Home / Chia Sẻ / Sống Phúc Âm hóa: Quảng đại

Sống Phúc Âm hóa: Quảng đại

 

 

Theo tiếng Latin, “Liberality” (quảng đại), từ đó tiếng Anh ta có “liberty,” nghĩa là tự do (freedom). Quảng đại ngược nghĩa với tham lam, hà tiện. Trong tiếng Anh, “liberty” nghĩa là “tự do” (freedom), như thế, từ đây ta có thể suy diễn rằng, người quảng đại là người sống tự do đúng nghĩa vì họ không bị chi phối hay dính bén tới của cải quá mức.

Lòng quảng đại không được và không nên đo bằng số lượng mình bố thí hay trao tặng, nhưng là cách cho và thái độ cho. Cổ nhân dạy rằng, “Của cho không bằng cách cho” là như thế (theo Father Huynh Quảng).

Chuyện mới xảy ra gần đây giúp chúng ta hiểu thêm về Đức tính này:

Cách đây khoảng 5 năm, một linh mục tại giáo xứ St Rita ở Dallas (Texas) đã hiến quả “thận thánh” của mình để cứu một giáo dân, từng bị mất cả hai chân vì bệnh tiểu đường. Vị linh mục chánh xứ, Đức Ông Seitz, nay trở thành Giám Mục phụ tá cuả Dallas, vẫn hăng hái làm việc, và bà Carrie Gehling, người được tặng thận cũng vẫn khoẻ mạnh vui đời. Lý do thúc đẩy nghĩa cử hiến tặng một phần cơ thể của mình như vậy, theo lời Đức Ông Seitz hồi đó (nay là ĐGM), chỉ là một sự suy nghĩ đơn giản: “Tại sao không phải là tôi?”

Cũng đơn giản và giống như một trò đùa như vậy, tờ báo The Catholic Transcript của Tổng Giáo Phận Hartford kể lại rằng mới đây tại West Simsbury, tiểu bang Connecticut, Hoa Kỳ, một giáo dân đã nói với cha xứ ở cuối nhà thờ sau một Thánh Lễ rằng “Con sẽ cho cha trái thận cha đang cần” Và cha xứ mỉm cười trả lời, “OK”. Mà đó là một việc cực kỳ nghiêm túc, chẳng có chút đùa cợt tí nào. Tờ báo cho biết.

Cha Michael G. Whyte đến phục vụ tại Gx St. Catherine of Siena vào năm 2007 và đảm nhiệm trách vụ chánh xứ từ năm 2008. Ngài mắc bệnh tiểu đường cấp 1, bắt đầu cảm thấy mệt mỏi cùng cực và buồn nôn liên tục, dấu hiệu đã bị suy thận. Bác sĩ cho ngài biết: Không làm gì cả thì được về với Chuá trong vòng 6 tháng nữa mà thôi, đi chạy thận nhân tạo sẽ sống ngắc ngoải thêm 5 hay 6 năm nữa, hoặc ghép thận, nếu tìm được một người thích hợp, thì tuổi thọ tăng thêm lên 20-25 nữa.

Nhiều giáo dân đã đi thử để xem họ có hợp với ngài không, riêng bà Margaret Domashinski, một giáo dân cư ngụ ở bên kia ranh giới tiểu bang, tại West Suffield, Massachusetts, có linh cảm rằng bà là người được chọn.

“Tôi biết tôi sẽ hợp”, bà kể lại trong một cuộc phỏng vấn tại nhà xứ ngày 19 tháng 11 vừa qua. “Nói ra thì ai cũng cho là chuyện thần thoại, nhưng mà đó là sự thật. Tôi biết như thế”.

Được hỏi vì lý do nào, hay vì đức tính nào của cha xứ, mà bà thực hiện việc hiến tặng, bà Domashinski dừng lại, bối rối trước câu hỏi bất ngờ. “Ngài cần thay thận. Ngài cần một quả thận”, bà chỉ biết nói như thế.

Cha Whyte, ngồi bên cạnh và trông đã khoẻ mạnh chỉ 10 tuần sau khi giải phẫu, ngài cho biết khi bà Domashinski cho biết ý định như vậy khoảng một năm trước, Cha Whyte đã rất lấy làm ấn tượng bởi thái độ thực tế của bà. Bà ấy hứa cho thận “dễ như là cho đi một chiếc bánh rán”, ngài nói.

Chồng của bà, ông Michael, và ba cô con gái – lứa tuổi 17, 13 và 10  đã ủng hộ 100 phần trăm, bà Domashinski kể lại. Chúng thúc dục “Go, Mom!” (đi đi nào, mẹ ơi). Còn ông chồng thì nói “Go for it, kiddo!” (“Cứ làm đi, cưng”)

Đó là vào ngày 09 tháng 9 tại Bệnh viện Yale New Haven. Trước khi đi vào cuộc giải phẫu 3 giai đọan để lấy một quả thận ra, bà Domashinski nói với bác sĩ, “Nếu tôi phải chết, các bác sĩ sẽ cho cha ấy cả tụy tạng của tôi nữa nhé”.

Nhưng bà ấy và Cha Whyte đã qua được cuộc phẫu thuật bình an. Bà Domashinski cho biết vị bác sĩ của Cha Whyte, bác sĩ Peter Yoo, đã tới gặp bà trong phòng phục hồi và nói, “Oh, thận của bà bắt đầu làm việc ngay cả trước khi chúng tôi chưa khâu nó xong! Oh, quả là một quả thận phi thường!” (theo tinvuiviet.net).

Ngày hôm nay trong xã hội Việt Nam chúng ta đang sống, không ít người có lòng quảng đại. Một cựu Tu sĩ DonBosco, Thầy Nguyễn Quốc Phong. Trong một lần đi từ ngọai thành vào thành phố, không may ông tông vào một chiếc xe chở lồ ô, nứa dừng bên đường trong đêm mà không bật đèn báo hiệu. Ông bị thương nặng mù cả hai mắt. Chữa trị xong bệnh, ông không oán hờn cuộc đời hay nản chí. Ông theo học lớp học chữ nổi dành cho người mù. Sau đó ông sáng lập mái ấm Thiên Ân nuôi dạy trẻ em khiếm thị, cưu mang biết bao con người cùng cảnh ngộ như ông. Rồi biết bao hình ảnh như Cha Phêrô Nguyễn Văn Đông, Tổng đại diện Giáo phận Kon Tum, lập nghĩa trang đồng nhi, chăm lo cho người dân tộc có nước sạch, có quần áo, trẻ em, thiếu nữ có điều kiện học nghề, học chữ. Cha Giuse Hoàng Văn Hinh thuộc Huyện Cần Giờ mấy chục năm gắn bó với đồng bào nghèo vùng nước lợ, dạy chữ, dạy nghề, dạy người. Biết bao nữ tu sĩ miệt mài nơi vùng cao lo cho trẻ em biết cái chữ, biết giữ vệ sinh thân thể, nhà ở… Những Thầy Cô Giáo về hưu, mở lớp tình thương miễn phí cho trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

Người có lòng quảng đại không hẳn là những người có của ăn của để hay giàu có. Cha Cristophoro Borri trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, đã từng có nhận xét về người Việt Nam mình “Họ có tính quảng đại, hay bố thí cho người nghèo, họ có thói quen không bao giờ từ chối, không cho kẻ xin bố thí. Họ nghĩ là sẽ không làm đủ bổn phận nếu từ chối“. Tiếc rằng, đất nước càng hiện đại thì con người hôm nay hình như lại co cụm, thu mình, sống ích kỷ. Lòng quảng đại xem ra bị phai nhạt đi nhiều.

Lời Chúa trong Tin Mừng luôn nhắc nhở chúng ta hãy sống quảng đại. Gương bà góa nghèo trong Trong Tin mừng chỉ bỏ có hai đồng tiền kẽm (xu) vào hòm tiền nhưng được Đức Giêsu khen ngợi “Bà góa này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết… Bà rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để sống“ (Lc 21, 3-4).

Lạy Chúa Giêsu, Xin dạy con biết sống quảng đại. Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng. Biết cho đi mà không tính tóan. Biết chiến đấu mà không sợ thương tích. Biết làm việc mà không tìm an nghỉ. Biết hiến thân mà không mong chờ một phần thưởng nào khác hơn là biết mình hành động theo Thánh ý Chúa. Amen (Kinh quảng đại).

Fx Đỗ Công Minh

 

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN