Home / Chia Sẻ / Sống Phúc âm hóa: Tôi có vô cảm

Sống Phúc âm hóa: Tôi có vô cảm

Tình cờ trên Facebook vừa qua, tôi đọc được một bài viết về căn bệnh vô cảm trong xã hội hôm nay, tác giả viết:

“Bệnh vô cảm” là căn bệnh tâm hồn của những người có trái tim lạnh giá, không xúc động, sống ích kỷ, lạnh lùng, cho sự an toàn của bản thân mình là trên hết. Họ thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa, hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình.

Nguyên nhân của bệnh vô cảm: Con người chạy theo đồng tiền, chạy theo vật chất mà quên đi giá trị của đời sống tinh thần. Coi đồng tiền cao hơn giá trị con người. Bệnh vô cảm không chỉ xuất hiện ở kẻ xấu mà còn là ở người tốt. Vì người tốt im lặng trước cái xấu, để cái xấu nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật…“.

Đó là nhận xét của con người trong xã hội hôm nay. Là người tín hữu chúng ta cùng soi rọi mình: Có chăng một thái độ vô cảm trong đời sống đạo? Mời các bạn mở Tin Mừng Thánh Luca (16, 19-31) thuật lại một bài giảng thuyết (?) của Đức Giêsu với những người Pharisiêu. Một dụ ngôn mà Người liên hệ đến Thánh Kinh về cuộc sống hôm nay và mai sau. Đề tài này luôn được người Do Thái đề cập và quan tâm. Chuyện về một nhà phú hộ với mọi sinh họat giàu sang phú quí, của ăn thừa thãi và một người nghèo khó La- Da-Rô, hằng ngày chờ chực trước cổng nhà người phú hộ để xin một chút cơm thừa, nhưng chẳng hề được người phú hộ để mắt đến. Khi chết, cả hai lại có cơ hội gặp lại nhau, nhưng trái khóay là người phú hộ từ dưới âm phủ ngửa mặt lên, nhìn thấy người nghèo khó đang hưởng hạnh phúc trong lòng Ông Abraham, tổ phụ. Ông ta cầu xin cho được một giọt nước từ người nghèo khó, nhưng đã trễ, vì ”Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được“ (Lc 16, 26). Ông Phú hộ kia mắc tội gì?

Báo chí ít tháng trước đây có loan tin một em bé bị tai nạn xe tại một thành phố bên Trung Quốc. Chuyện không có gì ầm ĩ nếu người lái xe, hay người qua lại trên đường đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nhưng sau tai nạn xảy ra, người lái xe bỏ đi, vì sợ? Nhưng những người đi đường nhìn thấy, cũng bỏ đi, không ai có một hành động nào cứu chữa. Phải đến khi một người nghèo khổ già yếu khác đi đến nhìn thấy, đã chạy vội đến vực đứa bé bị nạn và đưa vào bệnh viện. Có người khác đi đường đã thấy, ghi hình và tung lên mạng với chú thích: Con người hôm nay còn có lòng nhân ái? Đông đảo cư dân các trang mạng phẫn nộ với biết bao nỗi bất bình. Con người hôm nay sao có thể dửng dưng với nhau như vậy? Những người qua lại trên đường hẳn phải nhìn thấy, biết rõ sự việc, tại sao họ lại dễ dàng bỏ đi? Bỏ đi như thế vì sợ trễ giờ làm ở sở, ở công ty, xí nghiệp? Bỏ đi như thế vì có cuộc hẹn trước đã đến giờ? Bỏ đi vì nghĩ rằng trách nhiệm đó là của Cảnh sát giao thông, của đội trật tự phố phường, hay của nhân viên y tế gần đó? Bỏ đi cũng vì sợ trách nhiệm liên đới phải làm nhân chứng đi lên đi xuống nơi cơ quan công quyền? Bỏ đi cũng có thể là vì e mình không có tiền để thuê xe chở nạn nhân, hay trả chi phí thuốc thang cho bệnh viện? Bỏ đi có đủ mọi lý do để biện minh. Nhưng tất cả mọi lý do đó không ngoài lý do lớn nhất: sự vô cảm, sự dửng dưng của con người trong thời đại văn minh hôm nay.

Trở lại dụ ngôn trong Tin Mừng, Ông Phú hộ kia không hề làm hại người nghèo khổ. Ông ta không ghê tởm anh, không xua đuổi anh, không làm hại anh. Ông ta cũng không là tác nhân trực tiếp gây ra sự nghèo khổ cho người bất hạnh này. Nhưng điều đáng trách là ông không hề thấy, hay thấy mà không nhận ra anh đang sống, bên cạnh nhà ông, với một hoàn cảnh rất đáng thương. Ông không nhận ra anh túng bấn, bệnh tật, hay có biết, nhưng không thấy có gì liên quan đến ông. Ông không thấy người nghèo khó này làm gì hại ông, không đụng chạm gì đến quyền lợi của ông, nên ông cũng chẳng một chút gì để ý, để tâm đến. Chính thái độ bàng quan, vô cảm ấy mà ông đã phạm vào giới răn Chúa Truyền dạy: ”Hãy yêu mến tha nhân như chính mình“.

Thái độ vô cảm, dửng dưng trước những khổ đau của người khác cũng có trong tôi ít nhiều. Viện cớ là không làm hại ai, không chê trách ai, không đoán xét ai, tôi chẳng có gì mang tội. Tôi tự hào vẫn giữ luật Chúa yêu thương là không va chạm quyền lợi của người khác; không ghét bỏ thù hằn lẫn nhau, việc anh anh làm, việc tôi tôi xử, không ai làm phiền đến ai. Tôi cho rằng như thế là đã sống tốt. Với đời sống đạo, tôi cũng đạo đức như ai, vẫn sáng kinh, chiều lễ. Tham dự các nghi thức trang nghiêm, đầy đủ. Thậm chí khi cần đóng góp chút ít gì, tôi cũng sẵn sàng. Nhưng qua Tin mừng hôm nay, tôi nhận ra rằng, sống tốt một mình thôi chưa đủ. Không quan tâm đến nhau, không nhờ vả nhau, không giúp nhau cũng là có tội rồi. Tôi không thể chỉ lo phần rỗi của riêng mình, tôi không thể sống tốt một mình, không thể lên thiên đàng một mình khi còn bao người khác sống bên cạnh, tôi không nhận biết, không quan tâm. Sống như thế chắc rằng Chúa cũng không nhận biết tôi khi đến trước mặt Người.

Lạy Chúa, xin giúp con biết sống cùng, sống với anh chị em con ngay từ cuộc sống trần thế này, cùng giúp nhau nên trọn lành. Rồi ngày sau chúng con sẽ cùng họp mặt với nhau, cùng Chúa trên nước Người. AMEN.

Fx Đỗ Công Minh

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …