Tôi có anh bạn thân lâu lâu có chuyện muốn tâm sự riêng là ghé nhà chở tôi đi uống cà phê. Một sáng chủ nhật cách đây không lâu anh dẫn tôi đến một quán cà phê vườn. Quán yên tĩnh, nhạc êm dịu, các tiếp viên lịch sự. Khung cảnh lý tưởng cho những ai muốn chuyện trò riêng tư.
Nhâm nhi ly cà phê sữa đá, anh bạn tôi kể: “Vừa rồi trong cơ quan em có thằng giám đốc ỷ thế con ông cháu cha đã trù dập nhiều nhân viên không làm theo ý nó, kể cả em…”. Thú thật lúc này tôi muốn tìm cách chuyển hướng đề tài bởi không thích nghe những câu chuyện đấu đá nội bộ vốn dĩ riêng tư của một tập thể không dinh dáng gì tới tôi. Nhưng vì theo phép lịch sự cũng là hiểu bạn tôi đang có ngụ ý gì đó nên tôi cố gắng nghe tiếp. Bạn tôi gọi cô nữ tiếp viên mượn cái hộp quẹt, châm điếu thuốc hít một hơi ngắn rồi rỉ rả kể tiếp: “Biết hắn có nhiều tội, em đã âm thầm theo dõi, thu thập các chứng cớ và đã viết cáo trạng gởi lên cấp trên chờ ngày xét xử. Thế rồi…”. Bạn tôi buông nhẹ hai chữ “thế rồi” như có vẻ thoải mái trong lòng lắm: “… có một đêm em nằm mơ nghe tiếng một người phụ nữ nói với em: ‘Tùng ơi! Hãy tha cho anh ta đi!’ Em tỉnh cơn mơ và mường tượng người mới nói là mẹ em hoặc chị em.’’’ Bạn tôi kể tiếp sáng hôm đó đi làm anh đã xin rút bản cáo trạng. Ông giám đốc cơ quan sau đó chỉ bị cách chức chứ không bị truy cứu về mặt hình sự. Nghe kể đến đó tôi nói đơn giản với bạn tôi: “Người nói với Tùng trong giấc mơ có thể là người mẹ của Tùng, có thể là người chị của Tùng, cũng có thể là Đức Mẹ Maria. Chúa đã mượn những người này để khuyên nhủ Tùng như thế.” Bạn tôi im lặng không nói gì thêm và chúng tôi chuyển sang đề tài khác.
Người bạn trai của tôi vốn dĩ bề ngoài khô khan đạo hạnh. Anh công tác thâm niên trong một cơ quan nhà nước. Dù thâm niên, chuyên môn cao, nhưng anh vẫn tại vị ở một chức vụ bình thường, bởi theo lời anh nói với tôi hơn 15 năm trước khi mới thân nhau rằng lúc nào anh cũng khai mình là Thiên Chúa Giáo mỗi lần làm hồ sơ lý lịch. Gác qua chuyện nghề nghiệp của anh, điều tôi muốn chia sẻ ở đây là tinh thần tha thứ của anh bạn tôi. Anh đã nghe lời khuyên qua một giấc mơ tha thứ cho một người đã ít nhiều làm hại anh. Tha thứ một cách cách thực lòng và cảm thấy an lòng sau lần tha thứ đó. Tranh chấp quyền lợi kinh tế, tranh chấp quyền thế địa vị cũng lắm lúc muu mô, hiểm ác. Nhưng bạn tôi đã biết kìm hãm bản thân và đã sống đúng lời Chúa dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng:Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em” (Phải yêu kẻ thù- Mt 6, 43-44).
Sống lời Chúa khó thật! Lời Chúa dạy hãy yêu thương tha nhân như yêu chính mình đã là khó thực thi. Huống hồ nếu như tha nhân đó là kẻ thù mình lại càng khó hơn. Thánh sử Luca còn ghi thêm lời Chúa Giêsu phán dạy: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Yêu thương kẻ thù-Lc 6, 27-28). Những lời Chúa dạy thật khó thực thi, thật khác lẽ thường tình. Nhưng khó không có nghĩa là không thể không thực thi được. Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng thấu suốt mọi sự. Ngài luôn trao ban cho chúng ta những thánh giá trong khả năng gánh vác của chúng ta và luôn hiện diện trợ lực giúp chúng ta. Hơn nữa thánh giá chúng ta vác càng nặng, công đức chúng ta tạo lập càng lớn, phần thưởng Chúa trao ban cho chúng ta đời này, đời sau càng bội hậu. Lời Chúa dạy khác lẽ thường tình mới đáng giá, trân trọng và cao quý vô cùng. “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có ân nghĩa gì đâu? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ… Trái lại anh em hãy yêu kẻ thù… Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác” (Yêu thương kẻ thù-Lc 6, 32-36).
Những ngày này tôi đang đọc tập sách có tựa đề Giới Luật Yêu Thương của Đức Cha GBt. Bùi Tuần. Tập sách có một chương đề cập đến vấn đề tha thứ, qua đó Đức Cha Bùi Tuần chia sẻ những lợi ích của sự tha thứ. Xin được trích dẫn một số câu: “ Ích lợi thứ nhất là thứ tha thì sẽ được tha thứ, được Chúa tha tội cho mình. Ai trong chúng ta dám cho mình sạch tội. Không nhiều thì ít chúng ta hết thảy đều là những người có tội. Và có tội là mắc tội với Chúa. Chỉ có Chúa mới tha cho ta được. Việc tha thứ đó, ta đã nhận được không biết bao nhiêu trăm ngàn lần rồi. Nếu ta được Chúa xử rộng rãi như thế, mà chính ta lại xử ngặt với người lỗi phạm tới ta, thì thử hỏi rằng ta có còn đáng Chúa tiếp tục xử rộng mãi với ta không?…
Ích lợi thứ hai của việc tha thứ là làm sự lành cho người gây khổ cho ta và cho những người chung quanh. Sự tha thứ của ta đem lại cho người gây khổ cho ta những gì? Trước hết là sự an ổn không phải lo sợ ta báo thù, chống phá, không phải lo đối phó với ta. Đời họ sẽ nhờ sự tha thứ của ta mà bớt được gánh nặng…
Ích lợi thứ ba là sự an ủi trong linh hồn của chính người tha thứ. An ủi vì được Chúa thứ tha tội lỗi. An ủi vì thấy mình làm được cái gì hay cho kẻ khác. An vui vì không phải bận tâm với những tư tưởng hận thù, những hoài niệm đối nghịch, những mơ ước hại người. Tính cách quảng đại và cao thượng của sự tha thứ làm cho tâm hồn ta mở rộng và thư thái. Tâm hồn sẽ không bị gò bó trói buộc vì những chuyện đen tối chật hẹp nhưng sẽ được tự do thong thả nhởn nhơ trong một cõi lòng trong sáng…”
Sống lời Chúa khó thật! Tha thứ cho kẻ hại ta không phải dễ. Tôi thán phục bạn tôi đã làm được điều đó. Bạn tôi bề ngoài khô khan đạo hạnh, không kinh kệ, lễ lạy hằng ngày, không tham gia hội đoàn này nọ. Nhưng bạn tôi đã sống lời Chúa bằng hành vi cao thượng, bằng tấm lòng quảng đại. Tôi cảm nghiệm thêm một điều: trong sự kiện này có sự can dự của Thiên Chúa. Bạn tôi thì còn mù mờ đức tin cho rằng đó là một nhân vật thứ ba vô hình. Còn tôi cảm nghiệm tin rằng chính Thiên Chúa đã soi sáng bạn tôi, xui giục bạn tôi mở lòng thương xót tha thứ cho người cấp trên mưu hiểm.
Trong bài giảng lễ sáng thứ Ba, mồng 01 tháng Ba vừa qua tại Nhà Nguyện Thánh Martha, Đức Thánh Cha Phannxicô nhắc nhở: “Ước gì Mùa Chay giúp chúng ta chuẩn bị cõi lòng để đón nhận sự thứ tha của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa, tha thứ thực lòng… Khi tha thứ chúng ta mở tâm hồn ra để lòng thương xót của Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta… Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết lỗi lầm của chúng ta.”
Bạn tôi trở thành một tấm gương cho tôi với câu chuyện điển hình bạn tôi kể. Và tôi thiết nghĩ câu chuyện này cũng đáng kể ra đây cho nhiều người cùng biết. Biết đâu câu chuyện này sẽ có một tác động nào đó với một ai đó về lòng tha thứ. Tha thứ thực tình, triệt để, không tính toan bao lần như lời Chúa Giêsu trả lời ông Phêrô: “Không phải tha bảy lần mà bảy mươi lần bảy.” Sống lời Chúa khó thật! Nhưng bạn tôi sống được thì với ơn Chúa giúp, tôi cũng có thể sống và thực hành lời Chúa như bạn tôi.
Gioan Long Vân, giáo xứ Nhân Hòa.