Trong kho tàng văn chương tu đức Ấn Giáo có chuyện kể như sau:
Ở một làng nọ, có vị đạo sĩ, Sadhu, tu thân lâu ngày, gần đạt đến bậc thánh nhân. Dân chúng ngưỡng mộ, quý mến nhà đạo sĩ, đến thỉnh ý, tầm thầy học đạo.
Một ngày kia, thấy vị đạo sĩ rách rưới, kẻ qua đường biếu nhà đạo sĩ manh vải che mình. Những lúc Sadhu ngồi thiền niệm, bầy chuột tưởng tượng gỗ, rúc vào tấm vải gặm nhấm. Tội nghiệp, có kẻ qua đường thấy thế, biếu Sadhu con mèo bắt chuột. Dân trong làng thương tình, thay nhau đem sữa nuôi con mèo. Rồi ngày nọ, có kẻ hành hương từ phương xa, nghe tiếng thơm nhân đức, đến viếng nhà đạo sĩ. Người đàn bà giàu có ấy tặng đạo sĩ Sadhu con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Để nuôi con bò, người ta làm cho nó cái chuồng. Từ dạo đó, con bò có chuồng, vị đạo sĩ không có nhà. Thấy thế không ổn, dân trong làng làm cho nhà đạo sĩ chiếc chòi lá.
Từ ngày ấy, nhà đạo sĩ không còn nhiều thời giờ tu niệm như xưa, bận rộn nuôi con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Nuôi con mèo để đuổi lũ chuột. Phải lo sửa sang căn nhà. Dân trong làng không muốn nhà đạo sĩ mất thời giờ săn sóc con bò, họ gởi một người đàn bà đến cắt cỏ nuôi con bò, săn sóc con mèo thay cho nhà đạo sĩ có giờ thiền tu.
Nhà đạo sĩ đã có tấm vải che thân, có con mèo đuổi chuột, có con bò cho sữa, có căn nhà để ở, có người đàn bà săn sóc cuộc đời mình. Chẳng bao lâu, nhà đạo sĩ không còn thời gian tĩnh mịch nữa, ông đầy đủ hết rồi.
Đâu là con đường tu đạo? Ông lấy người đàn bà làm vợ, thế là chấm dứt cuộc đời hạnh tu…
Sống đơn giản đưa Shadu vào đời sống tu hạnh. Mất đơn giản, ông mất lý tưởng. Trong Giáo Hội, tất cả các đại thánh đều có đời sống đơn giản. Không phải trong Giáo Hội Công Giáo mà thôi, tất cả thánh nhân trong tôn giáo khác cũng vậy. (x. Những trang nhật ký của một linh mục, Nguyễn Tầm Thường, SJ).
Bài đọc 1 hôm nay kể chuyện Êlisa quyết tâm theo Êlia để làm Ngôn sứ. Êlisa là nông dân, đang cày ruộng với 12 cặp bò. Nghe Thầy Êlia kêu gọi, Êlisa đã chẻ cày làm củi, giết bò làm lễ vật, thiêu đốt tất cả để dâng tiến Chúa, rồi lên đường theo Thầy. Ruộng đất, trâu bò, cày cuốc là tài sản của nông dân. Đốt cày cuốc, làm thịt trâu bò, có nghĩa là từ bỏ tài sản, là đoạn tuyệt với nghề nghiệp cũ. Đó là một lựa chọn dứt khoát. Ra đi không vướng bận, không luyến tiếc những gì đã có. Đó là thái độ dứt khoát và phó thác, vâng phục hoàn toàn.
Khác với thái độ của Êlisa, Tin Mừng hôm nay thuật chuyện ba người muốn theo Chúa Giêsu, xin được làm môn đệ. Chúa đòi hỏi họ phải dứt khoát trong chọn lựa.
– Người thứ nhất hăng hái xin theo Chúa đi bất cứ nơi đâu.
Chúa Giêsu không giấu anh hoàn cảnh bấp bênh của mình. Ngài sống cuộc đời phiêu bạt, không mái nhà để trú, lúc nào cũng ở trong tư thế lên đường. Chấp nhận theo Ngài là chịu bỏ mọi an toàn, không ổn định, là sống thân phận lữ khách trên mặt đất (x.1Pr 2,11). Theo Ngài là theo Đấng có chỗ tựa đầu. Chỗ tựa đầu tiên là máng cỏ. Chỗ tựa đầu cuối là thập giá.
– Người thứ hai chấp nhận theo Chúa với điều kiện cho anh về chôn cất người cha mới qua đời trước đã. Anh muốn chu toàn bổn phận thiêng liêng của người con. Chúa Giêsu coi trọng việc hiếu kính mẹ cha (x. Mt 15,3-9), nhưng Ngài đòi anh dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
– Người thứ ba xin về từ giã gia đình trước đã.
Chúa Giêsu đòi anh ta dứt khoát thẳng tiến như người cầm cày, không quay lại với những kỷ niệm quá khứ, không bị cản trở bởi những ràng buộc gia đình, để tận tâm tận lực lo cho Nước Thiên Chúa.
Ba người muốn xin đi theo để làm môn đệ của Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ không dứt khoát chọn lựa như Êlisa, họ vẫn còn đắn đo kỹ lưỡng, chần chừ vì những lý do xác thịt và bịn rịn gia đình. Chúa Giêsu trả lời cho cả ba trường hợp là “hãy theo Ta” và đặt giá trị thiêng liêng lên trên mọi của cải vật chất. Theo Chúa lên Giêrusalem là đánh đổi cuộc đời quá khứ để lấy một tương lai mới, tuy vô định, đầy gian nan, bất trắc nhưng tươi sáng và chân thật hơn. Ba trường hợp khác nhau, nhưng đều chung một lời mời gọi từ Chúa Giêsu. Ba lời đối thoại trên cũng là ba đòi hỏi hướng đến điều răn thứ nhất: “Phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22, 37).
Theo Chúa phải can đảm, phải chọn lựa và ưu tiên tìm kiếm và loan báo về Nước Thiên Chúa trước, còn mọi chuyện khác, Chúa sẽ lo cho sau. Con đường đi tìm Chúa là con đường con đường của từ bỏ… Tuy nhiên, muốn đạt được hạnh phúc thật thì phải lựa chọn trong tinh thần dứt khoát.
Nếu cuộc đời con người là một chuỗi những chọn lựa, thì chính những chọn lựa ấy sẽ dệt nên cuộc đời riêng của mỗi người. Nếu cuộc đời người Kitô hữu là một chọn lựa dứt khoát cho việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa, thì đó chính là một chuỗi những lời đáp trả tiếng Chúa vang lên từng phút giây trong cuộc sống.
Nhìn lại những chọn lựa hằng ngày, chúng ta chợt giật mình, vì thấy chúng ta thường hay chọn mình: sở thích của mình, tự do của mình, hạnh phúc của mình, gia đình của mình… Chúng ta chọn tất cả những gì ít nhiều dính dáng đến bản thân. Nhưng Đức Giêsu lại dạy: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Ơn gọi của Êlisa đến trong lúc ông đang cày ruộng, đang làm những công việc hàng ngày. Ơn gọi của Phêrô xảy đến khi ông đang thả lưới, của Môsê khi ông đang chăn chiên, của Mathêu khi ông đang ngồi bàn thu thuế… Ơn gọi tiêu biểu của mỗi cá nhân là ở trong bổn phận hàng ngày. Sống ơn gọi của mình là biết chọn lựa và ưu tiên. Đó cũng là lời mời gọi, hãy đơn giản hoá cuộc sống.
Cuộc sống thật đơn giản vì nó vốn rất đơn giản. Khi còn nhỏ thì đơn giản, lớn lên trở nên phức tạp. Khi nghèo khó thì đơn giản, lúc giàu có trở nên phức tạp. Khi thất thế thì đơn giản, lúc có địa vị thì trở nên phức tạp. Tự nhận bản thân đơn giản, đánh giá người khác phức tạp. Thật ra, thế giới này rất đơn gỉan chỉ có lòng người là phức tạp. Mà suy cho cùng thì lòng người cũng đơn giản, chỉ vì có lợi ích chi phối nên con người mới trở nên phức tạp. Đời người, đơn giản thì vui vẻ. Nhưng người vui vẻ được mấy người. Đời người, phức tạp thì phiền não. Nhưng người phiền não thì quá nhiều. Trong cuộc đời mỗi người đều không thể tránh khỏi những lúc buồn phiền, lo lắng thậm chí là đau khổ. Người vui vẻ không phải là người không có buồn phiền, mà là người không để cho những nỗi buồn và niềm đau ấy khống chế” (St). Để sống bình an vui vẻ hạnh phúc, chúng ta chỉ cần sống đơn giản. Chúa Giêsu là người thích sống đơn giản và bình thường. Suốt ba năm rao giảng, Ngài mặc những chiếc áo, mang những đôi dép giản dị. Ngài không nghĩ mình là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình trở nên như tôi tớ rửa chân cho các môn đệ, để đến với người nghèo, bệnh nhân và tội nhân. Chúa Giêsu thích sự đơn sơ và bé nhỏ giữa đời thường. Bởi vậy, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời ” (Mt 18,4). Chúa Giêsu đã gieo vào lòng thế giới giá trị của yêu thương và phục vụ trong đơn giản âm thầm.
Đơn sơ là một đức tính quý báu trong linh đạo “thơ ấu thiêng liêng” của thánh Têrêxa Hài Đồng. Sống đơn sơ và giản dị. Đối với những tâm hồn đơn sơ, không cần có những phương thế phức tạp. Nếp sống của Têrêxa luôn trong sáng, thành thực và tự nhiên. Con đường thơ ấu thiêng liêng là sống cuộc sống đơn sơ, yêu mến Chúa, hướng tới trọn lành. Sống đơn giản mới có được tinh thần thanh thoát và nhẹ nhàng, chúng ta mới nhạy bén để sống theo hướng dẫn của Thần Khí chứ không theo xác thịt, vì “anh em được gọi để hưởng tự do.”
Lm Giuse Nguyễn Hữu An