với những ai chủ quan sống trong đam mê hận thù, thì lại là giây phút hân hoan hội ngộ đối với những ai cố gắng sống trọn kiếp người.

Nghĩ về cuộc sống tương lai, mỗi chúng ta được mời gọi sống tốt hiện tại, vì tương lai là kết quả của những gì chúng ta đang cố gắng thực hiện ngày hôm nay. Tác giả của những câu chuyện ngụ ngôn người Pháp, ông La Fontaine, đã viết: “Hãy sống vô tư nhưng không khinh suất; vui tươi nhưng không ầm ĩ; can đảm nhưng không liều lĩnh; tin tưởng và vui vẻ cam chịu nhưng không theo thuyết định mệnh.”Cuộc sống hằng ngày đầy gian nan phức tạp, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta rèn luyện bản thân và từng bước trưởng thành. Người tín hữu tin rằng, môi trường sống hằng ngày cũng là nơi họ được Chúa sai đến để làm chứng cho Ngài. Hiền hòa nhân hậu, bác ái khiêm nhường, bao dung tha thứ… những đức tính căn bản giúp này vừa giúp chúng ta phản ánh sự thánh thiện và lòng nhân từ của Thiên Chúa, vừa giúp cho chúng ta sống trọn kiếp người.

 Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …