Home / Giáo Dục Kito Giáo / Sống tình thương xót trong đời sống hôn nhân

Sống tình thương xót trong đời sống hôn nhân

mua-chay-gia-dinhHôm ấy là ngày sinh nhật của vợ, anh định sẽ dành cho chị một bất ngờ để thể hiện tình yêu của anh dành cho chị. Anh xin về sớm hơn so với mọi khi để tự tay chọn bó hoa hồng đẹp nhất tặng cho vợ mình. Bỗng dưng, rầm một tiếng, anh cảm thấy mình dần chìm vào cơn mê…

Tỉnh dậy, điều đầu tiên anh thấy là đôi mắt đỏ hoe vì khóc của vợ, cơ thể đã khiếm khuyết đi một phần của anh. Anh đã phải cưa bỏ đi một bên cánh tay vì tai nạn. Anh đã im lặng và cam chịu nỗi dằn vặt, bất lực của mình từ lúc ấy nhất là khi thấy chị vẫn yêu thương, chăm sóc tận tình cho mình mỗi ngày.

Hôm nay lại là sinh nhật của chị, tròn 1 năm biến cố cuộc đời xảy đến với anh và gia đình. Anh vờ như không hay biết gì và muốn lảng tránh ánh mắt của chị nhưng chị nhìn anh âu yếm, mỉm cười và hỏi anh: “Anh có biết chiếc nhẫn cưới của anh ở đâu không?” Anh bỗng giật mình vì từ khi bị tai nạn bên cánh tay đeo nhẫn, anh quá buồn và cũng chẳng để ý đến nó nữa. Anh chỉ gượng cười và nhìn chị đầy mặc cảm. Bỗng chị kéo từ trên cổ mình ra một sợi dây chuyền có lồng hai chiếc nhẫn cưới. Anh sửng sốt nhận ra đó chính là sợi dây chuyền mà anh định tặng chị sinh nhật năm ngoái, còn hai chiếc nhẫn kia chính là đôi nhẫn cưới của anh chị. Bàn tay còn lại của anh run run cầm lại sợi dây chuyền không thốt nên lời. Lúc này, chị mới nhẹ nhàng ôm lấy anh và nói: “Em không bao giờ nghĩ sẽ thôi yêu anh, thôi bên anh chỉ vì anh thiếu đi một phần cơ thể. Anh không thể tự đeo lại chiếc nhẫn này nữa, vậy thì em sẽ để chúng gần sát nhau như một đôi không tách rời. Điều đó có nghĩa rằng chúng ta vẫn yêu nhau, vẫn cần nhau và sống với nhau cho đến trọn cuộc đời này. Nếu anh không thể dùng hai cánh tay để ôm em như trước kia được nữa thì em sẽ dùng hai cánh tay em để bù đắp những khoảng trống ấy. Em sẽ ôm anh và để chúng ta cùng cảm nhận được hơi ấm của nhau. Đó chính là hạnh phúc anh ạ”.

Thuật ngữ La-tinh misericordia, được cấu thành từ hai từ miseria có nghĩa là nỗi thống khổ, sự khốn khổ và cordia là quả tim, con tim, tâm hồn. Vậy lòng thương xót là một tình cảm xuất phát từ con tim, cảm nhận trước nỗi khốn khổ của tha nhân.

Theo tiếng Việt, nó cũng mang một ý nghĩa tương tự, tuy được cấu thành theo một cách khác từ hai từ thương và xót, nghĩa là tình thương xuất phát từ sự xót xa, đau xót, và theo tiếng Hán Việt là lân tuất, có nghĩa là lòng thương yêu, thương xót hệ tại ở việc cứu giúp, cứu trợ.

Lòng thương xót chính là tên của Thiên Chúa theo cách nói của ĐGH Phanxicô, hay theo lời của thánh Gioan Thiên Chúa là Tình yêu.

Nói Thiên Chúa là Tình yêu, hay nói bản chất, yếu tính của Người là Tình yêu, hay nói tên của Người là Lòng thương xót là điều hoàn toàn hợp lý.

Khi ta nói đến tình yêu nam nữ, ta nói đến sự thu hút, thu hút âm dương, thu hút phái tính, thu hút thân xác, và tâm hồn như sự thu hút giữa hai người yêu nhau. Hoặc sự thu hút bởi những thái cực, giữa sức mạnh và yếu đuối, giữa sự khôn ngoan và ngu muội, giữa sự đầy đủ và thiếu thốn như tình yêu hay đúng hơn lòng thương xót giữa cha mẹ đối với con cái, thầy với trò, và rõ ràng nhất là giữa Thiên Chúa với con người.

Thông thường chúng ta yêu thích bị thu hút bởi điều gì, bởi những ai nếu không phải bởi tất cả cả những gì đẹp đẽ và tốt lành, bởi những người khôi ngô tuấn tú, đẹp đẽ, dễ thương, tốt lành vì ít hay nhiều nơi chúng ta thiếu những điều đó.

Nhưng Thiên Chúa, vốn là Chân, Thiện, Mỹ, Người lại bị thu hút bởi tội lỗi lầm lạc, xấu xa phàm hèn của chúng ta:

“Chúa Trời yêu mến chúng ta,

Vốn mang tội lỗi, chết cho chúng mình (Rm 5, 8)

Chính theo nghĩa này mà Thiên Chúa bị chúng ta thu hút. Đó là sự thu hút giữa Đấng tạo hóa thánh thiện, giàu sang, quyền năng, khôn ngoan, tràn đầy sự sống với tạo vật tội lỗi, nghèo hèn, yếu đuối, ngu muội và thiếu thốn.  Chính vì thế, đối với con người, Thiên Chúa mang tên là Lòng thương xót, Người không ngừng thể hiện lòng thương xót của Người.

Năm thánh vừa qua là một năm thánh ngoại thường mà Giáo Hội đặc biệt dành để tôn kính lòng thương xót như là một thời gian đặc biệt để Giáo hội chiêm ngắm lòng thương xót của Chúa, kín múc, tận hưởng và chia sẻ nguồn suối tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người, nhưng nếu xét cho cùng, đúng ra cả lịch sử cứu độ, cả lịch sử của Giáo hội từ khởi đầu cho đến ngày tận thế đều phải là thời gian tôn kính lòng thương xót của Chúa. Vì sao?

Phải chăng cả lịch sử cứu độ chính là lịch sử của lòng thương xót? Tương quan của Thiên Chúa và con người là một thiên tình sử của lòng thương xót vô giới hạn, vô điều kiện mãi mãi trường tồn của Thiên Chúa dành cho con người.

Thiên Chúa đã thể hiện lòng thương xót ngay khi con người sa ngã vì quay lại với Thiên Chúa, Người không bỏ mặc họ và đã hứa ban ơn cứu độ.

Lịch sử của dân It-ra-en, dân riêng Chúa chọn là lịch sử của lòng thương xót: Trong hành trình đi trong sa mạc, dân đã bao lần phản bội lại giao ước, sa ngã, ngoại tình, chống đối, cứng đầu…, nhưng Thiên Chúa vẫn một mực tín trung, tha thứ, luôn giữ lời Người đã cam kết.

Lòng thương xót của Người phản ánh cụ thể qua nhiều hành động trong lịch sử cứu độ, vượt trên sự trừng phạt và sự hủy diệt. Đặc biệt các Thánh vịnh làm nổi bật sự cao cả này trong cách hành sử của Thiên Chúa:

Chúa tha thứ mọi lỗi lầm,

Chữa lành tất cả vết thương trên mình, 

Cứu ngươi khỏi mọi hố sâu,

Lấy lòng lân tuất chỡ che, giữ gìn. ” (Tv 103, 3-4)

 “Chúa thương giải thoát tù nhân,

Và Người mở mắt những ai mù lòa,

Những ai quỵ ngã, nâng lên,

Và luôn yêu chuộng những người chính ngay,

Người phù trợ khách ngoại kiều,

Đỡ nâng những kẻ goá mồ côi.

 

…Những ai cõi lòng nát tan,

Người thương chữa trị, chữa cho họ lành

Và Người chăm sóc tận tình,

Để tâm băng bó vết thương trong lòng”  (Tv, 146, 7-9; 147, 3-5). 

Lòng thương xót của Người muôn thuở

 Đó là điệp khúc được lặp lại sau mỗi câu của Thánh vịnh 136 đang khi kể lại lịch sử mạc khải của Thiên Chúa. Vì lòng thương xót, tất cả mọi biến cố trong Cựu ước hàm chứa một giá trị cứu độ sâu xa. Việc liên tục lặp lại:”Lòng thương xót của Người muôn thuở như thể muốn nói rằng không chỉ trong lịch sử, mà cho đến muôn đời con người sẽ luôn luôn sống trong quả tim thương xót của Thiên Chúa.

Mối tình này còn được diễn tả một cách biểu tượng và thật sống động qua mối tình của ông Hôsê với người vợ lăng loàn điếm đàng của mình mà ông hết lòng yêu thương chăm lo. Cho dù cô vợ này đã bỏ ông mà đi ngoại tình rất nhiều lần, nhưng ông vẫn không bao giờ ruồng rẫy, vẫn đón nhận cô, thậm chí khi cô đã hóa nên thân tàn ma dại, hay nói cách khác bị bồ đá, hết xài.

Những hình ảnh cụ thể thể hiện lòng thương xót của Chúa trong Tin Mừng

Đức Giêsu đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa

Qua ánh mắt cảm thông, rơi lệ vì quả tim động lòng, xót xa khi nhìn thấy đám đông như đàn chiên không có người chăn dắt, khi thấy bà góa thành Na-im khóc thương con trai mình lìa đời, khi nhìn người thanh niên giàu có bị tiền bạc giam hãm, khi nhìn thấy Mat-ta Ma-ri-a và mọi người khóc thương La-gia-rô, khi nhìn về tương lai của thành thánh Giê-ru-sa-lem, khi nhìn thấy sự yếu đuối của thánh Phê-rô.

Qua lời nói thể hiện sự quan tâm tha thứ, thông cảm, chúc lành và ban bình an:

Họ không cần phải đi đâu,

Anh em cho họ được ăn đi nào!” (Mt 14, 16)

“Tội con đã được tha rồi,

Nào con hãy bước đi trong an bình!”(Lc 7, 48-50)

Hãy đi trong sự bình an,

Đức tin con đã chữa con lành rồi!”(Lc 8, 48)

“Xin Cha tha họ đi Cha,

Vì chưng họ chẳng biết việc mình làm! (Lc 23, 34)

 “Thật tôi bảo thật với anh, 

Hôm nay anh hưởng thiên đàng cùng tôi!”(Lc 23,43)

Anh em, hãy cứ an tâm!

Thầy đây, đừng sợ, bình an đi nào! (Mt 14, 28)

Hoặc qua dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót (Mt 18, 23-27), đặc biệt là ba dụ ngôn về lòng thương xót: Con chiên lạc, Đồng tiền thất lạc, Người cha nhân từ (Lc 15, 1-32).

Qua đôi tay cứu giúp, đỡ nâng, chữa lành, phục vụ, trao ban: Người đã cầm tay mà mẹ vợ ông Simon và đỡ bà này dậy, Người cầm lấy bánh tạ ơn và phân phát cho đám đông, Người lấy tay chạm vào mắt người mù, vào lưỡi người câm, vào tai người điếc để chữa lành, Ngài lấy tay đỡ em bé dạy và trao cho mẹ nó, Người cúi xuống lấy tay rửa chân cho các môn đệ, Người cầm lấy bánh đọc lời chúc tụng bẻ ra và trao ban.

Còn chúng ta, chúng ta sống theo luật nào?

Thông thường chúng ta sống theo triết lý nào, luật nào nếu không phải là lấy ân trả ân, lấy oán báo oán, cả ngay trong chính đời sống hôn nhân:

Tôi sẽ chơi đẹp với anh (em)

Nếu anh (em) chơi đẹp với tôi, đàng hoàng.

Còn anh (em) chơi xấu, xử tồi,

Thì tôi cũng sẽ xử tồi lại thôi.

Đó là luật đời, luật của Cựu ước. Xưa rồi. Còn bây giờ, chúng ta đang sống trong thời Tân ước, trong chế độ của Lòng thương xót, chúng ta đón nhận và cảm nghiệm lòng thương xót của Người trong cuộc đời mình nên chúng ta được mời gọi cư xử như sau:

Dù anh (em) cư xử ra sao

Tôi luôn chơi đẹp với anh (em) hết mình.

Tôi luôn đối xử hết tình,

Bởi anh (em) là thịt xương tôi kia mà!

Lòng thương xót là bảo chứng của tình yêu đích thực

Trong đời sống hôn nhân, ngoài những tố chất khác, tình yêu trước tiên và trên hết cần phải được làm bằng lòng thương xót, phải mang tên lòng thương xót để có thể tồn tại. Người ta thường đến với nhau khởi đầu bằng sự phải lòng và sự thu hút, nhưng đó chỉ là cái cửa, là lối vào chứ không phải là điểm đến. Thông thường, ai ai cũng phải đi qua cái cửa đó, vào lối đó nhưng ta cần phải băng qua đó chứ không dừng lại bởi nếu ta dừng lại ở đó, bám vào đó thì sự phải lòng có thể biến thành sự mất lòng, và sự thu hút có thể trở thành sự nhàm chán, Vả chăng, không ai đến nhà một người nào đó mà chỉ dừng lại ở cửa, trừ ra là một sự xã giao, hời hợt, nhưng phải vào bên trong nhà để gặp gỡ chuyện trò với người mình muốn gặp. Tình yêu cũng vậy, nếu nó chỉ dừng lại ở sự phải lòng và thu hút thì không thể tồn tại với thời gian, mà cần phải vượt qua và đạt đến sự cảm thông, đến với lòng thương xót.

Dựa vào lời tỏ tình I love you, người ta nói yêu một con người, và là một con người cụ thể mà trong đời sống hôn nhân người ấy chính là vợ/chồng của ta. Nhưng trong thực tế, phải chăng người ta không yêu một con người cho bằng yêu cái điều hấp dẫn, thu hút nơi con người đó, yêu cái khoái cảm, thich thú hay lợi ích mà người ấy mang đến cho mình? Chính vì thế mà với thời gian sống đời vợ chồng, người ta không còn nghe lời tỏ tình này nữa, mà thay vào đó người ta bảo: Sao ông/bà thay đổi quá vậy? hay Ông/bà không còn phải là người mà tôi biết, tôi yêu trước đây nữa, như thể hàm ý rằng ông/bà không còn mang đến cho tôi cái khoái cảm, thích thú như trước đây nữa. Hay nói trắng ra một cách phũ phàng là: Thật ra, tôi chưa bao giờ biết và yêu ông/bà

Vì chưng nếu điều người ta yêu là một con người cụ thể, thì lẽ ra người ta phải nói lời tỏ tình này thường hơn vì con người đó vẫn mãi là họ, hay nói đúng hơn là họ rõ hơn bao giờ hết khi hiện nguyên hình càng ngày càng rõ nét hơn trong đời sống hôn nhân.

Vậy liệu tình yêu có còn phải thật là tình yêu hay chỉ là một hình thức ích kỷ ngụy trang?

Chính vì thế, bảo chứng của tình yêu đích thực đó là sự cảm thông, là lòng thương xót, và mẫu gương đích thực của lòng thương xót là chính Thiên Chúa vì người ta không phải ta đẹp, ta hay ta giỏi mà vì ta là một tội nhân nhớp nhơ, phàm hèn.

Chính lòng thương xót là bằng chứng hùng hồn cho thấy tình yêu đích thật chẳng những phải vô vị lợi, vô điều kiện mà còn mang tính nhưng không, được làm nên bằng sự cảm thông, khoan dung, tha thứ và trao ban.

Chỉ có tình yêu như thế mới tồn tại, bền vững với thời gian không bao giờ phai tàn và mất đi.

Chính vì thế ta mới hiểu vì sao Thiên Chúa là Đấng hằng hữu, vì Ngài chính là Tình yêu và Tình yêu đó không bao giờ phai tàn, mất đi, nhưng tồn tại đến muôn đời.

Sống lòng thương xót cụ thể trong ơn gọi hôn nhân

Để thể hiện lòng thương xót một cách cụ thể trong đời sống hôn nhân, ta cần phải:

–  Quan tâm nhạy bén trước nhu cầu của vợ/ chồng, không phải chỉ nhu cầu vật chất thể lý mà còn là nhu cầu tinh thần, và thiêng liêng

– Đáp ứng những nhu cầu và mong đợi của họ với lòng nhân từ và quảng đại.

– Chấp nhận và đón nhận nhau như là hiện thân của Đức Giêsu nhập thể, dù bản thân người ấy có yếu đuối lầm lỗi, tội nhơ.

– Cảm thông với những yếu đuối, sa ngã của nhau với lòng khoan dung và rộng lượng.

Đó chính là thực hiện sứ mang cứu độ tìm và cứu những gì đã hư mất như Đức Giêsu nói và nêu gương.

 “Tôi đây đến gọi tội nhân

Ăn năn sám hối và quay trở về (Lc 5, 32)

Thông thương chúng ta chỉ tỏ lòng thương xót với người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, nhưng chúng ta quên một đối tương quan trọng đó là những người tội lỗi yếu đuối, vì đây chính là đối tượng chính yếu của lòng thương xót của Thiên Chúa và họ thuộc về số những người bé nhỏ mà Đức Giêsu đề cập trong Tin Mừng, họ là những người nghèo nhất, yếu đau nhất và bị bỏ rơi nhất, và chính vì thế là những người nhỏ bé nhất, đáng thương nhất xét về đàng tâm linh. Mà những người tội lỗi, yếu đuối đó không ở đâu xa mà ngay trong chính gia đình của mình, là vợ/ chồng của mình, mà mình có bổn phận thể hiện lòng bác ái trước tiên, và cũng là bổn phận mà Chúa sẽ phán xét trước tiên, vì chưng cùng chung xương thịt với mình.

Trong Nhật ký về Thông điệp Lòng Thương xót Chúa gửi đến cho thánh Faustina vào ngày 6/6/1937, chủ nhật đầu tiên có đoạn chép như sau:

“Hãy để những tội nhân ghê tởm nhất đặt niềm tin tưởng vào Lòng thương xót của Ta. Họ có quyền, trước những người khác, tin tưởng vào lòng thương xót mênh mông của Ta…Ta không thể phạt kẻ tội nhân ghê tởm nhất, nếu như kêu cầu lòng trắc ẩn của Ta, nhưng ngược lại, ta sẽ biện minh cho nó trong lòng thương xót khống thể dò thấu của Ta” (NK III, 1146).

Và vào ngày đầu tuần cửu nhật trước ngày lễ của Lòng thương xót có đoạn chép như sau:

“Hôm nay, con hãy mang đến cho Ta cả nhân loại, đặc biệt mọi tội nhân và hãy nhận chìm họ vào đại dương của Lòng thương xót của Ta. Bằng cách này, con sẽ an ủi Ta trong nổi đau khổ chua xót mà việc hư mất của những linh hồn nhận ta vào đó” (NK III, 1210).

Vào ngày 14/9/1937, có đoạn chép như sau:

“Hỡi thư ký của Ta, con hãy viết rằng ta quảng đại với những tội nhân hơn là với người công chính. Chính vì họ mà ta xuống trần; chính ví họ mà Máu của ta đã đổ ra. Hãy làm cho họ đừng sợ đến với Ta, vì họ cần đến Lòng thương xót của Ta nhất”.

Vì thế khi vợ/chồng chúng ta rơi vào loại này, thì chúng ta cần phải thể hiện lòng thương xót đặc biệt hơn hết, phải chăm sóc khẩn cấp và đặc biệt vì làm như thế là chúng ta đang thực sự làm chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa, chúng ta đang góp phần hiện thực hóa mục đích của chính Đức Giêsu:

“Vì Con Người đến thế gian

Để tìm và cứu những gì tiêu vong (Lc 19, 10).

 “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con quả tìm của Chúa để chúng con có thể yêu nhau bằng chính lòng thương xót của Chúa, xin ban cho chúng con ánh mắt của Chúa để chúng con có thể nhìn nhau với sự cảm thông, và bao dung, môi miệng của Chúa để chúng con có thể chia sẻ, ủi an và đôi tay của Chúa để chúng con có thể chia sẻ, đỡ nâng và đón nhận nhau với cả tấm lòng. Amen”.

“Phúc thay ai xót thương người,

Bởi chưng được Chúa dủ tình xót thương” (Mt 5, 7)

Gioakim Trương Đình Giai

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …